Chuyện thú vị về “Người rừng” có khả năng đặc biệt

Thứ Hai, 08/09/2014, 08:00

Cuộc sống đang bình yên, gã bỏ nhà biệt tích vào rừng sâu, gã sống như một người tự kỷ. Sống cuộc sống hoang dã, ăn quả dại, ngủ hang sâu, chơi với rắn độc. Và, chỉ khi cả gia đình dòng họ mời thầy cúng, thịt lợn khấn vái gã, mới chịu trở về bản. Điều đặc biệt hơn khi trở về bản hắn có rất nhiều khả năng đặc biệt: Chữa được tivi, xe máy (mặc dù chưa từng được học), có thể ăn nhai bóng điện ngấu nghiến, tay trần tiếp xúc với điện mà vẫn bình yên vô sự. Câu chuyện về Đinh Công Tuân (Phú Vinh, Tân Lạc, Hòa Bình) cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn và đầy thú vị.

Bỏ nhà vào rừng chơi với rắn

Ngày còn ở nhà, Tuân nổi tiếng bởi cái tính "dở hơi" chẳng giống ai, khi thì gầm lên, chửi bới, nói lảm nhảm. Chính vì vậy, gia đình dựng cho hắn một ngôi nhà đất (ở riêng) cạnh chỗ bố mẹ ở.  Giờ trở về bản, hắn lại nổi như cồn với khả năng đặc biệt của mình. Hắn có thể chữa bất kỳ loại tivi, máy lạnh, xe máy nào bị hỏng mà chẳng cần học lấy một ngày, thực chất "một chữ bẻ đôi" không biết, có lẽ vì bố mẹ nghèo lại mang trong mình cái tính "ẩm ương". Đang dò tìm đường đến nhà gã đàn ông "đặc biệt" này thì chúng tôi được người dân cảnh báo: "Phải lựa lời, khéo léo hắn mới chịu gặp, nhất là người lạ. Bằng không hắn có thể chửi bới, có khi còn đánh cho". Phải chờ đợi đến cả tiếng đồng hồ mới gặp được Tuân, bởi hắn đã đưa khách ra chợ huyện chơi.

Chẳng ai nhớ cụ thể Tuân sinh năm bao nhiêu, chỉ biết giờ đã ngoài 30 tuổi. Từ nhỏ không được đi học, đến bố mẹ, anh chị em cũng chẳng nhớ cụ thể Tuân đã “băm” mấy. Tuân sống một mình ở ngôi nhà bố mẹ dựng tạm cho. Nhà của hắn cơ man nào là đồ đạc, nào dây điện, nào ốc vít, linh kiện sửa chữa rồi cả cái giường ngủ chăn màn xộc xệch. Cũng dễ hiểu tại sao chẳng người con gái nào đủ can đảm đến với hắn. Hôm nay Tuân mát tính đến kỳ lạ, hắn cởi mở, cười nói rất nhã nhặn, lịch sự với chúng tôi như thể rất khôn ngoan.

Do tính khí bất thường Tuân được bố mẹ dựng riêng cho một căn nhà.

Tuân bắt đầu nhớ lại cái dạo tự dưng anh mò vào rừng sống một mình rồi trở về với khả năng kỳ diệu. Năm 2004, ở cái tuổi trưởng thành, khỏe mạnh, Tuân chẳng biết làm gì ngoài việc lang thang khắp thôn bản, gặp ai chửi người đó. Thế rồi "ma xui quỷ khiến" thế nào Tuân bỏ nhà vào rừng sống hoang dã. Thấy Tuân mất tích, cả nhà, cả họ hoang mang đi tìm khắp nơi nhưng vô vọng. Khoảng 3 tuần lặn lội, người nhà mới phát hiện hắn sống tại một hang sâu cách nhà cả chục kilômét. Bố mẹ, anh chị em lần lượt vào hang khuyên bảo, nịnh nọt Tuân trở lại bản nhưng hắn đều bỏ ngoài tai. Sau nhiều lần như vậy, gia đình cũng đành để mặc anh sống đói, rét với muông thú. Càng nói chuyện với chúng tôi, Tuân càng tỏ ra tỉnh táo và thích thú khi nhớ lại cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc của mình.

Tuân kể: "Sống ở trong rừng sướng lắm, mát mẻ, lại không bị người ta trêu chọc. Tôi sống ở đó thấy người khỏe mạnh ra nhiều, chắc là vì không khí trong lành". Vốn là người nhanh nhẹn, khỏe mạnh, Tuân sớm thích nghi với cuộc sống hoang dã. Khi hỏi anh ăn gì nơi rừng sâu đó, Tuân cười khểnh: "Có gì ăn nấy, con thú, con chim nó sống được là mình sống được. Nước trong khe, quả trên cây cứ thế lấy mà dùng, không chết được đâu".

Tuân thú thực, đã nhiều lần có ý định về nhà vì nhớ gia đình, nhưng cứ về gần đến bản lại như có ai đó níu chân trở lại. Anh lại quay đầu về núi, trở lại cuộc sống lang thang khắp chốn rừng già chơi cùng muông thú. Kỳ lạ, thú vui duy nhất của Tuân khi ở rừng là chơi với rắn độc. Tuân không chỉ được người ta biết đến với cái tính "dở hơi", mà còn có khả năng bắt rắn cực giỏi. Nếu không may bị rắn độc cắn, Tuân có thể tự chữa bằng lá cây.

Từ khi trở về nhà Tuân có rất nhiều khả năng đặc biệt.

Tuân kể: "Ai ở đây cũng công nhận tôi bắt rắn giỏi, kỹ thuật thì ai cũng công nhận bởi mỗi lần đi bắt, tôi bắt cả chục con các loại, trong đó có cả hổ mang chúa". Chẳng hiểu vì cơ duyên gì, cứ mỗi lần nhớ mẹ, nhớ gia đình, Tuân lại lần mò các hốc đá, bìa rừng tìm rắn. Bắt được rắn, Tuân không giết thịt mà về hang sâu chơi cùng chúng. "Không có rắn để chơi tôi buồn lắm. Cuồng chân tay, chẳng biết làm gì nữa! Được chơi với rắn, tôi chẳng còn biết buồn, biết nhớ gì nữa" - Tuân tâm sự.

Ông Đinh Công Thắng, người cùng bản kể, cứ mỗi lần các em trai của Tuân vào rừng tìm kiếm đều không gặp. Bởi Tuân đã biết và lẩn trốn đi chỗ khác. Vì quá lo lắng cho Tuân, gia đình và dòng họ quyết định họp và đưa ra phương án sẽ mời thầy cúng. Thầy cúng phán rằng, Tuân bị con ma rừng lôi kéo, ám nên không thể về nhà được. Thầy cúng hứa sẽ làm lễ "giải cứu" Tuân khỏi sự kìm kẹp của ma rừng. Sau nhiều giờ cúng lễ, chẳng phải mời gọi, Tuân tự giác trở về nhà. Ai cũng rơi nước mắt vui mừng vì Tuân đã trở lại.

Điều lạ là khi Tuân trở về, anh tự ti, ít nói hơn, nhiều lúc hoảng loạn khi tiếp xúc với người lạ. Có khi cả ngày không nói một lời, khi lại phá lên cười sằng sặc. Điều kỳ diệu mà không ai có thể giải thích được là khi Tuân trở về, anh có quá nhiều khả năng đặc biệt. Anh có thể cho điện dẫn qua người, ăn bóng đèn, tự sửa chữa được đồ điện dân dụng, sửa được xe máy, tự lắp ráp, chế ra các đồ điện dân dụng…

Trở thành người đặc biệt từ khi trở về nhà

Bố mẹ Tuân nhìn thấy đứa con khờ khạo ngày ngày cặm cụi sửa chữa đồ điện, rồi chữa cả xe máy mà vui phát khóc. Ông bà chẳng thể hiểu từ khi anh "hạ sơn" khả năng này từ đâu mà có. Bởi, ngay từ nhỏ Tuân chẳng được học hành vì gia đình quá nghèo, lại đông anh em. Rồi đến cả tên của mình, Tuân còn chưa biết viết.

Bây giờ ngôi nhà tạm, xây bằng đất tuềnh toàng lại rất nhiều người ra vào. Họ đến nhờ Tuân sửa tivi, sửa loa đài, rồi cả xe đạp, xe máy. Vừa cặm cụi chọc ngoáy chiếc tivi hỏng, Tuân nói: "Anh chị cứ chờ ở đó. Tôi bận lắm, bao nhiêu người chờ kia kìa". Không chỉ có khả năng chữa đồ điện, Tuân còn được biết đến có khả năng dẫn điện qua người.

Để tận mắt chứng kiến khả năng này, tôi định đến gần thử thì bị người nhà giật lại: "Chú Tuân đang sửa điện, mà điện thì dẫn qua người chú ấy nên các anh đừng sán vào gần làm gì, nó giật cho lại toi". Dứt lời, người phụ nữ này nói tiếp: "Tuân có thể cầm dây điện đang có điện cho vào miệng mà không sao. Có lần anh ấy cầm bóng đèn điện đặt lên người thế là bóng đèn phát sáng. Bao nhiêu người chứng kiến hôm đó, từ đấy mọi người mới tin đó là sự thực. Nếu như lúc Tuân đang cầm vào điện, mình sờ vào người chắc chắn sẽ bị giật té ngửa ra".

Thấy câu chuyện của chúng tôi về mình rôm rả, Tuân tạm dừng công việc, chìa tay về phía chúng tôi với chiếc bóng điện 60V sáng trưng trên tay. Tuân cười sằng sặc: "Đừng sợ, bóng này còn nhẹ mà. Tôi còn nuốt được cả cái bóng này vào trong bụng cơ mà". Chúng tôi tỏ thái độ không tin, Tuân đưa luôn bóng vào miệng định nuốt thì bị người nhà cản lại. "Nó nuốt được thật đấy, nhiều lần nuốt lắm rồi".

Sở thích của “người rừng” là chơi với rắn.

Sau vài phút tham gia vào câu chuyện của chúng tôi, Tuân lại cặm cụi với công việc của mình. Hắn vẫn cần mẫn nối dây điện bằng tay trần. Như để thể hiện mình có "tài" thực sự, Tuân lôi cái đầu đĩa của một khách hàng trong thôn ra, bật lên cho chúng tôi xem, chủ nhân của chiếc đầu đĩa mừng ra mặt rồi cảm ơn rồi mang đồ về.  Chị Hoa giữ vẻ mặt lo lắng: "Chờ cả tiếng đồng hồ rồi mà anh Tuân chưa sửa cho quạt. Trời thì nóng quá, nhà có mỗi cái quạt".

Xong xuôi, Tuân bắt đầu bắt bệnh cho quạt của chị Hoa, chỉ trong chốc lát chiếc quạt đã lại chạy vù vù. "Tuân rất đam mê cái nghề này, có khi người ta gọi đến nhà sửa cũng phi xe đến. Nhiều lúc còn không lấy tiền công, mời ở lại ăn cơm nhất định không ở. Đi đâu thì đi cũng chỉ có về nhà ăn cơm 1 mình thôi" - Chị Hoa chia sẻ.

Không chỉ có khả năng chữa đồ điện, cơ thể dẫn điện Tuân còn có khả năng lắp ráp, chế ra các đồ như: đầu đĩa, loa, ổ điện… sản phẩm của anh được nhiều người đánh giá rất tốt dù mẫu mã không được bắt mắt. Chúng tôi có hỏi, sao không mở hẳn cửa hàng to đẹp, máy móc tử tế để làm thì Tuân cười như được mùa: "Tiền đâu mà mở, thôi cứ làm như vậy cũng được. Ai tin thì nhờ làm, ngoài ra anh còn trồng mía, trồng ngô. Việc trước mắt là tiết kiệm tiền lấy vợ chứ".

Câu chuyện bỏ lên rừng của "người rừng" Đinh Công Tuân được người ta đốn đoán rằng do con ma rừng xui khiến, người thì nói do thần kinh không bình thường. Thế nhưng, câu chuyện sau này khi anh trở về với những khả năng đặc biệt vẫn còn là một điều bí ẩn thú vị ở bản nghèo miền núi nơi đây. Chỉ biết rằng, Tuân đã trở lại cuộc sống bình thường, anh đang là người sống có ích với bản làng, hằng ngày vẫn lao động cần mẫn để thay đổi chính cuộc đời mình.n

Trao đổi với ông Đinh Công Thân, Trưởng Công an xã Phú Vinh, Tân Lạc, Hoà Bình: Đúng là trước đây anh Tuân có thời gian bỏ lên rừng sống, sau khi được gia đình động viên anh Tuân đã trở về nhà. Việc anh Tuân có khả năng dẫn điện là có thật, còn khả năng sửa chữa đồ điện tử là do anh ấy tìm tòi, tự học hỏi. Trước đây anh Tuân thần kinh không ổn định, nhưng không làm mất trật tự an ninh của địa phương. Chính quyền xã đã làm hồ sơ đề xuất làm chính sách cho anh ấy

Quang Anh
.
.
.