Chuyện tình "búp bê"

Thứ Năm, 10/12/2015, 10:22
Ở thôn quê, người ta vẫn còn cái nhìn xoi mói, lạ lẫm đối với người lùn, đôi khi là sự kỳ thị cay đắng. Đào hiểu được điều đó, cô rời quê hương để bỏ chạy định kiến, trốn tránh "tội lỗi" do tạo hóa gây ra. Lần trở về này, Đào đã chuẩn bị tâm lý vững vàng, vì đã có Lượng bên cạnh. Chỉ cần thuyết phục cha mẹ đồng ý thì chẳng có rào cản nào ngăn nổi con đường đi tìm hạnh phúc của Đào.

1.Nguyễn Văn Lượng (SN 1991) trong một gia đình có 5 anh chị em tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Lượng là một trong ba người con bị mắc chứng bệnh lùn từ trong bụng mẹ. Ngỡ là bị nhiễm chất độc da cam, nhưng đi khám thì bác sĩ kết luận cả ba người con đều bị bệnh về tuyến yên (xảy ra do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn hormon tăng trưởng (GH) dẫn đến hậu quả là chiều cao khung xương và chiều cao các cơ quan khác không phát triển).

Cha Lượng mất sớm, để lại 5 đứa con cho mẹ nuôi. Người mẹ cũng chỉ cố gắng lo miếng ăn cho đàn con chứ không lo được chuyện học hành. Lượng ra đời, phiêu bạt lên thành phố từ năm 10 tuổi. Thân hình nhỏ bé, Lượng đi xin việc ở đâu người ta cũng lắc đầu. Cuối cùng, anh được một người bạn cùng quê bảo lãnh vào làm phục vụ tại một quán ăn ở Bến xe miền Tây. Cảnh bát nháo ở bến xe, sự cạnh tranh khốc liệt của các quán ăn khiến các ông bà chủ không ngừng gia tăng bóc lột sức lao động của nhân viên. Lượng đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không chịu nổi sự cực nhọc của công việc cùng những hằn học, quát mắng của chủ, anh phải xin nghỉ sau hai tháng.

Niềm hạnh phúc của Lượng và Đào trong ngày cưới.

 Mưu sinh ở chợ trời, cần phải nanh nọc, chua chát và liều lĩnh mới mong tồn tại, Lượng vốn là trai nông thôn quê mùa, không được học hành, cũng không khôn lanh lõi đời như người ta nên cậu không thể tồn tại. Lượng quay trở về quê, lông nhông không có việc làm, Lượng lại đi. Lần ra đi này Lượng xác định phải làm một việc gì đó ổn định và vừa sức, vé số là nghề phù hợp nhất đối với Lượng.

Những ngày lang bạt thành phố, Lượng gặp được một cô gái Sài Gòn chính hiệu. Cô sinh ra trong một gia đình khá giả, nhà làm nghề buôn bán. So sánh nhan sắc, hoàn cảnh giữa cô và Lượng như trời với biển. Nhưng không hiểu vì sao, cô ta yêu Lượng say đắm và dẫn Lượng về nhà ra mắt cha mẹ. Lượng vô cùng ngạc nhiên khi gia đình người yêu không hề phản đối, mẹ cô gái rất quý Lượng. Lượng tự hỏi: "Tại sao họ lại yêu mình? Tại sao họ chấp nhận một người lùn?".

Sau một thời gian qua lại, Lượng càng cảm thấy khoảng cách về vị trí xã hội và kinh tế giữa hai bên quá xa nhau. Cậu quyết định chia tay trong sự tiếc nuối và hụt hẫng vô bờ của người yêu. Lượng trải lòng: "Gia đình người yêu thương tôi thật thà, chăm chỉ, yêu con gái họ chân thành, không vụ lợi. Đã có lúc tôi nghĩ sẽ dẫn mẹ lên thăm hỏi và tính chuyện lâu dài. Nhưng cứ nghĩ đến mái nhà rách của mình ở quê lại thấy chạnh lòng, không đủ can đảm làm điều đó. Cuối cùng tôi đã không vượt qua được mặc cảm hoàn cảnh và tôi tự rút lui". Tình đầu tan vỡ, Lượng hẫng hụt trước cuộc đời, cảm giác chơi vơi, lẻ loi và cô độc.

Một chiều đạp xe qua cầu vượt An Sương (quận12, TP. Hồ Chí Minh), thoáng thấy bóng nón trắng thấp tủn ngủn, đang sải những bước chân vội vã trốn nắng, Lượng cố rướn người đuổi theo, buông một câu đầy thân thiện: "Có mệt lắm không, lên đây tôi đèo"? Đào sợ sệt trước một người con trai xởi lởi, đã lắc đầu bỏ đi. Nhưng khi quay lại nhìn kỹ, hóa ra cậu ấy là người lùn, cùng cảnh ngộ với mình. Những giây phút ấy, Đào bắt đầu thở phào nhẹ nhõm. Cô nghĩ bụng: "Người lùn chắc không hại người lùn đâu". Sự lừa lọc, gian dối ở nơi mà người xấu, người tốt nhộm nhoạm, khó lường luôn khiến Đào cảnh giác cao độ. Nhưng tự nhiên lần này, cô thấy an lòng khi được Lượng hỏi thăm. Gặp nhau chớp nhoáng, Lượng chỉ kịp xin được số điện thoại của Đào.

Đào vào bếp nấu ăn.

2. Nguyễn Thị Thu Đào (SN 1992) may mắn hơn Lượng vì gia đình chỉ có một mình mắc phải căn bệnh lùn do tuyến yên không phát triển. Cả gia đình yêu thương và dành cho Đào những ưu ái tốt nhất. Đào được cha mẹ cho học hành từ nhỏ, cô vươn lên tới lớp 12 nhưng không thể vượt qua kỳ thi tú tài. Sau cú sốc rớt tốt nghiệp, bao nhiêu dự tính về tương lai của Đào bị tan chảy. Cha mẹ động viên Đào ôn thi lại nhưng Đào không muốn, cô nhốt mình ở nhà suốt một năm trời. Khi thấy mình không thể sống trong cảnh thừa thãi, tẻ nhạt ở xó nhà mãi, Đào đã quyết định thoát ly. Cha mẹ và ba anh trai rớt nước mắt nhìn Đào bước lên chiếc xe khách chạy từ Bình Định vào TP. Hồ Chí Minh. Đào ra đi, mang theo lời thề sẽ sống tốt, sống khỏe, sống bằng nghị lực từ chính đôi chân của mình.

Đào xin vào làm công nhân cho một công ty tư nhân. Được năm tháng, cô tự đào thải mình bởi những hà khắc và luật lao động vô cùng khắc nghiệt của người chủ. Hết tiền, hết tất cả, Đào như con đò bị đứt dây neo, cứ trôi bập bềnh vô định. Đào không thể làm gì hơn với thân hình như một đứa trẻ. Cuối cùng, cô cũng chọn nghề vé số, cái nghề duy nhất không kén chọn bất cứ số phận nào. Rụt rè, lạ lẫm, mặc cảm với hình hài nên ngày đầu đi bán vé số, Đào chỉ đủ tiền mua hộp cơm. Cha mẹ ở quê lo lắng liên tục gọi điện thúc giục Đào về. Nhưng lời thề ngày ra đi, đối với Đào nó luôn là mệnh lệnh của trái tim, không cho phép phá bỏ.

Từ ngày gặp Lượng, nghị lực sống của Lượng đã lan tỏa và tiếp sức cho Đào. Cô không còn mặc cảm nữa, dám sống, dám làm và dám yêu. Lần đầu tiên Đào nhận được những tin nhắn thăm hỏi của một người con trai, lần đầu tiên cô rung lên những cảm xúc thật khó diễn tả. Từ đó, Lượng và Đào thường hẹn hò nhau sau mỗi ngày bán hết vé số. Đoạn đường đêm từ quận 3 về quận 12 không còn thăm thẳm nữa, Lượng luôn sát cánh cùng Đào, che chở cho cô trong mọi hoàn cảnh.

Tình yêu đơm hoa cũng là lúc cả hai gặp phải sự phản đối từ gia đình. Cha mẹ Đào không đồng ý để con gái yêu người đàn ông cùng số phận, còn gia đình Lượng cũng không muốn nhận một người con dâu sau này sẽ trở thành gánh nặng cho chồng. Lòng Đào tan vỡ, nghĩ đến cảnh chia ly càng khiến cô suy sụp. Lượng thì dạn dày và từng trải hơn, anh vẫn quyết định theo đuổi tình yêu, bất chấp sự ngăn cản gay gắt từ gia đình Đào. Lượng dẫn Đào về quê Đồng Tháp, ra mắt họ hàng. Người ta nhìn Đào bằng con mắt thương cảm nhiều hơn là oán trách, bởi nhà Lượng cũng có ba người lùn. Mẹ Lượng không nói gì, bà lẳng lặng lau nước mắt. Trước kia bà phản đối vì nghĩ đến tương lai con trẻ, những bất trắc trong cuộc sống của người lùn và những đứa con được sinh ra sau này.

Lượng và Đào quay trở về thành phố, tiếp tục cuộc mưu sinh bầm dập trên những nẻo đường về đêm. Lượng sắm được chiếc xe đạp, còn Đào vẫn miệt mài đi bộ. Ba năm ở thành phố, Đào đi mòn các con đường, đi đến nỗi đôi chân tê cứng, sống lưng nhức buốt, có dấu hiệu của bệnh thoái hóa. Bù lại những nhọc nhằn, đêm về, Lượng và Đào tâm sự với nhau qua tin nhắn điện thoại. Lượng muốn "góp gạo thổi cơm chung" với Đào, muốn yêu thương Đào bằng hành động cụ thể. Nhưng gia đình Đào không đồng ý, cả hai đã nhẫn nại thuyết phục ròng rã hơn một năm trời. 

Đào dẫn Lượng về, cả làng kéo đến xem chàng rể "búp bê" chật nhà. Ở thôn quê, người ta vẫn còn cái nhìn xoi mói, lạ lẫm đối với người lùn, đôi khi là sự kỳ thị đầy cay đắng. Đào hiểu được điều đó, cô phải rời quê hương để bỏ chạy định kiến, trốn tránh "tội lỗi" do tạo hóa gây ra. Lần trở về này, Đào đã chuẩn bị tâm lý vững vàng, vì đã có Lượng bên cạnh. Chỉ cần thuyết phục cha mẹ đồng ý thì chẳng có rào cản nào ngăn nổi con đường đi tìm hạnh phúc của Đào. Thương con, gia đình Đào đã mở lòng tiếp nhận chàng rể "búp bê" trong một trạng thái hoang mang, thấp thỏm.

Từ ngày cưới, Lượng thường chở Đào đi bán vé số.

Cả hai gia đình đều khó khăn, không thể lo một cái đám cưới tươm tất, Đào và Lượng vẫn nhà ai nấy thuê, cơm ai nấy ăn. Lượng sinh hoạt trong Trung tâm thể thao Tân Bình, tình cờ biết được hội từ thiện nghề nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch tổ chức lễ cưới cho một số cặp vợ chồng khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện làm đám cưới. Lượng đăng ký và may mắn được chọn. Mặc dù đã thông báo cho hai gia đình biết trước hơn một tháng, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, những ông bố bà mẹ đã không thể vào dự lễ cưới của con. Ngày mặc áo cô dâu, Đào như một đứa trẻ, luống cuống, rụt rè, chỉ có Lượng đi bên cạnh nắm chặt tay.

Việc đầu tiên sau ngày thành vợ chồng của Đào, Lượng là đi tới phòng khám từ thiện khám xét về khả năng sinh sản. Mong muốn tột cùng của họ là có một đứa con. Nhưng trình độ ở phòng khám không thể nói lên điều gì, hai vợ chồng được thông báo: "Cứ để tự nhiên, có bầu thì đẻ". Nhắc đến con, mắt Đào sáng lên rồi tối lại, Đào thủ thỉ: "Em thì không lo, nhưng sợ nhất là phía anh Lượng, vì gia đình bên ấy có những ba người bị tuyến yên. Chỉ sợ sinh con ra nó giống cha mẹ thì khổ". Lượng thì quả quyết: "Dù sao vẫn cần một đứa con để an ủi cuộc sống. Có giống cha mẹ thì cũng chẳng sao. Người lùn vẫn có thể lao động và sống tốt trong xã hội này". Cũng vì vậy mà họ càng tin cuộc sống ngày mai sẽ mang đến cho họ những điều tốt lành.

Ngọc Thiện
.
.
.