Có một bảo tàng vô giá ở miền tây xứ Nghệ

Thứ Hai, 12/06/2017, 11:00
Kinh qua nhiều chức vụ chủ chốt ở tỉnh và huyện, đến khi về hưu người đàn ông ấy đã dày công sưu tầm những đồ xưa cũ của dân tộc mình và lập nên bảo tàng văn hóa Thái rất có giá trị ở miền Tây xứ Nghệ.


Ghé thăm ngôi nhà sàn có kiến trúc đẹp giữa "miền Trà Lân", nhiều người không khỏi choáng ngợp trước bộ sưu tập đồ xưa cũ của nguyên chủ tịch huyện đã ở tuổi ngoài bảy mươi. Người là ông Vi Văn Phúc, 70 tuổi ngụ ở thị trấn Con Cuông (Con Cuông, Nghệ An).

Dày công bảo tồn văn hóa Thái

Dẫn chúng tôi ra đằng sau nhà, chỉ tay vào ngôi nhà sàn bằng gỗ nhuốm màu rêu phong thời gian, ông Phúc cho biết, đây là nơi ông đã dành cả cuộc đời, tâm huyết để sưu tầm, bảo tồn những tinh hoa văn hóa Thái.

Ông Phúc bên bộ sưu tầm vật dụng sản xuất nông nghiệp của người Thái.

Trong căn nhà sàn của ông Vi Văn Phúc chẳng khác nào một bảo tàng nhỏ. Ngay dưới tầng trệt, ông bày la liệt nào là cày, bừa, cuốc, xẻng. Nào là dao, nỏ, cung, tên. Rồi cối xay gạo, xay đậu, khung cửi... Hay cũng có khi là những chiếc ping, lủng, sày... là những vật dụng đồng bào người Thái thường dùng để xúc cá tôm dưới sông, suối.

Vừa chỉ cho tôi nghe rõ tên từng hiện vật, ông Phúc bắt đầu chia sẻ cơ duyên khiến sưu tầm những đồ vật người Thái của mình. Ông Phúc cho biết, mình vốn là người gốc Thái ở mảnh đất Mường Quạ, xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An). Tuy gia cảnh ngày ấy rất khó khăn nhưng anh em ông được bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học tử tế và thành đạt.

Những tháng ngày làm cán bộ ở cấp huyện, rồi cấp tỉnh và đến khi rời nhà ra thị trấn (nơi ông ở bây giờ) sống xen kẽ với người Kinh, xung quanh toàn nhà tường vôi, bê tông cốt thép, vợ ông từng trách móc chồng: "Mình là người Thái mà không có nhà sàn để ở thì buồn lắm!".

Kỷ vật quay sợi của mẹ lúc sinh thời được ông gìn giữ cẩn thận như là một bảo vật vô giá.

Bản thân ông cũng nhận ra nhiều cái liên quan đến phong tục tập quán, sản xuất, đặc biệt là văn hóa của người Thái bị mai một. Không chỉ vậy, những lần về thăm quê, ông nhận thấy nhiều bà con bản làng, con cháu, họ hàng của ông dần dần quên và không biết chữ Thái. Điều đó đã khiến ông đứng ngồi không yên.

Trăn trở với những thay đổi từng ngày làm mất đi giá trị truyền thống đặc sắc, cùng với nhiều chuyến đi công tác ở cơ sở, tiếp xúc với già làng, trưởng bản đã nảy sinh trong ông ý nghĩ phải lưu giữ lại những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc mình.

Rồi ông mua một chiếc nhà sàn ở quê mang ra thị trấn dựng lại để phù hợp với nguyện vọng, niềm mong mỏi của vợ. Tiếp đó, ông bắt đầu đi sưu tầm những hiện vật, đồ vật xưa cũ của dân tộc mình.

Vốn kinh qua nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, rồi về làm Chủ tịch huyện… nên ông được đi nhiều đến những địa bàn xa, nghèo khó của các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn rồi Quỳ Châu, Quế Phong. Qua những chuyến đi ấy ông được tiếp cận với nền văn hóa đa dạng cho nên "cái duyên" sưu tầm cổ vật của ông cũng thuận lợi.

Căn nhà sàn 3 gian là nơi ông trưng bày hơn 800 hiện vật đủ loại của dân tộc Thái

Tuy nhiên, trong quá trình đi sưu tầm, ông gặp rất nhiều khó khăn vì những vật dụng liên quan đến sản xuất, sinh hoạt của người Thái xưa hầu như đã không còn. Thêm nữa, những nơi ông đến thường là đường sá xa xôi, nhiều bản làng bị chia cắt, tiếp cận rất khó khăn, mà còn bởi ý thức gìn giữ những nét văn hóa dân tộc của bà con rất hạn chế.

Dù vậy, khi biết có ai rao bán cổ vật người Thái, ông thường tìm đến để mua cho bằng được. "Vật dụng của họ cứ không thích, không cần là bỏ nhưng khi tôi hỏi mua, có người tưởng tôi là người buôn đồ cổ, nhất quyết không bán. Khi biết chuyện tôi sưu tầm đồ vật của dân tộc để bảo tồn, họ sẵn sàng cho không", ông Phúc nhớ lại.

May sao, người con trai thứ của ông là Vi Văn Sơn, cũng là người có cùng tâm nguyện với cha và thường phụ giúp ông sưu tầm, bày trí hiện vật của dân tộc. Tiếng lành đồn xa, biết tin cha con ông sưu tầm, trưng bày hiện vật của người Thái, nhiều anh em, bạn bè đã mang những hiện vật có giá trị đến tặng.

"Bảo tàng" vô giá

Đến nay, sau hơn 30 năm sưu tầm, trong căn nhà sàn bằng gỗ của ông Vi Văn Phúc đã có bộ sưu tập rất đáng nể với hơn 800 vật dụng đủ loại của người Thái từ những dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay…

Và ngôi nhà ông mua từ quê ra năm nào nằm khuất sau căn nhà khang trang ở khối 2, thị trấn Con Cuông nhiều năm nay thành "bảo tàng thu nhỏ" để trưng bày, lưu giữ "đồ xưa" của dân tộc. 

Trong "bảo tàng" vô giá ấy của ông Phúc gồm những hiện vật của cộng đồng người Thái lâu đời các xứ Mường như Mường Choọng, Mường Ham (huyện Quỳ Hợp), Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), vùng Mường Quạ (huyện Con Cuông), Mường Chiêng Ngam (huyện Quỳ Châu)…

Và trong "bảo tàng" lại được ông sắp xếp, chia thành các nhóm khác nhau như: Nhóm văn hoá tâm linh; nhóm liên quan đến ẩm thực; nhóm công cụ sản xuất; nhóm âm thanh nhạc cụ; nhóm dệt vải thêu thùa; nhóm hoạt động sản xuất thủ công; nhóm trò chơi dân gian; nhóm chăn nuôi; nhóm trang sức, trang phục...

Ông cho biết, trong "bảo tàng", với ông thiêng liêng nhất, nhiều kỷ niệm nhất là chiếc khung cửi, chiếc quay sợi mà ngày xưa người mẹ của ông vẫn dùng kéo sợi. Cứ nhìn thấy những món đồ ấy là ông lại nhớ đến mẹ mình. Hay như những bộ trang phục người Thái cổ vốn thuộc về bà cụ mà ông gọi bằng bà, nay được đặt riêng trong tủ kính, rất trang trọng.

Trong "bảo tàng" của ông Phúc còn có nhiều cuốn sách chữ Thái cổ có giá trị.

Những hiện vật này được xem như những sứ giả đã, đang và sẽ mang những thông điệp lịch sử, văn hoá giáo dục cho thế hệ con cháu mai sau. Đây là kho tài sản tinh thần đã lưu giữ được một nét văn hoá rất đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ.

Sau này, ông tìm thêm những đồ vật của các dân tộc khác để làm phong phú bộ sưu tập của mình.

Gìn giữ cho muôn đời sau

Tôi hỏi ông: "Với nhiều người khi về hưu, họ chỉ thích vui thú tuổi già, nghỉ ngơi bên con cháu, hà cớ gì ông phải giày công sưu tầm những hiện vật xưa cũ?" Nhấp bát nước chè xanh, ông khề khà nói: "Cũng như bao dân tộc anh em khác, cộng đồng dân tộc Thái có truyền thống văn hoá rất đặc trưng nhưng qua thời gian, những giá trị văn hóa ấy đã và đang ngày càng bị mai một. Tôi là người con của dân tộc Thái, không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh những giá trị cổ xưa của dân tộc ngày càng bị mai một, những hiện vật bị thất truyền. Mình có thể làm được thì tại sao không làm, như thế sẽ có lỗi với tổ tiên, với cội nguồn dân tộc".

Ông cho biết, mục đích chính của ông khi sưu tầm đồ vật xưa cũ là nhằm để giáo dục truyền thống cho con cháu, trước hết là giáo dục trong gia đình, anh em, dòng họ nhằm hướng cho con cháu về cội nguồn, về với lịch sử của dân tộc mình. Sau nữa là xây dựng nền nếp, gia phong, hạnh phúc gia đình, hướng tới tuyên truyền trong cộng đồng dân tộc Thái để góp phần đưa những giá trị văn hoá vào xây dựng đời sống cộng đồng.

Bao năm qua, căn nhà sàn của ông luôn là nơi để con cháu trong dòng họ, cộng đồng người Thái tìm về sinh hoạt, học chữ Thái, giúp nhau cách thức làm ăn. Không như nhiều gia đình người Thái khác, dù sống xen kẽ cùng người Kinh tại thị trấn nhưng gia đình ông Phúc vẫn luôn chú trọng bảo tồn ngôn ngữ Thái, bảo tồn những tập tục trong cưới hỏi, lễ làm vía, lễ tết, lễ buộc chỉ cổ tay...

Đặc biệt, nhờ kế thừa được ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, Con trai thứ Vi Văn Sơn của ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ với đề tài: "Vận dụng luật tục của người Thái trong việc xây dựng chính quyền ở vùng Thái Thanh - Nghệ". Công trình nghiên cứu của anh được kết hợp với quá trình đi sưu tầm đồ xưa của người Thái cùng cha suốt hàng chục năm trời. 

"Qua thời gian, cuộc sống đổi thay, những vật dụng hiện đại đã thay thế những đồ vật xưa cũ một thời. Và những cái mất đi sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Tôi mong rằng từ việc làm của mình, con cháu đời sau nhìn vào bộ sưu tập có thể biết được thế nào là đời sống, văn hóa của cha ông", ông Phúc mong mỏi.

Hiện giờ, bảy mươi tuổi xuân, niềm vui của ông Phúc là được nhìn bộ sưu tập đồ xưa cũ của dân tộc mình ngày một nhiều thêm và được cháu con trong nhà trân trọng, có ý thức gìn giữ. Khi có khách đến chơi, ông luôn giới thiệu những đồ vật mình sưu tầm được, nói về văn hóa Thái bằng niềm đam mê khó tả.

Thạch Văn
.
.
.