Cổ tích tình yêu giữa cô dâu tật nguyền và chú rể hào hoa

Chủ Nhật, 30/11/2014, 14:00

Chị là người tật nguyền nhưng lại được anh - người đàn ông khỏe mạnh, đẹp trai yêu say đắm. Hai năm yêu nhau trong vụng trộm, ngày anh công khai ra mắt người yêu với gia đình cũng là ngày anh phải nhận những lời mắng nhiếc của người thân. Mẹ anh lo cho con trai sẽ khổ nếu làm chồng của một người khuyết tật như chị. Vượt qua rào cản, anh vẫn quyết đến với chị, bảo vệ tình yêu của mình. Tháng 12 này, anh chị sẽ làm lễ thành hôn. Câu chuyện cảm động giữa cô dâu khuyết tật Đỗ Thu Hương (SN 1985) với chú rể hào hoa Nguyễn Trung Mạnh (SN 1985) khiến nhiều người cảm phục.

Tuổi thơ tuyệt vọng

Sinh ra bình thường nhưng lên 8 tuổi, chị Hương (Thanh Trì, Hà Nội) bắt đầu có dấu hiệu co quắp chân tay. Trận ốm lê thê kéo dài gần một tháng tàn phá cơ thể chị. Những cơn sốt rét triền miên 15 ngày, 30 ngày, thậm chí hơn một tháng đã khiến chị trở nên tiều tụy như "xác không hồn". Chân chị bị tê liệt, co rúm. Tương lai của một đứa trẻ 8 tuổi đang tuổi ăn tuổi lớn bị sụp đổ trước mắt. Điều kiện kinh tế không khá giả nhưng gia đình chị vẫn chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền của đưa con đi mổ và phẫu thuật hạ bàn chân. Phẫu thuật xong chị lại bị sốt rét thêm một tuần và vòng tuần hoàn luẩn quẩn: Ốm - đỡ - sốt rét cứ trở đi trở lại.

Những năm tháng ấy với chị cho đến giờ vẫn ám ảnh cả trong mơ. Phẫu thuật hạ bàn chân, cả người chị như bị đinh châm đau nhói. Nó quá sức chịu đựng của một đứa trẻ 8 tuổi. Bố mẹ chị nhìn con khóc trong đau đớn và xanh xám mặt mày mà bất lực. Lúc đó chị đã nói với bố mẹ: "Đau thế nào con cũng chịu được hết. Cắt nát chân, nát tay mà đỡ thì con cũng chịu".

Học hết lớp 6, chị Hương nghỉ học ở nhà điều trị. Cả gia đình cầu cạnh khắp nơi, thấy chỗ nào mách có thầy lang, bác sĩ giỏi đều lặn lội tìm đến nhưng chẳng khỏi. Nghe người thân mách trong Nam có "thần y" chuyên bấm huyệt, châm cứu từ thiện ở chùa, hai cha con chị cũng khăn gói theo vào tìm địa chỉ. Những tháng ngày rong ruổi, lếch thếch nơi đất khách quê người đầy hy vọng nhưng rồi những thứ nhận được chỉ là nỗi chán chường, tuyệt vọng. Hy vọng cuối cùng của chị và gia đình là ca phẫu thuật năm 2003 tại Bệnh viện 108 rồi cũng thất bại.

Bức ảnh nào nhìn anh chị cũng rạng ngời hạnh phúc.

Cuộc đời Đỗ Thu Hương từ đó gắn liền với chiếc xe lăn. Ở cái tuổi 18, đôi mươi chị ném mình vào bốn bức tường với những tự ti và mặc cảm. Chị trở nên kiệm lời, ngại tiếp xúc và vùi mình trong góc tối. Có những khoảng thời gian chị muốn buông xuôi vì nỗi tuyệt vọng quá lớn.

Sự sống như được hồi sinh khi chị Hương tình cờ xem một clip trên mạng của một người khuyết tật dạy cách làm tranh giấy. Chị mê mẩn và đăng ký theo học tại trung tâm. Ba tháng cần mẫn học nghề, chị đã thành công. Những bức tranh giấy được ra đời từ chính đôi tay tưởng chừng như bất lực của mình. Sau đó chị Hương xin bố mua cho một chiếc máy tính và lọ mọ học. Chị mạnh dạn mở một cửa hàng tranh giấy xoắn trên mạng để bán, kiếm thêm thu nhập. Chị lập tài khoản facebook và mở rộng mối quan hệ bạn bè trên đó. Những bức tranh, tấm thiệp từ giấy xoắn của chị được nhiều người tìm đến hơn và mua làm đồ kỷ niệm. Một số người còn đến gặp chị, tìm hiểu và nhờ chị làm thầy dạy. Đỗ Thu Hương là cái tên được giới làm tranh giấy xoắn biết đến khá nhiều.

Và cổ tích tình yêu

Qua một người quen từ trung tâm dạy nghề, chị được gặp anh. Anh người gốc Thái Bình, lên thành phố học và kiếm sống. Đồng cảm với những người kém may mắn, anh bỏ dở trường đại học để đến Trung tâm sống độc lập của người khuyết tật làm công tác thiện nguyện. Anh quen chị như một cơ duyên cũng từ trung tâm ấy.

Được người quen kể nhiều về chị, anh Mạnh mày mò tìm facebook của chị, xem những bức tranh chị làm. Anh lặng lẽ ngắm chị qua ảnh facebook cá nhân rồi chẳng biết tự bao giờ thầm thương trộm nhớ. Anh dõi theo tất cả những việc chị làm và những cảm xúc, tâm sự của chị trên trang cá nhân. Rồi anh lân la làm quen với chị trên facebook. Hằng ngày như thói quen, anh chị tâm sự về cuộc sống thường nhật của mình. Anh kể cho chị công việc anh làm, sáng trưa chiều tối. Còn chị tỉ mỉ dạy anh cách cuộn tranh giấy như thế nào và cả những khó khăn khi chị trong bộ dạng khắc khổ như bây giờ. Anh Mạnh từng có thời gian dài trợ giúp những người khuyết tật nên hơn ai hết, anh hiểu những cảm giác chị Hương từng trải qua và cảm thông sâu sắc.

Chụp ảnh kỷ niệm cùng bạn bè.

Hai năm yêu nhau nhưng cả anh và chị đều giấu kín. Ngày anh Mạnh dũng cảm nói chuyện với gia đình về chị Hương, về quyết định sẽ lấy một người tật nguyền làm vợ cũng là ngày cả gia đình xả vào anh những trận mắng té tát. Mẹ anh nhất mực phản đối. Bà lo cho con trai bà sẽ khổ vì lấy một người tật nguyền. Chị sẽ không thể cáng đáng nổi việc gia đình rồi cả việc chăm chồng con như biết bao người bình thường khác. Chuyện sinh con của chị sau này sẽ khó khăn gấp bội.

Hồi mẹ anh Mạnh bị ốm nặng, những ngày về chăm mẹ, anh vẫn thủ thỉ kể cho mẹ nghe về nàng dâu tương lai tuy tật nguyền nhưng ngoan hiền, đầy nghị lực. Bà cũng xuôi xuôi. Ngày bà mất, anh Mạnh vẫn chưa đủ can đảm đưa chị Hương về quê ra mắt. Anh sợ họ hàng làng xóm và các anh chị em của anh sẽ dị nghị khiến chị tổn thương thêm. Thế nên anh Mạnh quyết định một mình về Thái Bình làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ngày cưới sắp tới, anh Mạnh dự định họ hàng cũng chỉ mời vài ba mâm cỗ. Anh tâm sự: "Cho đến giờ cả gia đình tôi vẫn phản đối, nhưng mong rằng sau này mọi người sẽ hiểu. Chúng tôi sẽ sinh con đẻ cái và sau này nếu được gia đình chấp thuận tôi sẽ đưa các con về quê sinh sống".

Ngồi bên chồng sắp cưới, chị Hương rưng rưng kể: "Mình đã từng hỏi anh Mạnh là anh có hối hận khi quyết định cưới em không. Một người bình thường lại đẹp trai như anh thì lấy đâu chả được vợ thì anh Mạnh bảo: "Chỉ cần em khỏe mạnh và yêu anh thì khổ sở mấy anh cũng vượt qua".

Căn nhà của chị Hương dường như ấm áp hơn, đỡ nặng gánh phần nào kể từ khi có anh Mạnh ở bên. Nhà chị Hương mở quán ăn, khách đông nườm nượp, chỉ có cô giúp việc với hai ông bà. Hằng ngày, anh Mạnh vẫn lọ mọ dậy sớm tranh thủ qua nhà chị Hương phụ bố mẹ vợ tương lai bán hàng. Anh chẳng nề hà ngại ngần công việc: từ nhặt rau, rửa bát đến quét tước nhà cửa. Anh vẫn săn sóc chị từng li từng tí, phụ chị rửa mặt, chải tóc và giao hàng. Trước ngày cưới, chị vẫn cần mẫn cuộn tranh để kịp đưa khách đúng hạn, anh hì hụi làm khung đỡ đần giúp vợ.

Cho đến bây giờ khi ngồi cạnh tôi kể về anh, chị vẫn không tin những điều đang xảy ra là sự thật, bởi nó kỳ diệu và ngoài sức tưởng tượng. Chị yêu anh ngoài tình yêu trai gái còn là sự biết ơn sâu sắc. Chị biết ơn anh bởi ẩn sâu trong vẻ nhu mì, đôn hậu ấy là một tâm hồn đẹp, một nghị lực phi thường. Anh đủ dũng cảm để đương đầu với gian truân vất vả và chị tin, anh sẽ là chỗ dựa lớn nhất của cuộc đời chị ngày hôm nay và cả tương lai sau này nữa.

Tháng 12 này anh chị tổ chức đám cưới. Anh sẽ sơn nhà và mở một phòng tranh nho nhỏ tặng vợ. Ngày trước, chị vẫn ước mơ có một phòng triển lãm tranh giấy do chị làm ra. Ở đó chị được gặp  gỡ mọi người và khi đó mặc cảm tự ti được xóa bỏ. Anh Mạnh cười bảo: "Tôi sẽ từng bước thực hiện ước mơ của bà xã"

Song Anh - Trường Kiên
.
.
.