Con người sẽ xây thành phố trên sao Hỏa trong 100 năm nữa

Thứ Ba, 04/07/2017, 11:36
Việc tìm ra một hành tinh khác tương tự như trái đất để con người có thể lên đó sinh sống luôn là một giấc mơ lâu nay của nhân loại. Nó không chỉ là mục tiêu của các nhà nghiên cứu khoa học vũ trụ như NASA và SpaceX, mà còn là tham vọng của nhiều quốc gia trên thế giới.


Với đặc tính khá giống với Trái đất, sao Hỏa (còn gọi là Hành tinh đỏ, do có nhiều sắt ôxít khiến bề mặt nó có màu đỏ đặc trưng) là hành tinh mới mà nhiều quốc gia đang đặt mục tiêu chinh phục. Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) là một trong số đó.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới ở Dubai, Phó chủ tịch UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã công bố dự án “Mars 2117”. Dự án này đưa ra kế hoạch thiết kế, xây dựng một thành phố như một phần lãnh thổ của UAE và có thể đưa con người lên sao Hỏa sinh sống trong 100 năm tới. Thành phố này có kích thước ngang với thành phố Chicago của Mỹ hiện nay.

Ông nói: “Dự án “Mars 2117” như hạt giống chúng ta gieo trồng hôm nay, và tôi hy vọng thế hệ tương lai có thể gặt hái lợi ích từ dự án này… Việc con người có thể đặt chân lên một hành tinh khác để sinh sống luôn là một giấc mơ lâu nay của nhân loại. Mục đích của chúng tôi là đưa UAE trở thành mũi nhọn của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực biến giấc mơ này thành hiện thực”.

Theo đó, UAE đã có những bước chuẩn bị rất cụ thể như: Đặt trọng tâm vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng khoa học giáo dục ở quê nhà; cho tàu thám hiểm không gian “Hy vọng” lên vũ trụ và bay vòng quanh sao Hỏa vào năm 2020, để nghiên cứu Hành tinh Đỏ ít nhất cho đến năm 2023; lên kế hoạch xây dựng thành phố trên sao Hỏa có kích thước như Chicago của Mỹ với dân số khoảng 600 nghìn người...

Đội hình quốc tế

Theo một thông cáo của Văn phòng truyền thông Chính phủ Dubai, dự án sẽ được xây dựng và thực hiện cùng với các tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế. Bước đầu sẽ tập trung vào việc chuẩn bị cho các lực lượng nòng cốt của con người có thể đạt được bước đột phá khoa học để tạo điều kiện cho con người đến với Hành tinh Đỏ trong những thập kỷ tiếp theo.

Việc này sẽ bắt đầu với một nhóm khoa học của Emirati và sẽ được mở rộng  với các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu quốc tế.

Dự án sẽ tập trung phát triển các phương tiện vận chuyển nhanh hơn từ Trái đất đến Hành tinh Đỏ và trở về. Nó cũng sẽ đưa ra một hình ảnh khoa học tổng hợp về cách định cư như thế nào, cuộc sống lúc đó, về lương thực, vận chuyển và năng lượng, cùng nhiều thứ khác.

Tháng 7-2014, UAE tuyên bố sẽ tạo ra một cơ quan không gian với mục đích đưa chiếc tàu thăm dò đầu tiên của Ảrập đến phi hành gia vào năm 2021.

Mars 2117 là một dự án đầy tham vọng và có vẻ như hơi “quá sức” với UAE. Tuy nhiên với khoa học công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta hy vọng kế hoạch sẽ sớm trở thành hiện thực.

Đôi nét về Hành tinh Đỏ

Sao Hỏa là hành tinh thứ tư từ Mặt trời và hành tinh nhỏ thứ hai trong hệ mặt trời, với đường kính một nửa chiều dài của Trái đất. Nhiệt độ trung bình trên sao Hỏa là -63 độ C. Một năm trên sao Hỏa tương đương với 687 ngày Trái đất.

Hiện có tới 8 tàu vũ trụ của Trái đất đang hoạt động trên sao Hỏa: 6 trong quỹ đạo và 2 trên bề mặt của nó. Sao Hỏa là nơi có Olympus Mons, ngọn núi lửa lớn thứ hai và cao nhất được biết đến trong hệ mặt trời.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ ra mắt tàu thăm dò bề mặt sao Hỏa ExoMars vào tháng 7-2020. Cựu Tổng thống Barack Obama đã đổi mới chính sách của Mỹ để theo đuổi mục tiêu đưa con người lên sao Hỏa trong những năm 2030.

Mars 2020 là một sứ mệnh được lên kế hoạch bởi Chương trình Thăm dò sao Hỏa của NASA để điều tra quá trình địa lý bề mặt và lịch sử của nó và khả năng sống trên sao Hỏa.

Ngọc Hân
.
.
.