Cụ bà 60 năm "làm mẹ" thú hoang

Thứ Ba, 15/07/2014, 08:00

Giữa bãi phân chó, phân mèo nhầy nhụa, bà Quý ngồi bệt xuống đất. Tay bà cáu mốc, chai sần, những móng tay cụt lủn đen thui. Bà túm đầu từng con mèo, vạch miệng nó ra bón từng thìa cháo. Xung quanh, những con chó, mèo lớn hơn đu bám lên cổ, lên vai liếm mặt, liếm mắt bà, kêu nheo nhéo đòi ăn. 60 năm làm mẹ của chó, mèo, bà dồn hết tình thương cho chúng. Bản di chúc sau khi chết, bà muốn dành tất cả tài sản cho các loài vật.

Những "đứa con" của mẹ 80

Những ngày này, người ta ra vào tấp nập con hẻm 91 đường Đinh Tiên Hoàng (Q. Bình Thạnh, TP HCM) để ủng hộ gạo cho "bầy con" của bà lão 80 tuổi Nguyễn Thị Quý. Ngày, bà đi bán nước rửa chén, dấm chua, phèn… những thứ rẻ mạt, bình dân và kén chọn khắt khe người mua ở đất Sài Gòn. Lưng bà gù lắm, như gãy gập làm đôi. Bà đẩy xe mà chẳng thấy người đâu, chiếc xe ba gác lỉnh kỉnh chai lọ, thùng giấy như một khối rác di động, chầm chậm, đều đặn hướng về căn nhà cũ mục, nơi gần một trăm đứa con chó, mèo đang há mồm đợi ăn. Nhà của bà rất dễ tìm, vì nó cũ kỹ và nhỏ bé nhất trong xóm nhà cao tầng vật vã xung quanh. Hơn nữa, đặc điểm nổi bật là tiếng chó, mèo đánh nhau giành ăn chí chóe, kêu la inh ỏi. Mùi "chó, mèo" sộc từ trong ra ngoài, nồng nặc.

Bà Quý bận rộn lắm, đi làm về là sà ngay vào nâng niu, âu yếm "đàn con" cho đỡ nhớ. Rồi trong gần trăm đứa con đang nheo nhóc đòi ăn, bà bón đút cho từng con một. Nhẹ nhàng dỗ dành chúng như người mẹ thật sự. Bà kéo chúng lại, nói như thật: "Nào, lại hết đây cho cô chụp hình. Cười lên nhé, không đứa nào được khóc".

Công đoạn cho chó, mèo ăn ngốn hết cả buổi chiều của bà Quý. Bà ưu tiên bón lũ mèo con trước, còn mèo lớn và chó thì tự ăn. Trong không gian mà chó, mèo là chủ đạo thì sự sống của bà Quý ở ngôi nhà này từ lâu đã không còn dấu ấn nữa. Tôi nhìn thật kỹ khắp nơi, chỉ có chai nhựa, bao bịch, phân chó, phân mèo nhầy nhụa. Tối bà ngủ ở đâu? Bà chỉ vào cái ghế xếp cáu bẩn, rách xơ xác, nói tỉnh bơ: "Xếp ghế ngủ ở đây luôn. Nhà này dành cho bầy con hết rồi. Ở trên gác có hai buồng thì đều chật cứng, toàn mèo mẹ và mèo trưởng thành thôi".

Bà làm mẹ chó, mèo hoang hơn 60 năm nay rồi mà mới đây mới có người phát hiện đăng lên mạng. Từ hôm đó, nhiều người tìm đến cho gạo, mắm muối để hỗ trợ bà nuôi "bầy con". Bà chỉ lên chiếc đinh treo lơ lửng một tờ báo có hình cô hoa hậu vừa tới thăm, nói rất tự hào: "Đấy, cả hoa hậu cũng tới thăm tôi. Mà tôi bận lắm, người ta đến chẳng lẽ mình không tiếp. Mà tiếp thì công việc phải lùi lại, các con đói kêu la. Mấy ngày nay toàn thức đến 4 giờ sáng dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh cho chúng, chỉ chợp mắt được một lúc".

Quê bà Quý ở Hà Đông (Hà Tây cũ, nay là Hà Nội). 17 tuổi, bà lấy chồng rồi theo chồng vào miền Nam sinh sống. 19 tuổi, bà sinh được đứa con gái. Từ khi có con, ông chồng giở chứng, lục đục suốt ngày. Gia đình tan đàn sẻ gánh, đứa con bị nhà chồng bắt mất. Chuyện riêng bà chỉ kể có bấy nhiêu, rồi bà xua tay thở dốc: "Tôi không muốn nhắc đến chồng con nữa, tôi sợ lắm rồi".

Ngôi nhà "chó, mèo" của bà Quý.

20 tuổi, lại là gái một con, bà vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mòi. Sống một mình, chăn đơn gối chiếc ở đất Sài Gòn, nhiều người đàn ông tha thiết với bà. Nhưng bà khước từ tất cả. Bà bảo, nỗi đau lớn nhất của bà là phải từ bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Hạnh phúc được làm mẹ ngắn ngủi, khiến bà nhớ con quăn quắt. Nhớ phát điên mà không thể làm gì. Bà đành làm bạn với chó, mèo, xem chúng như những đứa con thân thương của mình.

Bà làm nghề đi buôn. Có thời điểm bà kiếm được rất nhiều tiền, nhưng bị người ta lừa rồi cũng trắng tay. May mắn, bà mua được căn nhà khoảng 30m2 ở quận Bình Thạnh, có nơi trốn nắng trốn mưa. Cuộc đời buôn thúng bán bưng, bà có dịp đi và gặp nhiều hoàn cảnh. Trong đó có những con mèo, con chó bị chủ nhân của nó vứt đi. Chúng lang thang ở bãi rác, ở gầm cầu, ở những nơi tối tăm ẩm ướt và dơ bẩn nhất. Tiếng gọi mẹ của mèo con thê thảm giữa đêm, dưới trời mưa tầm tã. Nghĩ con người dù thế nào cũng có cái chân để chạy đi trú mưa, có cái miệng để hỏi xin ăn. Nhưng con chó, con mèo thì không, chúng chỉ biết kêu gào cho đến lúc chết mà thôi.

Bà đã nhặt chúng mang về nhà mình. Có những con chỉ còn hơi thở thoi thóp. Về nhà, con thì sống được vài hôm, con thì nuốt được miếng cháo nóng rồi nhẹ nhàng nhắm mắt. Bà quan niệm: "Dù chúng chết, nhưng linh hồn vẫn biết ai đã cứu giúp chúng. Chúng sẽ mang ơn mình".

Trái tim người hiến dâng cho vật

"Con" của bà đa phần là mèo hoang, vài con chó ghẻ, què quặt sắp chết. Vì ở thành phố này, người ta bỏ mèo nhiều lắm, chó có thể không nuôi nhưng lớn một chút sẽ bị giết thịt. Thịt chó người thành phố chuộng ăn hơn thịt mèo.

Đây là đồ nghề bà Quý mưu sinhmâychúc năm qua để nuôi mình và bầy con "chó,mèo".

Hơn 60 năm qua, căn nhà của bà là nơi sống và chết của bầy chó, mèo, là địa chỉ quen thuộc để mọi người tìm đến gửi mèo, chó thay vì vứt chúng ra đường. Bà đón nhận tất cả, không từ chối một con nào. Vài tháng trước, có người mang đến cho bà một con mèo bị gãy xương sống, liệt hai chân sau. Họ nói với bà nuôi giúp, nếu không thì họ cũng mang đi vứt ở dưới sông. Chú mèo bại liệt vào tay bà đến nay đã 5 tháng, nó vẫn sống. Bà mang đi bác sĩ thú y chữa chạy mong cho đôi chân nó lành lặn để có thể chạy nhảy cùng chúng bạn, nhưng bác sĩ bảo xương sống gãy nát rồi, không thể bình phục nữa. Nó phải sống cuộc đời bại liệt như thế cho đến lúc chết. Bà thương nó lắm, khi nào cũng đút cháo cho nó ăn trước tiên. Quý nó, bà còn mua cả đồ chơi cho nó nghịch, vì nó là "đứa con" chịu nhiều thiệt thòi.

Những năm sau giải phóng, đời sống khó khăn, nuôi miệng ăn đã khó, đằng này bà nuôi một lúc vài chục con mèo, chó. Mỗi ngày đi bán, chỉ được vài chục ngàn đồng. Bà ăn chén cơm bụi, còn dành tiền mua gạo về nấu cháo cho "bầy con". Ngày nào không đi làm thì ngày đó bà phải nhịn nhưng mèo, chó thì không thể. Bà ra ngoài đường xin cơm thừa canh cặn ở các quán ăn, mang về tái chế lại cho "các con". Thời gian đầu, thấy bà nuôi chó, mèo hôi hám bẩn thỉu, nhiều người bĩu môi khinh thường. Bà xuất hiện ngoài đường lom khom, lụ khụ ở những đống rác, những dòng kênh đen đặc ô nhiễm không khác người ăn xin. Mãi sau này, mọi người mới biết bà thường đến những nơi đó để tìm mèo hoang, hoặc những chú chó ghẻ lở bị ruồng bỏ. Bà thật thà tâm sự: "Người ta nhìn tôi bằng nửa con mắt, xem tôi giống như bầy chó mèo này. Không hơn đâu. Nhưng tôi kệ, tôi không xin tiền của họ, cũng không xin cơm. Tôi sống theo cách riêng của mình". Vì lối sống lập dị ấy mà hơn nửa thế kỷ ở đất Sài Gòn, bà không hề có mối quan hệ xã hội, không ai hay biết bà là ai. Buổi sáng đi bán hàng, buổi chiều vùi đầu vào chăm sóc, vệ sinh cho "bầy con". Nó ngốn trọn chuỗi thời gian nhàn rỗi của bà.

Hàng trăm chú mèo được bà cứu vớt, mang về nhà nuôi. Lứa này già chết đi, lứa khác lại về, trong nhà bà không bao giờ hết mùi của mèo. Con nào chết, bà gói cẩn thận rồi đem vứt đi. Chẳng hiểu bà nghe ai nói mà đúc rút được triết lý: "Loài vật chết, chúng ta đừng nên chôn, vì nó sẽ không siêu thoát được".

Bản di chúc chó, mèo

Bao nhiêu năm sống thui thủi một mình, ngày nọ, đứa con gái của bà ở bên Mỹ đi du lịch về Việt Nam đã tới tìm bà đang bán hàng ngoài chợ. Nó nhắn với bà là đang ở khách sạn nọ, bà tới đó gặp. Đó là lần duy nhất hai mẹ con gặp nhau sau bao nhiêu năm xa cách, nhưng bà không hề vui. Bà càng buồn thêm, bởi: "Nó về mà không thèm vào nhà thăm hỏi mẹ, tình cảm dường như nhạt nhẽo lắm. Chắc người ta sống bên nước ngoài nên mất gốc Việt Nam rồi". Bà định làm di chúc căn nhà lại cho ai đó nhận nuôi bầy chó, mèo nhưng ra chính quyền, người ta nói, sau này bà chết thì căn nhà đó thuộc quyền sở hữu của con gái. Từ trước đến nay chưa có ai đi làm di chúc cho chó mèo cả. Nhưng chẳng lẽ để bầy con nheo nhóc, đói rách không có nơi nương tựa. Bà day dứt nhiều đêm, bà phải làm điều gì đó để khi chết không phải ân hận. Vậy là còn cái sạp bán hàng ngoài chợ, là tài sản của bà. Giờ sang nhượng cũng được một khoản tiền kha khá. Bà đã dặn trước với Ban quản lý chợ: "Khi nào tôi "về dưới kia", ai nhận chăm sóc "lũ con" của tôi thì sẽ được hưởng cái sạp bán hàng ngoài chợ Đa Kao (Q.1, Tp HCM).

Ai nhận nuôi thì bà chưa tìm được, nhưng tâm nguyện khi chết của bà là "bầy con" phải được chăm sóc, nuôi nấng. Bà cho biết, có người phụ nữ ở Củ Chi cũng đang nuôi mấy trăm con mèo. Bà Quý đã ngắm được mối đó rồi, mà không biết họ có đồng ý hợp tác với bà không.

Ngoài các bệnh tuổi già thì bà Quý đang bị hở van tim. Bà nói chuyện một lúc là mệt, phải nghỉ thở. Nhưng nhờ ơn trời, bao nhiêu năm rồi bà không phải nằm viện lần nào. Có đôi lần bị trúng gió, bà tự xoa dầu, tự cạo gió rồi cũng hết. Nói đến bệnh tật, bà rất sợ: "Tôi già rồi, sống được ngày nào hay ngày đó. Đừng nói đến bệnh viện, tôi sợ lắm. Không phải sợ bệnh, mà sợ các con tôi không có ai chăm sóc"

Ngọc Thiện
.
.
.