Cuộc hội ngộ ly kì sau 70 năm xa cách

Thứ Năm, 04/09/2014, 13:30

Những năm 1944-1945, chiến tranh loạn lạc khiến cha ông và 2 người em gái li tán khi mới 4-5 tuổi. Khi còn sống, cha ông đã nhiều lần đi tìm 2 em nhưng không được. Trước khi mất, cha ông đã trăn trối lại cho ông bằng mọi giá phải tìm được 2 bà cô để gia đình đoàn tụ. Và thật kì lạ, sau 70 năm, gia đình ông đã tìm được người bà cô trong niềm vui sướng, hạnh phúc vô bờ.

Hành trình tìm kiếm gian khổ

Chúng tôi tìm về thôn Lựa, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để được nghe ông Nguyễn Quang Nhường kể lại chi tiết hành trình đi tìm hai bà cô sau 70 năm thất lạc của gia đình mình. Quả thật, câu chuyện của gia đình ông khiến nhiều người cũng phải ngạc nhiên, thán phục bởi sau 70 năm tìm thấy người thân quả là điều không tưởng.

Ngay từ đầu làng, chỉ cần hỏi nhà ông là ai cũng có thể chỉ đường và kể lại câu chuyện một cách vanh vách. Rất may khi chúng tôi đến nơi cũng là lúc xế trưa, ông và vợ vừa đi làm đồng về.

Nhắc đến chuyện gia đình mình ông bảo cũng một phần nhờ vào may mắn. Bởi khi bố ông là cụ Nguyễn Quang Ban còn sống, cụ cũng tự bỏ tiền túi của mình lặn lội đi tìm kiếm khắp nơi mà không thấy. Nhưng trước khi nhắm mắt xuôi tay, cụ vẫn trăn trối lại cho ông bằng mọi cách phải tìm được 2 bà cô bị thất lạc. Và kì lạ là đến lúc ông Nhường quay lại đúng nhà ngoại cảm mà cụ Ban đã từng nhờ vả nhưng không được thì ông thầy lại chỉ đúng hướng cho ông tìm lại bà cô. Nhắc đến đây ông chỉ cười: "Chắc đến đời tôi các cụ mới cho gặp lại bà chứ trước bố tôi tìm mãi có được đâu".

Ông kể, gia đình ông quê gốc ở Gia Lương, nay là Gia Bình, Bắc Ninh. Gia đình nhà nội ông có 3 người con trai, 5 người con gái, dưới bố ông còn có 2 bà cô. Khoảng chừng năm 1944, bố ông và 2 bà cô chỉ 4 - 5 tuổi bị thất lạc vì chiến tranh ly tán. Bà nội ông khi ấy đã khóc hết nước mắt, đi tìm kiếm trong vô vọng nhưng bóng ba người con vẫn bặt vô âm tín. Rồi thời gian trôi đi, ông nội ông qua đời, bà nội lập gia đình mới nhưng vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin về 3 người con bị lạc.

May mắn thay, bố ông bị lạc lên tận vùng đất Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh và được một gia đình tốt bụng nhận làm con nuôi. Còn số phận 2 bà cô của ông thế nào, mọi người đều không biết. Nhưng với quyết tâm tìm được các con, bà nội ông cuối cùng cũng tìm được bố ông khi cụ đã lập gia đình ở Quế Võ. Niềm vui, niềm hạnh phúc ngày sum họp khiến bà nội ông càng quyết tâm đi tìm 2 cô con gái thất lạc và bố ông là người bà tin tưởng giao phó nhiệm vụ tìm kiếm 2 người em.

Ông Nguyễn Quang Nhường vui mừng khi tìm lại được người cô ruột sau 75 năm thất lạc.

"Những năm kháng chiến, bố tôi cũng từng kinh qua nhiều chiến trường, mặt trận, cũng có dịp đi đây đi đó, gặp gỡ người này người khác. Đi đâu, ở đâu, gặp ai, ông cũng hỏi thăm, tâm sự nỗi buồn lạc mất em, mong điều kỳ diệu xảy ra. Tích cóp được bao nhiêu tiền, cụ đều dành dụm để làm chi phí đi tìm em gái. Suốt những năm còn trẻ, cụ đi khắp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, có khi lên tận Hà Nội hay xuống Hải Phòng để dò hỏi. Tôi là con trưởng trong gia đình nên nhiều lúc cũng phải bỏ dở công việc đồng áng, đưa ông đi tìm hai bà cô. Thậm chí, thấy có người mách ở Hải Dương có ông thầy ngoại cảm rất giỏi, cụ cũng lặn lội nhiều lần đến nhờ vả nhưng tất cả vẫn mù mịt".

Gặp nhau nhờ ngón chân quặp

Cuối năm 2013, cụ Ban không may gặp trận cảm nặng nên đã qua đời, nhưng trước khi mất, cụ vẫn trăn trối lại cho ông Nhường bằng mọi giá phải tìm bằng được hai bà cô thì cụ mới yên lòng nhắm mắt xuôi tay. Thương bố, dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, lại vừa trải qua một tai nạn thừa sống thiếu chết, vì bị tường nhà đổ vào người khiến ông bất tỉnh và liệt mất mấy tháng trời, tưởng không qua khỏi khi đi làm thợ xây, nhưng ông Nhường vẫn quyết tâm thực hiện được ý nguyện cuối cùng của cha để lại.

Cách đây 3-4 tháng, ông Nhường lại quay trở lại nhà thầy ngoại cảm ở Hải Dương mà cụ Ban đã từng tìm đến để dò hỏi một lần nữa. Lần này, thầy ngoại cảm đã chỉ hai hướng, một hướng mà một bà cô đã mất từ rất lâu ở khu vực Gia Bình, ngay gần quê ông. Còn một hướng một bà cô bị lạc lên vùng Lục Nam, Bắc Giang, dọc sông Lục Nam. Theo thầy, nếu cứ tìm theo các khu vực chợ, bến sông ven sông Lục Nam là sẽ tìm thấy. Vừa vui mừng, hi vọng, vừa lo lắng kết quả sẽ như những lần trước bố ông đã từng đi tìm, ông Nhường và một người chú của mình (hiện đang sống ở Gia Bình, quê nội ông) đã lặn lội khăn gói bao nhiêu ngày trời, đi dọc hai bên sông Lục Nam, hỏi thăm ở những khu chợ đông người và những vùng bến bãi.

Quả thật, khu vực ven sông Lục Nam rất nhiều người từng bị chiến tranh loạn lạc mà ly tán đến đây, nhưng hỏi ai họ cũng đều nói đã tìm được người thân ở tỉnh nọ tỉnh kia. Chán nản, mệt mỏi, trước khi định quay trở về quê, ông Nhường và người chú rẽ vào một quán nước ven đường ngồi nghỉ và hỏi thăm bà chủ quán nước, thì bà ấy kể trong làng có một người già tên Là, khoảng 80 tuổi, bị lạc anh em, gia đình, được người nơi đây nhận nuôi từ bé nhưng chưa từng có ai đến nhận họ hàng. Linh cảm thấy đây rất có thể là bà cô của mình, ông Nhường nhanh chóng theo tay chỉ của bà bán nước tìm vào trong làng.

"Khi hỏi thăm vào đến nhà, nhìn thấy bà cụ, chúng tôi đều sửng sốt ngạc nhiên vì thấy cụ bà giống bố mình một cách kỳ lạ, từ cử chỉ đến dáng đi. Đặc biệt hơn, khuôn mặt của cụ giống hệt với một người em gái tôi. Nhưng hỏi chuyện thì bà cụ cũng tâm sự thật về hoàn cảnh của mình là bị lạc, tuy nhiên lạc ở đâu, vì sao lạc thì bà cụ không nhớ rõ. Chúng tôi cũng phải mất hai ba lần đi lại giữa quê nội tôi và nhà bà để nghe mọi người trong họ kể về những đặc điểm của mọi người trong gia đình, cũng như đặc điểm của nhà nội tôi để quay lại hỏi lại bà cụ cho chính xác. Những gì cụ nhớ được rất giống với những câu chuyện ít ỏi mà bố tôi khi còn sống vẫn kể. Tôi còn nghe mọi người trong gia đình kể rằng, dòng họ nhà tôi nhiều đời có người có ngón chân thứ hai quặp gần hết lên ngón cái, đó là truyền thống của gia đình mà cả làng tôi ai cũng nhắc tới. Lần thứ 3 trở lại nhà bà cụ, tôi đã cẩn thận xin phép cụ cởi tất cho xem bàn chân thì quả đúng như vậy. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng, đó là người bà cô mà gia đình tôi đã tìm kiếm hàng chục năm nay", ông Nhường vui sướng kể lại câu chuyện.

Cả làng Lựa xôn xao về câu chuyện của gia đình ông Nhường.

Cẩn thận hơn, ông Nhường còn xin mẫu máu của bà cụ đem đi xét nghiệm thì mẫu máu của cụ trùng hợp với mẫu máu của nhiều anh em trong gia đình. "Hôm đó là ngày cuối tháng 1/2014, lúc biết được bà cụ đó chính là người cô thất lạc mấy chục năm qua, khỏi phải nói, gia đình tôi đã sung sướng, mãn nguyện đến chừng nào. Tôi vội báo tin hết cho người này đến người khác, từ họ hàng, nội ngoại anh em xa gần đến bà con xóm giềng. Đặc biệt, khi chúng tôi xin phép con cháu cụ đưa cụ về thăm lại quê thì đến đầu làng cụ nhận ra cây đa, lạch nước trước cổng làng, thậm chí còn nhớ như in, nhà ông bà nội tôi ở đối diện với nhà một ông thầy đồ dạy học của xóm. Vì thế mà gia đình tôi càng khẳng định đó là người cô của mình mà không cần phải xét nghiệm AND nữa", ông Nhường cho biết.

Hôm đón cụ về quê chơi, ông Nhường đã đứng ra tổ chức mời tất cả anh em, họ hàng xa gần đến chia vui cùng gia đình mình. Từ đầu làng đến cuối làng, ai ai biết chuyện cũng tới hỏi thăm và chúc mừng. Những người biết cụ Ban đều trầm trồ ngạc nhiên vì bà Bé Lớn (tên gọi ngày bé của cụ bà thất lạc) giống ông Ban như hai giọt nước. "Những người con cháu của cô tôi khi gặp được chúng tôi cũng vui sướng, hạnh phúc lắm, bởi cũng nhiều năm rồi, cô tôi và các em tôi cũng lặn lội đi tìm gia đình mà không thấy", ông Nhường rưng rưng nước mắt.

Giờ đây, cứ khi nào rảnh rỗi, ông Nhường lại đón vợ chồng bà cô mình về Quế Võ để chơi, nếu không thì ông và mọi người trong gia đình lại lên Lục Nam thăm cô và các em. Hạnh phúc tìm được người thân sau 70 năm loạn lạc, ly tán với gia đình ông không thể nói thành lời, nhưng với nhiều người làng Lựa, đó quả là một chuyện lạ, một chuyện hi hữu. Có lẽ ông trời vẫn thương bà cụ, thương gia đình ông, để cụ sống khoẻ mạnh đến bây giờ và để gia đình đón được cụ về đoàn tụ. Gặp lại con cháu, tìm được gốc tích bản thân, cụ Bé Lớn cũng mừng lắm và cũng ngạc nhiên bởi nhà gần thế mà chẳng hiểu sao bao năm qua, bản thân cụ lại không nhớ nổi. Còn gia đình ông Nhường cũng không nghĩ rằng cô mình có thể ở gần thế mà 70 năm qua gia đình mới tìm ra.

Ông Lưu Văn Long, Phó Công an xã Việt Hùng cho biết: "Chuyện gia đình ông Nhường tìm được bà cô sau 70 năm là có thật. Quê nội cụ Ban, bố ông Nhường ở Gia Bình, Bắc Ninh. Trước loạn lạc, cụ Ban có lạc lên Quế Võ và được một gia đình nhận nuôi. Ông Nhường mới tìm được bà cô mấy tháng nay. Chính ông Nhường và người chú của mình đã tìm được. Ông Nhường cũng đưa con cháu, anh em và bà cụ đi thử máu thì đều trùng khớp".

Ngọc Trâm - Lê Phong
.
.
.