Cuộc sống mới của ba mẹ con từng sống trong hang như thời tiền sử

Thứ Ba, 02/06/2015, 10:00
Nhớ lại ba năm trước, chúng tôi đã từng phải xắn quần lội qua con suối sâu để tận mắt nhìn thấy "tư gia" có một không hai của 3 mẹ con chị Tâm ở Bắc Giang. Ngót nghét 10 năm trời người đàn bà tâm thần ấy sống cuộc đời hoang dại, cứ đẻ con rồi lại tha chúng đi khắp nơi, sau đó tự mình xây một cái hang trên đồi làm nơi trú ngụ.
Thật may mắn, sau bài báo của chúng tôi và của một vài đồng nghiệp ở các báo khác, ba mẹ con người đàn bà đó đã được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang nuôi dưỡng. Giờ đây, họ đã được sống cuộc sống của những người bình thường.

Chuyện của 3 năm trước

Về đến chợ Đồng (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) hỏi thăm về người đàn bà đào hang ở trên đồi cùng hai đứa con hoang thì không ai không biết. Từ chợ Đồng, đi khoảng ba cây số nữa, vòng lên rồi lại vòng xuống nhiều lần chúng tôi mới tìm được nhà của anh trai người đàn bà tâm thần. Ngôi nhà cấp bốn cũng không đến nỗi nào.

Anh Lê Hoàng Năm, anh trai chị Lê Thị Tâm (người đàn bà tâm thần) tiếp chúng tôi với khuôn mặt thiểu não. Điều đó dễ hiểu vợ con anh cùng mẹ già thì được sống ở trong nhà, nắng không tới mặt, mưa không tới đầu, nhưng còn đứa em gái cùng hai đứa cháu cứ lang thang nay đây mai đó đã gần chục năm nay rồi. "Mùa hè còn đỡ, những đêm mùa đông rét buốt tôi hầu như không ngủ được vì nghĩ đến em, nghĩ mình chăn ấm đệm êm còn ba mẹ con của em thì màn trời chiếu đất" - vừa nói anh Năm vừa như muốn khóc.

Hỏi vì sao gia đình không đón ba mẹ con chị Tâm về cho chị và hai đứa con của chị khỏi cầu bất cầu bơ thì anh Năm lắc đầu than thở: "Bao nhiêu lần gia đình tôi tìm lên đồi để đón mẹ con nó về nhưng cứ đến nơi là nó chạy. Nó sợ mọi người bắt mất con nó nên nhìn thấy người nhà là nó trốn biệt". Thấy lạ, chúng tôi hỏi anh Năm chắc phải có uẩn khúc gì thì chị Tâm mới sợ bị mất con như thế.

Cuộc sống mới của Đồi và Đỉnh (giữa) tại trung tâm.

Ngồi bên cạnh con trai, bà Nguyễn Thị Ngắm (mẹ chị Tâm) buồn rầu kể lại: "Hồi xưa khi còn là con gái, con Tâm đẹp lắm, lại chăm chỉ làm ăn nên cũng có nhiều người muốn lấy về làm vợ. Nhưng mà sau rồi nó ưng cái người ở Cao Năm, là chồng nó sau này. Lấy nhau rồi nó sinh được mụn gái đầu lòng. Thế mà không hiểu sao đẻ xong một thời gian nó cứ cười. Bệnh cười của nó ngày càng trầm trọng hơn. Nhà chồng nó đã từng đưa nó xuống cây số 4 (bệnh viện tâm thần) để khám và chữa trị. Nhưng nó cũng chỉ đỡ được một thời gian rồi lại đâu vào đấy. Rồi nó bỏ đi. Một thời gian sau nó lang thang ở khu vực gần nhà, người ta thấy bụng nó lùm lùm. Lùm lùm đứa thứ nhất, chẳng bao lâu lại lùm lùm đứa thứ hai. Gia đình tôi mới lừa nó để đem con nó cho người khác vì nghĩ nó điên thì nuôi làm sao nổi con. Thế là từ đấy nó ghét gia đình tôi lắm. Cứ hễ đến gần là nó chửi hoặc bỏ trốn".

Sau khi hai đứa con bị bắt đem đi cho, bệnh tình của chị Tâm càng trở nên trầm trọng hơn. Cơ hội để mọi người nhìn thấy chị lang thang nay đây mai đó cũng ít đi. Một buổi chiều giông bão, những người ở quanh quả đồi nơi chị Tâm từng sống bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc oe oe rất to. Họ chạy ra nơi có tiếng trẻ khóc thì thấy chị Tâm đang ngâm một đứa bé còn đỏ hỏn xuống dòng suối lạnh.

Hang đá nơi 3 mẹ con chị Tâm sống 3 năm trước đó.

Biết là nếu lại gần, người đàn bà điên đó sẽ lại bỏ chạy nên họ đứng từ trên hỏi vọng xuống: "Làm gì với đứa nhỏ thế?" thì nhận được câu trả lời: "Vừa đẻ nó xong, mang xuống suối tắm cho sạch". Mọi người nín thở chờ xem số mệnh của đứa trẻ vừa sinh ra, rốn còn dài lòng thòng chưa kịp cắt đã "được" mẹ mang đi tắm nó sẽ ra sao. Vậy mà không ngờ nó vẫn sống, lại còn khỏe mạnh là khác. Sau này người ta gọi nó là thằng Đồi. Có lẽ vì nó được đẻ ở trên đồi.

Vài năm sau, những người sống ở nơi đây lại thấy cái bụng của chị Tâm to một cách bất thường. Rồi cũng đến một ngày chị "khai hoa nở nhụy". Lần này không phải ở trên đồi, cũng chả phải ở dưới suối mà chị vượt cạn ngay trên một chiếc bàn bán thịt lợn của một người nào đó ở tại ngã tư Đủng Đỉnh. Thế nên sau này người ta lại gọi con gái chị là cái Đỉnh.

Ba mẹ con chị Tâm ở trong một cái hang, xung quanh là rác rưởi và lổng chổng những chai lọ nhựa. Bên trên hang là "cái tủ quần áo" tự nhiên của cả ba mẹ con. Nó được giăng trên một sợi dây nối đầu bên này của hang sang đầu bên kia. Cái làn nhựa treo lủng lẳng trên cây, bên trong có một con dao phay, một cái nồi, vài ba cái quần áo và một chai nhựa trông đục ngầu.

Đây là hành trang bất ly thân của ba mẹ con chị mỗi khi xuống núi. Khi chúng tôi mang máy ảnh ra để ghi hình ba mẹ con chị, có vẻ như chị cũng không biết là chúng tôi đang làm gì. Chỉ đến khi chúng tôi cho thằng Đồi xem lại những gì chúng tôi vừa chụp thì nó cười sặc sụa như ma làm, miệng ú ớ liên hồi rồi chạy ra khoe mẹ. Đây là lần đầu tiên nó được nhìn thấy hình ảnh của mình.

Nhưng nó không thể diễn tả sự vui sướng đó bằng lời nói vì hình như nó không biết nói. Không ai dạy nó nói. Mẹ nó cả ngày hầu như không nói câu nào, đã thế nhà của nó lại ở trên đồi nên nó chả mấy khi được tiếp xúc với người khác. Đứa em gái ba tuổi của nó cũng thế. Ba mẹ con chị Tâm nếu muốn gửi thông điệp gì đến nhau thì đều dùng hành động. Họ trèo cây, lội suối nhanh như cắt.

Và hiện tại

Như đã nói ở trên, sau khi bài báo chúng tôi phản ánh về cuộc sống của ba mẹ con chị Tâm, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội đã vào cuộc. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, ba mẹ con chị Tâm đã được đưa vào sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Những ngày đầu, các mẹ, các chị của trung tâm đã phải rất khó khăn để giúp 3 mẹ con chị Tâm hòa nhập.

"Lúc mới vào đây, cả hai anh em Đồi, Đỉnh đều không biết nói. Cũng dễ hiểu, vì trước đó hai đứa chỉ sống trên đồi cùng với mẹ. Thi thoảng thì đi theo mẹ xuống thị trấn xin đồ ăn nhưng cũng chỉ lặng lẽ vậy thôi. Bé Đỉnh rất nhút nhát, hễ cứ nhìn thấy người là chạy trốn hoặc khóc ré lên" - chị Cúc, nhân viên Trung tâm nhớ lại. Không chỉ không biết cách giao tiếp mà ngay cả những sinh hoạt thông thường như cầm bát, đũa để ăn hai đứa trẻ này cũng không làm được. Ngay cả chuyện vệ sinh của chúng cũng rất bản năng.
 

3 mẹ con chị Tâm thời còn lang thang.

Hễ có nhu cầu là chúng "xả" ra bất cứ nơi đâu trong phòng. Thời gian ấy, những cán bộ của trung tâm trực tiếp chăm sóc anh em Đồi và Đỉnh đã phải rất vất vả và kiên nhẫn mới có thể rèn hai bé vào nếp. "Để dạy cả hai đứa học nói cũng không phải là chuyện dễ dàng. Bé Đồi dù sao cũng được theo mẹ xuống thị trấn nhiều hơn nên cũng bập bõm đôi chút. Riêng bé Đỉnh thì hoàn toàn không biết nói tiếng nào" - chị Cúc kể.

Gần 3 năm sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang, bé Đồi đã chuẩn bị bước vào lớp 3 tại Trường Tiểu học Dĩnh Kế, còn bé Đỉnh cũng đang học lớp mẫu giáo lớn để chuẩn bị vào lớp 1. Chị Cúc khoe: "Bé Đỉnh bây giờ đã nhận biết hết các mặt chữ cái rồi, đang tập tô để chuẩn bị vào lớp 1. Nhiều lúc mình hỏi con là con thích sống ở đây hay thích sống trên đồi thì con bảo muốn sống ở đây với mẹ Cúc cơ".

Toàn bộ quần áo, sách vở và đồ dùng học tập của hai anh em Đồi đều được cấp miễn phí từ ngân sách và các tổ chức xã hội. Thành tích học tập của Đồi tuy không cao, nhận thức còn chậm nhưng bù lại bé rất hòa đồng và ngoan ngoãn, lễ phép.

Riêng chị Tâm, vì căn bệnh tâm thần ngày một nặng nên phải ở trong một phòng cách ly. Bất cứ khi nào hai đứa trẻ thấy nhớ mẹ, chúng lại được cán bộ của trung tâm dẫn đi gặp mẹ. Nhưng mỗi lần chứng kiến mẹ lên cơn đập phá, gầm rú và xé rách toang quần áo, hai đứa trẻ đáng thương lại sợ rúm người lại.

Nhìn hai đứa trẻ quây quần bên các mẹ, các bạn trong Trung tâm Bảo trợ chúng tôi chợt thấy ấm lòng. Nhớ lại ba năm về trước, khi chia tay ba mẹ con chị Tâm trong hang đá lạnh lẽo khi cơn dông đang sầm sập tới, chúng tôi đầy lo âu với câu hỏi: "Những đêm mưa gió lồng lộng, không biết ba mẹ con chị Tâm sẽ chống chọi ra sao trong hang đá nông toèn và toang hoác như vậy?".

Bà Hoàng Thị Thắng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Sau khi đọc báo, biết được hoàn cảnh của ba mẹ con chị Tâm chúng tôi rất đau lòng. Ngay sau đó chúng tôi đã cùng các tổ chức xã hội khác tìm cách đưa ba mẹ con về sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang. Khi tận mắt chứng kiến các cháu được ăn no mặc ấm, được bảo vệ an toàn và được cắp sách tới trường, chúng tôi mới thấy hoàn thành một phần trách nhiệm".
Phong Anh
.
.
.