Đàn ngựa bạch lớn nhất Việt Nam và cách nuôi ngựa kì lạ của người dân xứ Lạng

Thứ Sáu, 28/02/2014, 10:00

Nếu đã từng tham quan các trang trại nuôi ngựa bạch, người ta có thể thấy một điểm chung về cách chăn thả và nuôi nhốt rất cẩn thận của chủ trại bởi giá một chú ngựa bạch rất cao. Thế nhưng, cũng chính loài ngựa bạch ấy, ở xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn người dân lại có một cách nuôi cực kì lạ lẫm. Người nuôi ngựa nơi đây để cho chú ngựa của mình tự phát triển ở nơi đồi núi, nếu nói ngựa bạch ở nơi đây là ngựa hoang có lẽ cũng không có gì sai…

Tự sinh tự diệt

Cách đường quốc lộ 1A đi vào sâu trong núi chừng 50km, xã Hữu Kiên (Chi Lăng, Lạng Sơn) nằm gọn giữa tầng tầng lớp lớp những ngọn núi cao hùng vĩ. Từng đám mây uốn lượn vắt qua sườn núi. Tiếng lục lạc ngựa khua vọng lại cho thấy sắp đến "thiên đường của ngựa bạch". Hữu Kiên được coi là địa phương sở hữu nhiều ngựa bạch nhất Việt Nam.

Chúng tôi đã tìm gặp ông Nông Đức Vân - Bí thư Đảng ủy xã Hữu Kiên để tìm hiểu về sự phát triển của ngựa bạch. Ông Vân cho biết, ngựa ở nơi đây được nuôi từ rất nhiều năm trước và ngựa bạch được chuộng nhân giống vì có giá thành cao. Khi nói về kĩ năng nhận biết giống ngựa đặc biệt này, ông Vân đã giới thiệu cho chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Văn Bờ, một trong số những tay nuôi ngựa bạch kì cựu ở xã Hữu Kiên.

Sau vài kilômét đường núi, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được đến nhà ông Bờ, sau khi đề cập chuyện muốn xem ngựa bạch, ông Bờ nói rằng phải đợi ông đi lùa ngựa về. "Ở đây ngựa tự đi kiếm cái ăn, chúng có thể đi cả tuần, cả tháng mới trở về nhà. Vào mùa gặt thì mới phải chăn thả cẩn thận hơn…", ông Bờ cho biết. Cũng không hiếm trường hợp trong khi lang thang ở các khu đồi núi, ngựa bị ngã hay trượt chân xuống hố, nếu có người phát hiện sớm thì cứu được nhưng cũng có khi là bỏ mạng vì chấn thương. "Tự sinh tự diệt", lý lẽ ở đây là thế, những chú ngựa ở nơi này tự quyết định mạng sống của mình ở vùng đồi núi hoang vu này.

Ông Bờ và đàn ngựa của gia đình.

Để nhận biết ngựa bạch "xịn", theo những người nuôi ngựa kì cựu thì phải hội tụ đầy đủ các yếu tố: Mắt có màu trắng mây hay còn gọi là mắt mốc, chung quanh có một vòng màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, thậm chí trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa. Các lỗ tự nhiên (lỗ ở bộ phận sinh dục, mũi, mõm) có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng, màu cước ánh bạc. Chỉ thiếu một trong những đặc điểm trên thì đã bị loại ra khỏi "đội ngũ" ngựa bạch thuần chủng, lúc ấy chỉ còn được gọi là ngựa kim. Có người còn nói rằng vào giờ chính Tuất (20 giờ) dùng đèn chuyên dụng soi vào đồng tử ngựa bạch phải chuyển từ hình tròn sang hình dạng chữ nhật nằm ngang mới chính cống là ngựa bạch. Còn về cách nuôi ngựa và "cho ra lò" một chú ngựa bạch thuần chủng thì quả thật có muôn vàn khó khăn, kiểu cách.

Nhìn những chú ngựa bạch được ông Bờ lùa về để cho chúng tôi chiêm ngưỡng có tác phong chậm chạp, tôi cũng thắc mắc về tính cách của giống ngựa quý hiếm này. Giải đáp cho những thắc mắc ấy, ông Bờ cho biết: "Nhìn bọn nó chậm thế thôi nhưng khỏe lắm. Giống ngựa quý này tính vốn lì hơn ngựa thường nên bao giờ cũng có cái dáng chậm rãi như thế.

Nhiều người tưởng rằng sức ngựa bạch yếu nhưng không phải vậy. Chúng lành tính nên ít xảy ra ẩu đả, kể cả mùa động đực. Giống ngựa này không phải lo chuyện ăn uống nhiều, bạ cây cỏ gì chúng cũng ăn nhưng đặc biệt là một số loại thảo dược mọc hoang trên núi. Cũng vì thế mà giống ngựa thả rông ở đây thường rất khỏe mạnh, chẳng mấy khi mắc bệnh tật. Thậm chí có người bảo tôi ngựa bạch không ăn được cây chuối như lợn nhưng tôi huấn luyện cho mấy con nhà tôi sau một tuần ăn ầm ầm chuối băm trộn lẫn cám".

Giống ngựa với bộ lông trắng muốt này ít khi bị dịch bệnh, mùa mưa ăn cỏ đã đành, mùa khô thiếu thức ăn cái nết na của con nhà khó mới được dịp bộc lộ. Chúng ngốn cả thân ngô hay vỏ đậu xanh mà vẫn chẳng nề hà, chẳng bị bệnh tật. Tập tính sinh sản của ngựa không lung tung như trâu, bò, chúng không bao giờ phối giống với những con cùng huyết thống, kể cả sau khi bán xa vài năm nó cũng nhận được mặt, mùi của những con cùng chung máu mủ này.

Thoát nghèo nhờ ngựa bạch

Khó khăn là vậy, ấy mà những người dân nơi đây có thể nâng tổng số ngựa bạch lên đến hàng trăm con quả cũng là kì tài. Cái sự kì tài ấy có lẽ nằm ở mánh khóe của những người nuôi ngựa, chính ông Bờ cũng chia sẻ: "Nếu ngựa bạch mẹ với ngựa bạch bố thì không còn gì để nói, chắc chắn ra giống thuần chủng. Nhưng ở đây chúng tôi còn có cách cho ngựa thường sinh ra ngựa bạch nữa kia...".

Theo như lời ông Bờ thì phải chọn những con ngựa cái hởi (có màu vàng), ngựa cái kim (màu đen trắng). Những con ngựa này được chọn riêng ra để nhốt, đến đêm cầm đèn pin soi vào mắt ngựa, nếu thấy đôi mắt ánh đỏ như hòn than cháy thì mới chọn. Sau đó cho chúng phối với ngựa bạch đực thì sẽ sinh ra ngựa bạch. Còn có một "mánh" khác đó là cho ngựa bạch mẹ phối với ngựa đực thường để sinh ra ngựa đực con dù không còn thuộc giống thuần chủng như trước.

Đây là "mánh" được nhiều người dân nơi đây sử dụng khi một thời cao ngựa được săn lùng ráo riết nhưng ngựa bạch đực lại vô cùng khan hiếm. Đã có lúc tìm cả xã chỉ được vài chú ngựa bạch đực trưởng thành, còn lại thì toàn ngựa cái. Tình trạng "mất cân bằng giới tính" như vậy đã dẫn tới việc để có giống thuần chủng, chủ ngựa cái phải "đặt gạch" ở những nhà có ngựa bạch đực đến cả tháng.

Chủ ngựa chải bờm, tắm rửa, bứt cỏ non cho chúng ăn hằng ngày nên chỉ cần nhìn thấy dáng chủ từ xa hay ngửi mùi mồ hôi quen thuộc là chúng hí, chúng vung vẩy đuôi, chúng rũ rũ bờm, mừng vui ra mặt. Người nuôi ngựa cũng phải nắm rõ tính cách của từng con. Có con hiền lành, có con dữ hơn. Khi đàn ngựa của ông về đến nhà, vợ ông Bờ chuẩn bị hai rổ trấu. Một rổ trấu chỉ dành riêng cho một con ngựa bạch to khỏe nhất đàn. Rổ còn lại thì cho các con khác.

Có thể dễ nhận biết giữa ngựa bạch thuần chủng và ngựa lai.

Ban đầu, chúng tôi thắc mắc tại sao lại có sự phân chia không đều thì chính con ngựa bạch khỏe mạnh đã trả lời cho thắc mắc ấy. Chỉ cần có con nào mon men lại gần rổ trấu thì chú ngựa đực lại hý vang, tung vó đá hậu đuổi đi. Chính vì biết tình cách hung dữ của con ngựa đực nên gia đình ông đã chuẩn bị sẵn sàng. "Trong đàn có con ngựa cái đang mang bầu. Nó mà dính một cú đá thì chắc lứa ngựa sắp tới tiêu tùng rồi", vợ ông Bờ chia sẻ.

Mảnh đất đồi núi điệp trùng này cũng như các vùng đồi núi khác trên đất nước nhưng lại nuôi dưỡng và sản sinh được đàn ngựa bạch quý. Lí giải về điều này, người dân địa phương cho rằng ở Hữu Kiên có đồi cỏ tốt bời bời, dân cư thưa thớt, nương rẫy ít nên có nghề chăn ngựa dạng cha truyền con nối nhiều đời là lẽ dĩ nhiên. Trước đây giá trị một con ngựa bạch chỉ ngang ngựa thường vì người ta không biết nấu cao cũng chẳng dám ăn thịt chúng mà chỉ sử dụng để thồ hàng. Giờ cao ngựa bạch được ưa, người dân mới gây thêm giống cho đàn ngựa bạch trở nên đông đúc như vậy.

Và cứ mỗi một năm rưỡi, mỗi chú ngựa cái lại cho ra một lứa ngựa bạch mới, dù có hội tụ đầy đủ những điều kiện đã nêu ở trên hay không thì giống ngựa bạch này vẫn có giá trị rất cao. Mỗi chú ngựa bạch được dân buôn thu mua từ 40-50 triệu tùy theo độ tuổi, cân nặng. Chỉ cần đánh tiếng là có người mua lặn lội vào tận nơi để giao tiền ngay lập tức. Thậm chí, đã từng có những lái buôn vào tận nơi để ra giá cho đàn ngựa của ông Nguyễn Văn Mong - người nuôi nhiều ngựa bạch nhất xã Hữu Kiên với số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng.

Cũng vì lí do đó, không thể phủ nhận, giống ngựa quý hiếm này cũng trở thành một công cụ xóa đói giảm nghèo ở cái nơi biệt lập này. Nhưng cũng chỉ nhờ sự biệt lập ấy mà đàn ngựa bạch được nuôi dưỡng một cách tự nhiên nhất, tạo nên những chú ngựa bạch hoàn hảo nhất. Và núi đồi hiểm trở lại biến thành địa linh nơi bạch mã tung hoành.

Theo ông Nông Đức Vân - Bí thư Đảng ủy xã Hữu Kiên cho biết, có những lúc số lượng ngựa bạch lên tới 400 con, chiếm gần 1/3 trong tổng số ngựa nơi đây. Còn vào thời điểm cuối năm 2013 thì số lượng ngựa bạch ở xã Hữu Kiên là 340 con.

Ngọc Minh - Ngọc Trâm
.
.
.