"Dị nhân" nghe cá ở làng chài Phước Hải

Thứ Hai, 08/07/2013, 23:44

Về làng chài Phước Hải (thị trấn Phước Hải - huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) giữa mùa biển lặng, tôi may mắn được diện kiến "dị nhân nghe cá" Nguyễn Văn Liễu. Hơn 50 năm ngoi ngụp giữa biển khơi, với khả năng lặn sâu, nín thở lâu, Nguyễn Văn Liễu trở thành kình ngư cừ khôi có đôi tai "thần" khi nghe được từng tiếng thở, tiếng gọi bầy của các đàn cá giữa đại dương. Chỉ bằng đôi tai, cuộc đời ngư phủ của ông đã đánh bại hàng ngàn đàn cá, hàng trăm tấn cá của biển.

"Sinh ra" giữa lòng biển

Sóng biển Phước Hải mùa này dịu nhẹ, từng cơn sóng nhỏ bạc đầu vẫn miệt mài đuổi nhau vào bờ cát. Những tấm lưới giăng mắc trắng trời, thuyền to thuyền nhỏ, thuyền thúng thuyền nan neo đậu dập dềnh trên đầu ngọn sóng chờ gió lên để giong buồm ra khơi.

Tôi ra bờ biển, nghiêng đầu cho gió quật tóc rối bung, vuốt mặt để cười theo tiếng gõ “cốc cốc” vào mạn thuyền của người giặt lưới. Tôi gọi thật to ông Bảy Liễu, một giọng nữ đối lại lấn át tiếng của tôi: "Ông ấy ở trong Dinh Ông Nam Hải, quay về mà tìm".

Dinh Ông Nam Hải cách bờ biển vài cây số, mất mươi phút chạy xe máy. Đây là nơi cư dân làng chài Phước Hải dựng lên để thờ hài cốt các Ông (tên gọi trân trọng của người dân ven biển dành cho cá Voi). Quả đúng như lời chị ngư phủ chỉ, tôi gặp ông Bảy Liễu trong Dinh. Ông chính là một trong những nhân vật nằm trong Ban quản lý Dinh Ông Nam Hải, có nhiệm vụ túc trực để coi giữ "di cốt" của cá Ông.

Bảy Liễu ngồi đó, trông ông vẫn còn nguyên dáng vóc một kình ngư chính hiệu, vẫn nước da đen sạm rắn chắc, vẫn đôi mắt tinh anh sáng rực và đôi tai to vành vểnh ra phía sau. Nhìn tôi, ông cười khà khà trong ngụm nước trà vừa nhấp. Nghe tôi hỏi về ngày xưa, cái thời ông đi "nghe cá" dưới lòng biển, ông lại cười hiền hòa nhưng trầm lắng: "Ừ, đi nghe cá nói, nghe cá hát, nghe cá tìm bạn tình… nhiều âm thanh, vui lắm mày ơi".

Ông Bảy Liễu.

Thủa ấy, khi làng chài vẫn chưa gần với biển thì biển trong xanh thăm thẳm, sóng đánh đẩy cát vào đất liền dần dà thành làng chài hôm nay. Cư dân xóm chài bao đời đều gắn với biển, đói no với con cá con tôm. Những chuyến khai mở luồng cá dần dần được cha ông đúc kết kinh nghiệm, Bảy Liễu khi ấy thường theo cha trên con thuyền thúng đi câu gần bờ. Vị mặn của muối ngắm dần vào da thịt, làm nó săn lại cứng chắc.

17 tuổi, Bảy Liễu trở thành chàng thanh niên vạm vỡ, sóng gió biển khơi không còn là điều đáng sợ nữa. Sự sinh sôi nảy nở của con người, sự gia tăng không ngừng về số lượng lẫn công cụ đánh bắt khiến biển ngày một ít cá đi. Cá lẩn trốn con người, con người thì tìm cách săn lùng, đánh hơi cá.

Thế rồi từ bao giờ không biết, cư dân làng chài Phước Hải sinh ra nghề "nghe cá" giữa lòng biển. Bảy Liễu theo cha trên con thuyền đánh bắt xa bờ, cha ông là một kình ngư nổi tiếng trong vùng. Chính ông đã dạy cho con trai mình bí quyết "nghe cá", theo chân cá để đi tìm ngư trường dồi dào.

Trong số những anh em theo nghề biển thì chỉ có mình Bảy Liễu lĩnh hội được bí quyết "nói chuyện" với cá. Bởi theo ông, nói đúng ra thì đây không phải cái nghề mà là một thủ thuật được đúc rèn từ kinh nghiệm đi biển lâu đời, từ mồ hôi và máu của thế hệ cha ông Bảy Liễu đã đổ vào biển cả.

Gióng tai giữa biển, hốt cá vào khoang

Đặc thù của nghề "nghe cá nói" chỉ cần kinh nghiệm chủ đạo ở đôi tai. Một khi tàu ra giữa biển, ngư phủ chỉ việc làm một thao tác là nhảy ùm xuống biển, lấy hơi thật sâu lặn một mạch xuống lòng đại dương, lấy chân giữ nước bắt đầu thanh lọc âm thanh. Ông Bảy cho biết, âm thanh của biển cả nếu không dùng thính giác thanh lọc thì chỉ nghe tiếng ù ù của sóng ngầm. Tiếng sóng rất lớn, nó lấn áp tất cả mọi tiếng kêu khác đặc biệt là tiếng cá.

Những ngày từ giã biển, ông Bảy Liễu tìm đến Dinh Ông Nam Hải cầu Ông phù hộ cho cháu con ra khơi.

Ông Bảy kể: "Quá trình "nghe cá" chỉ diễn ra trong thời gian một hơi lặn, có khi chỉ một hơi là nghe được tiếng cá nhưng thường thì phải vài hơi mới phát hiện ra chúng. Người không giỏi thì "nghe" được cá "nói" đã là thành công lắm rồi nhưng với tôi, không chỉ "nghe cá" hát mà còn từ âm thanh ấy, tôi có thể phân biệt được đó là loại cá nào, chúng ở hướng nào, luồng bơi nông hay sâu và khối lượng nhiều ít bao nhiêu".

Nhấp ngụm nước trà, vị kình ngư này tiếp: "Thời gian đầu tôi chỉ nghe được một tai nhưng dần dần, tôi tập luyện nghe bằng cả hai tai. Tôi phân chia nhiệm vụ, tai phải sẽ rẽ nước tìm luồng, một khi phát hiện, lập tức tôi lật ngược tai trái lại để xem đó là luồng cá gì, bao nhiêu đàn".

Nghe Bảy Liễu kể, tôi mơ màng hình dung ra một tấm lưng trần phi mình xuống đại dương như con rái cá, rồi ngụp lặn để tìm đàn cá nó gian truân, hiểm nguy đến nhường nào. Trong khi không hề có một bảo hộ nào về nghề nghiệp, những người như Bảy Liễu phải đánh đu mạng sống giữa biển cả mênh mông đầy hiểm họa bất trắc.

Tôi thoáng rùng mình, Bảy Liễu nhìn tôi cười giòn: "Đó là cái nghề, một khi đã quen rồi thì cảm giác nhẹ nhàng đơn giản vô cùng. Tôi lặn ngụp trên biển hơn 50 năm chứ ít gì, thời gian đã bào mòn sự sợ hãi của tôi rồi".

Bán kính đánh hơi cá lan tỏa hơn 100m theo bề ngang còn bề sâu, do sóng ngầm đánh mạnh, đẩy âm lượng nước lên cao nên chỉ nghe được tầm 30-40m. Tuy nhiên, ông Bảy cho biết, kình ngư đoán luồng cá theo bề ngang hướng lên mặt nước là chính, hơn nữa những loại cá lớn bơi thành đàn cũng chỉ bơi tầm đó chứ không dám xuống sâu vì sợ các loài lớn hơn tấn công.

Nói "nghe cá" cho dễ hiểu chứ thật ra, là nghe hơi gió mà cá phát ra khi bơi. Âm thanh càng lớn chứng tỏ đàn cá đó rất đông, khối lượng có khi vài tấn, kình ngư chỉ việc thông báo cho tàu neo lại, bủa lưới thu hoạch.

Tôi hỏi ông có khi nào nghe nhầm, đoán sai không? Ông bảo có mà ít. Ông nhớ có lần lặn sâu quá, nghe tiếng sóng ngầm mà ngỡ tiếng cá ngao vàng, ngao trắng. Thế là ngoi lên, hí hửng kêu anh em bủa lưới. Suốt mấy tiếng đồng hồ, cá không vào lưới, nóng ruột quá, Bảy Liễu lặn xuống lần nữa thì không phát hiện âm thanh nào, ngỡ cá chạy thoát. Đó là lần thất thu duy nhất, sau này Bảy Liễu tự rút kinh nghiệm chứ lần đó không ai biết ông đã nghe nhầm tiếng sóng đại dương.

Hơn nửa đời người đi biển, làm nghề "nghe cá", ông Bảy Liễu đã quá quen thuộc với từng tiếng cá, hầu như không có chuyện nhầm lẫn. Mắt dõi ra phía hàng phi lao vi vút gió ngàn, Bảy Liễu điềm đạm kể: "Đừng tưởng tiếng kêu mạnh là cá to, gặp nơi nào nước chảy mạnh, tiếng kêu vù vù thì đích xác đó là đàn cá nhỏ, chúng dựa vào luồng nước để bơi.

Cư dân làng chài Phước Hải đan lưới chuẩn bị ra biển.

Cá ngao vàng, cá sóc nanh, cá dạ là những loài thường đi theo đàn với số lượng rất lớn. Ví dụ túc túc là tiếng kêu của cá sóc trắng, “cụp cụp” là sóc nanh, cá ngao vàng thì lại “tục tục”… Âm thanh ấy, nhiều khi nó hỗn tạp lắm chứ không đơn điệu như tôi vừa kêu đâu. Tất cả do quá trình nghe ngóng, nghe nhiều quen thì rút ra được đặc điểm của từng loài. Tôi khẳng định, chưa có cuốn từ điển nào viết về tiếng kêu của cá mà chính xác như tôi kêu đâu".

Nói rồi, ông khoái chí vỗ bàn đánh bụp, những đàn cá long lanh hiện về trong mắt ông. Một thời, mỗi khi thuyền Bảy Liễu giăng buồm ra khơi, ngày vào đất liền trong khoang luôn đầy ắp cá.

Tuy nhiên, theo Bảy Liễu thì chưa có công việc nào nặng nề và vất vả như nghề "nghe cá" của ông. Trong khi các thủy thủ vẫn đang chìm trong giấc ngủ thì ông đã phải dậy. Khi biển vẫn còn chìm trong bóng đêm, sương muối lạnh buốt thấu tim gan, ông mình trần lao xuống biển, ngụp lặn nghe cá. Có khi lặn cả mấy tiếng đồng hồ, mặt trời ló rạng phía đất liền vẫn không phát hiện đàn cá nào. Lại leo lên tàu nhổ neo hàng chục hải lý đến ngư trường khác.

Người "nghe cá" luôn đi trước đón đầu và được xem là người quan trọng nhất trong đoàn tàu đánh cá. Nếu nghe được cá sớm, anh em đỡ phải chờ đợi, tàu không mất thêm dầu chạy đi xa, con đường quay trở về đất liền được rút ngắn. Với kinh nghiệm của mình, Bảy Liễu luôn mang về cho tàu những khoang cá đầy ắp. Ông chia sẻ: "Ngày đó, biển của chúng ta còn nhiều cá, công việc đánh bắt cũng dễ dàng chứ không khó khăn như bây giờ. Ra khơi nếu không gặp bão tố hay rủi ro về kỹ thuật thì anh em chúng tôi sống dư giả".

Tiền công chủ tàu trả cho người nghe cá chiếm trên 30% tổng số thu nhập vì thế mà một thời, Bảy Liễu đã kiếm sống dư giả sau mỗi đợt ra khơi. Đàn con của ông ở nhà không phải đói ăn, một số đứa được đi học thành tài không còn cảnh bám biển, bám làng như cha anh nữa. Mấy năm trở lại đây, sức khỏe xuống cấp, ông Bảy Liễu đã chính thức giã từ sự nghiệp "nghe cá" của mình.

Bảy Liễu tâm sự, ông rất nhớ biển, nhớ những chuyến ra khơi kéo cá nặng tay lưới, nhớ nhất là tiếng sóng dưới lòng biển sâu mà chỉ có người "nghe cá" như ông cảm nhận được.

Thời Bảy Liễu đã hết, đến đời con cháu của ông thì hầu như không ai theo nghề cha. Các con của ông vẫn ra khơi nhưng đã có những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc đánh bắt cá nên không còn áp dụng phương pháp thô sơ như thời của cha nữa, thế nên bí quyết "nghe cá" Bảy Liễu đã chôn chặt dưới lòng đại dương

Ngọc Thiện
.
.
.