Đi tìm loài rắn không lồ tịnh tu trong ngôi chùa cổ

Thứ Sáu, 13/06/2014, 10:00

Ngôi chùa đã đóng cửa, rêu phong phủ bụi mờ của thời gian, chỉ còn lại tàn tích hương ảo nơi cửa Phật. Nhưng chưa bao giờ nó hết sự linh thiêng và kỳ lạ. Khoảng một trăm năm trước, một cặp rắn Long Thừa khổng lồ đã kéo nhau về phủ phục dưới tượng Phật để ngày đêm nghe tiếng kinh cầu. Ngỡ rằng, chuyện rắn về tu chỉ còn trong lời tương truyền, thì ngày nay, người ta vẫn thấy vết tích của loài rắn khổng lồ ấy quanh quẩn dưới gốc cây cạnh đất chùa, để minh chứng cho một sự thật không phải là cổ tích. 

Rắn về khổ hạnh trần ai

Theo lời kể của những người trong dòng tộc và người già ở vùng An Hòa Đông, thì chùa Phước Định gần một trăm năm trước có đôi rắn Long Thừa (Hổ Vện) khổng lồ về tu hành. Đây là ngôi chùa do ông tổ Thích Thiện Tứ, tức Lê Văn Thạnh lập nên để tu tại gia. Tại sao trong hàng chục ngôi chùa lớn bé trong vùng mà cặp rắn lại chọn chùa Phước Định? Cho đến gần đây nhất, vết tích của loài rắn ấy vẫn thi thoảng xuất hiện trong khu vực chùa. Điều này đặt ra vô vàn câu hỏi về sự kỳ bí, linh thiêng.

Ngày nay, khi về ấp An Hòa Đông rất ít người biết đến lời tương truyền đôi rắn về tu ở ngôi chùa tại gia của ông tổ Thích Thiện Tứ. Người dân bảo chúng tôi, chùa đó đóng cửa lâu rồi, không có ai tu hành nữa.

Tuy nhiên, dù chùa đóng cửa nhưng khi nhắc đến tên Phước Định, thì ai cũng rõ, bởi nơi ấy, ngày xưa được xem là chốn linh thiêng vô cùng. Đặc biệt, có đôi rắn về tu ngay trong đại sảnh cúng dường, phía trên là đức Phật bổn sư thích ca. Bà Tư (pháp danh Diệu Hạnh) là con dâu đời thứ 4 của tổ sư Thích Thiện Tứ. Thấy chúng tôi vào, bà Tư nhanh nhẹn mở cửa chùa mà không hề vặn hỏi chúng tôi đến đây làm gì? Theo quan sát từ ngoài, thì đó là một căn nhà xây cấp bốn cũ kỹ, không hề có biển hiệu chùa, cũng không có dáng dấp một ngôi chùa theo đúng nghĩa. Bà bảo chúng tôi: "Đây là chùa Phước Định, vào đốt nhang đi".

Tất cả những am thờ Phật đều còn nguyên vẹn, nhưng bụi  bẩn và màng nhện bám dày khắp nơi. Tượng Phật ngả sang màu khói, có tượng bị mục mất cánh tay hoặc vỡ một bộ phận trên người. Nơi đây, người mới vào cảm tưởng như một hang động sương khói hư ảo trong các bộ phim truyền thuyết. Bà Tư hướng dẫn chúng tôi đốt nhang hết lượt, xong ra miếu năm bà ở dưới gốc cây Củ Chi cổ thụ để khấn vái, cầu xin gì đó. Vì miếu này thiêng lắm, vừa rồi người ta cho 3 trong năm bà ăn mặn, thế là các bà mất tích khỏi miếu. Đến nay vẫn chưa biết vào tay người hay ma để tìm.

Miếu ngũ hành, cạnh cây cổ thụ Củ Chi được xem là linh thiêng nhất trong chùa.

Bà Tư cho biết, bà chỉ là dâu thôi, về đây được hơn 30 năm rồi. Chồng bà là cháu cố của ông tổ khai sinh ra chùa Phước Định. Ba đời trước đều xuất gia, đi tu và được xây tháp ở ngoài ruộng. Nhưng sang đời thứ 4, tức chồng bà thì không ai theo nổi nghiệp tu hành nữa. Thế là chùa đóng cửa, chỉ mở vào các ngày rằm để bà con đến hương khói.

Chùa đóng cửa lâu rồi nhưng vẫn có phật tử tìm đến, hầu như ngày rằm nào cũng đông đúc, các ngày còn lại thì rải rác. Bà Tư thừa nhận, ngoài sự linh thiêng thì nơi đây còn có cặp rắn về tu, nên thu hút đông đảo mọi người. Họ đến vì tò mò, và hy vọng được một lần nhìn thấy rắn thần. Nhưng đâu phải ai cũng thấy, chỉ những người có căn, phước từ giai đoạn ông cố, ông nội còn sống. Bà Tư cũng chỉ nghe kể lại, chứ đời bà 60 tuổi rồi, chưa bao giờ thấy cặp rắn đó lần nào, kể cả chồng bà cũng chưa được thấy. Bà cho biết: "Người tận mắt thấy và tu hành cùng cặp rắn là ông nội tôi. Nghe ông kể lại, cặp rắn to lắm, chúng kéo về nằm ngay trước bàn thờ Phật. Một số người nhìn thấy, thi nhau vái lạy nhưng ông nội tôi bảo, chúng cũng đi tu như mọi người, không cần vái lạy và không có gì đáng sợ cả.

Cặp rắn tu một thời gian ngắn thì không ai thấy nữa, nó đi vào trong đêm tối một cách lặng lẽ. Hồi đó vùng An Hòa Đông vẫn còn rừng, người ta thấy rắn không còn là điều lạ lẫm nữa. Chỉ có điều, đôi rắn ở chùa rất to, lại nằm chành ành ngay cửa chùa nên mọi người cho đó là rắn thần.

Thừa nhận chuyện rắn về chùa tu, nhưng bà Tư lại rất e dè khi chúng tôi tìm hiểu. Bà nói thẳng luôn: "Tôi sợ làm to chuyện rồi mọi người lại kéo về, mà tôi đâu có thời gian, tôi còn phải đi làm ruộng nữa. Giờ rắn không còn, tất cả đã trôi vào dĩ vãng rồi. Tôi không muốn nhắc lại". 

Một trăm năm sau

Tại An Hòa Đông, chúng tôi gặp anh Tư Thái là cháu nội đời thứ 4 của ông tổ Thích Thiện Tứ, cha anh Thái là em con trai của cụ tổ và là em của ông Tư (hiện đang chăm sóc chùa). Anh Thái còn khá trẻ, nhưng vì cha anh là đệ tử nối nghiệp tu hành nên anh hiểu rất rõ về chuyện rắn tu trong chùa. Anh Thái chỉ lên bàn thờ nhỏ đặc trước nhà nói: "Cha tôi đó, một đời tu hành. Tôi đã được nghe cha kể về đôi rắn ấy, có thật mà. Chính tôi còn nhìn thấy dấu của nó trườn qua khoanh đất gần khóm tre để đi vào chùa. Vết trườn của nó như bánh xe ngựa, rất to và dài. Đây thuộc lại rắn Long Thừa nhưng lại có mào đỏ như mào gà. Nó không phải rắn độc, chưa bao giờ làm hại con người". 

Tượng thờ trong chùa đã cũ mục, ngả màu thời gian.

Cha anh Thái mất cách đây gần 10 năm, khi ấy ông vẫn còn rất khỏe, vẫn thực hiện chế độ tu hành tại gia rất nghiêm túc. Anh Thái cho biết thêm, có một số người cao tuổi ở đây từng chạm trán với cặp Long Thừa như, ông Hai, ông Năm, bà Bảy Trâm. Anh Thái chỉ biết những người chạm trán sau đó về kể lại đều trong tình trạng hoảng sợ, mặt tái không còn giọt máu. Để xác thực, anh Thái chỉ chúng tôi tới gặp bà Bảy Trâm, một trong rất ít người thấy rắn tu. Nhà bà Bảy Trâm nằm phía sau chùa Phước Định. Bà Bảy Trâm năm nay 75 tuổi, tai hơi lãng, nhưng mắt còn tinh anh. Bà Bảy Trâm sống cùng thời với cha anh Thái, và chuyện về cặp rắn tu trong chùa bà khẳng định là có.

Bà Bảy Trâm nói: "Cặp rắn đó ngày xưa ở chùa nhưng sau này thường về nằm trong gốc cây Củ Chi". Cách đây mấy năm, bà đi ngang qua gốc cây, chợt hoảng hồn khi nhìn thấy vết cuộn tròn của rắn còn hằn nguyên trên bãi đất. Lần khác, bà đi ngang qua cây Củ Chi vào buổi tối, bà nghe thấy tiếng rì rào như gió thổi rồi tiếng gáy giống với gà trống oang oang từ phía bụi tre gần gốc Củ Chi. Từ đó, tin truyền rắn dưới gốc cây gần chùa Phước Định có thể là cặp rắn ngày xưa vào chùa tu được mọi người kể rành rọt cho nhau nghe. Anh Thái cho biết: "Tôi chưa nhìn thấy hình hài cặp rắn, nhưng hễ nghe tiếng gáy là tôi biết chúng đang về chùa". Anh Thái tưởng chúng tôi là những người đi tìm rắn nên khuyên: "Cô nên quay về đi, không có cơ hội gặp được rắn đâu. Phải tu mấy kiếp ấy chứ".

Chùa Phước Định là một căn nhà cấp bốn cũ kỹ.

Cạnh gốc Củ Chi mà anh Thái và bà Bảy Trâm nói rắn thường về có một khóm trầu không tươi tốt. Anh Thái đoán, có thể rắn thích ngửi mùi lá trầu nên thường tìm đến đó. Dưới gốc Củ Chi, vợ chồng bà Tư đã làm một cái miếu nhỏ ngày ngày đốt hương. Mấy năm nay không ai nghe thấy tiếng gáy của rắn nữa, và cũng không nhìn thấy vệt bò của nó về cây Củ Chi. Bà Bảy Trâm thì bảo, thay vì rắn thì bây giờ có con tắc kè khổng lồ trú ngụ ngay nơi ngày trước rắn ở. Tắc kè kêu đều đặn vào 5 giờ sáng và 5 giờ tối mỗi ngày. Tiếng kêu của nó âm vang cả vài trăm mét, đều đều cùng với tiếng gõ mõ tụng kinh trong chùa Phước Định. Nhiều người tò mò lấy cây chọc vào trong hốc xem thế nào, thì hôm ấy, tắc kè không kêu. 

Bà Bảy Trâm khẳng định: "Hai chú rắn thuộc loại khổng lồ, bản thân nó là rắn tu nên không làm hại ai. Trong suy nghĩ chúng tôi chưa bao giờ cảm giác lo sợ với rắn. Chỉ có những người ngoại đạo, không tin tưởng vào sự tu hành của rắn mới sợ. Và không ít người ngày đêm rình rập để bắt sống rắn phục vụ cho nhu cầu cá nhân".

Chính điều này khiến bà Bảy Trâm có dự cảm một điều gì đó. Nhiều năm nay, không ai thấy hơi hướng rắn về, bà thường qua gốc Củ Chi thắp hương, vẫn hy vọng sẽ nhìn thấy dấu tích nào đó, nhưng gốc cây bây giờ thật lạnh lẽo. Có thể rắn thấy động đã lặn vào đâu đó, nhưng không loại trừ trường hợp con người tiêu diệt.

Bà Bảy Trâm bật mí thêm, cách nay hơn một tháng, có hai người phụ nữ không chồng không con từ miền Tây tới xin tu hành tại chùa. Nhưng không hiểu sao, ông bà Tư không cho họ tu. Như đã nói ở trên, Phước Định đến đời thứ 4 đã không còn đệ tử kế thừa tu hành, ông bà Tư bây giờ giống như người bảo vệ, chăm sóc để giữ hồn cốt và bài vị của tổ tiên. Đó cũng chính là lý do bà Tư dè chừng khi kể chuyện về lịch sử ngôi chùa cũng như rắn về tu hành

Ngọc Thiện
.
.
.