“Xơi tuốt” bao bì đựng thức ăn

Thứ Ba, 16/05/2017, 15:51
Các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đang phát triển một loại bao bì ăn được, với hy vọng màng bọc bằng sữa này sẽ bảo quản thức ăn hiệu quả, giúp không lãng phí thức ăn và không phải sử dụng bao bì bằng nhựa.


Loại bao bì này được làm từ một protein của sữa, có tên casein. Bà Laetitia Bonnaillie, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết bà hy vọng bao bì thức ăn bằng protein sữa sẽ sớm xuất hiện ở các cửa hàng trong vòng 3 năm nữa.

Bà giải thích, để sản xuất một loại bao bì có thể ăn được, nhóm nghiên cứu đã thêm 2 chất glycerol và pectin (có trong chanh, cam, quýt) lên màng bọc casein vốn được tạo ra bằng cách xịt một hỗn hợp nước với bột casein (có bán trên thị trường). Glycerol giúp màng bọc mềm hơn, chất pectin giúp màng bọc cứng hơn để chống nhiệt độ cao và độ ẩm tốt hơn.

Casein trong sữa có thể trở thành bao bì ăn được.

Nhóm nghiên cứu còn cho biết loại bao bì từ sữa hiện chưa có nhiều mùi, nhưng có thể “nêm” thêm vào các hương vị hoặc vitamin cùng các chất dinh dưỡng khác để nó có thêm tính bổ dưỡng.

Bao bì bằng tinh bột có thể ăn được đã có trên thị trường, nhưng nó thường bị thủng lỗ, không chặn được sự oxy hóa thức ăn hiệu quả. Trong khi đó, bao bì bằng sữa có thể bảo quản thức ăn khỏi bị oxy hóa tốt hơn những 500 lần, lại có thể tự hủy và đạt tính bền vững.

Trưởng nhóm nghiên cứu Peggy Tomasula cho biết: “Màng bọc có cơ sở protein này giúp chắn được tính oxy hóa, từ đó giúp tránh lãng phí thức ăn. Khi được dùng làm bao bì, chúng có thể chặn lãng phí thức ăn khi phân phối ở các tiệm bán”.

Hiện có khoảng 30-40% thức ăn sản xuất trên thế giới không thể ăn được, vì nó bị hư hỏng sau khi thu hoạch hoặc trong lúc vận chuyển, bị chủ cửa hàng hoặc người tiêu dùng vứt bỏ.

Trong khi đó, trên thế giới có khoảng 800 triệu người bị đói ăn/ đêm, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Ngăn chặn lãng phí thức ăn từ năm 2030 là một trong các mục tiêu phát triển toàn cầu vốn được lãnh đạo các nước thông qua năm 2015.

Các nhà khoa học cũng muốn giảm lượng bao bì bằng nhựa vốn vô dụng sau khi được vứt bỏ thùng rác. Bà Laetitia Bonnaillie nói: “Chúng tôi đang thử nghiệm các ứng dụng như bao bì thức ăn được dùng một lần. Ví dụ, người ta thường dùng số lượng lớn nhựa bọc các que phó-mát. Chúng tôi muốn khắc phục điều này”.

Một trong những ứng dụng tiềm năng là làm bao bì hòa tan cho cà phê khô hoặc súp. Thay vì xé vỏ bao bì này, người dùng chỉ việc bỏ bao bì vào nước sôi, nó tự hòa tan và tăng thêm protein cho món ăn.

Vì bao bì casein hòa tan trong nước, một hạn chế của nó là cần có bao bì nhựa lớn và không hòa tan, hoặc hộp cạc-tông nhằm chống ướt hoặc bị bẩn. Tuy nhiên, vì nhiều loại bao bì đã có lớp ngoài, nên trong một hệ thống nhiều màng bọc,casein vẫn giúp bảo vệ môi trường.

Casein trong sữa có thể trở thành bao bì ăn được
Phúc Hy (theo The Straits Times)
.
.
.