Độc đáo ngôi làng cổ làm bằng bùn đỏ

Thứ Hai, 19/11/2018, 11:43
Đất nước Iran ẩn chứa trong mình vô vàn những nét cổ kính và là một trong 10 nước đẹp nhất thế giới về cảnh đẹp tự nhiên cùng với những di tích lịch sử thời Ba Tư cổ đại. Ngôi làng Abyaneh là ngôi làng cổ nhất Iran, được coi là lối vào nền văn hóa của đất nước này.


Được hình thành cách đây 2.500 năm, nằm trên độ cao 2.000m so với mực nước biển, cách thủ đô Tehran khoảng 300km, làng cổ Abyaneh nằm giữa Natanz và Kashan, trên sườn núi Karkas thuộc tỉnh Isfahan, được xây bằng gạch bùn và đất sét. 

Điều đặc biệt là cả ngôi làng đều một màu đỏ nên còn được gọi là làng Đỏ. Với một sắc đỏ duy nhất, Abyaneh là ngôi làng cổ thu hút khách nội địa và khách du lịch nước ngoài, đặc biệt trong các dịp lễ truyền thống và nghi lễ. 

Trong ngôi làng Abyaneh có nhiều điểm tham quan thú vị như nhà thờ Hồi giáo Jameh vô cùng ấn tượng được xây dựng từ thế kỷ XII, làm từ gỗ cây óc chó và được chạm khắc cầu kỳ, hay thành cổ và những lâu đài hoang phế nằm trơ trọi trên đỉnh đồi.

Làng nằm cách đường quốc lộ không xa, nhưng bất cứ du khách nào khi bước chân đến thăm ngôi làng tĩnh mịch này đều có cảm giác như được sống lùi lại vài thế kỷ trước. Ngôi làng cổ xưa này có những làn đường hẹp và dốc, những ngôi nhà màu đỏ có cửa sổ lưới cùng những ban công gỗ mỏng manh bám vào các con dốc. 

Cả ngôi làng tạo nên một màu đỏ rực lạ mắt và ấn tượng vì tất cả các ngôi nhà được xây dựng bằng gạch làm từ bùn chứa nhiều ôxit sắt. Hơn nữa ngôi làng lại quay mặt về phía đông, nhìn ra thung lũng đẹp như tranh vẽ để nhận tối đa lượng ánh sáng mặt trời và giảm thiểu ảnh hưởng của các cơn gió thổi vào mùa đông, khiến không khí nơi này vô cùng dễ chịu. 

Mặc dù mùa đông ở đây thường xảy ra hiện tượng đóng băng, nhưng mùa hè thì mát mẻ. Vào những tháng mùa hè, nhiều khách du lịch và người dân trở về sau khi trú đông ở các thành phố khác của Iran, đặc biệt là Kashan và Tehran.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, dân số của làng Abyaneh đã giảm xuống đáng kể, còn khoảng 250 người, chủ yếu là người già. Nhưng nhờ vị trí và sự cách biệt mà ngôi làng vẫn giữ được những nét truyền thống từ ngàn năm và giúp bảo tồn văn hóa cổ Iran.

Người dân sinh sống trong ngôi làng này rất hiền hòa, hiếu khách và mặc trang phục đặc trưng theo Hồi giáo và Bái hỏa giáo. Hai tín ngưỡng này cùng song song tồn tại trong làng. Có thể nhận biết được hai đạo này thông qua trang phục của những người phụ nữ nơi đây: mặc áo choàng, trùm đầu khăn đen là tín đồ Hồi giáo, còn những người mặc áo hoa là tín đồ Bái hỏa giáo, họ không bị buộc phải choàng khăn đen, chỉ cần trùm kín mái tóc và vai. Một điều đặc biệt nữa là làng cổ Abyaneh dù thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nhưng trong làng không có chút tiện nghi nào dành cho khách.

Theo các nhà nghiên cứu sử học, làng cổ Abyaneh được coi là lối vào của văn hóa Iran. Để có những nguồn sử liệu vật thật chứng minh cho những giá trị văn hóa vật thể của ngôi làng, vào năm 2005, Trung tâm Di sản Iran đã tiến hành cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn tại đây nhằm xác định chính xác niên đại của ngôi làng thông qua địa tầng khảo cổ học. Đồng thời Chính phủ Iran cũng đã tiến hành xây dựng và gửi hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận làng cổ Abyaneh là Di sản Văn hóa Thế giới.

Trần Đức Tân
.
.
.