Đôi đũa thần mang hương vị cho bữa ăn

Thứ Ba, 04/09/2018, 16:38
Muối là gia vị cần thiết không thể thiếu trong các món ăn hàng ngày của chúng ta, từ các món chay cho tới các món mặn đều cần muối. Nhưng ăn mặn quá cũng không tốt cho cơ thể, các bác sĩ khuyến cáo như thế, vì sẽ gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe như cao huyết áp, xương yếu, hại thận.

Vậy nếu có các dụng cụ bếp như dĩa, thìa, đũa có thể truyền đạt được vị mặn đến đầu lưỡi thì sao nhỉ? Chắc chắn là tuyệt vời cho những người ăn mặn hoặc phải kiêng cữ ăn muối rồi. Giải pháp hay ho này đến từ Nimesha Ranasinghe, người vừa vào biên chế Đại học Maine với tư cách trợ lý giáo sư, và là giám đốc Phòng thí nghiệm Truyền thông tương tác đa cảm biến.

Ranashinghe đã chế tạo ra một đôi đũa với các điện cực được cấy vào đầu, cho phép kích thích các tế bào vị giác trên lưỡi sản sinh ra các hương vị mô phỏng, và để người thử nghiệm ăn khoai tây nghiền không có muối bằng đôi ‘đũa thần’ của mình. Thí nghiệm này được ông mô tả trong tờ Food Research International, có thể gia tăng đáng kể và ổn định khả năng thụ cảm vị mặn của người ăn.

Ranashinghe nói: “Công nghệ này có thể ‘đánh lừa’ vị giác của người ăn trong khi vẫn cung cấp một khẩu phần tốt cho sức khỏe. Khẩu vị sẽ trở thành yếu tố bên ngoài đối với bất kỳ món gì mà bạn thưởng thức”.

Ranashinghe cho biết ông nảy ra ý tưởng tạo ra các dụng cụ nhà bếp truyền vị mặn đến lưỡi khi tình cờ lật lại một nghiên cứu từ những năm 70 thế kỷ trước, về những người mắc bệnh não khiến họ mất cảm nhận vị giác. Trong nghiên cứu đó, lưỡi của bệnh nhân được kích thích với các dây điện để đo xem còn bao nhiêu thụ cảm vị giác đọng lại trong lưỡi họ. Báo cáo thí nghiệm chỉ ra một điểm thú vị: bệnh nhân nói họ cảm nhận được vị gì đó mặn hoặc chua khi có các xung điện kích thích.

Xem thí nghiệm trên là bước khởi điểm, và ngay sau đó Ranasinghe bắt đầu kích điện lưỡi ở phòng thí nghiệm và cho biết đã thử nghiệm với các dải tần số và biên độ khác nhau, với nguyên liệu khác nhau, vị trí khác nhau trên đầu lưỡi, sau đó xác định các thông số để sản sinh ra các hương vị mặn, chua, đắng mô phỏng. Theo Ranasinghe thì vị ngọt rất khó để sản sinh nên ông không thử nghiệm.

 Sau khi tìm ra các thông số để mô phỏng vị, ông tiếp tục thử nghiệm kích điện trên lưỡi. "Ở những lần thí nghiệm ban đầu, người ta rất ngần ngại khi nhìn thấy trong phòng toàn... dây điện," ông nói. "Họ không muốn đặt chúng vào lưỡi mình. "Vì vậy tôi phải nỗ lực rất lớn để dần tích hợp các mô phỏng điện vào trải nghiệm ăn uống". Cặp đũa điện là mẫu thử mới nhất của Ranashinghe.

Ngoài ra, ông còn chế tạo bát súp điện có thể truyền đi hương vị khi người ta húp từ bát. Tuy tồn tại một vài vấn đề về thiết kế, nhưng Ranasinghe cho rằng đó không phải là vấn đề lớn, ông khẳng định công nghệ này vẫn đang nằm ở giai đoạn đầu tiên: "Nó như TV ở những năm 1950 vậy". Hiện tại, màn hình vẫn đang đen trắng, nhưng một ngày nào đó, hương vị ảo sẽ truyền đi trong lưỡi , với những “kỹ thuật màu” đặc sắc nhất.

Văn Ưng
.
.
.