El Salvador:

Phụ nữ bị bỏ tù 40 năm vì "tội" để sảy thai

Thứ Sáu, 17/06/2016, 09:15
Maria Teresa Rivera, một phụ nữ 33 tuổi ở El Salvador đã bị kết án 40 năm tù vì "tội" để sảy thai. El Salvador có lẽ là quốc gia có hình phạt khắc nghiệt nhất trên thế giới liên quan đến quyền sinh sản của phụ nữ. Maria Teresa Rivera là người may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới và đã được tại ngoại vào trung tuần tháng 5 vừa qua sau 5 năm thụ án.


Câu chuyện của Maria Teresa Rivera

Phán quyết mới nhất của tòa án về vụ việc của Rivera đã làm rung động trái tim những nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới, củng cố niềm tin của Rivera với cuộc sống. Sau khi trải qua 5 năm tồi tệ trong nhà tù bẩn thỉu, đông đúc, cuối cùng, Rivera đã được gặp lại cậu con trai Oscar. 

"Tôi hạnh phúc vì được gặp lại con trai nhưng tôi cũng cảm thấy sợ hãi bởi vì không phải tất cả mọi người trong xã hội đều đồng tình với những gì đã xảy ra", Rivera nói với phóng viên tờ The Independent (Anh). Trường hợp của Rivera đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở El Salvador cũng như quốc tế. Cuộc đấu tranh thả tự do cho Rivera được mô tả là "một trận chiến chống kiểm soát cơ thể phụ nữ".

Maria Teresa Rivera đã trải qua thời gian khủng khiếp trong nhà tù ở El Salvador.

Cách đây 5 năm, Rivera bị buộc tội đã bỏ đứa con của mình. Rivera kể lại rằng, vào năm 2011, cô sống cùng con trai và mẹ chồng trong một căn nhà nhỏ dành cho công nhân nhà máy. Một đêm, khi tỉnh giấc, cô cảm thấy khát nước. Sau khi uống nước, Rivera đi vệ sinh. Tự nhiên, cô cảm thấy đau bụng dữ dội và "cảm thấy như một quả bóng nhỏ đang rơi ra từ cơ thể của mình". Sau đó, Rivera ngã xuống đất và ngất đi, không hay biết gì nữa. Mẹ chồng phát hiện sự việc và đưa cô đến bệnh viện.

"Không ai biết tôi đã sinh và thậm chí tôi cũng không biết mình đã mang thai từ lúc nào. Tuy nhiên, khi tỉnh dậy ở bệnh viện, tôi được cảnh sát cho biết, họ đã đến nhà và phát hiện thai nhi đã chết. Tôi bị còng tay ngay tại bệnh viện và sau đó, bị kết án 40 năm tù. Sự nỗ lực của các nhà hoạt động quốc tế cùng với áp lực từ Bộ Ngoại giao Mỹ khiến toàn bộ cục diện vụ án thay đổi", Rivera chia sẻ. 

Rivera cho biết thêm, thời gian trong tù là quãng thời gian vô cùng khó khăn. Cô và nhiều tù nhân khác bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. "Cuộc sống trong nhà tù thật khủng khiếp. Một trong những bạn tù của tôi đã bị đánh đập. 250 phụ nữ bị giam trong căn phòng có sức chứa chưa đến 100 người và thiếu nước trầm trọng. Tôi cảm thấy buồn và chán nản. Tôi thường xuyên đi nhà thờ và cầu nguyện", Rivera nói.

Maria Teresa Rivera đã không được nhìn thấy con trai Oscar trong khoảng thời gian 5 năm.

"Sự tự do của Maria Teresa Rivera là một chiến thắng của chúng tôi. Đó có thể coi là biểu tượng hy vọng cho phụ nữ đang phải sống trong sự bất công ở El Salvador. Phụ nữ không bao giờ nên bị truy tố hình sự nếu gặp biến chứng khi mang thai", Nancy Northup, Giám đốc Trung tâm về quyền sinh sản có trụ sở ở Washington nhận định. 

Rivera là một trong số phụ nữ bị kết tội "giết người nghiêm trọng". Hoàn cảnh của những cô gái tương tự như Rivera được đề cập trong bộ hồ sơ của các nhà hoạt động nhân quyền có tên là "Las 17". "Las 17" đã nhận được sự ủng hộ lớn của cộng đồng quốc tế. Rivera là người phụ nữ thứ ba được thả tự do. Theo thống kê, hiện vẫn còn 25 phụ nữ phạm tội "giết người nghiêm trọng" đang thụ án trong các nhà tù ở El Salvador. Gần như tất cả những người này đều có cuộc sống nghèo khó và thất học.

Cuộc đấu tranh dai dẳng

El Salvador là quốc gia nằm ở khu vực Mỹ Latinh với dân số khoảng sáu triệu người. Đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới coi nạo phá thai là bất hợp pháp trong mọi tình huống. Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng, đây là quy định không phù hợp và cần phải loại bỏ. 

Trước năm 1998, theo quy định của luật pháp El Salvador, phụ nữ được phép phá thai trong trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân hoặc bào thai bị phát hiện có khuyết tật hoặc tính mạng người phụ nữ mang thai đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sau đó, dưới áp lực từ phe bảo thủ tôn giáo, các quy định của pháp luật đã thay đổi.

Theo lập luận của những người theo trường phái cấm nạo phá thai thì cuộc sống bắt đầu từ lúc thụ thai và phụ nữ phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề, ngay cả việc ngoài tầm kiểm soát của họ. Alfredo Vela Cuellar, một người ủng hộ lệnh cấm phá thai cho rằng, điều này giúp bảo vệ phụ nữ khỏi các cuộc tấn công bạo lực và tình dục. "Những người phụ nữ mang thai do bị hiếp dâm sẽ trở thành "nạn nhân kép" vì phá thai cũng là một dạng bạo lực. Người phụ nữ có thể lựa chọn cách khác, chẳng hạn cho đứa trẻ làm con nuôi chẳng hạn", ông Alfredo Vela Cuellar nói. 

Carla de la Cayo, Chủ tịch của "Yes to Life Foundation", tổ chức tuyên truyền chống phá thai lớn nhất El Salvador nói với phóng viên tờ Globe and Mail rằng, "cuộc sống là thiêng liêng và bạn không có quyền giết người vì bất kỳ lý do gì. Hãy để Chúa quyết định việc này".

Ước tính, từ năm 1998 đến năm 2013, hơn 600 phụ nữ bị bỏ tù vì cáo buộc đã từng nạo hút thai hoặc sảy thai. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, thực tế ở El Salvador, phần lớn những người phụ nữ bị truy tố là do sảy thai. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ đã bị cảnh sát còng tay vào giường bệnh khi đang điều trị trong bệnh viện. "Cơ thể phụ nữ đã bị kiểm soát bởi những quy định của pháp luật. Những quy định này phải bị xóa bỏ bởi xét cho cùng, đó cũng là một dạng bạo lực với phụ nữ", Sara Garcia, một nhà hoạt động nhân quyền ở El Salvador, người đã hỗ trợ pháp lý cho Rivera nói.

Cuộc đấu tranh bảo vệ quyền phụ nữ ở El Salvador đang diễn ra trong bối cảnh xã hội bất bình đẳng và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài khiến 75.000 người chết. El Salvador hiện vẫn là quốc gia chìm trong bạo lực với những cuộc đối đầu đẫm máu giữa các băng nhóm tội phạm với lực lượng cảnh sát và quân đội. Đầu năm 2016, El Salvador đã trở thành quốc gia bạo lực nhất thế giới trong thời bình, "vượt mặt" cả quốc gia láng giềng Honduras.

Những trung tâm phá thai chui

Một số nhà vận động cho rằng, việc tuyên truyền sử dụng các biện pháp tránh thai, giáo dục giới tính trong trường học và quy định cấm phá thai đã dẫn đến một tình huống "giống như cuộc khủng hoảng". Ước tính, trong năm 2014, 32% tổng số người mang thai là thanh thiếu niên, không ít trong số đó là các cô gái trong độ tuổi từ 10-14. Các bác sĩ cho biết, họ không thể đứng nhìn trong các tình huống khẩn cấp như thai ngoài tử cung, thai nhi chết lưu hay những mối đe dọa hiện hữu với cuộc sống của phụ nữ. Trong khi đó, ở El Salvador vẫn xuất hiện những trung tâm nạo phá thai bất hợp pháp.

Một cuộc khảo sát của Bộ Y tế cho biết, đã có khoảng 19.290 ca nạo phá thai trái phép được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2008. Tuy nhiên, Viện Guttmacher, một tổ chức của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe sinh sản ước tính, có đến 35.000 ca nạo phá thai ở El Salvador mỗi năm. 11%  phụ nữ El Salvador chết vì nạo phá thai. Nhiều thông tin cho rằng, có phụ nữ mang bầu được cho sử dụng thuốc điều trị loét dạ dày.

Để có thêm thông tin chân thực về tình trạng nạo phá thai ở  El Salvador, phóng viên The Independent đã gặp một nữ bác sĩ - người đã bị đuổi việc khi làm trong bệnh viện nhà nước vì cảnh sát nghi ngờ cô đã giúp phụ nữ phá thai. Nữ bác sĩ này hiện đang mở phòng khám riêng và đã giúp ít nhất hai chục phụ nữ nạo thai. 

"Tôi có thể bị kết án lên đến 12 năm tù vì giúp phụ nữ phá thai nhưng tôi phải giúp đỡ họ. Khi còn là một sinh viên y khoa, tôi đã nói rằng, hãy hành động đúng với lương tâm của mình. Làm sao để khi đau ốm, bệnh tật, người dân sẽ nghĩ ngay đến bệnh viện", nữ bác sĩ nói. Khi được hỏi về nguy cơ bị bỏ tù, nữ bác sĩ thẳng thắn chia sẻ, "bạn không được phép nghĩ rằng, chiếc máy bay sẽ gặp nạn khi đang là hành khách trên chuyến bay đó".

Tường Phạm
.
.
.