Gặp lại những đứa trẻ sống sót sau hủ tục kinh hoàng

Thứ Ba, 24/02/2015, 09:00
Về bản Cọi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) những ngày cận Tết không khí dường như cũng náo nức hơn. Nhìn cảnh, nhìn người nơi đây thật khó có thể tin rằng, nhiều năm trở về trước đã có những đứa trẻ bị gia đình vứt bỏ bằng cách treo trên cây cho đến chết. Trong số những đứa trẻ bất hạnh ấy vẫn có những em may mắn được phát hiện và cứu sống. Lạ một điều, khi những đứa trẻ đó trưởng thành, họ không những không oán trách bố mẹ đẻ của mình mà vẫn có mong muốn được quay về chính nơi mình bị ruồng bỏ.

Hủ tục kinh hoàng ở bản Cọi

Người đầu tiên nói với chúng tôi về hủ tục kinh hoàng này là Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, ông Bàn Văn Lâm: "Ai mà tin được chính tại nơi này trước đây lại diễn ra một hủ tục ghê người thế chứ. Tất cả cũng chỉ vì cái nghèo, cái đói, cái nhận thức ngu muội của dân bản mà thôi. Người ta cứ nghĩ sinh con ra, lúc con chưa được ba ngày thì chỉ là cái hoa thôi chứ chưa đậu thành quả. Nếu không nuôi thì đem hoa trả về với đất, đơn giản thế thôi mà".

Người nắm rõ nhất về số phận những đứa trẻ bất hạnh bị treo trên cây có lẽ là ông Đặng Văn Hếnh. Sở dĩ ông Hếnh biết nhiều chuyện như vậy vì ông là thầy mo. Hỏi ông Hếnh vì sao người ta không đem cho làm con nuôi mà lại đem vào rừng sâu treo lên ngọn cây cao cho đến chết thì được ông Hếnh lý giải: "Không được đâu vì người ta sợ bị cười chê đó mà, đẻ con ra lại không nuôi được con. Nếu để nó chết trong nhà thì sẽ phải mời thầy mo về cúng ma to lắm, phải sắm lợn béo, bạc trắng, gà to cơ. Nếu đem đứa bé vào trong rừng bỏ đói cho nó chết trước ba ngày thì không phải cúng gì đâu. Lúc đó nó cũng chưa phải con nhà mình mà chỉ như cái hoa, cái cỏ thôi. Đem vào rừng để trả nó về với cội của nó thôi mà. Nó chết lại đầu thai kiếp khác, có khi còn sướng hơn".

Vì sợ việc làm tàn ác của mình bị dân bản phát hiện nên thông thường những đứa trẻ khi bị treo trên ngọn cây đều bị gia đình nhét một nắm lá tre vào mồm để không khóc được. Không khóc được nên sẽ không ai biết mà cứu. Như thế thì gia đình đứa trẻ mới không bị dè bỉu.

Những bông hoa đã nở thành quả ngọt

Ở bản Dao nói đến những đứa trẻ may mắn trở về từ cõi chết người ta vẫn thường nhắc tới Triệu Thị Thương. Ai biết được hoàn cảnh của Thương cũng đều bảo rằng "Thương là con của thần núi, thần sông nên mới sống sót kỳ diệu đến như vậy". Người đã leo lên cây cao, gỡ bỏ chiếc sọt tre treo lủng lẳng để đem Thương về nuôi là bà Triệu Thị Đoàn.

Nhắc lại chuyện cứu sống con gái nuôi, bà Đoàn cười tươi kể: "Hôm đó mình đang ngồi hút thuốc lào ở cái cửa này này thì nghe em trai kể nhà thằng Ph vừa treo một đứa con trong rừng sâu. Mình nghe được ức lắm. Mình bảo em trai dẫn đến chỗ cái sọt đấy để cứu sống nó. Lúc trèo lên cây đỡ nó xuống người nó đã tím ngắt, miệng bị nhét một nắm lá tre".

Bà Đoàn cùng người em trai gạt cây rừng mang đứa trẻ tội nghiệp về nhà. Bà bảo với người em trai, dù nó sống hay chết thì cũng phải lo chu đáo. "Lúc đó mình nói với em mình là nếu ông trời để nó sống, gia đình mình sẽ nuôi nó. Có khoai ăn khoai, có sắn ăn sắn chứ không thể biết mà không cứu. Như thế thất đức lắm".

Khi đứa trẻ được mang về nhà, nhiều người đã không tin rằng nó có thể sống sót. Bởi nó đã bị treo lên cây và bỏ đói tới gần một ngày trời trong giá rét như cắt da cắt thịt của mùa đông. Bà Đoàn cùng em trai và mấy người hàng xóm đã đốt lửa để sưởi ấm cho đứa bé. Và như có một phép lạ thần kỳ, đứa trẻ cất tiếng khóc.

Bà Đoàn đã ứa nước mắt khi chứng kiến đứa trẻ được tái sinh. Bà đã đặt tên cho nó là Triệu Thị Thương với ý định tốt đẹp sẽ dành tình thương yêu hết lòng cho nó.

Trong số những đứa trẻ may mắn sống sót của hủ tục rợn người ấy có cả Đặng Văn Phúc - người mà dân bản Cọi vẫn gọi với cái tên thân thương "thằng cu Khèo". Lý do Phúc bị bỏ rơi cũng chỉ vì khi sinh ra, cha mẹ Phúc phát hiện em bị dị tật ở chân.

Bé Phúc ngày nào giờ đã là cán bộ xã.

Ở nhiều bản làng xa xôi, khi sinh ra những đứa trẻ không lành lặn, họ luôn quan niệm rằng đứa bé ấy sẽ không đem lại may mắn cho mình nên tìm cách vứt bỏ. Người nhặt được Phúc trong rừng sâu âm u là cô giáo Tiệp. Cô Tiệp vốn là người dưới xuôi lên cắm bản. "Hôm đó mình đi cõng nước dưới suối cứ nghe văng vẳng tiếng khóc của trẻ con. Nhìn ngược nhìn xuôi, mình bới cả đám cây rừng ra để tìm nhưng không thấy. Đến khi ngẩng lên thấy một cái sọt tre treo lủng lẳng trên một thân cây cao. Vì lên đây dạy học đã lâu nên mình biết về hủ tục treo con trên cây của người Dao mà" - cô Tiệp nhớ lại.

Vì cây cao lại không biết trèo nên cô Tiệp đã về gọi chồng vào hạ đứa bé xuống. Khi chiếc sọt được đặt xuống mặt đất, vợ chồng cô Tiệp đã thấy những con kiến vàng bu kín người đứa trẻ tội nghiệp. Vợ chồng cô đã phải dùng tay gạt và nhặt từng con kiến ra khỏi người đứa bé. Sau đó họ mang đứa bé về nhà tắm nước ấm và pha sữa ông Thọ cho nó uống. "Lúc tắm mình phát hiện chân nó bị khèo nên mình gọi luôn nó là Khèo. Sau này khi đi học mới đặt tên cho nó là Đặng Văn Phúc".

Vẫn muốn tìm về nguồn cội

Cho đến lúc này, khi chúng tôi gặp Phúc và Thương thì cả hai đều đã trưởng thành. Thương đã có gia đình riêng và sinh được hai người con. Hai con của Thương giờ do bà ngoại Đoàn chăm sóc. Vì kinh tế khó khăn nên vợ chồng Thương đã phải đi làm thuê cho người ta lấy tiền nuôi con. Nhìn Thương xinh đẹp và mạnh khỏe, khó ai có thể tin rằng em được hồi sinh từ cõi chết.

Bà Đoàn, Thương và người cậu ruột.

Thương tâm sự: "Khi mẹ Đoàn nói với mình rằng mình không phải con đẻ của mẹ mà là con một người khác nhưng họ đã treo mình trên cây để chết, mình khóc nhiều lắm. Mình nghĩ sao bố mẹ mình lại ác độc thế. Hổ còn không nỡ ăn thịt con cơ mà. Lúc đầu mình giận bố mẹ mình nhiều lắm nên không muốn ai nhắc đến đâu. Sau này khi mình lớn hơn rồi thì mình không còn giận bố mẹ nữa. Mình đã xin mẹ Đoàn được về để nhận lại bố mẹ. Bố mẹ mình khóc nhiều lắm, còn xin lỗi mình nữa. Bố mẹ mình bảo vì hồi đó nghèo quá sợ không có gì nuôi. Nếu để mình chết trong nhà thì lại phải cúng ma nên mới treo lên cây như vậy".

Nụ cười hồn hậu nhưng đôi mắt buồn rười rượi của Thương khiến ai nhìn thấy cũng nao lòng. Em đã sống bao dung để chính những người vứt bỏ em đã phải hổ thẹn.

Cùng độ tuổi như Thương, Đặng Văn Phúc giờ đã là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, thậm chí còn là cán bộ của xã Xuân Sơn. Được bố mẹ nuôi mang xuống Bệnh viện Sơn Tây chữa trị nên một bên chân của Phúc không còn khèo nữa.

Những đứa trẻ may mắn sống sót qua hủ tục treo trên cây như Thương, như Phúc không nhiều. Chỉ hy vọng rằng họ chính là những người cuối cùng và kéo màn kết thúc cho một hủ tục rợn người và ngu muội ấy. Để giữa rừng già Xuân Sơn không phải chứng kiến những "bông hoa"  rụng về cội ngay từ khi mới cất tiếng khóc chào đời.

Phong Anh
.
.
.