Giải mã "tàu ma" của Triều Tiên

Thứ Tư, 03/01/2018, 10:55
Theo tờ Japan Times, kể từ đầu tháng 11 đến nay đã có 50 chiếc thuyền cũ nát được cho là của Triều Tiên trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản. Chúng được gọi là “tàu ma” vì thường được tìm thấy trong tình trạng trống rỗng hoặc chỉ có xác chết trên tàu ngoài khơi bờ biển phía tây Nhật Bản. Tuy nhiên trong năm nay, một số tàu trôi dạt vào bờ có thủy thủ đoàn vẫn còn sống.


Vào tháng 10 vừa qua, 8 người đàn ông đã được phát hiện còn sống trên một chiếc thuyền tại bến du thuyền Yurihonjo. Tất cả nói họ là ngư dân Triều Tiên đã gặp sự cố trên biển.

Một chiếc tàu khác do lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản phát hiện có 10 người trên tàu. Những chiếc tàu thường cũ nát và rất đơn giản, không có động cơ hiện đại hoặc các công cụ định vị trên tàu.

Chúng đến từ đâu?

Với hầu hết các thuyền rỗng hoặc chỉ có xác chết, ban đầu không rõ là chúng đến từ đâu, nhưng một số nhà quan sát cho rằng đây là tàu đánh cá của Triều Tiên đang tìm kiếm cua vua, mực và cá răng chéo.

Các dấu hiệu bằng tiếng Triều Tiên trên một số tàu chỉ ra rằng chúng thuộc về quân đội của Triều Tiên, vốn tham gia rất nhiều vào ngành đánh bắt cá.

Trong những trường hợp gần đây khi tàu thuyền được tìm thấy cùng với thủy thủ đoàn vẫn còn sống, thủy thủ xác nhận họ đến từ Triều Tiên. Một trong số những chiếc thuyền được giải cứu vào tháng 11 cũng có một bảng hiệu cho thấy nó thuộc về quân đội Triều Tiên. Tuy nhiên, không hề có những tin tức đề cập đến các tàu bị mất tích từ truyền thông Triều Tiên.

Họ chết như thế nào?

Khi những con thuyền có xác chết trôi dạt trên bờ, các quan chức Nhật Bản đã cố gắng điều tra nguyên nhân cái chết, nhưng vì chúng ở trong trạng thái phân hủy hoàn toàn nên thường không thể xác định được.

Trong những tháng mùa đông và với rất ít thức ăn trên tàu, sự phơi nhiễm và đói khát rất có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của họ. Những chiếc thuyền bằng gỗ trống trơn, cũ kỹ, nặng nề và không có động cơ hiện đại hay hệ thống định vị GPS. Thế nên, nếu họ mạo hiểm đi quá xa hoặc bị thổi dạt xa bờ thì họ sẽ mất khả năng chịu đựng hoặc rất khó khăn để điều chỉnh các dòng chảy ngay cả khi họ biết được hướng đúng để đi.

Theo Hãng AFP, năm 2017 là năm đã chứng kiến số lượng lớn (hơn 40 người) ngư dân Triều Tiên được cứu sống.

Đào thoát hay gián điệp?

Không ít người cho rằng đó có thể là những người đào thoát cố gắng vượt biển để thoát khỏi chế độ ở Bình Nhưỡng. Thế nhưng, các thủy thủ đoàn còn sống được phát hiện lại yêu cầu được trở về Triều Tiên.

Còn việc suy đoán họ có thể là gián điệp cũng không có lý lẽ vững chắc..

Thủy thủ đoàn được tìm thấy vào tháng 11 vừa qua được cho là đã cướp một lều trú ẩn ngoài bờ biển Nhật Bản trước khi bị lực lượng bảo vệ bờ biển nước này phát hiện.

Túp lều trú ẩn của Nhật Bản bị cướp được phát hiện bị thiếu các thiết bị gia dụng, bao gồm cả nồi cơm điện và tivi. Khi những người Triều Tiên được lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, họ đã vội vã đổ những thứ này ra khỏi tàu của họ. Sau đó, họ thừa nhận đã ăn cắp số đồ trên.

Tại sao ngư dân chấp nhận rủi ro?

Với việc các biện pháp trừng phạt quốc tế thắt chặt do các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, chế độ đang chịu áp lực để thúc đẩy nông nghiệp và cung cấp lương thực.

Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, giả thuyết được đặt ra là lãnh đạo Triều Tiên đòi hỏi các tàu đánh bắt nhiều cá hơn và thủy thủ bị buộc phải đi xa bờ để đạt được các mục tiêu đó.

Điều có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn là Triều Tiên đã bán quyền khai thác một số lãnh hải của họ cho Trung Quốc vào năm 2016. Điều đó có nghĩa khu vực đánh bắt của ngư dân bị thu hẹp và do đó họ buộc phải đi xa hơn để tìm kiếm thêm cá.

Việc tìm kiếm lợi nhuận đã được gợi ý như một động lực khác có thể để có những rủi ro như vậy.

Thông thường, ở Triều Tiên công nhân giữ một phần thặng dư mà họ tạo ra vượt quá mục tiêu do nhà nước quy định. Theo các nhà phân tích, hệ thống bán tư bản này gần đây đã được ghi nhận là sẽ cải thiện sản xuất. Nhưng điều này cũng được cho là làm cho người ta phải chịu rủi ro lớn hơn để cải thiện tình hình của họ - có thể bao gồm cả việc phải mạo hiểm hơn trên biển.

Đông Văn
.
.
.