Giải mã tin đồn Nữ tướng Hoàng Quan nhập hồn vào viên gạch

Thứ Tư, 04/06/2014, 16:30

Chỉ vì tin vào giấc mơ "nữ tướng Hoàng Quan nhà Trần" nhập hồn vào viên gạch, người dân thôn Xuân Trì xã Hoàng Hanh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đã thờ cúng và tôn viên gạch như một vị thánh thần.

Sự tích lầu Thiên Quan và giấc mơ báo mộng nhập hồn

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì việc viên gạch nổi lên một hình lạ giống hình phật là có thật. Còn ngôi lầu Thiên Quan này được xây dựng từ đời nào thì đến nay vẫn là một ẩn số. Theo như quan sát, lầu Thiên Quan tọa lạc ngay trung tâm thôn Xuân Trì, diện tích của lầu rộng khoảng 6m2, nép dưới tán của một cây đa cổ thụ và bên cạnh là một cái ao làng lớn.

Là người giữ nhiều tài liệu liên quan đến lầu Thiên Quan và vùng đất Hoàng Hanh, ông Lê Văn Phu (71 tuổi) cho chúng tôi biết: "Thôn Xuân Trì trước đây có tên là làng quan hay còn gọi là "đất phát". Sở dĩ có tên gọi như vậy là khi xưa làng có hai ông Lê Tử Khanh và ông Phí Vẹn Toàn đỗ Tiến sĩ, được ghi danh tại Văn miếu Quốc tử giám. Từ khi có hai vị Tiến sĩ được lập bia ở Văn miếu Quốc tử giám, làng này bỗng chốc nổi tiếng bởi số người làm quan của làng đông nhất mà các vùng xung quanh không nơi nào sánh được". 

Nhấp tiếp chén trà, ông Phu cho biết, trước đây mỗi một làng đều có 4 giáp, đó là Giáp Đông, Giáp Bắc, Giáp Đoài và Giáp Nam, các giáp này nằm trấn giữ ở 4 hướng khác và mỗi một giáp đều thờ một vị thần để trông coi và bảo vệ sự an bình của làng. Lầu Thiên Quan là một trong 4 giáp trấn giữ để bảo vệ dân làng Xuân Trì. "Nghe các cụ kể lại thì lầu Thiên Quan trước kia là nơi tụ họp của các quan. Thời Lý và thời Lê, thôn Xuân Trì nổi tiếng có hai vị quan văn võ song toàn và có công giúp dân làng đào sông, đắp đê ngăn lũ lụt, hạn hán. Trước công lao to lớn của hai vị quan này, dân làng lập miếu, xây lầu và thờ hai vị quan này làm Thành Hoàng làng", ông Phu cho biết thêm.

Do chiến tranh và thời gian nên lầu Thiên Quan bị xuống cấp trầm trọng và người dân trong làng họp bàn nhau việc phá lầu cũ để xây mới trên nền đất cũ của lầu. Tuy nhiên, khi vừa dỡ được mấy viên ngói thì một số người bị ngói rơi vào gãy chân, thế là không ai bảo ai sợ không dám phá nữa.

Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp hai cụ là Nguyễn Thị Néo (83 tuổi) và cụ Trương Thị Thánh (78 tuổi), các cụ là hai trong những người chứng kiến và phát hiện đầu tiên việc Phật hiện lên trên viên gạch. Các cụ cho biết, vào những ngày tuần rằm hay đầu tháng, các cụ cao niên trong làng đều đến quét dọn và hương khói trong lầu.

Toàn cảnh ngôi lầu Thiên Quan.

Theo nội dung của người thủ từ và các cụ hôm đó có mặt kể lại, vào chiều ngày 18 tháng 5 dương lịch (tức ngày 14 tháng 4 năm 2008) trong khi quét dọn và lau chùi bàn thờ để lễ rằm, các cụ hoảng hốt khi phát hiện một hình ảnh lạ giống đầu Phật nằm trong viên gạch men trắng gần phía giữa bệ bàn thờ bên trái của lầu. Viên gạch này có những đường nét mờ mờ nằm ở gần trung tâm viên gạch men Trung Quốc. Nghĩ là thánh hiển linh, các cụ cao niên trong thôn vội hô hoán mọi người đến xem. Hình thù gần giống mặt người, trên đầu có vòng cung hình thù giống như Phật đội mũ, kích cỡ chiều cao chừng 6cm, bề ngang 3cm. Đường viền xung quanh hình ảnh giống như hình xăm trổ nằm chìm dưới lớp men tráng (màu trắng của viên gạch).

Cụ Nguyễn Thị Néo cho biết: "Khi đó tôi đang lau những viên gạch ốp thì thấy có gì đó khác thường, lấy hết bình tĩnh tôi nhìn kỹ thì thấy một hình giống hình đầu người mờ mờ chìm trong viên gạch. Điều lạ là hình này càng ngày càng hiện rõ nét, thậm chí phía dưới viên gạch còn có hình áo cà sa và nhiều người trong làng vội cho rằng Phật hiển linh nên lập nguyên cả ban thờ hương khói nghi ngút cho viên gạch", cụ Néo cho hay.

Tiếp theo đó với vô vàn những điều khó lí giải từ sự việc bà Đỗ Thị Ngó (52 tuổi) được Phật báo mộng.  Bà Ngó tự cho mình là người có khả năng tâm linh và thông thạo việc chùa chiền nên đã giải thích với dân làng rằng khi bà đang ngủ trưa thì mơ thấy có người đàn bà mặc quần thắt cạp, áo có buộc hai lá cờ và nâng đầu bà dậy. Và người đàn bà xuất hiện trong giấc mộng của bà Ngó xưng danh là Nữ tướng Hoàng Quan nhà Trần, lúc đó người không cho biết tên và bảo với bà Ngó là đúng giờ Ngọ ngày mai người dân trong làng sẽ rõ thân thế của Phật, bà hốt hoảng và tỉnh giấc.

Ngày hôm sau, bà Ngó tiếp tục loan tin và giải thích với người dân trong làng về nội dung những gì bà viết trong lúc gặp mộng rằng người báo mộng là phận gái nhưng lại sinh ra không đúng thời. Trong cảnh nước mất, nhà tan, người này liền cải trang giả nam nhi đi đánh giặc, ra thao trường tập duyệt. Nhưng khi ra trận, bà đã hy sinh và nằm lại ở rừng. Sau này khi đất nước thống nhất, dân làng được sống trong hòa bình, ấm no, bà được phong làm "Nữ tướng Hoàng Quan" nhà Trần, nay đi qua thấy cảnh vật tươi đẹp, chốn yên bình nên ngự trị tại thôn quê để cứu nhân độ thế.

Giải mã bí ẩn Nữ tướng Hoàng Quan nhập hồn báo mộng

Cụ Trương Thị Thánh  cho chúng tôi biết thêm: "Từ ngày phát hiện hình Phật trên viên gạch, có nhiều người từ khắp các địa phương trên cả nước kéo nhau về để xem tận mắt hình thù viên gạch có chứa hình Phật ra sao. Riêng ngày đầu có vài trăm người kể cả người già và trẻ em đến xem. Thậm chí còn có nhiều người ở tận Quảng Ninh, Sơn La, Yên Bái… cũng tìm về đặt lễ khấn vái”.

Thời gian đầu nhiều khách thập phương tìm về phần vì tò mò, phần vì nghĩ đến sự linh thiêng muốn được cầu sự tốt đẹp may mắn đến với họ, nhờ thế mà số tiền công đức được người dân tích cóp đã tu bổ, tái tạo lại đình cho khang trang, rộng rãi hơn để tiện cho dân làng đèn nhang, hương khói.

Cụ Thánh cũng chia sẻ thêm "hiện giờ không có sự phân công cho việc chăm lo hương khói, quét dọn mà mọi việc là do bản thân các cụ cao niên trong làng tự nhận thấy cần phải làm tròn bổn phận với thần linh, đức thánh. Cứ hằng tháng, mùng một hay ngày rằm là các cụ trong làng lại ra đình lau dọn, thờ cúng để cầu cho mưa thuận, gió hòa, khỏe mạnh, bình an cho dân chúng trong làng”.

Nơi thờ viên gạch Nữ tướng Hoàng Quan nhập hồn.

Câu chuyện về sự linh thiêng của viên gạch không dừng lại ở đó mà được bà con nơi đây tiếp tục thêu dệt thêm những tình tiết ly kỳ. Cách ngày xuất hiện hình đầu Phật trên viên gạch không lâu thì cành cây đa cạnh đình đang xanh tốt bỗng bị sét đánh gãy, tuyệt nhiên các cành cây đa đổ ngay ra phía mặt đường chứ không đổ lên mái đình.

Theo như nhiều người dân sống xung quanh đình cho biết, cứ vào mùa mưa bão cây cối đều bị gió bão quật gẫy rơi xuống đường, thậm chí có nhà cách cây đa vài chục mét nhưng vẫn bị cành đa quăng tới làm vỡ ngói. Đặc biệt vào năm 2009, một số người dân đi làm đồng về nhưng do trời nắng bèn đi lại gốc đa ngồi nghỉ lấy sức nhưng ngồi chưa được ấm chỗ thì trên bầu trời bỗng nhiên xuất hiện những đám mây đen xám xịt ùn ùn kéo tới và sau đó là cơn mưa rào như thác đổ. Chưa kịp định thần thì một tiếng nổ đinh tai nhức óc và tiếng nổ vừa dứt thì đúng lúc một cành đa to rơi ngay phía trước chỗ những người vừa mới ngồi nghỉ.

"Cũng may họ đã kịp thời tránh kịp vào miếu và nhờ sự che chở của Đức Thánh Trần và Nữ tướng Hoàng Quan nên cành đa mới không đổ vào miếu, chứ hôm đó nó rơi trúng vào miếu thì không biết điều gì sẽ xảy ra nữa", một người dân nhà gần lầu Thiên Quan cho biết.

"Đây là một hình ảnh ngẫu nhiên và có sự trùng lặp, do quá trình nơi sản xuất viên gạch mộc có thể nhân viên vẽ lên gạch, qua quá trình tráng men và sử dụng lâu ngày gạch bị ẩm, bào mòn, cho nên hình ảnh được rõ dần. Còn hình ảnh đó địa phương khẳng định không có việc sử dụng hóa chất", đó là khẳng định của ông Đặng Công Đào, Trưởng ban văn hóa xã Hoàng Hanh khi trò chuyện với chúng tôi. 

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Phú Sở, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hanh cho biết: "Nhận được thông tin có hình ảnh lạ xuất hiện, lãnh đạo đã xuống kiểm tra trực tiếp và thấy hình ảnh đó là có thực. Trước tình hình đó thì chiều ngày 19 tháng 5 (tức 15/4 âm lịch) lãnh đạo địa phương đã cùng với Ban chỉ đạo tôn giáo xã, hội ý thống nhất quan điểm chỉ đạo và quán triệt về mặt an ninh, tránh trường hợp lợi dụng và mê tín dị đoan".

Ngọc Linh
.
.
.