Gian nan cuộc chiến chống hủ tục FGM

Thứ Năm, 11/07/2019, 09:01
Trên khắp thế giới, hiện có khoảng 68 triệu bé gái có nguy cơ bị cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM). Chỉ tính riêng tại Nigeria, gần 15 triệu người có nguy cơ phải trải qua hủ tục FGM.


Mặc dù các quốc gia đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này nhưng có lẽ, đó vẫn là cuộc chiến chưa có hồi kết.

Thay đổi nhận thức và hành động của những người trực tiếp thực hiện FGM

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), FGM là hành động cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bộ phận sinh dục ngoài của nữ giới. Có nhiều mục đích và cách lý giải khác nhau về hủ tục này. Một số người dân tin rằng, FGM giúp hạn chế ham muốn tình dục của phụ nữ, giúp họ giữ được trinh tiết trước khi kết hôn. FGM được xem là một thủ tục cần thiết để nuôi dạy và chuẩn bị cho một bé gái trở thành phụ nữ, bước vào cuộc sống hôn nhân.

Trong những năm gần đây, mặc dù đã có những tiến bộ trong việc nâng cao nhận thức về FGM trên toàn cầu nhưng cuộc chiến chống lại hủ tục FGM vẫn còn nhiều gian nan ở phía trước. Các chuyên gia cho rằng, bước tiếp theo trong cuộc chiến này là phải “nhắm” đến thay đổi nhận thức và hành động của những người trực tiếp thực hiện phẫu thuật FGM.

Đã hơn một năm kể từ khi Hội nghị đầu tiên với chủ đề ENDFGM tại châu Phi diễn ra ở Kenya. Hội nghị có sự tham gia của 170 thanh niên đến từ 17 quốc gia châu Phi nơi FGM “thịnh hành”, từ Bờ biển Ngà đến Ai Cập. Các đại biểu đã cùng nhau bàn luận, đưa ra giải pháp với mục đích kết thúc hủ tục FGM. Đây được đánh giá là sáng kiến tuyệt vời nhưng nỗ lực ngăn chặn FGM không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi phụ nữ và trẻ em gái nói “không” với hủ tục này.

Các chuyên gia đang muốn tổ chức hội thảo có sự tham gia của những người phụ nữ cao tuổi, bác sĩ phẫu thuật – những người trực tiếp thực hiện hủ tục FGM để họ ủng hộ và nói “không” với FGM. “Bây giờ, hãy tưởng tượng một tình huống mà khoảng 200 phụ nữ thực hiện FGM tham dự hội nghị, cùng tập trung thảo luận đưa ra giải pháp ngăn chặn việc tiến hành hủ tục FGM đang được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, một chuyên gia nói.

Nhiều người có thể đã làm công việc này trong nhiều năm nhưng có lẽ, phần lớn trong số họ có thể không biết hoặc tin rằng, nạn nhân của họ đã phải chịu nỗi đau về thể xác và tinh thần như thế nào. Ví dụ, có những trường hợp phụ nữ và trẻ em gái mắc chứng trầm cảm hoặc các vấn đề tâm lý khác sau khi tiến hành hủ tục FGM. Cùng với đó là những hậu quả nghiêm trọng tiềm ẩn đối với nạn nhân vì tiến hành FGM không đảm bảo vệ sinh.

Ở nhiều nơi, hủ tục FGM do những người không có chuyên môn thực hiện bằng cách sử dụng dụng cụ y tế thô sơ như dao, lưỡi lam hoặc mảnh thủy tinh.

Đào tạo những tuyên truyền viên trong cộng đồng

Thông qua gặp gỡ, trao đổi, các nạn nhân có thể nói ra suy nghĩ của mình với những người trực tiếp thực hiện hủ tục FGM. Nạn nhân phải trải qua những cơn đau dữ dội, một số trường hợp bị sốc, xuất huyết và nhiễm trùng liên quan đến việc cắt xén bộ phận sinh dục bằng dụng cụ không đảm bảo vệ sinh. 

Nạn nhân đầu tiên có thể nói về sự lo lắng, trong khi nạn nhân tiếp theo kể về cách chiến đấu với chứng trầm cảm. Người phụ nữ thứ ba có thể nói về việc đối mặt với vấn đề mất trí nhớ trong khi nạn nhân khác nói về chứng rối loạn giấc ngủ. Câu chuyện chân thực, bằng tiếng nói của chính  nạn nhân đến từ nhiều cộng đồng khác nhau sẽ giúp những người trực tiếp tiến hành FGM thấu hiểu nỗi đau của các nạn nhân.

Khi thấy được hậu quả lâu dài của việc thực hành FGM, những người cao tuổi, bác sĩ phẫu thuật có thể từ chối các trường hợp đề nghị thực hiện hủ tục này. Đồng thời, cần có chiến lược để đào tạo những phụ nữ thành tuyên truyền viên trong cộng đồng, họ sẽ truyền đi thông điệp rằng, tại sao nên chấm dứt hủ tục FGM.

Được biết, FGM bị xem là hành động vi phạm nhân quyền phụ nữ và trẻ em gái, phản ánh sự bất bình đẳng giới sâu sắc và tạo ra hình thức phân biệt đối xử cực đoan vois phụ nữ. Năm 2012, Liên hợp quốc đã bỏ phiếu nhất trí nỗ lực loại bỏ hủ tục cắt âm đạo trên toàn thế giới. Ở một vài quốc gia châu Phi, việc cắt âm đạo được thực hiện bởi các chuyên gia y tế nhằm giảm thiểu các biến chứng trong y tế.

Trong khi đó, ở nhiều nơi, hủ tục FGM do những người không có chuyên môn thực hiện bằng cách sử dụng dao, lưỡi lam hoặc mảnh thủy tinh. FGM gây đau đớn về thể chất, tâm lý, đồng thời để lại nhiều hậu quả sức khỏe lâu dài như viêm bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, u nang, thậm chí là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. 
Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.