Giật Washinhgon khỏi tử thần

Thứ Hai, 27/02/2017, 10:39
Một nhà khoa học “điên” từng toan dùng máu cừu để giúp George Washinhgon, Tổng thống Mỹ đầu tiên, từ cõi chết trở về cuộc sống.


Đó là một câu chuyện bí ẩn đến nay mới được kể: Khi Tổng thống Washington qua đời ngày 14-12-1799, dân Mỹ tiếc thương người hùng giúp Hiệp chủng quốc độc lập khỏi Anh.

Lúc đó, Washington 67 tuổi đang cỡi ngựa thăm đồn điền trong cơn mưa mùa đông và sau đó ông bị sốt cao, đau cổ họng. Sức khỏe ông sa sút trầm trọng, không thể nuốt nổi món thuốc giấm pha mật ong và bơ, nên ông nhờ người chăm gia súc rút nhiều máu từ người ông.

Nhưng cách chữa này không có hiệu quả, 3 bác sĩ đã được mời đến và họ đều cho “toa” thuốc gây nôn và rút thêm nhiều máu nữa. Trong quá trình chữa trị này, Washington luôn được súc ruột và 3 “đốc-tờ” đã rút gần 2 lít rưỡi máu. Hai ngày sau chuyến đi định mệnh, Washington nhắm mắt xuôi tay sau khi nói với các bác sĩ: “Tôi lì lợm, nhưng chẳng sợ chết đâu”.

+ “Bác sĩ điên”

Nhưng thi thể Washington không được chôn lập tức. Ông không sợ chết nhưng  sợ bị chôn sống. Trước khi chết, ông đã dặn thư ký riêng Tobias Lear: không được chôn ông chưa đầy 3 ngày sau khi ông chết.

Và theo lời trăn trối của ông thì xác ông phải được ướp đá để có thể chuyển đến nghĩa trang của dòng họ ở vùng núi Vernon. Câu chuyện trở nên bí ẩn từ đó:

Sáng ngày hôm sau khi Washington qua đời, cô cháu gái  Elizabeth Law đến cùng William Thornton, một người bạn của gia đình. Thornton là một kiến trúc sư từng vẽ bản gốc Điện Capitol (nay là trụ sở Quốc hội Mỹ) nhưng cũng từng học thành bác sĩ ở Đại học Edinburgh (Scotland).

Trò chơi game “Washington săn zombie”.

Dù ít khi hành nghề y, Thornton thích nghiên cứu cơ thể con người. Ông gợi ý một cách làm Washington sống lại với vợ ông, bà Martha: dùng mền quấn kỹ xác ông rồi đốt lửa làm nóng xác.

Rồi ông thực hiện cuộc mở khí quản để có thể đưa một cái ống vào cổ họng Washington, nhằm bơm đầy không khí vào phổi. Bước cuối cùng và quan trọng nhất sau đó là truyền máu cừu vào xác Washington, để ông có thể sống lại.

Bạn bè và gia đình Washington từ chối cách chữa trị “điên khùng” này, không chỉ vì họ nghĩ không thể làm Washington sống lại, mà còn vì họ muốn Washington được an nghỉ bình yên, xác còn “nguyên con” không bị cắt cổ.

Thông tin khác cho thấy bà Martha không nghĩ Thornton “điên”, mà vì bà muốn chồng được “tiêu diêu miền cực lạc” sau khi  dẫn dắt quân đội đánh thắng Đế chế Anh và lèo lái đất nước vượt qua những năm tháng khó khăn.

Từ câu chuyện này, dân Mỹ đã nói vui: Liệu công dân số 1 đầu tiên của Mỹ là Washington có là “người chết biết đi số 1” đầu tiên?  Họ nói thế khi có bộ phim hình sự truyền hình nhiều tập“Walking Dead” (Người chết đang đi) rất ăn khách, kể về một cảnh sát trưởng nỗ lực cứu những người sống sót khỏi lũ xác sống “zombie” (người chết khát máu sau khi bị hút máu).

Cũng đã có trò chơi điện tử “Washington săn lùng zombie”, giống như cuốn tiểu thuyết hư cấu “Abraham Lincoln, kẻ săn ma cà rồng” kể Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln lúc cầm quyền còn là người săn ma cà rồng vào ban đêm, để trả thù cho mẹ bị ma cà rồng hút máu!

Chỉ khác ở chỗ câu chuyện Washington suýt được phục sinh là có thật.

+ Ai đi đầu?

Nhưng tại sao Thornton muốn làm “bác sĩ điên”? Theo Susan E.Lederer, tác giả cuốn sách “Thịt và máu: ghép ngũ tạng và truyền máu ở Mỹ thế kỷ 20” thì vào cuối thế kỷ 18, các bác sĩ tin máu cừu có nhiều tính năng đặc biệt, và bà tin Thornton muốn giúp hệ tuần hoàn của Washington có “chút hơi tàn” và lôi ông trở lại cuộc đời.

William Thornton.

Nhưng Paul Schmidt trong bài báo “Quên đi chuyện truyền máu: John Leacock vùng Barbados” đăng trên tạp chí British Medical Journal, đã gợi ý rằng  Đại học Edinburgh (nơi Thornton học y khoa) có thể là nơi đi đầu trong nghiên cứu truyền máu, nếu không kể các thử nghiệm truyền máu ở Pháp hồi thế kỷ 17.

Tác giả Schmidt thắc mắc liệu có phải Đại học Edinburgh đặc biệt chú ý đến các cuộc thử nghiệm truyền máu sơ khai ở Pháp và Thornton đã tiếp thu?

Ông cũng cho rằng Thornton không là sinh viên duy nhất của trường này nghĩ đến biện pháp truyền máu. Đàn anh của Philip Syng Physick của Thornton ở Edinburgh sau khi tốt nghiệp đã thực hiện một ca truyền máu hồi năm 1795 ở bang Philadelphia, nơi Thornton cũng có thời gian ngắn hành nghề.

Leacock là sinh viên Edinburgh tốt nghiệp sau, cũng thử nghiệm thành công các ca truyền máu vì tin rằng biện pháp này “kích thích” quả tim đập trở lại. Nhận định của Leacock cũng tác động đến James Blundell, người được cho là có công giới thiệu biện pháp truyền máu đến cộng đồng y khoa chính thống.

Holly Tucker trong cuốn sách “Làm việc với máu: chuyện y khoa và giết người thời cách mạng khoa học” cũng kể chi tiết nhiều vụ thử nghiệm truyền máu trong hơn một thế kỷ trước khi Washington qua đời.

+ Mộ bí mật

Điều kỳ lạ là chuyện làm xác chết sống lại không là kế hoạch bất thành duy nhất của Thornton đối với xác Washington! Trong bản thiết kế Điện Capitol, Thornton bí mật vẽ một ngôi mộ, với hy vọng đó sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng của Washington. Khi quan tài Washington được đưa vào nghĩa trang dòng họ, Martha có đồng ý sau này có thể cải tang, đưa hài cốt Washington vào Điện Capitol, và khi bà chết, bà cũng có thể được chôn cạnh chồng ở đó.

Tổng thống Mỹ Washington.

Thornton đã được phong không chính thức là “Đệ nhất kiến trúc sư” vì bản thiết kế Điện Capitol được Washington phê duyệt năm 1793.  Ông được thưởng 500 USD và một lô đất.

Khi Thornton và vợ Anna Maria đến Washington D.C năm 1794, thủ đô mới của Mỹ chỉ là một ngôi làng nhỏ bên dòng sông Potomac. Lúc đó, ông được Washington phong làm ủy viên Hội đồng thị chính.

Thornton cũng có những thử nghiệm về thuyền chạy bằng hơi nước, nên sa vào một cuộc tranh cãi lâu năm với nhà phát  minh thuyền chạy bằng hơi nước Robert Fulton. Năm 1802, ông  được Tổng thống Jefferson chọn làm lãnh đạo Cục Cấp phát bằng phát minh, và Thornton giữ chức này cho đến khi qua đời năm 1828. Thornton sinh ngày 20-5-1759, trở thành công dân Mỹ năm 1787.

+ Trong 10 năm đầu xây dựng Điện Capitol, có 3 người được thuê giám sát công trình: kiến trúc sư Stephen Hallet về nhì cuộc thi thiết kế nhưng cũng được thưởng 500 USD như Thornton.

+ Hallet được đánh giá cao khi vẽ lại bản vẽ “hai cánh” của tòa nhà. Ông được phong làm giám sát từ năm 1793 nhưng đến năm 1794 thì bị các ủy viên đuổi vì “tội bất tuân lệnh”. Ông sinh tại Pháp năm 1755, qua Mỹ năm 1790 và làm việc cho kiến trúc sư Pháp Pierre Charles L’Enfant (người vẽ thiết kế thành phố Washington) và qua đời năm 1825.

+ Thay Hallet là George Hadfield từ năm 1795. Ông gợi ý nhiều thay đổi trong bản thiết kế  nhưng đều bị bác, đến năm 1798 cũng bị đuổi việc.

Hadfield có bố mẹ người Anh, sinh năm 1763 ở Ý, qua đời năm 1826.

+ Thay ông là James Hoban, người thiết kế phần nội thất của Điện Capitol. Ông sinh năm 1792, qua đời năm 1831.

Bảo Vĩnh (tổng hợp)
.
.
.