Giếng "mắt trâu" và những chuyện kỳ lạ

Thứ Ba, 29/10/2013, 07:41

Vùng đất thôn Nhân Vũ có hình dáng giống hệt một con trâu nằm nghiêng. Và chiếc giếng nằm ngay sân nhà ông Diễm có nhiều chuyện kỳ lạ đến nay vẫn là một bí ẩn với nhiều người.

Giếng "mắt trâu" bí ẩn

Tình cờ nghe được câu chuyện kỳ lạ về chiếc giếng "mắt trâu" ngay giữa sân nhà ông Diễm ở thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, chúng tôi đã về thôn Nhân Vũ để tìm hiểu thực hư về chiếc giếng này.

Từ con đường liên xã qua làng Nhân Vũ, rẽ vào một con ngách độc đạo bằng đường đất, dài, sâu hun hút, lạnh lẽo, chúng tôi mới đến được nhà ông Diễm ở cuối con ngách vắng lặng. Một phía bên tường cạnh con ngách là một vài mảnh vườn hoang và những ngôi nhà đã cũ, ngả màu thời gian, không có người ở, phủ đầy rêu phong khiến cho chúng tôi có cảm giác rùng mình ớn lạnh. Nếu không có tiếng chó sủa thì chúng tôi cũng tưởng nhà ông Diễm cũng bị bỏ hoang như những ngôi nhà xung quanh.

Nghe chúng tôi hỏi chuyện, ông Diễm liền đưa chúng tôi tới xem một cái nắp hình tròn, nhô cao khoảng hơn 20cm ngay ở gần giữa sân, chếch về bên phải. Ông bảo đây chính là giếng "mắt trâu". Mở nắp lên thì cái giếng chỉ sâu chừng 1m, đường kính chưa đầy 60 phân, chỉ bằng 1/3 chiếc giếng thông thường.

Xung quanh giếng đã được các cụ nhà ông vỉa gạch cẩn thận, như những chiếc giếng làng quen thuộc ở những vùng nông thôn xưa. Ở miệng giếng có một vài chân hương đã cháy hết từ lâu. Ông bảo phải làm cái nắp bê tông này đậy lên giếng để đề phòng chó, gà, chuột… sa vào giếng, sẽ gặp điều không hay, trên nắp bê tông vẫn có 5 lỗ thoát khí để lưu thông với bên ngoài.

Ông Diễm năm nay đã ngoài 70 tuổi, tóc đã bạc nhưng còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ông bảo đời ông đã trải qua gần hết đời người, đã từng đi bộ đội, chiến đấu vào sinh ra tử chống Mỹ, chống Tàu, từng chứng kiến nhiều chuyện lạ, nhưng những chuyện liên quan đến chiếc giếng "mắt trâu" ngay ở sân nhà ông vẫn làm ông thấy lạ nhất.

Theo ông Diễm, chiếc giếng có từ đời nào ông không rõ, chỉ biết rằng, từ đời cụ nội ông, chiếc giếng đã tồn tại. Dân làng ông từ xưa nay vẫn tương truyền rằng cả thôn Nhân Vũ có hình dáng một con trâu đực nằm nghiêng. Bụng của con trâu này đi dọc theo hình rìa thôn Nhân Vũ.

Một mắt trâu được cho là ở phía nhà bà Phượng, giáp bờ sông Quảng Đãng. Rốn trâu nằm cách nhà ông 300m, ngay nhà ông Chắt, vốn là thông gia với nhà ông, trước đây có di tích là một vùng đất vũng xuống, cũng ở gần một con mương, nhưng hiện giờ cũng đã lấp hết chỉ còn duy nhất một giếng "mắt trâu" ở sân nhà ông vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Chiếc giếng mắt trâu cổ ngay sân nhà ông Diễm.

Những mắt và rốn trâu đã bị lấp hết khi người dân vỡ đất làm nhà, nhưng gần sông, gần mương vẫn có lỗ thoát khí, không bị ảnh hưởng gì. Chỉ giếng "mắt trâu" nhà ông ở ngay sân nhà, nếu lấp thì không thoát hơi được là sẽ có chuyện xảy ra ngay. Vì vậy mà chiếc giếng "mắt trâu" vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.

Cả làng đau mắt khi lấp giếng

Chuyện lạ đầu tiên mà ông chứng kiến là vào năm 1957, khi ấy bố ông Diễm lấp cả giếng để chuẩn bị xây nhà thì đột nhiên vài ngày sau, mẹ ông bỗng nhiên không nhìn thấy gì, trong khi mắt vẫn trong veo, không đau cũng không hề chảy nước mắt. Ba tháng liền đi khắp nơi chữa trị nhưng bác sĩ vẫn không tìm ra nguyên nhân.

Điều lạ lùng là cả xóm xung quanh nhà ông cũng nhiều người bị đau mắt. Một bà hàng xóm gần nhà ông, đi xem thì có thầy phán: chỗ nhà này có cái giếng "mắt trâu", là con mắt của cả làng, phải khôi phục lại, nếu không cả làng sẽ còn bị đau mắt và sẽ xảy ra nhiều chuyện khác nữa. Lúc ấy chính ông Diễm là người hì hục moi đất từ giếng mắt trâu lên, sau khi nhà ông làm lễ tạ thì ít lâu sau tự nhiên mẹ ông lại nhìn thấy bình thường. Những người trong xóm cũng tự nhiên khỏi đau mắt.

"Sau đó hơn chục năm, có một lần thằng Được - người cùng thôn, hay đi bắn chim đến nhà tôi chơi, thấy cái giếng cứ nghĩ là cái hố bỏ không, nên Được đi vệ sinh vụng vào đấy. Kì lạ là về nhà không hiểu vì lí do gì Được bị sưng đau mấy ngày không khỏi. Khi mẹ nó tra hỏi xem sang nhà tôi có làm gì không thì nó bảo đi vệ sinh vào cái hố ở sân, bà này vội vàng mang lễ đến giếng để cúng bái, thì tự nhiên sau đó nó khỏi bệnh, đến nay thằng Được vẫn làm ăn sinh sống bình thường, nhà ngay ngoài đường, cách nhà tôi chỉ đôi trăm mét" - ông Diễm kể.

Bà Đạm, vợ ông Diễm bảo: "Đất này nghịch lắm. Mùng 7 tháng trước, 2h sáng, tôi dậy đi vệ sinh. Khi ra đến sân thì tôi thấy có một đốm sáng xanh lè bằng cái bóng đèn, cứ lừng lững đi thấp sát đầu hè nhà. Sợ hãi tôi không kêu lên được một tiếng, chỉ biết lấy nước hắt vào đốm sáng ấy, sau đó mãi mới chạy được vào nhà đóng cửa lại. Tôi nhìn thấy đốm sáng này ba lần rồi. Ông bố chồng tôi ngày xưa còn sống cũng từng kể là có lần cũng nhìn thấy đốm sáng to bằng quả bóng ở giữa sân".

Còn nhớ khi bà về làm dâu nhà ông Diễm, sau khi sinh ba đứa con, hai trai, một gái, thì một thời gian sau, bà Diễm bỗng dưng bị điên, suốt ngày bị trói nhốt trong nhà. Người nhà đưa bà đi khám chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Không đền, phủ nào là gia đình bà không đến lễ. Đến khi đi xem bói thì thầy bảo nhà bà có cái giếng thiêng phải lập điện thờ thổ thần nếu không sẽ bị hành suốt đời. Sợ hãi, nhà chồng bà Diễm vội vàng xây điện thờ ngay tại nhà, lạ kì thay từ đấy bệnh tình của bà ngày một thuyên giảm.

Ngày xưa bà Diễm nổi tiếng là người xinh đẹp trong làng, nhưng vì ốm đau nhiều nên bây giờ bà đã già đi nhiều hơn so với tuổi. Tuy vậy bà Diễm vẫn đi lễ tạ khắp nơi để cầu an cho gia đình. Còn ông Diễm - chồng bà, vốn là một cựu chiến binh không hề mê tín hay sợ hãi gì. Nhưng sau những biến cố xảy ra trong gia đình, những ngày rằm, mùng một, và lễ tết, ông đều đặn thắp hương ở điện thờ, bàn thờ tổ tiên và cả giếng mắt trâu. Ông bảo: "Có thờ có thiêng có kiêng có lành, mình cứ thắp hương để nếu có mô phạm gì các ngài xá cho, hoặc cho lộc cho tài".

Ông Diễm kể lại những câu chuyện li kì liên quan đến giếng mắt trâu.

Một câu chuyện trùng hợp ngẫu nhiên nữa là khi chiếc mắt trâu phía bờ sông nhà bà Phượng được lấp để xây nhà thì một thời gian sau, chồng bà này cũng chết vì ung thư gan, khi đó mới ngoài 30 tuổi, sau đó một thời gian thì mẹ chồng bà cũng qua đời, khi đó mới ngoài 50.

Có phải là sự thật hay lời đồn?

Để kiểm chứng những thông tin mà ông Diễm cung cấp, chúng tôi tìm đến nhà anh Hậu, Trưởng thôn Nhân Vũ, thì được bà anh Hậu cho hay: "Tôi về làm dâu ở đây từ năm 19 tuổi, đến nay tôi đã 88 tuổi, tôi đã thấy và đã nghe mọi người nói về giếng "mắt trâu" rồi, không biết có từ bao giờ nhưng không ai được lấp, cũng không ai được nghịch ngợm. Nếu không là có chuyện ngay. Rõ nhất là đợt bố ông Diễm lấp giếng làm sân nhà, nhiều người trong xóm đau mắt mà mãi không khỏi, không rõ nguyên nhân. Sau khi chiếc giếng được khôi phục thì mọi người tự dưng hết đau mắt".

Nhiều người dân ở đây cũng cho rằng, nhà ông Diễm và một số ngôi nhà xung quanh sống trên mảnh đất nghịch, lại có giếng "mắt trâu" nên gia đình cũng xảy ra nhiều chuyện. Hai người con trai đầu của ông Diễm đều có 1-2 đời vợ, cô con gái út sinh ra đã bị dị tật ở chân, hiện đang sống với bố mẹ. Bà vợ thì ốm đau bệnh tật liên miên, nên giờ trông già yếu như một bà lão.

Còn những nhà xung quanh đều đã bỏ đi hết không hiểu vì lí do gì, nhà cửa bỏ hoang, bán không ai mua, có nhà thì có đứa con học rất giỏi, đang làm thầy giáo thì cũng bất ngờ bị điên. Duy chỉ nhà ông Diễm vẫn ở lại đây nhưng cũng hoàn cảnh lắm.

Ông Thuận, Bí thư Chi bộ thôn cũng khẳng định: "Tôi cũng nghe các cụ bảo đúng là cái giếng ở sân nhà ông Diễm là giếng mắt trâu, là giếng tự nhiên, không phải do đào lên mà có, không rõ có từ bao giờ, nhưng lấp giếng mà cả làng đau mắt là có thật. Nhà ông Diễm phải lập cả một điện thờ để thờ". Anh Được ở ngay đối diện nhà anh Hậu là bằng chứng xác thực nhất cho sự việc liên quan đến giếng mắt trâu ấy.

Anh Hậu (bên trái), Trưởng thôn Nhân Vũ và ông Thuận, Bí thư chi bộ thôn xác nhận thông tin giếng “mắt trâu” là có thật.

Ông Thuận, cũng cho biết thêm: "Những việc lạ xảy ra liên quan đến giếng mắt trâu là rất là bí ẩn, không giải thích được. Nhưng đúng là thôn Nhân Vũ này có hình dáng một con trâu. Các cụ ngày xưa vẫn nói: Con trâu chỉ biết làm ruộng. Cả tỉnh Hưng Yên này, thậm chí cả miền Bắc này, thì thôn Nhân Vũ là nhiều ruộng nhất, hai sào chín một khẩu, người dân trong thôn là những người hay lam, hay làm, tằn tiện từng ly từng tí. Thế nhưng có làm lụng vất vả bao nhiêu cuộc sống của họ vẫn không thể giàu có như những thôn khác được. Còn cả làng này không có một hàng quán nào, có anh nào mở hàng quán ra bán thì tự nhiên thất bại, vì không có ai mua".

Nhưng cũng có lẽ vì nghèo khó nên thôn Nhân Vũ từ trước đến nay có truyền thống cần cù hiếu học, rất nhiều người con của thôn đỗ đạt trở thành thầy đồ, tiến sĩ giỏi của làng. Năm nào thôn cũng có 8-10 cháu đỗ đại học. Đây là một nét đặc trưng của thôn Nhân Vũ từ xưa đến nay.

Ngọc Trâm
.
.
.