Hai chàng trai mù đẽo đàn bầu trên đỉnh Trường Sơn

Thứ Bảy, 22/03/2014, 15:30

Trong một lần đi tìm kiếm những nạn nhân chất độc da cam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua tỉnh Quảng Bình, tôi được một người chuyên đi rừng kể cho nghe về kỳ tích của hai chàng thanh niên là hai anh em ruột bị mù bẩm sinh nhưng rất tích cực vượt lên số phận. Họ tự tay làm mọi việc, hàng ngày dùng cây đàn bầu tự đẽo để gảy cho vơi bớt gánh nặng của số phận và có thể cũng là động lực để họ tiếp tục "mò mẫm" kiếm ăn trong quãng đời còn lại.

Nghị lực phi thường của hai chàng trai không có nhãn cầu

Nhà có 5 anh em trai ở xã miền núi Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, do di chứng nhiễm chất độc da cam từ người cha là thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn, Hoàng Văn Viên - sinh năm 1970, Hoàng Văn Phong - sinh năm 1972 cùng hai người anh em khác đều không có nhãn cầu từ khi mới lọt lòng mẹ.

Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền cùng những di chứng nhiễm chất độc trong thời kỳ chiến tranh để lại và những trận sốt rét liên miên đã mài mòn toàn bộ sức khỏe khiến bố của Viên - Phong qua đời khi Phong mới 5 tuổi. Sau đám tang, gánh nặng gia đình ấy dồn hết lên vai người mẹ. Nhưng với thân phận nữ nhi yếu đuối, lại phải lặn lội nơi rừng thiêng nước độc kiếm gạo nuôi 4 đứa con bị mù bẩm sinh nên cũng chỉ cố gắng được hơn 3 năm, bà đổ bệnh và từ đó anh em Viên-Phong phải sống vạ vật bữa no, bữa đói nhờ vào sự giúp đỡ của những người hàng xóm cũng nghèo không kém nhà Viên-Phong.

Năm tháng trôi qua, anh em nhà Viên-Phong ngày một lớn, nhu cầu sinh hoạt cá nhân trong cuộc sống cũng ngày một tăng theo, hơn nữa sự cưu mang của bà con nghèo trong xóm cũng chỉ có hạn nên nhiều đêm hai anh em họ thức trắng bàn nhau phải học hỏi để tự mình tìm cách lao động và con đường kiếm cơm nuôi thân của anh em Viên - Phong cũng gập ghềnh như chính cuộc đời của họ.

Năm 1984, khi hai anh em, một người lên 12 và người kia 14 tuổi đã bảo nhau trốn mẹ theo đám thanh niên trong xóm đi mò cua bắt ốc ở những khe suối trên đỉnh Trường Sơn. Chưa từng đi trên con đường mòn ra bờ suối, hai anh em liên tục bị vấp ngã bởi những hòn đá lởm chởm như giăng mắc trên đường, mặc dù bị đá cắt cho chảy máu chân tay nhưng cả hai vẫn quyết tâm lần bằng được ra suối. Do không có kinh nghiệm, hai anh em đã bị nước cuốn trôi trong lần đầu tiên lội suối. Cũng may khi đang ngắc ngoải tưởng chết trong dòng nước cuốn ấy, một cây rừng bị đổ chắn ngang dòng suối đã chặn hai anh em lại và hai người dù mệt lả vì vật lộn với dòng nước dữ, lại uống một bụng mòng nước song cũng cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng mò theo cành cây lội vào bờ. Thoát chết trong gang tấc nhưng khi vào đến bờ, trời đã tối, không biết đường về nhà nên cả hai đành tìm một mỏm đá ngồi "chờ thời".

Anh em Hoàng Văn Viên, Hoàng Văn Phong và cậu em út.

Đêm ấy, anh em Viên - Phong bị những cơn đói cồn cào hành hạ cùng đợt không khí lạnh của mùa đông bất ngờ tràn về quật cho tơi tả, hai người ngất xỉu lúc nào không biết và cả hai chỉ được may mắn cứu sống khi một người cùng làng trong lúc đi bắt rẹm bên suối phát hiện đưa về trạm xá xã cấp cứu. Sau lần chết hụt ấy, gia đình Viên - Phong không cho hai anh em đi lội suối nữa, nhưng chuyện cơm, áo, gạo, tiền cứ thôi thúc nên chỉ hơn một tháng sau, cả hai lại bàn nhau trốn mẹ đi lội suối một lần nữa.

Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này trước khi đi, hai anh em đã tìm đến những gia đình nuôi trâu, bò trong làng xin những sợi dây thừng đã được thải ra mang nối lại với nhau thành một khúc dây dài để khi lội suối, chiếc dây này sẽ được buộc ngang bụng Viên, còn Phong ở trên bờ nắm một đầu dây ngồi ôm gốc cây, nếu gặp nguy hiểm, Viên sẽ giật mạnh, Phong sẽ có nhiệm vụ thu dây kéo Viên lên bờ. Tuy vậy cũng có nhiều khi nước xoáy dữ quá, cả người dưới suối và người trên bờ bị dòng nước cuốn trôi là chuyện bình thường.

Trải nghiệm đầu đời đã mang lại chút thành công khi ngày hôm ấy, hai anh em đã bắt được hơn chục con rẹm cùng mớ ốc xoắn, nhưng cũng phải trả giá không hề nhỏ bởi những hốc mắt không nhãn cầu ấy bị những con đỉa to bằng ngón tay cái bám vào hút no máu mà cả hai không biết.

Năm 2000, khi một số vạt rừng gần làng được chặt để làm đường Trường Sơn, những người dân trong làng đua nhau người thì đi vác củi, người thì chẻ củi thuê cho những ông chủ, anh em Viên - Phong cũng lần mò đi theo họ. Lúc đầu đi chỉ để cho vui trong những lúc không có việc làm, nhưng nghĩ người ta làm được, tại sao mình lại không? Thế là hai anh em lại năn nỉ những người lành lặn đang làm nghề chỉ bảo cho cách làm sao tách những khúc gỗ to thành những thanh củi để bỏ vào lò đốt được.

Hơn một tháng dò dẫm học hỏi, cũng không ít lần bàn tay hai anh em tóe máu vì bị hết những búc rồi rìu đập trúng, đặc biệt có lần Phong bị cây nêm gỗ bật lên đập trúng quai hàm phải nằm điều trị cả tuần ở trạm xá xã. Tai nạn lao động đối với những người lành lặn vẫn nhiều khi xảy ra, nhưng đối với Viên thì điều đó là không thể chấp nhận được. Lúc còn đang nằm trên giường bệnh, Viên nắm tay Phong bảo: "Chỉ có việc học chẻ củi, học cả tháng trời rồi mà vẫn bị cây nêm văng vào mặt... Hai thằng mình đúng là đồ mù dở…". Song với quyết tâm phải học được nghề để hy vọng đổi đời nên ngày được xuất viện, thay vì trở về nhà, hai anh em lại tìm đến chỗ chẻ củi tiếp tục ngày đêm học hỏi và chẳng bao lâu họ đã trở thành cặp bài trùng chuyên chẻ củi thuê trong xã.

Hoàng Văn Phong đang tự mình mở khóa thùng đựng đồ.

Tuy không có nhãn cầu nhưng kể từ sau thời gian học nghề, họ sử dụng đồ nghề rất thuần thục. Phong khỏe hơn thì chịu trách nhiệm đập búa, Viên yếu hơn một chút thì làm nhiệm vụ đặt cây nêm sắt vào những chỗ dễ tách của cây gỗ. Cứ như vậy, cây búa nặng 5kg trên tay Phong cứ thoăn thoắt, chan chát bổ xuống mà chưa hề trật ra ngoài hoặc đập trúng tay Viên bao giờ, còn Viên cũng luôn chính xác trong từng động tác đặt, nhổ nêm để người em trai có thể đập bách phát bách trúng.

Hôm ghé thăm nhà Viên - Phong, chúng tôi được chị Lan (chủ vựa củi) mời vào nhà uống nước. Biết chúng tôi là những người cách đây hơn chục năm đã tìm đến hỗ trợ cho gia đình Viên - Phong, chị liền khoe thành tích của hai người: "Nói thật, lúc đầu khi hai anh em họ đến xin việc, tôi không nghĩ là họ sẽ làm được bởi những người thợ lành lặn đang làm việc mà cũng thường xuyên bị tai nạn huống chi họ lại bị mù. Thương hoàn cảnh gia đình họ, vả lại hai anh em đã hết mực năn nỉ nên tôi cũng mềm lòng chấp nhận nhưng cũng chỉ mong họ có thể thu dọn đám củi ngoài sân để có cớ tặng họ ngày hai bữa cơm. Ấy vậy mà khi bắt tay vào việc, hai người cứ làm thoăn thoắt mà chưa bao giờ thấy họ bị tai nạn gì. Bây giờ thì Viên và Phong có thể làm việc ngang bằng hoặc hơn những người lành lặn mà thiếu kinh nghiệm. Thật nể phục ý chí của họ"!

Và chuyện "đẽo đàn bầu"

Làm đàn bầu đối với người lành lặn đã là một chuyện khó, với người mù bẩm sinh thì chắc chắn mọi người sẽ cho rằng đó là chuyện không tưởng. Nhưng có lẽ những nghị lực phi thường của hai anh em Viên - Phong khi trong nhiều năm liền cố gắng vượt lên số phận đã khiến "ông trời" động lòng thương nên đã ban tặng cho họ một sự sáng tạo tuyệt vời. Chuyện tự làm đàn bầu cũng sau những giờ lao động mệt nhọc, hai anh em thường ra bãi đất đầu xóm ngồi nghe đài phát thanh công cộng của xã.

Có lần nghe độc tấu đàn bầu và được chương trình này giới thiệu đàn này chỉ có một dây, hơn nữa có thể tự làm được bằng các loại vật dụng thông thường như ống tre, nứa, dây cước và… lon sữa bò... Đêm ấy, khi trở về nhà, Viên bảo với Phong nếu mình có một cây đàn bầu và tập có lẽ hai thằng mình cũng có thể chơi được và thế là những ngày tháng sau đó, hai anh em lần mò tìm đến những người lớn tuổi trong làng để hỏi và nhờ họ làm giúp. Nhưng ở cái miền thâm sơn cùng cốc ấy, người dân phải vất vả một nắng hai sương cũng chưa thể kiếm đủ gạo để làm no cái bụng thì lấy đâu ra thời gian mà nghe đàn chứ đừng nói đến chuyện làm đàn nên ý tưởng về việc nhờ những người sáng mắt làm giúp một cây đàn bầu của Viên - Phong đã đi vào ngõ cụt.

Cây đàn bầu do Hoàng Văn Viên và Hoàng Văn Phong tự làm.

Đang trong cơn thất vọng thì một cơ hội mới lại được mở ra với anh em họ khi Đoàn ca múa nhạc của tỉnh lên hát phục vụ những công nhân xây dựng tuyến đường Trường Sơn và bà con dân tộc dọc theo tuyến đường này. Hôm ấy, sau khi buổi biểu diễn hạ màn, Viên - Phong đã lần mò vào sau khán đài năn nỉ xin được gặp người gảy đàn bầu. Lúc đầu, những người trong đoàn đều nghĩ hai chàng mù này có vấn đề về tâm lý, nhưng sau khi  Viên - Phong trình bày rành rọt về mong ước của mình thì họ thật sự xúc động.

Cảm phục trước ý chí quyết tâm vượt lên số phận của hai chàng mù, mặc dù đã hơn 11h đêm và buổi sáng hôm sau Đoàn còn phải lên đường sớm nhưng anh Tươi, người gảy đàn bầu đã mang chiếc đàn ra rồi dành cả đêm hướng dẫn cho họ. Đầu tiên, anh cầm tay hai anh em Viên - Phong sờ vào từng bộ phận từ thân, dây đến cần để họ có thể cảm nhận đôi chút về cấu tạo của đàn, sau đó anh này còn hướng dẫn thêm cho hai người cách cầm phím tỉa dây. Tuy nhiên, buổi chỉ dẫn ấy đã phải dừng lại giữa chừng vì Đoàn của anh Tươi đã đến giờ xuất phát.

Trở về nhà, Viên bảo Phong lập tức cầm dao quắm ra bụi tre ở đầu ngõ chặt một cây to nhất mang về nhà, còn anh sang hàng xóm xin một chiếc lon sữa bò cũ cùng sợi dây cước. Chỉ với một con dao quắm cùng một cái đục cũ, sau hơn một tuần miệt mài đục đẽo, phá nát hơn chục ống tre, cuối cùng hình hài chiếc đàn bầu trong mơ của hai anh em cũng đã được định dạng. Lấy chiếc tăm tre làm phím, Viên hào hứng ôm đàn định gảy, nhưng do ống tre tròn làm chiếc đàn cứ nghiêng ngả không đứng vững khiến Viên không thể gảy được, thế là lại cáu: "Đã được chỉ bảo đến tận răng rồi mà vẫn làm không xong, đúng thật là đồ mù dở". Nhưng không lẽ làm đến đây rồi lại bỏ ngang thì phí công sức mấy tháng trời mò mẫm học hỏi, thế là hai anh  em lại ngồi bàn nhau tìm cách làm cho cây đàn đứng được. Phong bảo Viên: "Mình đứng được là nhờ hai bàn chân, vậy thì đồ vật muốn đứng được cũng phải có chân", và lại một lần nữa họ mày mò tìm cách gắn chân cho đàn.

Mười năm sau lần gặp đầu tiên, trở lại thăm hai anh em Viên - Phong, tôi thật sự bất ngờ bởi hiện tại ngoài việc quán xuyến toàn bộ công việc nhà, anh em họ còn biết chăn nuôi thêm con heo, con gà và trồng những luống rau xanh để phục vụ cuộc sống. Chiếc đàn bầu bằng tre ngày ấy cũng đã được họ "nâng cấp" bằng gỗ. Tuy những tiếng đàn kêu còn tặc tè chưa thanh thoát nhưng với anh em Viên - Phong, chừng đó cũng đủ làm cho họ vơi đi những mất mát và ngày càng tự tin vào chính bản thân mình trong màn đêm mưu sinh

Đức Cương
.
.
.