Hàn Quốc:

Ngăn chặn nguy cơ nhân viên tự sát

Thứ Năm, 24/12/2015, 07:00
"Sau khi trải nghiệm cảm giác nằm trong quan tài, tôi nhận ra rằng, tôi nên thay đổi cách sống. Tôi chợt nhận thấy mình đã từng mắc rất nhiều sai lầm. Giờ đây, tôi muốn mình dù làm bất cứ việc gì cũng phải tận lực và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình"- Cho Yong-tae, một người giả chết sau khi rời khỏi chiếc quan tài chia sẻ với BBC hôm 14-12.

Để ngăn chặn nguy cơ nhân viên bị căng thẳng, trầm cảm vì công việc dẫn tới tự sát, đồng thời khuyến khích mọi người quý trọng cuộc sống của mình, một số công ty Hàn Quốc đã tổ chức lễ tang giả yêu cầu người lao động phải tham dự, đã thu hút sự chú ý của dư luận và giới truyền thông. Thực tế, Hàn Quốc hiện là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới do những áp lực trong công việc và cuộc sống.

Theo BBC, người lao động Hàn Quốc thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng và trầm cảm. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm thần Hàn Quốc cho thấy, cứ 1 trong 4 người được hỏi thú nhận, họ đang bị stress và cảm thấy mệt mỏi, trong đó, các vấn đề ở nơi công sở là nguyên nhân chính. Và vấn nạn này đang đe dọa nhiều công ty, doanh nghiệp nước này trước sức ép về nhân sự.

Các nhân viên ở Hàn Quốc được công ty tổ chức đám ma giả khi đang còn sống để học cách trân trọng cuộc sống.

Trong một căn phòng lớn, các nhân viên của một công ty tuyển dụng đang tham gia một đám tang của chính họ. Khoác chiếc áo dài màu trắng, viền vàng bên ngoài trang phục công sở thường ngày, các nhân viên ngồi ngay bên bàn làm việc và đặt bút viết chúc thư cho người thân. Trong lúc viết những dòng thư cuối cùng đó, nhiều người không thể kìm lòng đã bật khóc nức nở. Sau đó, họ đứng lên bước vào bên trong chiếc quan tài bằng gỗ được đặt ngay bên cạnh họ và nằm xuống, trong tay ôm di ảnh của chính mình. Ngay sau đó, chiếc quan tài được đóng kín nắp bởi những người đàn ông vận đồ đen, đại diện cho "thần chết".

Bóng tối bao trùm bên trong cỗ quan tài và từ đó, người nằm bên trong có thể suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những hoạt động thiết thực để giúp người lao động nhận thức rõ hơn giá trị cuộc sống. Trước khi tham gia tang lễ của chính mình, nằm vào trong quan tài, các nhân viên Hàn Quốc đã được xem video về những số phận bất hạnh, phải không ngừng đấu tranh để được sống.

Chẳng hạn, video về những bệnh nhân ung thư cố chống chọi sự đau đớn để sống trọn vẹn những ngày tháng cuối cùng trong đời hay một người khuyết tật bẩm sinh, không có tay chân nhưng luôn cố gắng vươn lên để có cuộc sống như người bình thường.

Những video trên được kỳ vọng sẽ giúp người bình thường có động lực để đối mặt với những khó khăn, rắc rối riêng mà họ gặp phải. Theo ông Jeong Yong-mun - người điều hành của Trung tâm hàn gắn Hyowon, từng làm việc trong một công ty tang lễ - những khó khăn, rắc rối vốn là một phần của cuộc sống mà con người cần phải chấp nhận.

Ông Park Chun-woong, một lãnh đạo công ty nhấn mạnh: "Công ty chúng tôi luôn khuyến khích nhân viên đổi mới tư duy. Tôi cho rằng, giả chết và thử nằm trong quan tài là một kinh nghiệm đáng nhớ. Nó sẽ giúp họ suy ngẫm lại và thay đổi thái độ". Rất khó để xác định liệu những người tham gia có thay đổi thực sự hay không bởi Hàn Quốc là một xã hội gia trưởng và người lao động hiếm khi bày tỏ thái độ với chính sách của công ty.

Bên cạnh giải pháp trên, ông Park Chun-woong còn thường gửi hoa đến cha mẹ của nhân viên để cảm ơn công ơn dưỡng dục của họ cũng như tổ chức các hoạt động tập thể trong văn phòng để tạo tiếng cười cho nhân viên. Những tiếng cười như thế chắc chắn là rất cần thiết tại một môi trường làm việc cạnh tranh khốc liệt như ở Hàn Quốc.

Năm ngoái, chính quyền Seoul đã tìm cách thay đổi văn hóa lao động, bằng cách yêu cầu các công ty cho nhân viên ngủ trưa ít nhất 1 giờ. Tuy nhiên, người nào ngủ trưa sẽ phải làm việc sớm hơn hoặc muộn hơn để bù lại. Kết quả là sáng kiến này không nhận được nhiều sự hưởng ứng, một phần bởi tính cạnh tranh cao hình thành từ bé khiến người lao động không muốn chiều chuộng quá mức bản thân họ.

Trường Minh - T.L. (tổng hợp)
.
.
.