Hết thời nghề săn "xác" nhà sàn vùng sơn cước

Thứ Ba, 26/08/2014, 17:00

Từ bao đời nay, những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày - Nùng tỉnh Cao Bằng luôn gắn liền với nét đặc trưng, phong tục tập quán sinh hoạt giản dị, đậm chất miền núi. Tuy nhiên, nhiều năm nay, khi những mái nhà Fibro xi măng, nhà gạch xây mọc lên như nấm sau mưa cũng đồng nghĩa nhà sàn cổ đang dần mai một, thậm chí biến mất. Niềm hi vọng giữ gìn giá trị văn hóa nhà sàn cổ được le lói khi một số ngôi làng đi săn tìm "xác" nhà sàn để mang về dựng lại cho con cháu. Chính vì vậy, nghề săn "xác" nhà sàn cũng xuất hiện, nở rộ đồng thời điểm đó. Chúng tôi đã có cuộc hành trình lên miền sơn cước tìm hiểu nghề độc đáo này.

Độc đáo kiến trúc nhà sàn cổ

Trải qua hàng nghìn năm tích lũy, đúc rút kinh nghiệm của các lớp thế hệ cha ông mới có thể hình thành kiểu kiến trúc nhà sàn độc đáo như ngày nay. Thông thường, kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng tồn tại bốn kiểu khác nhau, gồm: nhà Lều - là loại nhà có kết cấu đơn giản và sơ khai nhất; nhà Quan ma là loại nhà sàn thường có 4 gian với đặc điểm cột được chôn sâu xuống đất, được biến thể từ kiểu nhà Lều nhằm bảo vệ con người và vật nuôi khỏi thú dữ; nhà Cai tư là kiểu nhà biến thể tiếp của nhà Quan ma với đặc điểm thường có 5 gian (3 gian chính và 2 gian trái), cột nhà được kê bằng đá tảng; nhà Con thong là loại nhà phổ biến nhất hiện nay. Với bốn kiểu nhà sàn này cũng gần giống với kiểu kiến trúc nhà sàn của dân tộc Nùng. Tuy nhiên, có sự khác nhau về quan niệm, phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt của hai dân tộc.

Người Nùng an ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen đang chuẩn bị dựng mới sau cuộc săn tìm nhà sàn cổ.

Một đặc điểm dễ nhận thấy là nhà sàn đồng bào miền núi có diện tích sử dụng rộng rãi, được chia thành các gian và mỗi gian đều có chức năng riêng: gian giữa dùng làm bàn thờ, để cầu nguyện ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình an lành, ấm no và hạnh phúc. Còn các gian phụ được dùng để sinh hoạt, để đồ đạc…

Đặc biệt, cầu thang lên nhà sàn làm bằng gỗ và thường có 9 bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ. Gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất như cuốc xẻng, cày, bừa, nhốt gia súc, gia cầm. Trong ngôi nhà sàn, từ cách bố trí không gian thờ cúng tổ tiên, nơi tiếp khách, bếp núc cho tới buồng ngủ của mỗi thành viên trong gia đình đều thể hiện rõ phong tục, tập quán, nền nếp của đồng bào Tày - Nùng.

Theo các cụ cao niên ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) cho rằng, việc dựng một căn nhà sàn không hề đơn giản và chỉ có những người có kinh nghiệm lâu năm mới có thể dựng lên một mái nhà sàn chắc chắn và đẹp đẽ. Chỉ riêng việc săn gỗ trong rừng đã ngốn mất một năm trời, việc vận chuyển những cột gỗ lim qua các sườn núi, ngọn đồi lại càng vất vả gấp nhiều lần. Sau đó là công đoạn thiết kế, đục lỗ, đẽo gọt cũng rất phần quan trọng. Việc dựng một ngôi nhà sàn đòi hỏi phải có nhiều người giúp sức bởi sức nặng của loại gỗ lim khi dựng đứng thành những cột trụ nhà.

Lạ kỳ nghề săn "xác" nhà sàn

Một thực tế cho thấy, khi dân số ngày càng tăng dần, kéo theo đó là nhu cầu đất đai, nhà ở cũng tăng theo. Trong khi đó, gỗ quý trong rừng đã trở nên khan hiếm nên mới có chuyện nhiều người đi săn nhà sàn cổ ở các vùng lân cận. Thời cao điểm cách đây 2 năm, khoảng 2, 3 ngày người dân vùng sơn cước này lại thấy một đoàn người với các trang phục truyền thống dân tộc Nùng an vận chuyển bộ gỗ nhà sàn xếp lên xe tải và chở về nhà.

Thậm chí, những xưởng hoặc cửa hàng làm bàn ghế, đồ gỗ mỹ nghệ cũng ráo riết săn lùng những bộ gỗ lim nhà sàn khắp các thôn bản người Tày - Nùng. Thông thường, trung bình một bộ gỗ nhà sàn có giá từ 40 đến 80 triệu đồng tùy thuộc theo từng chất lượng, độ thẩm mỹ của những thanh, cột gỗ lim. Theo các chủ cửa hàng bán bàn, ghế, tủ, giường ở huyện Trùng Khánh cho biết, nếu quy đổi ra, các mặt hàng này thì vẫn được lãi rất nhiều và giá cao hơn các loại gỗ khác.

Những hình ảnh này thường thấy khi vào các bản làng ở xã Phúc Sen.

Tuy nhiên, những năm nay, nguyên liệu gỗ quý ngày càng khan hiếm bởi hầu hết ngôi nhà sàn đang bị phá bỏ để xây nhà gạch, xi măng. Duy nhất chỉ còn một số những ngôi làng ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên lại làm chuyện "ngược đời" là săn tìm những bộ gỗ nhà sàn về dựng lại ngôi nhà sàn mới cho con cháu.

Anh Hoàng Văn Linh là người dân tộc Nùng an, Trưởng xóm Phja Thắp thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên cho hay: "Mấy năm nay, ở các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng, Thạch An người ta phá bỏ nhiều nhà sàn để xây nhà gạch mới lắm. Vì thế, người dân ở xã Phúc Sen đổ xô đi mua bộ gỗ nhà sàn về giữ lại nhằm xây nhà cho con cháu khi chúng lập gia đình. Ở đây chúng tôi chuộng nhà sàn lắm. Mặc dù những nơi khác họ thi nhau xây nhà cấp bốn nhưng chúng tôi sống ở nhà sàn quen rồi. Vả lại, người dân nơi đây cũng không muốn mất đi nét đẹp văn hóa truyền thống từ thời cha ông gìn giữ, bảo tồn".

Ông Mông Văn Sau (73 tuổi), từng là một thời đi săn nhà sàn ở xóm Lũng Ọ, xã Phúc Sen, chia sẻ: "Ngoài những giá trị văn hóa, thói quen sinh hoạt, nhà sàn cũng có nhiều cái tiện lợi của nó. Căn nhà sàn nào cũng có "3 tầng", tầng dưới tận dụng làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm; dụng cụ phục vụ lao động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; tầng giữa người ở; tầng trên để ngô, thóc và các loại đồ dùng hằng ngày. Nếu phá bỏ nhà sàn và xây nhà gạch đá thì lại phát sinh ra nhiều cái nhà nữa, chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng gà vịt… "Đẻ" ra nhiều nhà nữa cũng không sao, cái chính là bà con đã làm mất đi bản sắc văn hóa từ bao đời ông cha để lại".

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cuộc săn tìm nhà sàn của người dân Phúc Sen đã trở nên rất gian nan khi nhà sàn ngày một ít đi. Không những thế, những loại gỗ quý như gỗ lim, pơ mu, sến, táu… hầu như không còn xuất hiện ở các cánh rừng già. Và "cơn khát" nhà sàn người Nùng An càng kéo dài hơn khi những ngôi nhà bê tông cấp bốn đang nhanh chóng được thay thế nhà sàn cổ ở các bản làng đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Nguy cơ biến mất nhà sàn cổ

Ở Cao Bằng, người Tày - Nùng chiếm trên 70% dân số toàn tỉnh. Bà con người Tày sinh sống ở những vùng trũng, thấp, trên những ngôi nhà sàn. Cùng với trang phục, ngôn ngữ, nhà sàn là một trong ba yếu tố cấu thành bản sắc truyền thống, nét đẹp văn hóa lâu đời. Nhưng cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những ngôi nhà sàn, niềm tự hào của người Tày đã và đang dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây cấp bốn, nhà cao tầng.

Để tìm hiểu sự thay đổi về không gian sống (nhà ở) của người dân tộc thiểu số, chúng tôi đã rong ruổi khắp các bản làng có người Tày - Nùng đang sinh sống ở các huyện vùng cao Cao Bằng và một số tỉnh miền núi khu vực Việt Bắc. Ở những bản xa trung tâm, vẫn còn hình ảnh ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những rặng tre, lùm cây, giúp người ta dễ nhận ra đây là bản của người dân tộc sinh sống. Song, ở những bản làng gần tỉnh lộ, quốc lộ, những ngôi nhà sàn hai mái (hoặc bốn mái) lợp ngói âm dương đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây, nhà tầng, mái lợp Fibro ximăng, tôn chống nóng.

Người thợ dựng nhà sàn đang bào nhẵm lại gỗ trước khi đem dựng.

Cụ Nông Văn Biển (75 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh đau đáu: "Trước đây, 100% hộ trong làng để làm nhà sàn lợp ngói âm dương. Một số tận dụng địa hình làm nhà nửa nhà sàn nửa nhà đất. Nhưng dù là nhà sàn hay kiểu nhà nửa nhà sàn, nửa nhà đất thì ngôi nhà cũng có ba gian, hai mái. Nhưng mấy năm nay, làng này thay đổi đến chóng mặt. Làng Bản Khuông có gần 60 mái nhà nhưng đến giờ chỉ còn lác đác 2, 3 nhà sàn thôi. Chủ yếu là người già sinh sống nên mới không bị phá bỏ. Tôi nghĩ, có lẽ một, hai mươi năm nữa, đất nước phát triển, nhiều gia đình có kinh tế khấm khá, những ngôi nhà sàn cũ kỹ được thay thế bằng những ngôi nhà xây, con cháu chỉ còn biết đến nhà sàn qua sách vở, hình ảnh tư liệu mà thôi".

Vì vậy, điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, trong quan niệm của người dân Phúc Sen, họ coi đây là một sự đánh đổi để thay đổi bộ mặt nông thôn và đối với họ là không hoàn toàn cần thiết. Bây giờ, ngoài những nghề truyền thống như rèn, làm hương, nhuộm vải người Nùng An Phúc Sen còn tự hào về nét đẹp ngôi nhà sàn cổ mà hàng trăm năm nay họ đã gìn giữ, bảo tồn"

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.