Những đứa trẻ mồ côi ở Sín Chải - Nậm Pung

Hoang hoải vùng đất trắng

Thứ Hai, 18/11/2013, 14:25

Vượt qua con đường dốc đá lởm chởm, xuống núi khi trời chập tối, nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi những đôi mắt to tròn, ngơ ngác và trong veo của những đứa trẻ mồ côi ở thôn Sín Chải, Nậm Pung, Bát Xát, Lào Cai. Một thôn chỉ có 28 hộ mà có đến 20 đứa trẻ mồ côi. 10 người đàn ông đoản mệnh. Và có rất nhiều câu chuyện bí ẩn xung quanh vùng đất trắng vẫn chưa được giải mã.

28 hộ và 20 đứa trẻ mồ côi

Trưởng thôn Sín Chải Phú A Sì, người nhỏ thó, đi chiếc xe Win đón chúng tôi từ đầu ngõ. Những đứa trẻ vây lấy chúng tôi lạ lẫm... Những đôi chân trần lấm lem bùn đất. Những gương mặt đen nhem nhúa, phải cả năm chẳng biết đến rửa mặt. Có đứa khóc thút thít, chân nó giẫm phải gai nhọn chảy máu vì không có dép. Những đôi tay bé nhỏ, đen kịt bùn đất... Phú A Sì nói, Thôn Sín Chải có 28 hộ dân, có hơn 10 phụ nữ góa chồng, hơn 20 đứa trẻ mồ côi. Chúng đều có chung một hoàn cảnh: cha mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng. Đứa ở với chú, đứa ở với bà, sống vất vưởng qua ngày.

Căn nhà của mấy chị em Sần Mờ Be, Sần Mờ Bia, Sần Giá Lù, Sần Gió Da, Sần Tre Gà như một tổ chim cheo leo bên đường. Ban ngày nhưng trong nhà tối om như mực. Phải bật đèn điện thoại tôi mới nhìn thấy chỗ nằm của 5 chị em bên cạnh cái bếp củi đã tàn. Bố Sần Giờ Lũy chết khi mới 46 tuổi. Mẹ bỏ đi Trung Quốc lấy chồng, chẳng đoái hoài đến mấy chị em. Cả 5 đứa sống nheo nhóc với bà nội đã 80 tuổi. Đứa lớn học lớp 8, cũng chỉ bằng đứa trẻ lên 9 dưới xuôi. Nó nhanh nhẹn, tháo vát nhất trong 5 chị em. 4 đứa còn lại không biết nói tiếng Kinh. "Đây là nhà khó khăn nhất trong thôn, vì bà ngoại già rồi, một năm có đến 6 tháng đói, ăn ngô qua bữa. Năm ngoái có chị ở Hội Phụ nữ về hứa sẽ xây cho mấy bà cháu một cái nhà, nhưng không thấy đâu". Giọng trưởng thôn Phú A Sì lơ lớ.

Những đứa trẻ mồ côi ở Sín Chải.

Tôi dừng lại rất lâu trước ánh mắt ngơ ngác của một đứa bé đang ôm chặt em trong lòng. Nó cũng chỉ khoảng lên 5 tuổi. Cả ba anh em nhà nó Lý Suy Da, Lý Suy Be và Lý Chu Suy đều mất bố. Mẹ đi lấy chồng ở làng bên. Chúng sống cùng ông chú ruột đang bệnh nặng. Nhặt nhạnh được cái gì, ăn cái đấy qua ngày. "Mẹ có về thăm các con không". Nó ngơ ngác không hiểu. Một đứa lớn nhanh mồm làm "phiên dịch". Nó buồn bã lắc đầu. Trưởng thôn Phú A Sì bấm đốt ngón tay tính, trong vòng 10 năm, có đến 13 người đàn ông chết, người thọ nhất cũng chưa đến 50 tuổi. Những người đàn ông chết sớm để lại mẹ góa, con côi. Rồi những người phụ nữ cũng bỏ con ở lại đi lấy chồng. Những đứa trẻ ở đây đã quen với một điều mà lý ra không đứa trẻ nào có thể quen được, đấy là sự vắng bóng của bố mẹ trong cuộc sống hằng ngày của chúng. "Vì trong đầu chúng không có khái niệm gì về bố mẹ, bố mẹ mất khi chúng còn nhỏ quá".

Những người đàn ông đoản thọ

Những người đàn ông trong thôn Sín Chải này đều chết sớm. Lý Gió San, 56 tuổi, được coi là người cao tuổi nhất làng. Khi chúng tôi đến gõ cửa, căn nhà im lìm, những bức tường lở lói, phủ mạng nhện. Trưởng thôn Sì gọi mấy câu bằng tiếng Hà Nhì rồi đẩy cửa bước vào. Mùi ẩm mốc xộc lên mũi. Lý Gió San ngồi dậy một cách khó nhọc, gương mặt già sọm, méo mó. Hai năm nay, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, Lý Gió San nằm bẹp trên giường không đi lại được, mọi sinh hoạt đều do vợ phục vụ. Con người được mệnh danh là già nhất làng mới chỉ 56 tuổi này cũng đang thập tử nhất sinh.

Trưởng thôn Phú A Sì nói thêm: "Nó còn sống được đến tuổi này là may mắn lắm đấy. Mình ở đây mấy chục năm rồi mới thấy có hai người đàn ông sống được đến 60 tuổi thôi, còn đều chết trẻ".

Thằng Sần Giờ Lũy, Phú Ha Giờ, Sần Giờ Xe chưa sống được 50 tuổi đâu. Bốn anh em trai: Lý Ta Lúy, Lý Ta Mờ, Lý A Pò, Lý Ta Tho, người sống lâu nhất mới được 48 tuổi. Còn mấy thằng Pờ Thò Giờ, Cao Giờ Go, Sần Giờ Sì mới được 31 mùa làm nương thôi".

Giải mã bí ẩn vùng đất trắng

Câu chuyện về những người đàn ông Hà Nhì ở Sín Chải chết trẻ khiến người dân hoang mang bởi trong bản, có nhiều phụ nữ thọ đến 70 tuổi. Đàn ông còn sống trông cũng xanh xao, yểu mệnh, dật dờ như những bóng ma đi lại trong thôn. Nhiều câu chuyện huyền bí đã được người dân vùng này truyền nhau và kể lại. Đó là câu chuyện về một con chó ma trên đỉnh núi cao hằng ngày vẫn gầm gừ nhìn xuống Sín Chải.  Mỗi khi thức dậy, nó vào bản lùng sục bắt đàn ông và trẻ con trong làng đi. Đó là nguyên cớ vì sao trẻ con chết yểu và đàn ông không sống được đến già.

Chỗ ngủ của mấy chị em Sần Mờ Be.

Ngày trước, để diệt trừ "con ma" làm hại dân, nhiều người đã mang mìn châm ngòi, làm vỡ cả một mảng núi với hy vọng sẽ diệt được mối họa cho người dân Sín Chải. Nhưng rồi, những người đàn ông vẫn chết trẻ, hoặc ốm đau, vẹo vọ. Và những đứa bé sơ sinh vẫn chết yểu. Không khí tang thương phủ kín cả vùng đất bé nhỏ, cằn cỗi này.

Nhưng câu chuyện chó ma cũng chỉ là truyền thuyết mà thôi. Và theo trưởng thôn Phú A Sì, còn nhiều câu chuyện huyền thoại về vùng đất này nhưng cũng chỉ được truyền miệng trong dân gian.  Một bác trung niên trong làng còn kể rằng ngày trước nhiều đêm tận mắt thấy có cột lửa sáng rực từ lòng đất phụt thẳng lên trời như người ta bắn pháo hoa cao bằng ngọn cây tre. Mấy năm nay hiện tượng này xuất hiện ít hơn.

Phú A Sì bảo: "Vùng đất này lạ lắm. Ngoài lớp đất đen, phía sâu trong lòng đất có một vỉa đất màu trắng như vôi. Loại đất này chỉ có ở thôn Sín Chải và một ít ở Kin Chu Phìn, ngoài ra không ở đâu có". Nhiều nhà trong thôn, dùng chính loại vôi này để quét tường nhà.

Đất trắng lại xốp, dễ tan trong nước nên từ lâu người dân trong thôn thường đào về để quét lên tường nhà thay cho vôi. "Cách đây 2 năm, có một đoàn địa chất về khảo sát, người ta bảo thôn này nằm trên mỏ phóng xạ um um gì đó độc hại lắm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Những lần có việc phải ngủ lại ở đây, sáng dậy mình cũng thấy người uể oải, mệt mỏi hơn bình thường".

Ông Lý A Vù - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Pung nói. Ông cũng không hiểu vì sao những người đàn ông trong thôn chết trẻ, để lại những hoàn cảnh thương tâm như vậy. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả trả lời về mức độ ảnh hưởng, nhiễm phóng xạ của vùng đất này như thế nào. Còn người dân Sín Chải, hằng ngày vẫn phải đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Cuộc sống vốn nghèo lại càng nghèo.

Đi đến gần sát điểm trường Tiểu học ở cuối thôn, hai người chỉ cho tôi chiếc cột mốc nhỏ bằng xi măng có khắc chữ: Trạm QT0803 - Quan trắc môi trường phóng xạ - Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Gần đó lại có cái biển nội dung như vậy.

Vôi được dùng quét tường nhà.

Chúng tôi liên hệ với Cục an toàn bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học Công nghệ, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời về mức độ nhiễm phóng xạ ở Sín Chải.

Thôn Sín Chải có 28 hộ thì 100% đều là người Hà Nhì và thuộc hộ nghèo, tháng giáp hạt trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước. Những người đàn ông Hà Nhì chỉ làm những công việc chính trong nhà như đi san ruộng, làm nhà, đào đất. Còn lại, họ coi là việc của đàn bà. Những người đàn bà Hà Nhì phải dậy sớm, nấu cơm, lên rừng lấy củi, cõng củi về và chuẩn bị lên nương thì đàn ông mới ngủ dậy, ăn cơm và uống rượu. Họ phải làm thuê kiếm tiền, sinh sống hằng ngày. Còn đàn ông Hà Nhì chỉ ngồi nhà  trông con, chờ vợ mang rượu về. Rượu vào, bệnh tật đầy mình. Trông người nào cũng dật dờ, mặt sạm đen, môi thâm, gầy như que củi héo. đó cũng là một lý do khiến những người đàn ông ở đây chết sớm, để lại những đứa con mồ côi tội nghiệp.

Câu chuyện những đứa trẻ mồ côi ở một nơi heo hút và đi lại khó khăn như Sín Chải khiến chúng tôi day dứt. Day dứt hơn, khi nhìn những ánh mắt trong veo của những đứa trẻ ở đây. Ai sẽ viết tiếp cho tương lai của những thân phận mồ côi ấy.

* Bí thư Đảng ủy Tẩn Sài Chiêu không giấu được nỗi buồn: Chuyện chó vua chỉ là truyền thuyết, còn thôn Sín Chải bị nhiễm phóng xạ Uranium như thế nào và có ảnh hưởng gì tới sức khỏe người dân hay không thì phải chờ các nhà khoa học, chứ đến nay vẫn chưa thấy có văn bản thông báo, kết luận gì.

Nhưng chuyện những người đàn ông Hà Nhì ở Sín Chải cứ lần lượt chết đi khi chưa đầy 50 tuổi trong nhiều năm qua đang là nỗi trăn trở của xã.

* Thôn Sín Chải, xã Nậm Pung còn 100% hộ nghèo. Mỗi tháng những đứa trẻ mồ côi được Nhà nước hỗ trợ 150 ngàn đồng. Chúng đều được đến trường học, nhưng chừng ấy tiền không đủ chi phí. Nhiều cháu vẫn chịu cảnh đói vào mùa giáp hạt. Thôn này gần trung tâm huyện, nhưng đường đi lại khó khăn, nên các đoàn đến cứu trợ cũng rất khó khăn. Các cháu ở đây ngoan và lành lắm. chúng rất cần được giúp đỡ, vì người trong làng nghèo lắm. Đói quanh năm à.

Khánh Linh
.
.
.