Hội chứng hoá Võ Tắc Thiên và sự kệch cỡm lai căng của giới trẻ Việt

Thứ Ba, 03/02/2015, 15:41
Bộ phim "Võ Mị Nương truyền kỳ" đang phát sóng trên Đài Truyền hình Hồ Nam, Trung Quốc đã dần đi đến những tập cuối cùng nhưng cơn sốt Võ Tắc Thiên vẫn không hề hạ nhiệt với giới trẻ Việt Nam. Hoá thân thành vị nữ hoàng đế quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc trở thành trào lưu mới không chỉ của giới trẻ mà của cả showbiz Việt. Đẹp thì chưa thấy đâu, chỉ thấy kệch cỡm, lố bịch và người ta tự hỏi phải chăng do điện ảnh Việt đang thiếu những hình tượng có sức lan toả mạnh mẽ đến thế.

Cơn sốt hoá Võ Tắc Thiên

Bom tấn cổ trang "Võ Mị Nương truyền kỳ" đang làm mưa làm gió trên Đài Truyền hình Hồ Nam, Trung Quốc, với chỉ số rating luôn ở vị trí cao ngất ngưởng. Không phủ nhận bộ phim có sức hấp dẫn rất lớn khi được đầu tư công phu cả về kịch bản và trang phục trong suốt 8 năm trời của cả đoàn làm phim. Bộ phim thu hút người xem trước hết bởi sự hội tụ của một dàn diễn viên tài năng, xinh đẹp của điện ảnh Trung Quốc như Phạm Băng Băng, Châu Hải Mỵ, Trương Đình, Trương Hinh Dư, Trương Phong Nghị, Lý Trị Đình...

Đặc biệt, với 3.000 bộ trang phục lộng lẫy, được thiết kế đặc biệt, thêu may cầu kỳ, những cảnh quay hoành tráng của các nhân vật chính, cùng với cuộc tranh sủng khốc liệt của dàn phi tần hậu cung nhan sắc kiều diễm, lòng dạ thâm sâu, đặc biệt là nữ diễn viên Phạm Băng Băng trong vai Võ Tắc Thiên đã thực sự hút mắt người xem.

Ăn theo "cơn sốt" này là hàng loạt những dịch vụ cho thuê đồ, làm tóc, trang điểm, chụp hình Võ Tắc Thiên đua nhau ra đời để nhanh chóng đáp ứng được thị hiếu của số đông bạn trẻ. Những bộ trang phục có thể do các chủ dịch vụ tự thiết kế và may "nhái" theo y phục các nhân vật trong phim, hoặc đặt hàng từ Trung Quốc. Kèm theo đó là phụ kiện các loại như trâm cài đầu cầu kỳ, diêm dúa, bông tai, vương miện, quạt..., váy áo các lớp, áo choàng ngoài, đai thắt lưng… Lúc đầu, hình ảnh Võ Tắc Thiên "nhái" xuất hiện thô sơ thì càng về sau càng được giới trẻ đầu tư công phu, kĩ lưỡng.

Dàn mỹ nhân trong "Võ Mị Nương truyền kỳ" có sức ảnh hưởng lớn tới giới trẻ Việt.

Nếu như việc hoá thân thành Võ Tắc Thiên quá vất vả trong khâu tìm trang phục, trang điểm, bối cảnh… thì một phần mềm tạo ảnh của Trung Quốc ra đời đúng tâm điểm cơn sốt đã thay thế tất cả. Với phần mềm này, người dùng chỉ cần vài thao tác đơn giản là lập tức có thể hóa thành Võ Tắc Thiên với mày kẻ, mắt tô đậm, môi son đỏ và đóa hoa giữa trán. Sự tiện dụng của phần mềm này đẩy cơn sốt hoá Võ Tắc Thiên lan rộng chưa từng thấy trong cộng đồng mạng xã hội, thậm chí cả các bạn nam, em bé, rồi động vật, chó mèo… tất tần tật cũng đều trở thành một phiên bản Võ Tắc Thiên hoàn toàn mới.

Không chỉ khán giả mà sao Việt cũng đua nhau nô nức hóa thân thành Võ Tắc Thiên. Từ những cô nàng đỏng đảnh nhất nhì showbiz Việt như Minh Hằng, Thanh Hằng, Tâm Tít, Ngọc Trinh, Angela Phương Trinh, Bảo Thy, Lâm Chí Khanh…, đến những hot bloger nổi tiếng thế giới mạng hiện nay. Rồi cả một vài ca sĩ hạng A, hay một vài ca sĩ mới được khán giả biết đến cũng nhảy vào làm tới. Lâm Chí Khanh còn đưa cả êkíp xuống tận Cần Thơ để thực hiện bộ ảnh ăn theo bộ ảnh "Hoa đán" của Phạm Băng Băng trong bộ phim "Võ Mị Nương truyền kỳ" và khoe với fan đầy hãnh diện. Ngọc Trinh cũng có bộ hình đón đầu cơn sốt hóa thân thành nhân vật Võ Tắc Thiên.

Minh Hằng được coi là ngôi sao hóa thân thành Võ Mị Nương thành công nhất trong các xì-ta Việt mặc dù cô chỉ ghép khuôn mặt mình vào hình ảnh của Phạm Băng Băng trong phim. Bức ảnh con gái 5 tháng tuổi của Elly Trần, rồi đến cả nhà ca sĩ Lý Hải hóa thân thành Võ Tắc Thiên đang gây sốt và tranh cãi trong cộng đồng mạng.

Ngọc Trinh cũng hoá Võ Tắc Thiên.

Diễn viên Phạm Băng Băng vào được vai Võ Mị Nương thành công đến vậy là nhờ vào vẻ đẹp sắc sảo, thần thái, khí chất quyền quý, thanh cao, cộng với sự đầu tư kỹ lưỡng về trang phục. Trong khi nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nam lại o ép mình hoá thành một Võ Tắc Thiên phiên bản lỗi, khiến hình ảnh càng trở nên lố lăng, kệch cỡm như phiên bản của Kenny Sang, BB Trần, Huy Ma…

Showbiz lâu nay vẫn nổi tiếng với những chiêu trò để đánh bóng tên tuổi, việc hoá thân thành Võ Tắc Thiên tràn ngập trên mạng cũng chẳng khác gì một cách PR bản thân của các sao Việt khi tên tuổi vốn đã hạ "nhiệt" nay cần làm "nóng" lại. Càng bị "ném đá", chê bai thì độ "hot" của sao càng tăng.

Từ cơn sốt nhìn lại điện ảnh Việt

Phim truyền hình nước ngoài từng gây bão tại thị trường châu Á không phải là ít nhưng hiếm có một bộ phim cổ trang nào lại có được sức lan tỏa mạnh mẽ, gây tranh luận, tạo ra trào lưu, cùng những vụ lùm xùm câu khách như "Võ Mị Nương truyền kỳ". Lần đầu tiên có một bộ phim khiến ngay cả các diễn viên, ca sĩ, người mẫu Việt Nam nổi tiếng (lẫn tự cho mình là nổi tiếng) lại đi bắt chước hình tượng nhân vật chính.

Kenny Sang nhận vô số ''gạch đá'' với phiên bản Võ Tắc Thiên lỗi.

Đầu tiên, phải kể đến hiệu ứng truyền miệng, kế hoạch PR, chiến dịch quảng bá trực tuyến cùng các kênh mạng xã hội đã tổng hòa tương đối hoàn hảo, tạo nên một phiên bản Võ Tắc Thiên đầy sức sống không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn lan sang cả Việt Nam. Chưa kể đến một loạt những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của bộ phim như diễn xuất của một dàn diễn viên tài năng, kịch bản, bối cảnh, trang phục, quay phim… tất cả được đầu tư kỹ lưỡng và công phu.

Nhân vật Võ Tắc Thiên vốn đã gắn với những điển tích, những câu chuyện truyền kỳ hấp dẫn, nên việc xây dựng những bộ phim liên quan đến cuộc đời bà đương nhiên đã có những nội dung rất hay. Không chỉ có nhân vật Võ Tắc Thiên mà Trung Quốc còn nổi tiếng với những bộ phim cổ trang về những nhân vật lịch sử tài năng, có thật.

Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và không thiếu những nhân vật lịch sử nổi tiếng có tầm ảnh hưởng với cả các nước láng giềng, nhưng tại sao vẫn không thể có một bộ phim cổ trang với những hình tượng đầy sức lan toả mạnh mẽ như ở Trung Quốc.

Gần đây, điện ảnh Việt đã có sự đầu tư khá nhiều với dòng phim cổ trang như "Thiên mệnh anh hùng" (đạo diễn Victor Vũ), có phim đầu tư cả triệu USD như "Lửa Phật" (đạo diễn Dustin Nguyễn) và có phim doanh thu "khủng" như "Mỹ nhân kế" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng).

Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận phim cổ trang Việt thua ngay trên sân nhà so với các phim cổ trang của nước bạn. Bệnh kinh niên vẫn là ở khâu kịch bản và diễn viên. Kịch bản yếu, thiếu tính logic, không có những nhà biên kịch xuất sắc đủ sức cho ra đời một tác phẩm cổ trang kinh điển. Diễn viên diễn không nhập vai, hời hợt, giả tạo, chắp ghép từ những đoàn kịch, phim, thậm chí cả ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu… cũng được tận dụng đưa vào phim để gây sức hút. Bối cảnh phim chắp vá, tạm bợ, thiếu sự đầu tư về phim trường, trang phục, cơ sở vật chất... Quay phim chất lượng thấp. Thiết kế trang phục thì tùy tiện, lai căng, không thấy bóng dáng, hồn vía các vương triều xưa đâu. Làm phim cổ trang, các nước có cả một công nghệ riêng, còn ở ta vẫn mang tính tự phát, không đồng bộ.

Một phiên bản Võ Tắc Thiên của nữ sinh Hà thành.

Năm 2014, dư luận nóng lên bởi vấn đề xâm nhập của linh vật ngoại lai vào các không gian văn hóa thuần Việt. Các nhà nghiên cứu giật mình gọi đây là nạn "xâm lăng văn hóa", "lai căng văn hóa" khó chấp nhận. Có điều, chẳng phải đến lúc đó, những con sư tử Tàu mới tràn nhập trong các bệnh viện, trường học, công sở, đình, chùa mà đã được du nhập từ nhiều năm trước. Và cũng xuất phát từ một phong trào, những người giàu thi nhau cung tiến vào đình chùa, miếu mạo, dù chẳng biết linh vật đó có nguồn gốc từ đâu và có phù hợp với văn hóa Việt hay không?

Phong trào hoá thân thành Võ Tắc Thiên của giới trẻ Việt cũng vậy, có người tham gia vì thích, có người tham gia để thử mình giống nhân vật chính bao nhiêu…. Và dù là lý do gì thì cũng mong các bạn trẻ hãy suy nghĩ chút về hình dáng, ngoại hình của mình, đừng đi cổ suý cho văn hoá nước ngoài để đến độ kệch cỡm, lố bịch, trở thành trò cười cho thiên hạ bình phẩm trên các trang mạng xã hội.

Phong Trâm
.
.
.