Hủ tục bồi thường cho kẻ thù bằng… bé gái

Thứ Hai, 21/03/2016, 14:25
Khi mới lên 5 tuổi, Nazia đã bị ép gả cho một ông già xa lạ. Cuộc hứa gả này nằm trong thỏa thuận bồi thường cho vụ án giết người hàng xóm vì tranh chấp đất đai mà người chú ruột Nazia đã gây ra.


Mọi tội lỗi, giận dữ, thù hận đều rơi vào đầu bé gái

Cho đến tận ngày nay, ở nhiều tỉnh, thành của Pakistan giáp Afghanistan nơi những người dân du mục sinh sống vẫn tồn tại hủ tục "Swara"-bé gái của gia đình "mắc tội" phải được dâng cho kẻ thù, xem như là "vật bồi thường" dưới mác hôn nhân.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, hủ tục "Swara" xuất hiện từ gần 400 năm trước, khi xảy ra một cuộc tranh giành đất đai đẫm máu giữa hai gia tộc "Pathan" ở Mianwali (Pakistan), khiến khoảng 800 người thiệt mạng.

Một bé gái bị ép lấy ông già U70 vì hủ tục "Swara".

Vào thời điểm đó, một hội đồng bô lão địa phương (jirga) cho rằng, "bồi thường" bằng các cô gái trẻ là cách duy nhất để giải quyết tranh chấp này, bởi khi đó hai gia tộc trở thành "thông gia". Kể từ đó, tục lệ này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tên gọi mỗi nơi có thể khác nhau, nhưng hình thức đều tàn nhẫn như nhau.

Năm 2014, theo báo cáo của các nhà báo và hoạt động xã hội Pakistan, mỗi năm ở quốc gia Nam Á này có gần 200 trường hợp trẻ em gái bị ép lấy chồng theo hủ tục "Swara".

Vì "Swara" là một cuộc hôn nhân ép buộc giữa hai kẻ thù nên không có lễ cưới. Các cô gái tự phải cưỡi lừa hay ngựa để đi đến "nhà chồng". Trong mọi thỏa hiệp "Swara", cô gái không có quyền từ chối hay chỉ nói lên ý kiến của mình. Nếu dám phản kháng, cô gái sẽ bị tra tấn cả về thể chất lẫn tinh thần, đến mức kiệt quệ.

Trong thực tế, các cô gái lấy chồng theo hủ tục "Swara" trở thành mục tiêu để trút tất cả sự giận dữ và hận thù từ bên "nhà chồng". Họ thường bị đánh đập, khinh miệt, có khi bị những người đàn ông khác nhau trong gia đình chồng hãm hiếp.

Những cô dâu trẻ con này phải cam chịu đớn đau, tủi nhục vì tội lỗi mà mình chẳng hề phạm phải. Những phận đời xót xa của người phụ nữ kết hôn theo hủ tục "Swara" đặt ra một câu hỏi lớn cho xã hội Pakistan: Tại sao các gia đình không tìm kiếm công lý ở các tòa án. Bên cạnh đó, sự gia tăng của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Pakistan càng sinh ra các quy định hà khắc hơn, nhất là phân biệt đối xử với phụ nữ.

Những tấn bi kịch hôn nhân không tình yêu

Trở lại câu chuyện trên, sau khi gây án, người chú của Nazia đã bỏ trốn. Vì người này không có con, nên một hội đồng bô lão địa phương - được quyền phân xử theo luật lệ truyền thống, quyết định con gái của người anh trai thủ phạm sẽ là "vật hiến tế".

Cái đêm định mệnh ấy vẫn hằn sâu trong ký ức non trẻ của Nazia. Nửa đêm, có một người đàn ông đến lôi cô bé đi. Nazia đã cố gắng chống cự, gào khóc và cố nắm lấy then gài cửa, nhưng cuối cùng vẫn bị đem đến trước "jirga". Những người đàn ông lạ cứ nhìn chằm chằm vào đôi mắt sâu thẳm, mái tóc đen dài của Nazia để quyết định xem cô bé có đủ "tiêu chuẩn" làm vợ hay không.

Hội đồng bô lão địa phương quyết định gia đình Nazia phải "bồi thường" bằng con gái cùng 2 con dê và một mảnh đất. Những người thân của Nazia tranh luận cho rằng, cô bé còn quá nhỏ để lấy chồng. Tuy nhiên, trong một quyết định hiếm hoi, "jirga" đã đồng ý để cô bé không phải theo chồng ngay, đề nghị người chồng tương lai phải đợi… thêm vài năm nữa.

Nhưng cũng kể từ đây, Nazia phải mặc một bộ đồ chadar (trang phục dành cho phụ nữ Hồi giáo đã có chồng ở Pakistan) kín mít để tránh sự nhòm ngó của những người đàn ông khác. Rồi Nazia sợ đi học bởi từ khi các bạn cùng lớp phát hiện ra thân phận mình, cô bé tự cô lập, không trò chuyện với ai. "Họ chỉ vào em và gọi em là "cô gái swara'" - Nazia tủi thân nói.

Càng lớn lên, Nazia càng khiếp sợ bi kịch sắp xảy đến với mình. Trong khi đó, cuộc sống của gia đình Nazia ngày càng bấp bênh, chật vật. Cha của Nazia là một nông dân nghèo, thất học, ông không thể làm gì trước phán quyết của "jirga". Sau khi bị mất đất và vật nuôi, ông đi phụ hồ, còn mẹ Nazia đi dọn dẹp nhà cửa thuê với số tiền công ít ỏi.

Năm 13 tuổi, Zainab Bibi bị ép kết hôn với một người đàn ông 50 tuổi. Cuộc hôn nhân này là để hóa giải hận thù khi anh trai Zainab vô tình giết chết một người đàn ông trong gia đình "chồng tương lai". 3 năm "làm dâu" của Zainab giống như sống trong địa ngục.

"Mỗi ngày, họ lại đánh tôi vô cớ như để trả thù". Một trường hợp khác, mới 20 tuổi, Gul Marjan ở huyện Kohat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã phải chôn vùi tuổi xuân trong nhà tù sau khi bị kết án về "tội giết chồng". Vài năm trước, Gul là khoản bồi thường theo hủ tục "Swara", vì anh trai của Gul có mối quan hệ bất chính với một người phụ nữ trong gia đình nhà Bacha.

Cuộc hôn nhân của Gul không hề có hạnh phúc. Cũng chính vì lý do này mà khi người chồng bị bắn chết tại nhà, dù không có bằng chứng nhưng một hội thẩm tòa án địa phương vẫn vu vơ kết án Gul tội giết chồng.

Nguyễn Minh (Tổng hợp)
.
.
.