Kịch Haskell Free tòa nhà mang 2 quốc tịch

Thứ Tư, 07/08/2019, 14:59
Có một tòa nhà mà chỉ cần bạn đến đó là có thể đến được lãnh thổ của 2 quốc gia Mỹ và Canada một cách hợp pháp, đó là Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free.


Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free tọa lạc tại số 93, đường Caswell, Derby Line, Vermont ở Mỹ có địa chỉ tại số 1, đường Church, Stanstead, Quebec nếu ở Canada. Nằm giữa biên giới 2 quốc gia nên một nửa tòa nhà nằm ở Derby Line, một thị trấn của Mỹ. Còn nửa còn lại nằm ở Stanstead, một thị trấn của Canada. Chính vì điều này, Haskell Free  trở thành một trong những tòa nhà độc đáo và đặc trưng nhất trên thế giới.

Tòa nhà Haskell Free được bắt đầu xây dựng vào năm 1901, theo lối kiến trúc điển hình của thư viện lúc bấy giờ, thuộc phong cách Queen Anne Revival cổ điển, gồm có 2 tầng: tầng 1 là thư viện và tầng 2 là nhà hát. Kiến trúc sư của tòa nhà là Nate Beach & James Ball. 

Nhà hát mở cửa vào năm 1904 và Thư viện mở cửa vào năm 1905. Đây là món quà mà bà Martha Stewart Haskell cùng con trai, Đại tá Horace Stewart Haskel, xây dựng để tưởng nhớ cha mẹ mình là cặp vợ chồng người Mỹ-Canada, ông bà Carlos Haskell và Martha Stewart Haskell.

Với mong muốn cả người Canada và người Mỹ đều có quyền bình đẳng như nhau khi bước chân vào Thư viện hay Nhà hát, họ đã chọn xây dựng tòa nhà ở biên giới giữa 2 nước. 

Gia đình Haskell sau đó đã tặng tòa nhà cho các thị trấn của Derby Line và Rock Island và hiện nó được điều hành bởi một hội đồng quốc tế tư nhân gồm 4 giám đốc người Mỹ và 3 người Canada.

Vào bên trong Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free, du khách cực kỳ ấn tượng với một đường kẻ đen chạy dọc theo sàn. Bởi đây chính là đường ranh giới giữa 2 quốc gia, phân biệt lãnh thổ Mỹ - Canada. 

Phần chứa sách của thư viện và phần ghế ngồi thưởng thức âm nhạc của nhà hát thuộc nước Mỹ, còn phần sân khấu của nhà hát và phần ghế ngồi của thư viện lại thuộc về Canada. 

Chính vì thế mà nhiều người dân của 2 quốc gia vẫn hài hước nói rằng, Haskell Free chính là “thư viện duy nhất ở Canada không có sách” hay “nhà hát duy nhất tại Mỹ không có sân khấu”.

Riêng Thư viện có bộ sưu tập hơn 20.000 cuốn sách bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, và mở cửa cho công chúng 38 giờ một tuần. Do các quy ước ngôn ngữ khác nhau nên tiêu đề trên các cuốn sách tiếng Anh của người Mỹ được sắp xếp từ trên xuống dưới, và các cuốn sách tiếng Pháp thì ngược lại, từ dưới lên trên. Tòa nhà cũng có các mã bưu chính, mã vùng điện thoại khác nhau phù hợp với vị trí tọa lạc của 2 nước.

Tuy nằm ở 2 quốc gia nhưng Thư viện Haskell Free chỉ có một lối vào nằm bên phía lãnh thổ Mỹ. Một lối ra khẩn cấp được mở ở phía bên Canada. Tuy nhiên,  người dân 2 nước đều có thể đi vào bằng lối cửa này nhưng phải đảm bảo rằng khi ra ngoài họ trở về phía bên nước mình ngay mà không tiếp tục đi sâu sang phía bên kia.

Nhiều thập kỷ trôi qua, công trình tòa nhà Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free vốn là nơi hội ngộ, gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện thoải mái của người dân 2 nước mà không sợ bị ảnh hưởng bởi rào cản hải quan. Đây có thể là cũng nơi duy nhất mà các thành viên gia đình chia cắt bởi biên giới Canada - Mỹ có thể gặp nhau mà không cần phải thông qua các thủ tục hải quan phức tạp.

Ngoài ra, Haskell Free cũng được công nhận là một di tích lịch sử ở cả 2 nước. Tại Mỹ nó được ghi tên vào Sổ đăng ký Địa danh Lịch sử Quốc gia từ năm 1976. Còn tại Canada, nó được công nhận là một di sản cấp tỉnh từ năm 1977, và được chỉ định là Di tích Lịch sử Quốc gia Canada từ năm 1985. Hiện tại Haskell Free trở thành một địa điểm du lịch được nhiều người ghé thăm.

Trên thế giới có rất ít những tòa nhà nằm giữa biên giới 2 nước như Haskell Free, nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất. Biên giới giữa 2 nước Đức và Hà Lan cũng được đánh dấu bằng một dải kim loại trong Trung tâm thương mại Eurode. Mặc dù hộp thư của hai nước được bố trí cạnh nhau, nhưng phải sau một tuần nó mới đến tay người nhận.

Biên giới của Bỉ và Hà Lan cũng có một thành phố nằm trên đường biên giới, gọi là Baarle-Hertog bên phía Bỉ và Baarle-Nassau bên Hà Lan. Cả hai cùng chung biên giới phức tạp do các hiệp ước từ thời Trung cổ và những vụ hoán đổi đất giữa Lãnh chúa của Breda và Công tước xứ Brabant. Có các khu vực thuộc Hà Lan nằm bên trong các khu vực thuộc Bỉ và ngược lại, cũng như là các khu vực có đường biên giới chung. 

Trong thành phố này, có những ngôi nhà nằm ở biên giới. Chữ thập màu trắng và đinh tán kim loại đánh dấu nơi các đường phố được phân chia.

Trần Đức Tân
.
.
.