Kiện trường vì dạy... chữ cho con

Thứ Sáu, 12/01/2018, 15:33
Trái ngược hoàn toàn với những ông bố bà mẹ ở Việt Nam, có một bà mẹ ở Mỹ khi thấy con mình biết mặt chữ khi còn học mầm non đã vô cùng tức giận và đâm đơn kiện nhà trường với lý do: Trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith, con gái bà.


Người Việt chúng ta thường có tâm lý lo sợ trẻ bước vào lớp 1 không biết chữ, thế là ngay từ khi trẻ 4-5 tuổi nhà nào cũng cố tìm thầy, tìm cô cho trẻ học chữ trước, coi như đó là hành trang tốt nhất chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Trẻ nào không biết chữ thì cha mẹ đến trách mắng thầy cô, mà không biết rằng tuổi này các bé thích chơi và cần chơi hơn cần học.

Trái ngược hoàn toàn với những ông bố bà mẹ ở Việt Nam, có một bà mẹ ở Mỹ khi thấy con mình biết mặt chữ khi còn học mầm non đã vô cùng tức giận và đâm đơn kiện nhà trường với lý do: Trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của Edith, con gái bà.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện xảy ra vào năm 1968 tại tiểu bang Neveda nước Mỹ. Cô bé 3 tuổi tên là Edith, một hôm chỉ vào chữ cái đầu tiên của chữ: “OPEN” trên chiếc hộp đựng quà trong nhà mình, và nói với mẹ rằng đó là chữ “O’’. Mẹ của Edith rất ngạc nhiên và hỏi vì sao mà cô bé biết được đó là chữ “O”. Edith trả lời mẹ rằng cô giáo ở trường đã dạy cho em biết…

Cho rằng trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của con gái mình, người mẹ ngay lập tức viết đơn kiện trường mầm non mà cô bé đang theo học và đòi phí bồi thường tổn hại tinh thần cho cô bé 1.000 USD.

Ngay khi đơn kiện được gửi lên Tòa án tiểu bang Nevada, mẹ bé Edith chính là tâm điểm của cuộc tranh luận. Các thầy cô của trường mẫu giáo cho rằng bà mẹ này nhất định là… bị điên. Những phụ huynh khác thì cho rằng bà mẹ có chút "chuyện bé xé ra to", luật sư của bà cũng không tán thành cách làm của thân chủ mình.

Mặc dù vậy, bà vẫn giữ quan điểm của mình và cho rằng khi chưa biết chữ “O”, con gái bà có thể nói “ O” là mặt trời, là quả táo, là quả trứng gà… Nhưng sau khi trường mầm non dạy cô bé nhận biết đó là chữ “O”, thì Edith đã bị mất khả năng tưởng tượng này.

Ba tháng sau phiên tòa chính thức được mở. Tại tòa án, bà đã tự biện hộ cho quan điểm này của mình bằng cách kể một câu chuyện có nội dung như sau:

“Tôi đã từng đi  du lịch một số nước ở phương Đông. Một lần, trong công viên, tôi nhìn thấy hai con thiên nga, một con bị cắt bỏ một cánh bên trái được thả trong một cái hồ lớn; con kia thì còn nguyên vẹn không bị gì, được thả ở cái hồ nhỏ. Nhân viên quản lý ở đó nói rằng, như thế là để cho hai con thiên nga này không bay đi mất, con thiên nga bị mất một cánh bên trái không thể bay vì không giữ được thăng bằng, còn con kia vì thả ở hồ nhỏ nên không có đủ không gian để lấy đà bay. Lúc đó, tôi vô cùng khiếp sợ, khiếp sợ sự thông minh của người phương Đông. Và tôi cũng cảm thấy rất bi ai.

Ảnh minh họa.

Hôm nay, tôi kiện cho con gái tôi, vì tôi cảm thấy con gái tôi giống như con thiên nga đó ở trong nhà trẻ. Họ đã cắt đứt một cánh tưởng tượng của Edith, đã nhốt con bé trong cái ao nhỏ chỉ có 26 chữ cái quá sớm.

Edison cũng bởi có trí tưởng tượng không thực tế, mới phát minh ra được bóng đèn điện; Newton bởi có tư tưởng sáng tạo ra cái mới, mới phát hiện ra được lực hấp dẫn của trái đất. Có thể khả năng tưởng tượng của Edith không phong phú, nhưng bạn không thể cướp đoạt quyền tưởng tượng của con bé, bởi vì một con thiên nga không có cánh thì vĩnh viễn không bay lên được".

Câu chuyện của mẹ bé Edith kể đã khiến toàn bộ các thẩm phán xúc động và bị thuyết phục. Cuối cùng, trường mầm non thua kiện, một kết quả khiến nhiều người bất ngờ.

Không chỉ có mẹ bé Edith mới phản đối việc dạy chữ cho con khi còn học mầm non mà một bà mẹ người Anh, cô Crystal Lower, cũng đã đăng một bài viết trên mạng xã hội giải thích tại sao việc dạy con biết chữ trước khi vào lớp 1 có thể không phải là cách tốt. Cô chia sẻ cách mình dạy con: “Thằng bé học các vận động thể thao qua việc đuổi theo đùa nghịch với một con chó, nhảy nhót quanh sân và học karatedo. Nó sẽ cần cơ thể này suốt cả đời nên phải rèn luyện cơ bắp thông qua hoạt động thay vì ngồi yên một chỗ học suốt cả ngày”.

Cũng chính từ câu chuyện của bà mẹ trên, tiểu bang Nevada đã sửa đổi “Luật bảo hộ giáo dục cho công dân”, trong đó quyền lợi của trẻ em tại trường học được quy định như sau: “Có quyền được chơi; quyền được hỏi tại sao cũng chính là quyền được sử dụng trí tưởng tượng”.

Qua câu chuyện của mẹ con bé Edith, liệu những bậc làm cha làm mẹ người Việt Nam chúng ta có còn nghĩ đến việc bắt con mình phải học chữ khi chúng còn quá nhỏ? Xin hãy để các em được chơi, được có quyền tưởng tượng và tìm được niềm vui trong sự sáng tạo của chính mình. 

Trọng Nhân
.
.
.