Kummakivi: Hòn đá thăng bằng đầy bí ẩn

Thứ Hai, 05/08/2019, 12:57
Trên thế giới có rất nhiều những tảng đá tự cân bằng trong trạng thái chênh vênh tới mức khó tin, chẳng hạn như đá Vaaniral Kal ở Ấn Độ, Idol Rock ở Anh, đá Nấm ở Mỹ, đá Chiremba ở Zimbabwe, đá Devils Marbles ở Úc, Đá Vàng ở Burma... Nhưng có lẽ nổi tiếng hơn cả là tảng đá thăng bằng Kummakivi với những câu chuyện truyền kỳ bí ẩn, khác thường.


Kummakivi có nghĩa là tảng đá kỳ lạ, nằm trong một khu rừng rậm tuyệt đẹp của Ruokolahti, một đô thị ở vùng Nam Karelia, phía Đông Nam của đất nước Phần Lan. Thực ra Kummakivi gồm 2 tảng đá, một nằm trên mặt đất bằng phẳng, có hình dáng tròn trịa và khá nhẵn bóng, trong khi tảng đá kia có khối lượng lớn, chiều dài tới 7m lại nằm chênh vênh, xếp chồng lên trên nó một cách kỳ lạ với điểm tiếp xúc được cho là khá nhỏ.

Nhiều người nói rằng với vị trí "mong manh" như vậy, tảng đá phía trên có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Người ta không tin nổi tảng đá to lớn lại có thể đứng một cách ngoạn mục đến vậy... Thế nhưng hoàn toàn ngược lại, nó giữ thăng bằng rất tốt, cứ như được neo chắc chắn vào đá gốc, không hề bị rung lắc hay rơi xuống, thậm chí, cho dù con người dùng sức cố đẩy thì tảng đá Kummakivi vẫn không nhúc nhích.

Những cư dân cổ xưa sống quanh khu vực này từng bị lúng túng trước cảnh tượng tự nhiên kỳ lạ ấy. Họ tìm mọi cách để giải thích hiện tượng này. Trong thần thoại của Phần Lan cũng đầy ắp những câu chuyện liên quan đến sinh vật siêu nhiên để lý giải về tảng đá Kummakivi. Người ta cho rằng người khổng lồ có sức mạnh phi thường có thói quen ném những tảng đá xung quanh, tạo ra các hang đá và những lỗ hổng kỳ lạ ở bên trong đã tạo ra tảng đá Kummakivi.

Tuy nhiên, các nhà địa chất lại đưa ra lời giải thích cho sự hình thành của 2 tảng đá hoàn toàn khác. Họ cho rằng Kummakivi hình thành do bị sông băng cuốn trôi, để lại đây trong thời kỳ băng hà cuối cùng. Khi các sông băng rút khỏi khu vực phía Bắc khoảng 12.000 năm trước, 2 tảng đá này bị bỏ lại phía sau, và trở thành tảng đá cân bằng Kummakivi ngày nay. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một giả thuyết, quá trình hình thành thực sự của Kummakivi cho đến nay vẫn là một ẩn số.

Ngoài việc cung cấp cho mọi người những câu chuyện thú vị, đá cân bằng còn được sử dụng cho các mục đích khoa học. Ví dụ, tại Mỹ các nhà nghiên cứu đã sử dụng đá cân bằng như một loại máy đo địa chấn tự nhiên. Quả thật những tảng đá cân bằng không thể cho chúng ta biết những trận động đất trong quá khứ xảy ra khi nào nhưng lại là một dấu hiệu cho thấy khu vực này đã không phải chịu trận động đất đủ mạnh để lật đổ chúng.

Thông tin về lượng lực cần thiết để di chuyển những tảng đá này, cường độ của các trận động đất trong quá khứ, khoảng thời gian tái phát của các trận động đất lớn có thể thu được, điều này rất quan trọng đối với các phân tích nguy cơ địa chấn xác suất.

Hà Hương
.
.
.