Kỳ lạ "giếng xăng" tồn tại hơn 40 năm ở Lạng Sơn

Thứ Sáu, 10/10/2014, 11:00

Cách đây hàng chục năm, ngay trong ngõ nhỏ đối diện đường vào cửa khẩu Cốc Nam thuộc thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn có tồn tại một giếng xăng. Theo như những gì người dân kể lại, đã có thời trẻ con nơi đây đi gánh "nước giếng" về… đốt đèn. Nguyên nhân vì sao giếng nước này nồng nặc mùi xăng đã được giải thích. Độ nguy hiểm cũng như những căn bệnh có thể mang lại cũng được cảnh báo nhưng vẫn còn nhiều người dân nơi đây sử dụng nước ở giếng xăng vào các việc như giặt quần áo hay rửa đồ dùng sinh hoạt…

Múc "nước giếng" chạy xe          

Giếng xăng hay theo tên gọi địa phương là giếng Bó Lài được xây dựng từ cách đây rất lâu, đến mức người dân sống xung quanh và cả chính quyền địa phương đều không nhớ rõ mốc thời gian. Trước đây, khi giếng không bốc mùi xăng như bây giờ, người dân sống trong thôn Cốc Nam vẫn thường xuyên xuống lấy nước trong giếng dùng để sinh hoạt. Cho đến khi mùi xăng bốc lên nồng nặc, vẫn có nhiều người tặc lưỡi múc nước giếng dùng như bình thường.

Theo như lời kể của bà Lành, người dân sống cách giếng xăng chừng 50m thì vào những năm 1970-1965, không rõ lý do gì mà nước giếng Bó Lài bốc mùi xăng một cách kì lạ. Nước trong giếng vẫn tràn ra như mọi khi nhưng nổi váng, cực kì khó ngửi, khi nếm thì chẳng khác gì nếm xăng bình thường. Không những không sợ hãi mà nhiều người còn mang quang gánh, xô thùng ra hứng nước về để chắt lọc lấy xăng thắp đèn, thậm chí sau này còn có người đổ vào xe để chạy.

Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, vào những năm 1981, 1982, Trung đoàn 4, Sư 337, Quân khu I đóng quân tại Cốc Nam đã phát hiện "giếng xăng" ở đây. Những ngày có mưa, xăng đùn từ đất lên rất nhiều, có ngày múc được 200 lít. Đơn vị huy động thùng phuy, can, xô để đựng và phát cho các đơn vị thuộc trung đoàn không hết. Chất lượng xăng múc được từ giếng không tốt vì bị lẫn nước, nên khi đổ vào ôtô để chạy thì tiếng nổ như... xe tăng.

Anh Thành, một người dân sống gần giếng xăng kể lại rằng, vào thời điểm xăng dầu trong giếng nhiều nhất, mùi từ giếng bốc lên nồng nặc, cách gần 100m vẫn ngửi thấy. Một số cụ già sống gần khu vực giếng Bó Lài có khi cả đêm không ngủ được vì mùi hôi, phải di tản sang nhà con cháu ở xa hơn hoặc chuyển vào nơi khác sống. "Chỉ hôm nào có mưa to thì mới bớt được mùi xăng, nhưng nhiều người vẫn cảm thấy nhức đầu khó chịu, rồi ngửi mãi cùng thành quen từ lúc nào không biết. Ngày còn bé, tôi vẫn ngày hai lần xuống giếng múc nước đem về lọc lấy dầu đốt, sau này nhiều người còn đổ vào xe chạy nhưng một thời gian sau xe nhanh hỏng vì dính nước nên không ai làm thế nữa…"anh Thành kể lại.

Nhiều người vẫn đem quần áo ra giếng Bó Lài giặt giũ.

Cũng theo anh Thành, những ngày đầu người dân ở đây còn lo sợ giếng xăng bị cháy, nhiều người còn thử đốt lửa gần đó xem có vấn đề xảy ra hay không. Sau này thấy mọi việc đều yên ổn, nước vẫn dùng bình thường chẳng hề hấn gì nên người dân vẫn sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, giặt giũ, tưới rau xanh... Khi dùng nước giặt quần áo đem phơi khô mùi xăng cũng bay hết, nước giếng mang tưới rau xanh cũng vậy. Nhiều năm sử dụng không thấy tác hại gì lại có dầu để đốt, xăng để chạy xe nên ai cũng xem như "lộc trời" mà quên mất cái mùi khó chịu trước kia. Những váng xăng này tồn tại đến năm 1990 mới hết, người đi múc xăng thưa thớt dần nhưng mùi xăng dầu trong giếng vẫn còn tồn tại tới ngày nay.

Sự hình thành giếng xăng

Việc người dân thôn Cốc Nam vớt được xăng, dầu từ giếng Bó Lài trong thời gian dài là có thật, nhiều cán bộ địa phương cũng đã khẳng định điều đó khi chính họ từng là người đi múc nước giếng ngày còn nhỏ. Sau khi được báo cáo về sự tồn tại của giếng xăng, nhiều chuyên gia cũng tới hiện trường để lấy mẫu thử và lật lại dấu vết, nguyên nhân của sự việc này.

Theo đó, vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) tại khu vực Cốc Nam là nơi tiếp nhận xăng, dầu từ các nước XHCN chi viện cho Việt Nam thông qua một đường ống dẫn bằng sắt. Đường ống dẫn xăng này được đặt ngay gần khu vực giếng Bó Lài bây giờ. Đến giai đoạn năm 1970 - 1975 khi chiến tranh ác liệt, một phần đường ống bị trúng bom đạn dẫn đến vỡ ống và một lượng lớn xăng dầu bị chảy ra, ngấm sâu vào lòng đất. Có thể lượng xăng dầu này đã hình thành nên những hang xăng trong lòng đất, ngay sát với mạch nước của giếng Bó Lài. Sau khi hố xăng đủ lớn, được mạch nước đẩy lên khiến xăng chảy ra rất nhiều và hình thành nên giếng xăng bây giờ. Còn về việc mùi xăng không nồng nặc như trước có thể là do sau nhiều năm bị mạch nước đẩy lên, lượng xăng dầu đã ít đi hoặc sau một thời gian dài mưa nhiều, nước trũng đọng lại ngấm dần vào trong các hang làm loãng xăng dầu.

Sau khi lấy mẫu thử và kiểm định, các chuyên gia cho rằng lượng xăng thoát ra ngoài môi trường tại khu vực giếng Bó Lài suốt hàng chục năm nay chủ yếu là xăng máy bay, bị nhiễm chì cực nặng. Để khắc phục được điều này cần phải có máy móc đến thăm dò, tìm được những hang xăng trong lòng đất. Sau đó dùng máy móc khoan sâu vào và hút hết xăng, dầu trong hang ra. Tuy nhiên đây là một việc làm cực kì tốn kém đòi hỏi có sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc hiện đại mà chúng ta chưa thể thực hiện. Vì vậy biện pháp trước mắt vẫn chỉ là tuyên truyền để người dân sống trong khu vực không múc nước giếng để dùng trong sinh hoạt.

Giếng chỉ cách nhà dân vài chục mét.

Quay trở lại thực tế, dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm trong nước dùng nhiễm chì nhưng vẫn còn nhiều người dân sống trong thôn Cốc Nam sử dụng nước trong giếng xăng để tưới tiêu, giặt giũ. Vì lượng xăng, dầu không đậm đặc như trước nên sau khi múc lên cũng nhanh bay hơi mùi xăng nhưng không thể tránh khỏi những chất độc hại như chì có thể ngấm dần vào cơ thể. Dù cho đến nay, chưa có báo cáo, ghi nhận nào về việc người dân mắc bệnh tật hay tử vong do sử dụng nước có xăng, dầu nhiễm chì nặng. Nhưng cũng có thể, nhiều người đã mắc bệnh mà không phát hiện ra hoặc không nghĩ tới khả năng căn bệnh xuất phát từ thực phẩm được tưới nước ở giếng Bó Lài bởi trình độ dân trí không cao.

Thiết nghĩ nếu trước mắt chưa thể thực hiện việc nạo vét lượng xăng dầu còn tồn đọng trong lòng đất, chính quyền địa phương nên có biện pháp cụ thể, thiết thực hơn để ngăn không cho người dân sử dụng nguồn nước bị nhiễm độc này thậm chí là lấp giếng. Việc vận động tuyên truyền chỉ giúp người dân ngừng sử dụng một thời gian nhưng rồi đâu lại vào đó. Đừng để đến khi nhiều người phát bệnh do nước nhiễm chì rồi mới can thiệp, khi đó mọi thứ đã là quá muộn.

Theo ông Cao Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: Lượng xăng, dầu chảy ra giếng này nhiều nhất là khoảng những năm 1970 - 1980. Đến cuối những năm 1980 ở Cốc Nam xuất hiện những trận mưa to bất thường dẫn đến lụt lội, giếng xăng hồi đó cũng bị chìm sâu trong nước. Vì thế, có khả năng một lượng lớn xăng, dầu bị hòa tan trong nước. Sau những trận mưa dữ dội đó các váng xăng, dầu ít thấy xuất hiện, nhưng mùi hôi của nó vẫn rất đậm và kéo dài cho đến nay. Hàng ngàn hộ dân ở thôn Cốc Nam và các thôn lân cận thấy nước có váng và mùi xăng dầu nhưng vẫn rất trong, nên họ vẫn sử dụng cho việc sinh hoạt từ mấy chục năm nay.

Nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng, đặc biệt là chì (Pb) có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng nguồn nước nhiễm một lượng chì lớn và trong thời gian dài có thể khiến một người bị nhiễm độc và thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Nhiều tác hại của chì là cực lớn như đối với trẻ em có mức hấp thụ chì cao gấp 3-4 lần người lớn. Chì tích tụ ở xương, cản trở chuyển hóa canxi bằng cách kiềm hãm sự chuyển hóa vitamin D, gây độc cả cơ quan thần kinh trung ương lẫn thần kinh ngoại biên. Đặc biệt, chì gây tác động mãn tính tới phát triển trí tuệ. Ngộ độc chì còn gây ra biến chứng viêm não ở trẻ em. Chì tác động lên hệ thống enzyme vận chuyển hidro gây nên một số rối loạn cơ thể, trong đó chủ yếu là rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tùy theo mức độ nhiễm độc có thể gây ra những tai biến, nếu nặng có thể gây tử vong. Với những phụ nữ có thai thường xuyên tiếp xúc với chì khả năng sẩy thai hoặc thai nhi chết sau khi sinh là rất lớn. Chì có tác dụng rất độc hại cho cơ thể con người và có thể gây ra một số bệnh kinh niên, mãn tính, ví dụ như bệnh thận hay bệnh thần kinh.

Nhóm PV
.
.
.