Li kì chuyện nuôi và thuần phục “thần khuyển” Tây Tạng

Thứ Sáu, 05/07/2013, 16:37

Chó ngao được mệnh danh là "chúa tể của thảo nguyên Tây Tạng" (Trung Quốc) bởi chúng sở hữu thân hình to lớn, chiếc bờm đẹp oai hùng cùng cá tính hoang dã, kiêu ngạo nhưng có chính kiến. Vì thế, việc sở hữu một chú ngao Tạng thứ thiệt làm thú cưng là mơ ước của bất cứ đại gia nào. Song không phải cứ bỏ tiền mua được một chú ngao Tạng là coi như giấc mơ hoàn thành.

Nếu không biết cách chăm sóc thì khi rời xa môi trường thảo nguyên, chúng sẽ trở thành những con thú lầm lì khó bảo hay thậm chí là trở nên đần độn. Khơi dậy bản năng vốn có của ngao Tạng và biến chúng thành những thủ hạ tuyệt đối trung thành, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ là điều hoàn toàn có thể làm được của những người làm nghề huấn luyện chó nghiệp vụ.

Ngao, nhưng phải thuần chủng

Tại Hà Nội và các thành phố lớn, thỉnh thoảng chúng ta lại bắt gặp cảnh những chú ngao to lớn được chủ dắt đi bát phố trước ánh mắt đầy ngưỡng mộ của người đi đường. Hầu hết những ông chủ đó đều thuộc tầm cỡ đại gia khi bỏ ra hàng trăm triệu để có được một chú ngao. Họ nuôi ngao có khi là bởi sở thích nhưng cũng có khi là bởi thói trưởng giả làm sang, để trang trí cho bản thân. Và có một thực tế là không phải ai mua Ngao về Việt Nam nuôi cũng đều thành công. Có người sở hữu một chú ngao có bộ lông tuyệt đẹp, đôi mắt sắc, cá tính rõ ràng.

Nhưng nhiều người lại bỏ ra một số tiền lớn nhưng lại mang về một chú ngao yếu ớt, lười ăn, bị rụng hết lông hoặc có con thì gặp ai cũng mừng, thấy gì cũng ăn, người lạ giậm chân là cụp đuôi chạy ngay vào gầm giường... Khi gặp những chú ngao như thế thì hầu hết đều tỏ ra thất vọng và cho rằng tất cả những đặc điểm, tính cách về loài thần khuyển chỉ là đồn thổi.

Song sự thực không phải như vậy. Ngao vốn là một giống chó được người Tây Tạng nuôi và huấn luyện bảo vệ gia súc và bảo vệ cuộc sống của người dân bản địa khỏi những con thú hoang như chó sói, hổ gấu. Người Tây Tạng cũng coi nó là loài thú đặc biệt dùng để canh gác các tu viện ở Tây Tạng. Với thân hình khổng lồ, bộ lông dày 2 lớp, có phần lông ở cổ trông như bờm sư tử, đuôi luôn cuộn cao gọn ghẽ trên lưng. Những nghiên cứu, phân tích về cấu trúc cơ thể của ngao đều cho thấy đây là loài có thân hình cân đối và lý tưởng cho việc tấn công, săn mồi. Chó ngao được coi là "chúa tể của thảo nguyên" và được mô tả là: "To hơn chó sói, mạnh hơn báo hoa và nhanh hơn hươu nai". Từ lâu chúng được coi là tặng phẩm quý để dâng tặng hoàng gia.

Chính vì ngao là loài thần khuyển nên nuôi ngao càng khó khăn gấp bội. Nếu mua được một con ngao thuần chủng khó một thì chăm sóc chúng tốn kém và kỳ công gấp hàng chục lần. Được giới thiệu, tôi tìm gặp ông T. (Đống Đa  - Hà Nội) - một tay chơi chó cảnh có tiếng ở Hà Nội. Hiện tại ông T. đang nuôi 2 chú "ngao lửa" (màu đỏ lửa) và 1 chú "ngao tuyết" (trắng) cùng rất nhiều chó béc giê. Ông T. cũng là người bỏ hơn chục tỷ để mua đất ở ngoại thành với ý định tái hiện không gian như thảo nguyên Tây Tạng để những chú ngao cưng tha hồ chạy nhảy và có cảm giác vẫn như ở quê hương của mình. Theo đại gia này thì: "Có tiền chưa hẳn đã mua được chó ngao chuẩn".

Ông Thành bên chú ngao lửa 5 tháng tuổi.

Kể về hành trình rước 3 chú ngao từ Trung Quốc về nước, ông T. tiết lộ: "Tôi phải nhờ một người rất am hiểu về ngao trực tiếp đưa sang thảo nguyên Tây Tạng để chọn mua chó. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, các trang trại nuôi ngao bên đó thường lai giống thành các đời F2, F3 để bán kiếm lợi nhuận. Nếu không sành sỏi người mua rất dễ bị nhầm với ngao thuần chủng".

Cũng theo đại gia này chỉ có ngao thuần chủng mới có đầy đủ các đặc tính vốn có của loài thần khuyển mà thôi. Nhiều người vì ham rẻ mà mua phải những chú ngao lai tạo, nuôi những con chó như vậy thà… nuôi chó rách còn hơn. Còn có người dù sang tận Tây Tạng chọn lựa chó cẩn thận nhưng không hiểu sao mang về Việt Nam rồi thì vẫn con ngao đó nhưng lại không còn hoạt bát như ngày trước, bản tính của loài chúa tể thảo nguyên đột nhiên mất hết. Lý giải cho hiện tượng này, ông T. cho rằng rất có thể trước khi qua cửa hải quan, chó ngao đã bị tiêm một loại thuốc gì đó nên bị đần đi.

Thuần phục thần khuyển

Để tìm hiểu về cách thuần phục loài thần khuyển này, tôi đã gặp ông Thành (Từ Liêm - Hà Nội) là một người sành sỏi về ngao Tạng. Ông Thành cho biết, chó ngao nếu mua về chỉ để làm cảnh không thôi thì quá phí, thà mua một con chó phốc nuôi cho đỡ tốn. Chó ngao vốn là loài lì lợm, trung thành, đặc biệt chỉ nghe một chủ, chỉ tuyệt đối trung thành với một chủ nhân duy nhất nên đó là lợi thế rất lớn nếu muốn huấn luyện nó thành chó nghiệp vụ. Chính ông Thành cũng là một trong những người nuôi ngao đầu tiên mang ngao đi huấn luyện nghiệp vụ. Hiện ông cũng gửi 2 con ngao, 1 đực, 1 cái tại một trung tâm huấn luyện nghiệp vụ cho chó ở Hưng Yên. Để được chứng kiến tận mắt cách thuần chủng chó ngao, tôi đã đi theo ông Thành đến trung tâm huấn luyện.

Khác xa với tưởng tượng của tôi, ông chủ của trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ có gương mặt rất hiền lành và ăn mặc rất giản đơn. Anh tên là Tuấn - bộ đội xuất ngũ, trong thời gian tại ngũ, anh Tuấn từng được giao cho công tác huấn luyện chó nghiệp vụ nên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh lực này. Dẫn chúng tôi đi thăm trung tâm, anh giới thiệu: "Đa phần béc giê vẫn là loại được đưa đi huấn luyện nghiệp vụ nhiều nhất. Tuy nhiên những năm gần đây việc chủ chó ngao mang chó đến nhờ thuần phục và dạy nghiệp vụ ngày càng nhiều".

Anh Tuấn - chủ trung tâm huấn luyện là người duy nhất ra lệnh được cho chú ngao khổng lồ này.

Khủng nhất trại huấn luyện phải kể đến con ngao đực màu đỏ lửa đã gần 2 năm tuổi của chính ông chủ Tuấn. Con ngao có vẻ đẹp hoang dã với bộ lông 2 lớp dày, bờm ở cổ xù như bờm sư tử. Con ngao đực này nặng tới 80kg, chiếc lồng sắt to rộng dường như vẫn hơi chật chội với kích thước của nó. Dù đến đây vài lần nhưng ông Thành cũng tỏ chút sợ hãi khi anh Tuấn mở cửa lồng sắt để con ngao lửa nhảy xuống. Tuy nhiên trái với bề ngoài dữ tợn, con ngao lửa tỏ ra trầm tĩnh và làm theo bất cứ điều lệnh nào mà anh Tuấn hô. Theo anh Tuấn thì con ngao này đã có thể làm được nhiều thao tác khó như đánh mùi truy tìm dấu vết, phân biệt tội phạm, truy lùng, tấn công, canh giữ tội phạm…

Nếu muốn chú ngao cưng của mình thực sự là một thủ hạ tuyệt đối trung thành, có khả năng làm một vệ sĩ thầm lặng thì ông chủ của những con ngao đó cần cho chúng đi học nghiệp vụ càng sớm càng tốt (thường là từ 3 đến 5 tháng tuổi). Con ngao tên Bin của ông Thành đang ở độ tuổi tiếp thu nhanh nhất, chỉ mới qua 2 lần (mỗi lần 2 tuần) mà con Bin đã trở thành một vệ sĩ thực thụ. Sau khi được uống một lít sữa bò tươi nguyên chất, vài lạng thịt bò sống, con Bin được đưa ra bãi tập để kiểm tra trình độ.

Bãi tập là một khu đất trống, con Bin được thả xích, rọ mõm và chạy nhảy tự do. Bất ngờ có một người (nhân viên của trung tâm huấn luyện chó, có kỹ năng chống đỡ khi bị chó nghiệp vụ tấn công) xông tới và hành hung ông Thành. Tiếng hô "Bin, cứu!" vừa vang lên, tức thì con Bin cách đó vài trăm mét lao vun vút tới, nhằm thẳng kẻ đang tấn công chủ nhân thúc rọ mõm vào mặt. Không chịu được những cú thúc vào mặt, mạng sườn, những cú tát chí lực người đóng thế phải bỏ chạy. Không buông tha, con Bin với tốc độ kinh hồn nhanh chóng bắt kịp khống chế đối thủ. Chỉ khi ông Thành hô to: "Bin, dừng!" thì con ngao mới thôi tấn công nhưng vẫn canh chừng, không cho kẻ thù chạy trốn.

Tương tự, bài kiểm tra thứ 2, ông Thành vứt ra một chiếc dép quát: "Bin, canh!" rồi đi vào trong. Con Bin không đứng chỗ chiếc dép mà tản đi xung quanh, mắt liên tục đảo. Khoảng 5 phút sau người đóng vai trộm đi đến nhặt chiếc dép thì bất thình lình con Bin xô tới tấn công dữ dội. Kẻ trộm vung gậy định đập vào đầu, lườn con Bin nhưng nó rất thông minh khi chỉ nhằm vào cánh tay cầm gậy để tấn công. Những cú đớp, tát của con ngao dù chưa trưởng thành nhưng đầy sức mạnh. Con Bin có thể nhảy cao hơn 2 mét nên cả khi kẻ gian nhảy qua bờ tường nó vẫn tiếp trục truy đuổi bằng được.

Vẻ oai hùng của "Chúa tể của thảo nguyên".

Điều đặc biệt, ngoài ông Thành và anh Tuấn không ai có thể ra lệnh cho con Bin, tôi cũng thử ra lệnh nhưng điều nhận được chỉ là những tiếng gầm ghè kèm ánh mắt dọa nạt của con Bin. Ngoài con Bin, ông Thành cũng đang gửi một con ngao cái màu đen tại trung tâm huấn luyện nghiệp vụ, tuy nhiên yêu cầu nghiệp vụ đối với ngao cái thường không cao lắm. Ngao tạng sau khi được huấn luyện nghiệp vụ không khác gì "hổ thêm cánh".

Với phẩm chất dũng mãnh, kiên cường vốn có, loài "thần khuyển" được bổ sung thêm sự tự tin và óc phán đoán nên càng thêm lợi hại. Tuy nhiên giới sành chơi ngao và các trung tâm huấn luyện nghiệp vụ vẫn thường nhắc nhau tuân thủ quy tắc: "Không được bắt ngao làm điều xấu". Bởi, ngao là loài trung thành, duy nhất thờ một chủ song chúng cũng có chính kiến. Nếu chúng nhận ra bị lừa dối, lợi dụng thì không biết sự tức giận của "chúa tể của thảo nguyên" sẽ đi đến đâu?

Ngọc Minh
.
.
.