Lời nguyền hát Dô và những bát hương bốc cháy trong đền Khánh Xuân

Thứ Tư, 23/04/2014, 10:00

36 năm hội hát Dô (xã Liệp Tuyết – huyện Quốc Oai – Hà Nội) mới được mở một lần. Trước kỳ mở hội, chiếc rương cũ kỹ trong đền Khánh Xuân được mở ra. Trai chưa vợ, gái chưa chồng của hội hát Dô 36 năm về trước làm lễ xin thánh Tản được giở cuốn sách ghi lại 36 làn điệu hát Dô để dạy lại cho những nam thanh nữ tú vừa mới tuyển chọn khắp năm thôn sáu xóm.

 Truyền lại điệu diễn xướng độc nhất vô nhị xong, hội đền Khánh Xuân tan, cuốn sách lại được cất vào rương và ngủ yên một giấc dài 36 năm sau nữa. Còn những người đã vinh dự tham gia biểu diễn hát Dô sẽ không bao giờ được phép hát, thậm chí là nhắc lại điệu hát ấy, ai không giữ lời sẽ bị thánh phạt mà thành câm, điếc, méo mồm hoặc sinh ra trăm ngàn thứ bệnh…

Sau gần hai phần thế kỷ im hơi lặng tiếng, người Liệp Tuyết mới lại được biết đến điệu hát Dô quê mình. Song lần nào hát hay có bất cứ hoạt động nào liên quan đến hát Dô, Liệp Tuyết đều phải sắm lễ ra đền Khánh Xuân xin phép Thánh. Đến tận bây giờ, những lời “hèm” (lời nguyền) của hát Dô vẫn khiến nhiều người sợ hãi, tránh né. Và sự linh thiêng của ngôi đền Khánh Xuân, cùng với những người bị thánh phạt khiến hát Dô càng thêm phần huyền bí.

Sợ lời hèm, hát Dô thành “nàng công chúa” ngủ quên suốt 63 năm

Thánh Tản Viên du sơn du thủy dọc sông Tích, người dừng lại ở Lạp Hạ (Liệp Tuyết ngày nay), mang đến những hạt lúa tốt nhất và dạy người dân cấy hái, gieo trồng. Mùa màng xong xuôi, thánh Tản lại lên đường, 36 năm sau mới trở lại thăm và dạy người Lạp Hạ múa hát. Người Lạp Hạ đã lấy cái cữ đó để làm chu kỳ mở hội đền Khánh Xuân, 36 làn điệu hát Dô cũng bắt nguồn từ đó.

Cụ Kiều Thị Hạnh, con hát cuối cùng của hội hát Dô năm 1926 và bà Lan kể lại lần bị “méo mồm” vì hát mà không xin phép.

Trong 36 điệu hát, có phần hát lễ (hát chúc) để dâng lên thánh Tản, vì thế hát Dô từ khi ra đời đã kèm theo không ít lời “hèm” khe khắt, từ “hèm” mở hội, “hèm” con hát đến “hèm” chỉ được hát trong đền Khánh Xuân, tuyệt đối không được mang hát Dô ra khỏi Liệp Tuyết. Có thể họ (nhất là những người tham gia diễn xướng) không biết rõ về những người đã bị “hèm” phạt ra sao. Cũng có thể họ biết mà không dám nói ra, bởi bao nhiêu năm nay, bất kể ông già bà lão nào khi được hỏi cũng đều lảng tránh, các cụ chỉ nói rằng: “Không cẩn thận thánh phạt đấy!”

Năm 1989, bà Nguyễn Thị Lan bấy giờ là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, bà theo chỉ thị của tỉnh và huyện đi tìm để phục hồi lại những điệu hát cổ. Bà Lan đi khắp làng dò hỏi, các cụ già kinh hãi rồi im lặng. Thuyết phục nhiều lần mới được ba cụ T.V.L, Đ.T.Đ và K.T.N, họ là những người tham gia hội hát từ năm 1926. Các cụ đều đã ở tuổi gần đất xa trời, nghĩ mình sắp “về” rồi, mà hát Dô cũng đã ngủ yên suốt 63 năm qua nên nếu có vượt “hèm” thì cũng không còn nhiều thời gian để mà sợ hãi nữa.

Truyền lại những điệu hát cổ cho bà Lan xong, các cụ lần lượt rủ nhau về trời. Cụ Đ. dạy hết các điệu hát cho bà Lan xong, ít ngày sau cụ cảm rồi đi luôn. Không nhẹ nhàng, thanh thản được như cụ Đ., cụ K.T.N dạy bà Lan được một số bài hát, rồi năm 2003, cụ N. được phong là nghệ nhân. Không lâu sau, cả làng chứng kiến cụ N. bệnh rất nặng, chỉ ngồi trên cái giường vừa là chỗ ăn, ở, vừa là chỗ đại tiểu tiện. Cụ không làm chủ được việc đi vệ sinh, chất thải, thậm chí còn bôi bẩn khắp người. Cả làng khi đó ai cũng sợ hãi vô cùng, họ thấy cụ N. đêm cũng như ngày, đông cũng như hè, không quần không áo, chứ ngồi chồm hỗm trên cái giường bẩn thỉu, cúi đầu xuống nhìn chằm chằm…vùng kín suốt ngày này qua ngày khác, năm nọ sang năm kia.

Cũng vì thế mà khi bà Lan đi tìm con hát tuổi từ 11 đến 14, không bố mẹ nào dám cho con cái mình đi. Vận động mãi, hứa hẹn mãi, đến mức xã còn hứa sẽ trả cho mỗi cháu 15kg thóc mỗi buổi học. Lớp học mới dần có người, nhưng phần nhiều các cháu đến vì…15kg thóc chứ trong tâm trí, tất cả đều sợ những lời “hèm” sẽ khiến mình, con cái mình câm, điếc, méo miệng…rồi thì lỡ đâu lại giống như cụ N!?

Lớp học cuối cùng cũng được mở. Bà Lan nhớ rất rõ, những ngày đầu, trên hai cột nhà văn hóa xã – nơi học hát Dô, lúc nào cũng có hai con bướm đậu hai bên. Đôi bướm màu đen, đốm trắng, cánh to như cánh quạt nan cứ đậu ở đấy suốt ngày này sang ngày khác. Không ai dám nói gì, chỉ lấm lét nháy nhau nhìn đôi bướm lạ. Cả làng xôn xao, các cụ già bảo nhau phải sắm lễ lên đền Khánh Xuân xin ngài. Bà Lan vốn không mê tín, nhưng cũng nghe lời các cụ, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Bà sắm lễ, đứng trước ban thờ Thánh. Làm lễ xong, ngày hôm sau không thấy đôi bướm mọi ngày đâu nữa. Bà Lan bấy giờ mới thấy…sợ.

Một lần đi dự hội thảo, khi bà Lan báo cáo xong về kết quả của lớp hát Dô, có người đề nghị bà hát một làn điệu để làm minh chứng sinh động. Bà Lan nói sẽ hát bài “Muỗi đốt tứ tung”. Mới nói thế xong, chưa kịp hát một chữ nào thì lưỡi bà đã không thể co vào được, cả hàm cứng lại mà không hiểu là tại sao. Ra hậu trường, hàm cử động lại được, vừa uống nước thì bị sặc, mấy cán bộ xã bấy giờ mới hỏi thế trước khi đi đã làm lễ xin ngài cho được hát chưa? Bà Lan giật mình nhớ lại lời các cụ già: “Không được hát ở bất cứ nơi nào ngoài đền Khánh Xuân”…“đừng có hát linh tinh mà thánh phạt”.

Cháy bát hương và những cái chết được báo trước!?

Cụ Kiều Thị Hạnh quá khỏe và minh mẫn so với cái tuổi 96. Những người tham gia hội hát năm 1926 giờ chỉ còn mình cụ. Trong ký ức của cô bé 11 tuổi ngày ấy, đền Khánh Xuân um tùm cây cối, hoang vu, rậm rạp như rừng. Trước ngày mở hội (Mồng 10 tháng Giêng), dân làng mang đến một con lợn béo, buộc trước cửa đền để hôm sau làm lễ tế. Beo (con báo) kéo về, gầm váng cả một góc rừng. Sáng ra, cả làng kéo đến trước cửa đền, chỉ thấy tứ bề con lợn là những đống dãi của lũ beo, còn con lợn buộc đấy vẫn còn nguyên vẹn.

Mới đây, khi đền Khánh Xuân được trùng tu và xây thêm hậu đường, ai cũng phấn khởi vì đã được trên cấp 5,2 tỉ cho dự án. Cả làng vẫn nhớ, hôm ấy họp trong đền, có ông cán bộ phòng văn hóa huyện tên V. về họp, “ông ấy lại bảo còn lâu mới đến lượt đền Khánh Xuân nhé, ông ấy cho Phú Cát để họ xây đình trước. Cãi nhau mãi, vì rõ ràng trên đã ký dự án trùng tu đền rồi. Đang cãi nhau, bát nhang trước ban thờ bốc cháy ngùn ngụt, ông V. không vào dập thì chớ lại còn quay mông vào đền, bỏ về. Ngay ngày hôm sau ông V. ốm. Cũng trong năm đó, ông V. mất.” – Bà Lan kể lại đầy sợ sệt.

Đền Khánh Xuân với lời "hèm" không được mang hát Dô đi bất cứ đâu.

Ở thôn Đại Phu, cậu thanh niên N.V.S., con nhà ông N., hôm Đoàn thanh niên lao động ngoài đền Khánh Xuân, thấy cây chanh đẹp quá, cậu S. xin về trồng. Đánh cái bầu đất to bằng lòng mâm, S. cho lên xe cải tiến kéo cây chanh về nhà. Đến sân, S. bảo các bạn: Để đấy đã, cắm phích nước uống rồi lát nữa trồng hộ tớ. S. xách ấm ra bể lấy nước, vừa cắm vào ổ phích thì bị điện giật. S. chết khi cây chanh đánh từ ngoài đền Khánh Xuân vẫn còn trên xe cải tiến giữa sân.

Khi hát Dô được phục hồi, các đài truyền hình về quay rất đông. Dân làng vẫn nhớ lần một đài về quay, tối đầu tiên, bóng đèn 200W mắc khắp nơi trong đền, vừa mới cắm điện thì cả loạt bóng điện cùng nổ. Mọi người lại đi mua bóng cao áp, kiểm tra đường dây điện, lại lắp, những bóng đèn 200W lại nổ một lần nữa. Một cậu trong Đoàn thanh niên xã hớt hải chạy về bảo bà Lan: Tình hình là nổ hết bóng điện ngoài đền Khánh Xuân rồi cô ạ, không quay được. Bà Lan mới lật đật chạy ra đền, sắm lễ để đoàn làm phim xin phép Thánh. “Còn có lần Tây về quay trong đền, nổ cả máy quay cơ mà.”

Những câu chuyện về lời “hèm” hát Dô, về những báo ứng trong đền Khánh Xuân vẫn được người Liệp Tuyết rỉ tai nhau. Không biết những lời “hèm” ấy ứng nghiệm ra sao, chỉ biết rằng khắp già trẻ, lớn bé trong vùng, hầu hết vẫn còn tránh né và sợ hãi

Quảng An
.
.
.