Longyearbyen: Thị trấn cấm "chết"

Thứ Năm, 19/12/2019, 17:20
Tại thị trấn nhỏ Longyearbyen ở Na Uy có một điều luật vô cùng đặc biệt mà chắc chắn ai mới nghe cũng không thể tin đó là sự thật, nhưng nó đã được chính phủ nước này thông qua, đó là Luật cấm chết tại thị trấn.


Longyearbyen nằm tại thung lũng Longyeardalen và ven bờ Adventfjorden, một vịnh thuộc vịnh hẹp Isfjorden, nằm ở bờ biển phía tây của đảo Spitsbergen. 

Nơi đây là điểm định cư lớn nhất với khoảng 2.000 cư dân và là trung tâm hành chính của Svalbard, Na Uy. 

Thị trấn gần Cực Bắc nhất thế giới này có đầy đủ các tiện ích, cơ sở giáo dục, văn hóa, cứu hỏa, đường bộ và cảng với những ngôi nhà đầy màu sắc giữa mênh mông băng tuyết trắng... 

Nhìn vào khung cảnh thơ mộng cùng mật độ dân số đông đúc, không ai có thể tin nổi Longyearbyen có một luật lệ rất khác thường - “Cấm người dân được chết”.

Theo đó, cái chết bị nghiêm cấm ở đây từ năm 1950, khi người ta phát hiện những thi thể trong nghĩa trang địa phương không bị phân huỷ dưới tầng đất bị đóng băng.

Nằm trên vòng Bắc Cực, Longyearbyen có nhiệt độ dưới -15 độ C, đôi khi xuống tới -25,6 độ C, điều đó đồng nghĩa với mặt đất và những thứ được chôn vùi dưới lòng đất Longyearbyen sẽ ở trạng thái đóng băng gần như vĩnh viễn, dù nhiệt độ bề mặt tăng lên trong mùa hè. 

Trong một năm, Longyearbyen có 116 ngày chỉ có ban đêm và 100 ngày chỉ có ban ngày. Từ đầu tháng 11 tới đầu tháng 2, thị trấn này được ngự trị hoàn toàn bởi màn đêm. Đến giữa tháng 4 sẽ xuất hiện hiện tượng “mặt trời giữa đêm” và kéo dài đến cuối tháng 8. 

Hầu hết mọi người đều chào đón hiện tượng mới lạ này, nhưng sau một thời gian dài đằng đẵng như thế, cái hào hứng ban đầu sẽ dần biến mất. Các thói quen sinh hoạt của người dân cũng phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh tự nhiên. Ví dụ như giấc ngủ đêm được diễn ra trong ánh nắng chói chang của ban ngày.

Năm 1990, khi các nhà khoa học khai quật một số xác chết để tìm hiểu hiệu ứng đóng băng vĩnh viễn, họ phát hiện trong thi thể một người chết vì bệnh cúm vào năm 1918, virus chết người này còn sống, được bảo quản trong tình trạng tốt và vẫn có khả năng lây lan.

Ngoài ra, cơ thể người chết không bị phân hủy còn thu hút các loài động vật hoang dã (như gấu Bắc Cực) nên những người bị bệnh hoặc sắp chết ở thị trấn này đều được vận chuyển đến nơi khác để chữa trị hoặc chờ chết. 

Đột tử là một trong các hành vi bị xếp vào hành vi “vi phạm pháp luật”. Nghĩa trang nhỏ của thị trấn đã ngừng việc chôn cất từ cách đây hơn 70 năm. Tại đảo này không có nhà dưỡng lão hay bệnh viện. Phụ nữ mang thai cũng phải rời khỏi đảo vài tuần trước khi sinh và chỉ trở về nhà khi em bé đã chào đời.

Kỹ sư cao cấp Jan Christaian Meyer, đồng thời cũng là phụ tá giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na uy ở Trondheim cho biết: “Nếu bạn đang bị bệnh nặng và không thể qua khỏi, chính phủ và người dân tại đây sẽ nổ lực hết sức đưa bạn đến đất liền, thay vì để bạn chết tại đây”.

Như vậy, bí ẩn đằng sau điều luật “cấm chết” tại thị trấn Longyearbyen hoàn toàn xuất phát từ mong muốn mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp hơn. Với ý nghĩa tốt đẹp này, đến nay bộ luật trên vẫn còn tồn tại và không một người dân nào sinh sống tại thị trấn đưa ra lời than phiền về nó.

Cấm chết không phải là luật lạ lùng duy nhất ở nơi hiếm khi có ánh nắng mặt trời này. Người Longyearbyen không được phép nuôi mèo vì loài này có thể giết hại chim chóc, gia cầm - những con vật rất khó sống sót ở đây. Trước khi vào nhà người dân hay các toà nhà công cộng, mọi người phải cởi giày dép ra. Ngoài ra, chỉ những ai có việc làm mới được cư trú trên đảo vì họ phải tự lực cánh sinh mới có thể tồn tại được ở nơi khắc nghiệt này.

Thắng Trần
.
.
.