Lùng trộm đàn Stradivarius

Thứ Hai, 23/01/2017, 16:36
Cuối tháng 7-2013, Cảnh sát Anh thông báo đã tìm được cây Stradivarius trị giá 1,8 triệu USD của nữ nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng thế giới Min-Jin Kym thuộc Dàn nhạc Giao hưởng Hoàng gia Anh, từng bị đánh cắp hồi năm 2010. Cảnh sát cho biết cây đàn được tìm thấy gần như nguyên vẹn tại một căn nhà ở miền Trung nước Anh.


Bị trộm mất “ống heo”

 Khi nhận lại cây đàn, nữ nghệ sĩ Hàn Quốc này nói: “Việc bị trộm cây đàn khiến tâm trí tôi mang cảm giác có lỗi. Tôi chơi nó từ nhỏ, nên cây đàn đã trở thành một phần con người tôi trong nhiều năm”. Luật sư của cô nói cây đàn “vô giá”, không thể tìm cây khác thay thế”. Ngành công tố nói cây đàn chính là “ống heo để dành” của Kym.

Năm 2010, khi Kym đang ngồi với bạn trai chơi đàn cello trong một quán cà phê gần nhà ga xe lửa Euton (London), cô đặt cây đàn xuống cạnh bên để gọi điện thoại. Gã du lịch balô John Maughan người Ireland liền “nẫng” mất cây đàn, với sự giúp sức của hai đồng bọn có nhiệm vụ đánh lạc sự chú ý của Kym. Gã này hoàn toàn không biết giá trị cây đàn (Kym mua giá 750.000 bảng) nên suýt bán lại giá 100 bảng cho một người đàn ông tại một quán cà phê internet.

Năm 2011, Maughan bị bắt và bị tuyên án 4 năm rưỡi tù vì tội trộm cây đàn. Hai đồng phạm 15 và 16 tuổi (lúc tham gia vụ đánh cắp cây đàn) bị đưa vào trung tâm giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên.

Trước đó, Cảnh sát Bulgaria cho biết có lẽ đã tìm được cây đàn của nghệ sĩ Kym, sau một vụ gài bẫy của cảnh sát nước này: tên tội phạm Hristo Varbanov nhằm ngay một “cớm chìm” gạ bán cây đàn Stradivarius với giá 250.000 bảng. Varbanov bị bắt, và Cảnh sát Anh xác nhận đó chính là cây đàn của Kym, người được đánh giá là “một tài năng hiếm có, một nghệ sĩ violon bẩm sinh”. Kym từng là học sinh trẻ nhất nhận học bổng của Trường nhạc Purcell.

Tháng 8-2012, Cảnh sát Moscow (Nga) cũng bắt được một tên trộm mà vào năm 1998 hắn đã đánh cắp  một cây Stradivarius trị giá 400.000 USD, và một cây violon Jacob Steiner trị giá 100.000 của Bảo tàng Văn hóa âm nhạc Glinka ở Moscow. Tên  Yakob Subbota, 43 tuổi còn bị nghi  là đã trộm số sách cổ và các bản thảo trị giá 400.000 USD của Thư viện Lịch sử Quốc gia (thư viện nghiên cứu lớn nhất Nga).

Trước đó, một nhạc sĩ đã mượn cây đàn Stradivarius của một người bạn, nhưng ông để quên nó trên một chuyến xe lửa ở Berne (Thụy Sĩ). May mắn cho người chủ và ông bạn đang hoảng hốt: cảnh sát sau khi nhận được thông tin nhờ tìm hộ, đã kêu gọi mọi người giúp đỡ, và một người tốt bụng đã chuyển cây đàn trị giá hàng triệu bảng này đến Cục Quản lý tài sản bị mất của Thụy Sĩ và cơ quan này đã cho cây đàn “châu về hợp phố”.

Năm 2008, nghệ sĩ violon Philippe Quint (Mỹ) cũng để quên một cây Stradivarius cổ (290 năm) trị giá 2,5 triệu bảng trên một xe taxi ở New York. Nhưng người tài xế tốt bụng  Mohamed Khalil đã tìm cách trả lại và Quinn “hậu tạ” số tiền tương đương 50 bảng cùng 30 phút biểu diễn riêng cho Khalil nghe.

Tháng 10-2010, một cây  Stradivarius sản xuất năm 1697 được bán giá 2,3 triệu bảng và được cho là từng thuộc về Hoàng đế Pháp Napoleon.

Bí mật của Stradivarius

Theo giới truyền thông phương Tây, trên thế giới hiện chỉ còn  450 cây đàn Stradivarius do Antonio Stradivari người Ý (qua đời năm 1737) sản xuất ở Cremona, và cây “xịn” nhất giá 8 triệu bảng Anh. Cây đàn của Kym được ra đời trong quá trình Stradivari thử sản xuất những cây đàn này từ năm 1690 đến 1699.

Dân trong nghề gọi các cây Stradivarius là Strad và mỗi cây đều có “nickname”, thường là theo tên chủ đời đầu. Theo báo Spiegel (Đức), nghệ nhân Stradivari cùng ông hàng xóm Giuseppe Guarneri del Gesu (1698-1744) chỉ tạo ra vài trăm cây Strad và hiện có khoảng 600 cây vĩ cầm, 60 cây đàn cello và 12 cây viola antô có chữ S (viết tắt của Stradivari) cùng 140 cây violon của Guarneri del Gesu.

Trên thế giới còn khá nhiều những nghệ nhân làm đàn tên tuổi khác, nhưng đàn của Stradivari luôn đứng ở vị trí số 1 bởi  âm thanh tuyệt đỉnh. Hàng trăm năm qua, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đã cố công tìm hiểu bí mật ẩn chứa sau cây đàn Stradivarius.

Tại sao một cây Strad nặng khoảng 1kg lại có giá cao hơn các loại đàn bậc thầy khác như Amati, Bergonzi, Ceruti, Guadagnini và Rogeri? Các chuyên gia cho rằng, giá trị của nó là từ âm thanh của loại gỗ tạo nên thùng đàn. Theo các nhạc sĩ lừng danh, Strad tạo nên những âm thanh mềm mại nhưng vang vọng đến từng góc khán phòng biểu diễn.

Theo một truyền thuyết, vào một đêm trăng tròn, Stradivari từ Cremona (nơi ông lập xưởng đóng đàn năm 1666, gần 100 năm sau khi những cây đàn vĩ cầm  đầu tiên xuất hiện tại Ý, Anh, Ba Lan) lên núi Alpes để chọn cây vân sam làm thùng đàn. Ông áp tai vào cây, dùng búa gõ để nghe tiếng ngân, nếu hài lòng thì ông chặt cây ấy. Có lẽ ông đã “trúng vụ” trong mùa đông khắc nghiệt kéo dài từ giữa thế kỷ 17 đến năm 1715: cây mọc chậm hơn bình thường, thớ gỗ mịn hơn và chắc hơn, truyền sóng âm tốt hơn gỗ mọc trong thời tiết ấm áp. 

Nhưng các nhà nghiên cứu của Trường đại học Cambridge lại cho rằng, chính lớp verni đỏ mới tạo nên bí quyết âm thanh réo rắt của Strad. Năm 1988, một nhóm nghiên cứu phân tích mẫu verni từ một cây cello sản xuất năm 1711, phát hiện một lớp verni cực mỏng có thành phần hóa học giống một loại tro núi lửa dùng để sản xuất xi măng ở Bắc Ý. Có lẽ “sư phụ” Stradivari đã trộn tro này với lòng trắng trứng gà và nước để tạo nên thùng đàn có âm thanh huyền diệu.

Nhưng có lẽ nhà hóa học Joseph Nagyvary của Đại học bang Texas giải thích rõ hơn về bí mật của cây đàn. Giả thiết của ông là do độ ẩm cao ở Cremona, Stradivari sử dụng nhiều biện pháp bảo dưỡng để gỗ cây vân sam không bị thối mục. Qua kính hiển vi, ông phát hiện dấu vết của một loại nấm thường, mọc ở các dòng sông mà các súc gỗ vân sam đã được thả bè từ núi Alpes về Cremona.

Loại nấm này mọc nhanh đến độ thay thế các tế bào của súc gỗ khiến cây đàn có âm thanh phong phú và dễ phân biệt. Ông Nagyvary bắt chước quy trình này trên những súc gỗ ở Canada và Nepal, và các chuyên gia nghe âm thanh từ những cây đàn violon này đều ngỡ chúng là đàn Strad “xịn”! Theo Hiệp hội Hóa học Mỹ thì đây là một thành tựu tiên phong.

Như vậy, có nghĩa rất dễ làm đàn Stradivarius giả. Nhà buôn Marcel Richters lưu ý công nghệ hiện đại có thể tạo ra mẫu giấy chứng nhận bỏ trong thùng đàn giống hệt thời Stradivari đã làm. Hiện có khoảng vài ngàn cây Stradivarius giả. Vào năm 1937, nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của cha đẻ cây đàn, một ban giám khảo ở Cremona đã kiểm tra 2.000 cây được cho là “hàng gốc” nhưng hóa ra chỉ  có 40 cây là đồ thật.

Ngoài ra, có chuyện kể rằng các cây đàn Stradivarius này còn có lời nguyền trong đó. Lời nguyền có nói rằng những anh chàng hay cô nàng nào đó không có tài năng thực sự mà sử dụng cây đàn này với mục đích lừa tình, mua chuộc lòng người hay các mục đích không tốt đẹp thì sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Nhà buôn Renata Koeckert, 59 tuổi, ở Munich nói mỗi cây đều có tính cách riêng hoặc có “lý lịch riêng”. Ví dụ cây “Antonietta” đã được kể rất rõ trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn John Hershey đoạt giải Văn học Pulitzer: cha đẻ của Strad đem lòng yêu một thiếu nữ nên tạo ra cây đàn này năm 1699, trước khi nó được đem đến Paris. Thiên tài Mozart “gặp” nó năm 1778, có cảm hứng sáng tác một bản sonata để tôn vinh cây đàn này.

Hoặc cây “Vua George” sản xuất năm 1710. Vua Anh George III chơi cây đàn này trước khi tặng cho một sĩ quan, người thiệt mạng trong trận đánh Waterloo vào ngày 18-7-1815. Hiện “Vua George” thuộc về nhóm tứ tấu Amar ở Zurich vốn chỉ biểu diễn bằng đàn Strad.

Đàn quý hiếm giá cao

Chỉ trong vài thập niên, giá trị số nhạc cụ này đã tăng đáng kể. Năm 1971,

cây Stradivarius “Lady Blunt” được Công ty đấu giá Sotheby’s bán đấu giá được 200.000 USD. Năm 1998, cây Stradivarius”Kreutzer” được Nhà đấu giá Christie’s bán  giá 1, 5 triệu USD. Ngày nay, ngay cả những cây violon gốc bị tổn hại cũng được hét với giá 1 triệu euro, trong khi những cây có âm thanh tốt nhất thì được hét giá cao hơn nhiều lần. Hồi tháng 5-2006, Christie’s bán cây Stradivarius “Hammer” giá 3,5 triệu USD, và “hàng độc”  này hiện được định giá hơn 6 triệu USD.

Vấn đề là nguồn cung ngày càng giảm, nhiều cây Stradivarius và Guarneri được bán để sưu tập, như một bộ violon đã thuộc về Ngân hàng Quốc gia Áo, hoặc được các tổ chức như Viện Đời sống âm nhạc Đức mua lại để các nhạc sĩ tài năng trẻ mượn chơi mà không phải bỏ tiền thuê. Cùng lúc, nguồn cầu tiếp tục tăng. Không chỉ châu Âu, Mỹ mà hiện nay các nhà đầu tư Trung Quốc cũng rất quan tâm đến các cây đàn này.

Nhà buôn Dietmar Machold, 58 tuổi, người Đức, cho rằng: “Đàn Stradivarius nắm phần chủ đạo của thị trường. Nếu giá của nó tăng thì giá đàn Guarneris cùng các cây violon cổ khác cũng tăng theo”. Mỗi năm chỉ có khoảng 10 - 20 cây Stradivarius được đem ra bán trên thị trường thế giới.

Bản thân Machold cũng “phất to” nhờ bán được nhiều cây Stradivarius. Công ty Machold Rare Violins của ông đã trở thành công ty hàng đầu thế giới trong thị trường đàn dây quý hiếm. Đặt văn phòng ở Áo, ông có các cửa hàng ở Đức, Mỹ, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và rất nhiều khách hàng ở Seoul, Manhattan và Chicago.

Ngoài Machold còn có 2 nhà buôn khác ăn nên làm ra từ đàn Stradivarius là Bein & Fushi, ở Chicago và Beare’s, ở London. Robert Bein đã qua đời hồi tháng 2-2007, chỉ còn Geoffrey Fushi, 63 tuổi, người đã bán khoảng 80 cây Stradivarius và 30 cây Guarneri. Ông cho biết hiện có khoảng 200 - 300 cây Stradivarius thật ở châu Âu, 250 cây ở Mỹ và 50 cây ở Nhật Bản.  

Thảo Hương
.
.
.