Mang vác mãi hòn đá mà chi ???

Thứ Ba, 18/06/2013, 15:11

Thời gian gần đây, tự nhiên những người tu hành bên đạo Phật trở thành tâm điểm của truyền thông nhiều quá.

Từ chuyện vị tỳ kheo hôn Đàm Vĩnh Hưng năm trước, đi qua chuyện ồn ào những bức tượng Mật tông hồi đầu năm nay, cho tới chuyện thầy Huệ Minh với triển lãm mang tên Thoát Art với slogan "nude để thiền" ở Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây thôi, tất cả đã tạo nên những làn sóng của truyền thông và dư luận về cái gọi là dung tục, thậm chí là khiêu dâm, không đúng với đạo đức nhà Phật.

Nhưng suy cho cùng, lỗi tại những người hành đạo thì ít mà lỗi tại những kẻ "hành… hạ đời" thì nhiều.

Việc tỳ kheo của năm ngoái, rõ ràng đã khẳng định tỳ kheo ấy đã không giữ được đạo đức tu hành và cũng đã bị trục xuất ra khỏi cửa nhà Phật rồi, nhắc tới có khi lại là tội ác với một người biết đâu đã hoàn tâm???

Còn chuyện Thoát Art của thầy Huệ Minh, trước mắt phải nhìn nhận nó là một ý niệm mà không chắc mấy ai hiểu được ý niệm đó. Và nếu xét ở khía cạnh nghệ thuật, triển lãm ấy có đủ tầm là một dự án nghệ thuật hay không, suy xét ấy thuộc về những người đang thực hành nghệ thuật có tên tuổi, có uy tín. Cái đáng xét tới là ý niệm. Cái dở của thầy Huệ Minh là ý niệm bị "lộ" quá. Mà khi đã quá lộ, cái chất Thiền chắc chắn cũng bị khuất lấp, mai một đi nhiều.

Song, điều đáng nói là ở Việt Nam ta bây giờ, đã thực sự hiểu biết rõ về tôn giáo hay chưa? Trong một phát biểu gần đây của ông thạc sỹ, giảng viên khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí tuyên truyền, cho rằng Đức Phật là một nhà tư tưởng chứ không phải một vị thần để mà thờ tụng đã đủ cho thấy cái hiểu biết về tôn giáo trong cộng đồng nó hạn hẹp thế nào. Thì đúng, Đức Thích Ca Mâu Ni (Tất Đạt Đa Cồ Đàm - Siddhârtha Gautama) đúng là một nhà tư tưởng, cũng như Đức Jesus Christ là một nhà tư tưởng nhưng Phật giáo và Kitô vẫn là tôn giáo.

Nhiều người biết, Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo cùng có một gốc, được gọi là những tôn giáo khởi nguồn từ Abraham. Chính trong Hồi giáo còn công nhận Jesus như một sứ giả của Thiên Chúa, giống như Muhammad. Và cùng nhiều người hiểu, từ Phật mà chúng ta hay dùng không chỉ dành cho Phật giáo mà còn cả cho Ấn Độ giáo.

Nói cách khác, Phật giáo cũng phần nào có gốc đi từ Ấn Độ giáo mà ra. Trong Ấn Độ giáo, Đức Thích Ca Mâu Ni được coi như một hiện thân (avatar) của thần Vishnu. Cái gọi là avatar này, nó cũng tương đồng như việc Cơ đốc giáo coi Jesus như một avatar của Thiên Chúa tối cao trong thân thể con người.

Hai điểm chung ấy bắt nguồn từ đâu? Đó là câu chuyện dài của lịch sử loài người, khởi nguồn từ cao nguyên Iran, nơi mà từ đó cuộc phát tán dân cư đã tràn xuống Lưỡng Hà và qua cả Ấn Độ. Thế nên, chuyện các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham và các tôn giáo ở Ấn Độ vẫn có những điểm tương đồng gần với nhau là như vậy.

Nói ra điều đó để thấy, ngay cả một "chuyên gia" còn hiểu sai về tôn giáo thì trách làm sao được cả những người tu hành và đặc biệt là những người dân thường không theo tôn giáo nào hiểu sai, hiểu lệch về tôn giáo đến thế.

Nhà Phật có một câu chuyện ngụ ngôn rất hay, nói về hai nhà sư đi khất thực và gặp một cô gái không biết bơi ở bên bờ suối. Một nhà sư đã cõng cô gái ấy qua suối và sau đó bị nhà sư còn lại trách móc mãi. Để rồi cuối cùng, nhà sư đã cõng cô gái phải trả lời: "Ta đã bỏ người con gái đó lại bờ suối rồi, sao ngài còn mang vác mãi cô ta tới tận lúc này".

Thì đấy, những sự kiện đã qua là qua rồi. Ai chân tu, ai không chân tu; ai tâm Phật, ai trá ngụy tâm Phật, điều đó tự họ và Đức Phật minh định.

Sao chúng ta cứ mang vác mãi hòn đá to làm gì???

Hà Quang Minh
.
.
.