Muốn vay tiền phải cho xem... phòng tắm

Thứ Năm, 24/11/2016, 14:16
Ở Trung Quốc, các nhà cho vay tiền có nhiều cách “sáng tạo” khi xác minh khả năng trả nợ vay của người vay tiền.


Đếm từng chén đĩa bẩn

Họ vào từng nhà, đếm số bàn chải đánh răng và vào bếp để tìm chén đĩa bẩn, để biết có bao nhiêu người ở. Họ còn chụp ảnh người vay tiền tiềm năng đang lao động để xác minh tình trạng việc làm. Nhà cho vay này cũng tập hợp dữ liệu chuyển khoản cùng các thông tin khác từ hàng chục công ty internet gồm Baidu, Tencent.

Họ nạp dữ liệu thô này vào thuật toán riêng để xác định khách hàng tiềm năng. Dựa vào thông tin, công ty ban đầu cho vay một khoản tiền nhỏ để xây dựng lịch sử tín dụng. Sau khi người vay trả vốn-lãi vay nhiều lần, công ty sẽ cho vay nhiều hơn. Đến lúc này, nhân viên điều tra sẽ tìm kiếm thêm các thông tin khác của người vay tiền.

Nhà cho vay trực tuyến WeLab dùng dữ liệu có trong điện thoại di động (được chủ nhân cho phép) để tự động thu thập chi tiết về thói quen trên mạng và ngoài đời của người vay tiền tiềm năng, trước khi quyết định cho vay hay không.

Việc xác minh mức độ tín nhiệm của người vay tiền rất cực tại Trung Quốc vốn quen chi tiền mặt, nhiều trò gian lận nên rất khó xác minh các thông tin cơ bản.

Dữ liệu chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ gồm lịch sử tín dụng cá nhân của chưa đầy 1/3 dân số nước này. Dù Trung Quốc dân số đông và thịnh vượng, đa phần người dân không bao giờ thế chấp hoặc sử dụng thẻ tín dụng, nên nhà cho vay thường không có được thông tin tin cậy về người vay tiền tiềm năng.

“Lách” qui định cấm đặt cọc

Chính phủ Trung Quốc cấm chuyện đóng một khoản tiền trả trước (đặt cọc) để mua nhà. Nhưng các ngân hàng và “cò” môi giới bày mưu giúp người dân “lách luật” để vay tiền đặt cọc, vào lúc giá nhà ở thành phố tăng và các ngân hàng tập trung vào lĩnh vực cho cá nhân vay tiền.

Trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc dồn vốn cho các ngân hàng, hạ mức lãi suất thấp kỷ lục để phục hồi nền kinh tế. Nhưng với viễn cảnh kinh tế mờ xám, các doanh nghiệp không muốn vay vốn, nhiều doanh nghiệp còn chật vật trả nợ.

Kết quả là nhiều ngân hàng chú trọng cho các cá nhân vay tiền. Chuyện cho vay dễ dàng này “quạt” lên cơn sốt mua nhà ở nhiều thành phố Trung Quốc trong năm nay, giúp vực dậy phần nào nền kinh tế đang suy yếu.

Dữ liệu chính phủ công bố hồi trung tuần tháng 10 cho thấy GDP đạt 6,7% trong quý 3, chủ yếu là nhờ thị trường nhà đất đang “nóng” và việc nới lỏng nhiều chính sách tiền tệ. 

Xiong Meifang,một nữ thiết kế đồ họa 31 tuổi, 2 tháng trước cần có số tiền 30.000 USD để đặt cọc 30% nhằm mua một căn hộ trị giá 895.000 USD ở phía nam Bắc Kinh.

Ngân hàng “bắt tay” với “cò”

Hoặc các ngân hàng “phối hợp” với những tay môi giới cho vay độc lập hoặc “cò” nhà đất để chuyển tiền cho người vay mua nhà. Trong vài trường hợp, các ngân hàng đã nhắm mắt làm ngơ với người cho vay. Li Ling, một “cò” nhà đất ở Bắc Kinh nói công ty của bà phớt lờ quy định, vẫn cho khách hàng đặt cọc.

Tại một trung tâm mua sắm nọ ở Bắc Kinh, nhân viên của công ty môi giới cho vay Tiểu Trư lo tư vấn cho các khách hàng tiềm năng. Trên tường là poster của các nhà cho vay lớn như các ngân hàng Ping An, Công ty ngân hàng Nam Kinh…

Trên lý thuyết, không được vay tiền mua nhà, nhưng Tiểu Trư có cách để “dụ” khách hàng: thu xếp một hợp đồng - ví dụ với một nhà trang trí nội thất - và “khai man” rằng vay tiền cho khoản sửa sang nhà cửa.

Nhưng trong một tuyên bố gởi báo The Wall Street Journal, lãnh đạo Tiểu Trư viết: “Chúng tôi không nhảy vào lĩnh vực cho vay tiền đặt cọc mua nhà”. Công ty ngân hàng Nam Kinh cũng ra tuyên bố rằng họ không “phối hợp”với Tiểu Trư hoặc các công ty tài chính tương tự. Ngân hàng Ping An từ chối bình luận.

Xây dựng nét văn hóa tín dụng

Vì nền kinh tế giảm tốc, Chính phủ Trung Quốc muốn nuôi dưỡng văn hóa tín dụng để khuyến khích các hộ dân chi tiêu dùng thay vì tiết kiệm. Chính phủ nước này đang cố gắng thúc đẩy chi tiêu dùng nhằm bù lỗ sự suy giảm mạnh ở các ngành công nghiệp sản xuất từng là nguồn lực giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trung Quốc cần phải tăng việc sử dụng tín dụng để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sự chi tiêu, đồng thời tránh những bẫy kinh tế gây nợ quá nhiều.

Sự chuyển dịch thế hệ sẽ giữ một vai trò lớn, khi thế hệ 18-35 tuổi đang ngày càng sử dụng hình thức tín dụng nhiều hơn cha mẹ họ sống chắt bóp và tiết kiệm. Ngân hàng thế giới ước tính 79% dân số Trung Quốc trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 10% vay tiền của hệ thống tài chính chính thức. Các ngân hàng Trung Quốc chủ yếu cho các tập đoàn nhà nước lớn vay tiền, nên chỉ có một lượng khách hàng khiêm tốn.

Bích Ngọc (theo Wall Street Journal)
.
.
.