Người có thể bay như chim

Thứ Hai, 05/06/2017, 10:00
Sau khi trình diễn tại Hội nghị Công nghệ, giải trí và thiết kế (TED) 2017 ở Vancouver, Canada hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Richard Browning lại khiến giới chuyên môn và dư luận phải sửng sốt khi phá kỷ lục về tốc độ trong 1 chuyến bay thử nghiệm tại Somerset.


Bởi với vận tốc gần 50km/h, bộ giáp bay mang tên Daedalus đã phá kỷ lục mà những người lính cứu hỏa tại Dubai đã lập trước đó. Về lý thuyết, khi khoác lên mình bộ đồ Dedalus, người sử dụng có thể bay với tốc độ 320 km/h ở độ cao từ 300 đến 600 mét.

Nhưng vì lý do an toàn, nên khi sử dụng bộ đồ bay Daedalus, ông Richard Browning luôn giữ ở độ cao và tốc độ tương đối thấp. Và theo ông Richard Browning, thiết bị này có thể vừa dùng làm phương tiện giải trí cá nhân, vừa có thể ứng dụng trong quân đội.

Với bộ giáp bay Daedalus, người dùng có thể bay với tốc độ 321 km/h ở độ cao từ 300 đến 600 mét

Ông Richard Browning cho biết, bộ giáp bay Daedalus sử dụng 6 động cơ phản lực thu nhỏ và một bộ khung ngoài được thiết kế đặc biệt. Hướng và vận tốc bay có thể được điều khiển bởi những cánh tay hữu dụng.

Thành công này diễn ra sau khi ông Richard Browning chứng minh cho những người yêu thích bộ phim "Iron Man - Người sắt" rằng, con người có thể bay như chim với chiếc áo giáp phản lực có tốc độ bay 13,4km/h. Và với bộ đồ Dedalus, Iron Man không còn là viễn tưởng.

Theo giới truyền thông, khi bay trình diễn bên ngoài Trung tâm Hội nghị Công nghệ, giải trí và thiết kế (TED) 2017 ở Vancouver, Canada, ông Richard Browning đã thực hiện chuyến bay ngắn bằng "bộ áo giáp siêu nhân Người sắt trong đời thực".

Được biết, ông Richard Browning đã có nhiều cải tiến đối với bộ đồ bay cá nhân kiểu siêu nhân Người sắt, kể từ khi cho đăng video ghi lại chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của mình ở Anh. "Đây là một thành tựu thực sự của ngành hàng không. Tôi đang chú trọng xây dựng một công nghệ có thể thay đổi thế giới", ông Richard Browning chia sẻ.

Tờ The Independent cho biết, ông Richard Browning đã mất 13 tháng để hoàn thiện sản phẩm kể từ khi mua động cơ phản lực mini đầu tiên hồi tháng 2-2016. Được biết, ông Richard Browning từng làm việc 5 năm tại Royal Marines Reserve và 15 năm kinh doanh.

Ông Richard Browning cho biết, đã lấy cảm hứng sáng chế từ cha mình (một nhà phát minh - kỹ sư hàng không đã tự tử khi con trai còn vị thành niên), bản thân luôn say mê chế tạo và yêu thích các thử thách. Và bộ đồ bay Daedalus giúp người mặc bay lên cao theo phương thẳng đứng, còn cánh tay dùng để điều khiển hướng và tốc độ bay.

Theo giới chuyên môn, sự kết hợp này cho phép phi công bay thẳng và chuyển hướng nhờ thay đổi vị trí tay/chân, hoặc cho phép giữ thăng bằng trong thời gian dài. Gravity Industries (công ty khởi nghiệp của ông Richard Browning) là nơi sản xuất phiên bản đầu và những phần sau của bộ đồ Daedalus.

"Giả thuyết là nếu tâm trí và cơ thể con người được nâng đỡ một cách đúng đắn, chúng ta có thể đạt một số thành tựu tuyệt vời", ông Richard Browning tuyên bố sau khi thử nghiệm thành công với bộ đồ Daedalus. Và hiện ông đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, cũng như quân đội Anh.

Nhà sáng chế Richard Browning cũng khuyến cáo, việc sử dụng bộ đồ Daedalus không hề đơn giản, đòi hỏi người mặc phải tập luyện một thời gian khá dài. Theo ông Richard Browning, việc dùng Daedalus còn an toàn hơn xe máy.

Ông Richard Browning cũng cho biết, bộ đồ Daedalus chưa sẵn sàng để phổ biến trong tương lai gần và đang thiết kế để có thể cất cánh từ bãi biển, bay dọc bờ biển hoặc lao xuống từ máy bay trực thăng để tiếp tục hành trình.

Nhưng cho đến nay, Cục quản lý hàng không dân dụng Anh vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về các tiêu chuẩn ràng buộc đối với các sản phẩm bay phản lực cá nhân. Còn tại châu Âu, Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) chuyên trách việc phê chuẩn mọi thiết kế máy bay mới, kể cả các ý tưởng thử nghiệm, cũng chưa có bất kỳ văn bản chính thức nào về công nghệ này.

Theo Defense Tech, quân đội Mỹ đã đầu tư 80 triệu USD để phát triển dự án (sẽ hoàn thành trong năm 2018) áo giáp robot mang tên Tactical Light Operator Suit (Talos). Bộ đồ này được thiết kế nhằm bảo vệ binh sỹ tốt hơn khi xông pha trên chiến trường. Tuy vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng phần khung ngoài của Talos do kỹ sư Miguel Nicoleis của Duke phát triển có khả năng giúp cả người bị liệt có thể di chuyển. 

Được biết, mấy năm gần đây quân đội Mỹ đã phát triển thành công áo giáp robot vừa có khả năng chống đạn, vừa có thể giúp người mặc nâng vác những vật nặng. Những bộ đồ này còn được trang bị bình dưỡng khí, giúp người mặc có thể thực hiện công việc tại những nơi nguy hiểm. Nhưng giá thành của chúng không hề rẻ.

Trọng Hậu
.
.
.