Người đàn bà 10 năm không ngủ

Thứ Năm, 04/02/2016, 15:56
Duyên tình dang dở, một mình vượt cạn, lặn lội sớm khuya nuôi con, những tưởng như thế đã là giới hạn tột cùng của nỗi khổ đối với bà. Nhưng ông trời chưa buông tha, bắt bà phải hứng chịu "vết xe đổ" của chính mình. Sau 30 năm, đứa con gái duy nhất của mối tình không hôn thú đã lặp lại quá khứ của mẹ "sang sông đứt gánh", để rồi ôm hai "cục thịt" đỏ hỏn quay trở về "bắt đền" bà.

Qua sông đứt gánh

Sài Gòn những ngày giáp Tết, không khí bớt nóng nực, ngột ngạt làm cho cái không gian "chuồng gà" của bà Nguyễn Thị Hằng Nga (63 tuổi) bớt nhơ nhớp, tù túng hơn. Giấc ngủ trưa của bà vì thế mà thiếp đi lúc nào không biết. Ở khu chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP Hồ Chí Minh) này, bà Nga là một trong những công dân lâu đời nhất, bà nhớ từng viên gạch, thuộc từng bậc cầu thang cũ kỹ rêu phong dẫn lối lên các ngôi nhà.

Ngược lại, bà con ở đây cũng quen mốc mặt bà, quen cả tiếng dép lê và giọng đằng hắng giữa đêm ngoài vòm hiên chung cư. Vâng, bà Nga là người đàn bà giữ xe lâu đời nhất ở chung cư và cũng là phụ nữ duy nhất kiếm sống bằng nghề giữ xe, nghề vốn chỉ dành cho cánh đàn ông trai tráng. Mang tiếng có nhà nhưng ngót 10 năm, bà Nga ngủ ngoài trời phơi sương, phơi gió. Chỉ vào góc cầu thang tối om, bà Nga vừa thở vừa nói: "Căn nhà rộng 20m2 trên đó là nhà của mẹ ruột tôi, bà năm nay 90 tuổi rồi, chân tay yếu lắm, mắt thì mờ nên không đi đâu được".

Qua thời gian, qua những biến cố thăng trầm của cuộc sống, nay căn nhà ấy là nơi dừng chân tạm lánh của 4 thế hệ với gần 10 con người. Những số phận trong căn nhà ấy người thì già, người bệnh, người thất nghiệp, tất cả chỉ trông chờ vào đồng tiền giữ xe của bà Nga. Tự nhiên, bà trở thành trụ cột trong đại gia đình "đồ sộ" về miệng ăn.

Đứa con gái duy nhất của bà lớn lên lấy chồng, cứ ngỡ sẽ thay đổi cuộc đời, sẽ bớt đi gánh nặng cho bà. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, ba năm trước, cô tay cắp, tay bế hai đứa con "đỏ hỏn" về dựa bà. Bà chưa kịp khuyên can thì con gái đã thông báo, xong hết thủ tục li hôn rồi. Vậy thì thôi, coi như không còn nước để tát nữa, bà chỉ biết quệt nước mắt. Vai bà từ đây oằn thêm.

Nhà chật, người đông, đồ đạc nhiều, ba mẹ con chị Quỳnh Chi (con gái bà Nga) phải trải chiều ngủ dưới nền đất. Còn bà Nga thì vác cái ghế bố rách xác sơ ra ngoài vòm hiên ngủ. Nhắc đến cuộc sống, bà tặc lưỡi: "Tôi già rồi ngủ ít lắm, với lại phải trông xe cả đêm nữa nên nào dám chợp mắt. Nằm ngoài hiên trời thanh gió mát lại thoải mái". Mái hiên cỏn con, tù túng bà Nga phải tận dụng để tất cả các loại "thiên la địa võng", nào là nồi xoong, chăn màn, quần áo rồi xe máy dân ở chung cư gửi.

Tất cả những đồ dung sinh hoạt chất ngổn ngang xung quanh chỗ nằm của bà Nga.

Bà lọm khọm dắt xe cho khách.

Cuộc đời đơn độc của bà âu cũng là cái số, trời bắt thì phải chịu. Bà trầm ngâm khi nhớ về thuở thanh xuân, một thời "làm mưa làm gió" với cánh đàn ông. Bao nhiêu người theo đuổi nhưng bà làm cao không chịu, muốn chọn lựa thật kỹ. Lựa lên chọn xuống cuối cùng bà ưng bụng một chàng trai quê lúa Thái Bình vào TP Hồ Chí Minh định cư. Nhà trai không đồng ý nhận bà làm con dâu, xua đuổi bà buộc chồng bà phải xách giỏ qua nhà vợ ở rể.

Những tưởng cuộc sống như thế sẽ ổn thỏa, vợ chồng chăm chỉ làm ăn và mơ về một căn nhà. Khi bà đang mang thai tháng thứ 6 thì đột nhiên người chồng giở chứng bỏ đi. Bà cố níu kéo nhưng không được. Bởi ngày đến với nhau, do nhiều chuyện xảy ra nên hai người không đăng ký kết hôn. Nay ông ấy phủi tay ra đi nhẹ tênh, chẳng có bất cứ ràng buộc nào. Ôm bụng vượt mặt ra đường lam lũ kiếm cơm, bà Nga đã khóc tưởng như cạn khô nước mắt.

Tột cùng của bất hạnh

Vượt cạn một mình, nuôi con một mình. Đó là những năm tháng khó nhọc không thể nào quên đối với bà Nga. Dù lam lũ, vất vả nhưng bà Nga vẫn toát lên vẻ mặn mòi hiếm thấy của "gái một con". Không ít đàn ông chấp nhận rước hai mẹ con bà về, hứa sẽ cho bà cuộc sống êm ấm, cho con gái bà cuộc đời tươi đẹp. Đã có lúc bà Nga tính nhắm mắt đánh bạc với tương lai, biết đâu sung sướng nhưng nghĩ đến người chồng không hôn thú đã đoạn tuyệt ra đi, lại như nhát dao cứa nát trái tim của bà. Ngày đó người ta cũng hứa, cũng thề nhưng rồi vẫn đi. Bà sợ đàn ông, sợ những lời hứa và bà quyết định sẽ ở vậy nuôi con. 

 Chiếc ghế bố kê mái hiên khu chung cư, bà Nga đã sống ở đó ngót 10 năm. 

Nghề may vá không còn con đường sống nữa, bà phải làm thêm đủ thứ nghề khác, trong đó có nghề giữ xe. Lúc đầu khách băn khoăn không dám giao một tài sản có giá trị cho người phụ nữ chẳng có gì để thế chấp. Nhưng sau thấy bà chăm chỉ, cẩn thận lại là mẹ đơn thân nên họ thương, họ giao xe cho bà giữ cả đêm. Dãi nắng dầm mưa quanh năm, bà Nga mang đủ thứ bệnh trong người, nặng nhất là bệnh viêm khớp làm bà không thể đi lại nhiều. Cuối cùng, bà bỏ hết các nghề kia, chỉ còn lại mỗi nghề giữ xe.

Con gái lớn lên, kiếm được tấm chồng, nỗi lo trong bà Nga vơi bớt. Thì đùng một cái, nó lặp lại cuộc đời của mẹ, bi kịch nối lại bi kịch. Tuổi cao, không được chăm sóc sức khỏe lại dãi nắng dầm sương nhiều năm trời nên bà Nga giờ mắt mờ, chân yếu. Nhờ mối giữ xe lâu năm nên mỗi ngày bà cũng kiếm được vài chục ngàn. Số tiền ấy bà không dám mua thuốc chữa bệnh mà dành để đóng học phí cho cháu ngoại và thuốc men cho mẹ già. "Bệnh này cần phải kiêng vận động, nhưng không làm tôi biết lấy gì để sống". Bà Nga bộc bạch.

Con gái thương mẹ không biết phải làm sao. Không có nghề nghiệp, chị Quỳnh Chi đành vác mặt cho người ta mượn để trang điểm. Ngồi phơi mặt ra thử đủ các loại phấn, son mấy tiếng đồng hồ, chị Quỳnh Chi được trả 40.000 đồng. Nhưng khi nào cần người ta mới gọi, nên cứ chờ dài cổ, bữa đói bữa no.

Sức dài vai rộng, nhưng chị không dám đi làm xa vì bà Nga dạo này mắc thêm căn bệnh nhồi máu cơ tim, nhiều khi tự nhiên té xỉu xuống đất. Mới hôm rồi, bà vác tô đi mua phở về cho cháu tự nhiên mắt tối sầm lại, bà ngã đập mặt xuống đất, úp cả tô phở lên đầu. May mà mọi người tới xốc lên, đưa về nhà xoa bóp, uống thuốc bà mới hồi tỉnh. Vừa tỉnh dậy, bà lại sốt sắng ra ngoài dắt xe cho khách.

Tấm bạt che nắng mưa ở mái hiên mục rữa, rách te tua, nước mưa phun xối xả ướt nhũn đồ đạc nhưng bà cũng không có tiền thay nổi. Thấy vậy, một người hàng xóm đã mua tặng bà một tấm bạt mới. Từ ngày có mái che mới, bà Nga niềm nở hẳn ra. Đêm bà nằm ấm hơn, mưa to cũng không tạt nước vào được.

Hơn 10 năm làm nghề giữ xe, điều bà Nga nơm nớp lo sợ là mất xe. Giữ xe chỉ được vài ngàn, nhưng mất sẽ phải đền vài chục triệu. Cứ nghĩ đến khoản tiền khổng lồ ấy, bà Nga lại không dám chợp mắt. Đêm nào mệt lả đi, thì bà cũng chỉ thiếp một lúc rồi như có quán tính, bà chồm dậy, mắt láo liếc kiểm tra xe.

Thường thì các chung cư khác, người ta giữ xe có quy định rõ ràng về giờ giấc. Bà Nga giữ xe thì không. Khách muốn lấy lúc nào cũng được, muốn gửi giờ nào cũng xong, không kể đêm hôm, vì bà nằm ngoài mái hiên, bệnh tật bủa vây khắp thân thể, bà không ngủ. Tối nào bà cũng thức để đếm sao trời và nghĩ về số phận.

Đã có lúc, bà đau đớn nhận ra người đàn ông từng là chồng của bà đi lướt qua mặt, chở một người đàn bà khác phía sau. Dường như ông ấy vẫn ở quanh đây, vẫn lén lút theo dõi cuộc sống của bà nhưng không dám xuất hiện. Và đã có lúc, bà tự trách bản thân, tự giằng xé con người mình, rằng tại sao ngày đó lại trao thân gửi phận cho một kẻ phụ tình. Tại sao để đứa con lớn lên phải mồ côi cha, sống không có danh phận. Cái vòng luẩn quẩn ấy, lúc nào cũng ám ảnh bà Nga, ám ảnh trong những đêm không ngủ.

Ngọc Thiện
.
.
.