Người đàn bà bỏ giàu sang vào động ở

Thứ Năm, 12/06/2014, 12:00

Ít ai biết được người phụ nữ ấy đang là một nữ doanh nhân thành đạt, quản lý hàng loạt cây xăng và cả một công ty lớn lại từ bỏ tất cả để ẩn mình nơi hang đá tu hành. Lý do đơn giản vì bà cho rằng đó là cơ duyên… và bà vốn "sinh ra" ở hang động tuyệt đẹp ấy. Hơn hai mươi năm nay "nữ động chủ" ấy vẫn sống cùng thiên nhiên, muông thú cùng biết bao câu chuyện kỳ bí.

Cơ duyên trở thành "động chủ"

Mới chỉ nghe qua câu chuyện về "nữ động chủ" sống cùng bầy khỉ và con trăn khổng lồ nặng cả tạ đã đủ khiến chúng tôi tò mò, muốn tận mắt chứng kiến cuộc sống của người phụ nữ đặc biệt này. Cách Hà Nội chưa đầy 40km, xã Liên Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) được người ta biết đến với ngọn núi Cóc đầy bí ẩn. Các vị cao niên trong làng kể rằng, sau một đêm trời đất rung chuyển như hòa làm một, mây kéo về đen kịt bản làng, tiếng cóc kêu râm ran khắp mọi nơi. Mọi người bàng hoàng phát hiện giữa thung lũng mọc lên một quả núi lừng lững, hình con cóc ngồi chồm chỗm. Từ đó dân bản gọi là núi Cóc. Núi Cóc linh thiêng đến mức chẳng ai dám bén mảng lại gần.

Mới đây thôi ngọn núi linh thiêng này được cai quản bởi "nữ động chủ" Trần Thị Minh. Mọi người vẫn mặc định, bà được sinh ra ở ngọn núi Cóc này. Chẳng khó khăn gì để đến núi Cóc, trái núi to sừng sững giữa thung lũng của người Mường cổ đầy huyền bí. Biết tin có người đến thăm động, "nữ động chủ" niềm nở tiếp chúng tôi: "Thời tiết oi bức quá, mời các anh chị vào động chơi cho mát. Động này như điều hòa vậy, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát lạnh". Bà Minh vốn là một doanh nhân nên cách giao tiếp của bà khá thân thiện. Trước khi vào động, bà Minh đưa chúng tôi lên đỉnh núi Cóc theo con đường được xếp bằng các bậc đá khá đẹp. Bà Minh kể: "Để có được con đường đá này, tôi và bà con quanh đây phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có được".

Có điều rất lạ là, trước khi chính thức tu hành tại núi Cóc, bà Minh là chủ một doanh nghiệp với nhiều công ty và hàng loạt cây xăng trên địa phận Hòa Bình. Bà có chồng và hai người con một trai, một gái rất thành đạt. Khi chúng tôi thắc mắc duyên cớ nào đã khiến bà bỏ lại tất cả để đến núi Cóc dựng chùa và tự nguyện làm người trông nom động thì bà Minh cười giải thích: "Đến đây rồi thì tôi biết, đây mới chính là nhà của tôi". Rồi bà Minh kể lại cho chúng tôi nghe chuyện người em họ đằng nhà chồng của bà đã vô tình khám phá ra hang động đẹp này sau một lần đi lạc trong rừng suốt 2 ngày đêm. Sau khi thoát chết một cách kỳ bí, em chồng bà Minh đã trở về và kể cho nhiều người nghe về một hang động đẹp trên núi Cóc. Hồi đó, nhiều người tò mò nên đã lũ lượt kéo nhau về núi Cóc xem, bà Minh cũng nằm trong số ấy.

Có điều, hầu hết những người kia chỉ đến đó xem vì tò mò, thế nên họ cũng chỉ đến duy nhất một lần rồi thôi. Riêng bà Minh thì khác, cảnh đẹp trong hang động như mê hoặc bà. Nhiều lần bà Minh đã một mình lóc cóc đạp xe quay trở lại núi Cóc. Sợ ảnh hưởng đến vẻ đẹp kỳ bí nên bà không dám đốt đuốc để soi mà dành dụm tiền mua dầu hỏa rồi một mình khám phá động.

Cuộc sống mưu sinh vất vả nhiều lúc bắt bà Minh phải gạt đi những ám ảnh về sự kỳ bí, linh thiêng của hang động núi Cóc. Bà phải đi bán rau, đi buôn bánh mì, mò cua, bắt ốc. "Có lần tôi mơ thấy bị một con hổ trong hang động đuổi cắn. Tôi sợ quá hét lên kêu cứu thì có một tiếng nói vọng ra từ vách trấn an tôi, bảo tôi rằng con hổ đó sẽ giúp tôi chứ không làm hại tôi. Và đúng năm đó, khi họ nhà tôi làm lễ giỗ tổ ở nhà tôi, có một người trong họ đi nước ngoài về, tự nhiên họ hỏi tôi là có muốn kinh doanh không? Tôi trả lời có thì họ hỏi tôi học hết lớp mấy. Tôi bảo tôi học hết lớp 10, đã thi đỗ đại học nhưng vì gia đình quá nghèo nên không được đi học. Sau khi nghe tôi nói vậy, ông ấy bảo tôi tìm đất đi rồi ông ấy sẽ cấp vốn cho tôi mở cây xăng, đó là vào năm 1994" - bà Minh nhớ lại.

Núi Cốc nơi bà Minh chọn để tu hành.

Cây xăng đầu tiên mở ra rất đông khách. Công việc làm ăn thuận lợi. Sau đó bà Minh xin đi học nghiệp vụ về quản lý xăng dầu. Đang đà thuận lợi, bà Minh tiếp tục mở cây xăng thứ 2, rồi thứ ba. Bà Minh chia sẻ: "Tôi đang từ người nông dân đạp xe đạp đi mua từng mớ rau rồi bán lại, giờ đã có thể mua xe kích, rồi xe cúp. Sau đó thì mua 1 ôtô, 2 ôtô, rồi 3 ôtô. Nhà và đất không đếm xuể". Hồi đó, bà Minh trở thành một hiện tượng trong giới kinh doanh.

Thế nhưng, càng thành công người phụ nữ này càng nghĩ nhiều về giấc mơ xa xưa. Bà thường xuyên đi làm từ thiện và xây dựng chùa chiền ở nhiều nơi. Nhưng theo lời bà thì: "Tôi đến đâu, xây hay tu sửa xong chùa thì cũng đi luôn, gần như không bao giờ quay lại nữa. Duy nhất chỉ có ở núi Cóc là tôi bị ám ảnh nhiều nhất. Không hiểu sao, mỗi lần đặt chân đến nơi này tôi đều có cảm giác đây mới chính là nhà của mình. Đúng đến năm 2000, tôi quyết định để lại mọi công việc kinh doanh cho chồng con và nguyện đến nơi này thành tâm tu hành".

Đang ngồi tâm sự với chúng tôi bỗng từ trên núi cao cả bầy khỉ ùa về cửa động. Những cử chỉ của bà Minh và bầy khỉ đủ thấy họ sống như người thân vậy. Bà Minh kể: "Xưa kia nơi đây còn hoang vu lắm, cây cối um tùm, cái ngày mới lên đây sống, tôi chỉ có bầy khỉ này làm bạn thôi. Bây giờ có nhiều người qua lại nên chúng ít xuống cửa động. Thỉnh thoảng nhớ quá tôi mới gọi chúng về". Ngoài đàn khỉ hoang mà bà Minh coi như những người thân này, "nữ động chủ" còn "kết thân" với một con trăn khổng lồ. Vì con trăn quá lớn, lại sống lâu năm, bà vẫn gọi là ông Trăn. Theo lời bà Minh thỉnh thoảng ông Trăn vẫn bò về cửa động hóng mát, mỗi lần về ông Trăn ngáy rất to. "Thân của ông to bằng cây cau, dài đến cả chục mét. Tôi gặp ông rất nhiều lần rồi, ông rất thân thiện và không bao giờ có ý định ăn thịt tôi cả".

Kỳ lạ chuyện cổ vật tự tìm về

Tất cả chỉ vì cơ duyên, hơn nữa bị động Tiên, núi Cóc mê hoặc, bà Minh đã bỏ cơ ngơi bề thế, bỏ gia đình vào rừng, ẩn trong hang sâu sinh sống. "Nữ động chủ" quanh năm ngồi tụng kinh tu luyện. Dồn công dồn của để xây dựng, tu sửa, hang động hoang vu, trái núi xác xơ kỳ bí thành một kỳ quan đặc biệt và không ít điều kỳ lạ. Những tháng ngày tu luyện trong động Tiên, nhiều lúc bà ngủ thiếp đi và gặp những giấc mơ rất kỳ lạ. Bà mơ thấy 7 món cổ vật, khi tỉnh dậy bà còn nhớ như in hình dáng, hoa văn thậm chí những chỗ sứt mẻ trên cổ vật ấy. "Khi đó tôi nghĩ chỉ là giấc mơ nên không quan tâm gì"- bà Minh nói.

Năm 2009, bà Minh cùng nhân dân mở đường lên đỉnh núi, đúng ngày động thổ xuất hiện 8 con rắn lớn, cứ nối đuôi nhau bò lên, bò xuống. Mọi người hoảng loạn, người dùng cuốc xẻng đánh đuổi, người toan bỏ đi nhưng bà Minh cản lại. Sau một hồi trò chuyện với những con rắn lạ, rắn đã không tấn công mọi người. Điều đặc biệt 8 con rắn này cứ bò dần lên đỉnh núi mở đường cho mọi người. Khi đến đỉnh 8 con rắn chui xuống 1 hang động rất sâu. Đột nhiên  con rắn với 5 màu khác nhau lại xuất hiện.

Một lần nữa bà Minh lại ổn định tinh thần mọi người và nói mọi người vẫn làm việc bình thường. Một người đàn ông to khỏe đâm xà beng vào cạnh con rắn bỗng lộ ra 2 hòn đá hình bàn chân người, với đủ 5 ngón và 1 viên đá hình bàn tay. "Những hình thù này rất giống như thể được ai đó đẽo gọt. Tôi đưa bàn tay mình ướm vào bàn tay đá thì vừa như in". Trong quá trình đào đường, mọi người lại tiếp tục đào được 1 con kỳ nhông đá nặng khoảng 60kg, chiếc lư hương và hòn đá có chữ Thiên lồng vào chữ Vương. "Tôi thấy lạ bèn đem ra Viện Hán Nôm thì được kết luận đây là chữ Nho" - bà Minh thuật lại.

"Động tiên mới chính là nhà của tôi”.

Từ đó giấc mơ về 7 cổ vật ngày càng hiện hữu rõ ràng hơn. Như có điều gì thôi thúc bà phải tìm cho kỳ được những cổ vật này. Vào một trưa nắng, khi ngồi thiền trong động Tiên, bà Minh có nghe tiếng người qua lại, bà có hỏi thì được người này giới thiệu quê quán, họ tên đồng thời không quên khoe có chồng chuyên mua bán đồ cổ và hiện có nhiều đồ quý giá. Bỗng nhiên bà Minh thấy lạnh trong người, hình ảnh những cổ vật lại hiện lên rõ mồn một. Bà Minh tự dưng buột miệng nói với người phụ nữ: "Có phải chồng chị đang giữ một "ông cóc" bằng đồng và có chiếc lư hương cổ?".

Bà Minh tả đúng từng chi tiết, từ màu sắc cho đến những vết sứt mẻ. Người phụ nữ vô cùng kinh ngạc và thú nhận chồng mình đang giữ 1 con cóc và 1 chiếc lư hương cổ. Chiếc lư hương chồng của người phụ nữ này mua cách đó hàng chục năm với giá 6 triệu đồng. Sau đó thấy gia đình lủng củng, hai vợ chồng đã cung tiến cho chùa Trường Yên nhưng nhà chùa không nhận. Chính vì nói quá đúng về chiếc lư hương và tượng con cóc đồng nên ngay ngày hôm sau, bà Minh được gia đình người buôn đồ cổ mang đến tận nơi tặng để thờ cúng.

Cứ như thế các cổ vật còn lại tự tìm về động Tiên, núi Cóc. Ban đầu là chiếc đỉnh đồng, chiêng đồng, chuông đồng, chùm cau đồng cuối nghê đá. Những báu vật này chủ yếu nằm trong tay những người buôn đồ cổ quanh vùng. Họ đều không bán, không cho ai được, thậm chí sở hữu nó khiến gia đình lủng củng và gặp rất nhiều chuyện không may mắn. Điều đặc biệt nhất những cổ vật này đều xuất hiện trong mơ của "nữ động chủ" và khi được hỏi về hình dáng bà Minh có thể kể ra vanh vách. Cho đến nay bà Minh vẫn chưa thể giải thích lý do tại sao lại có những giấc mơ kỳ diệu đến như vậy. 

Ông Lê Hữu Toán, Chủ tịch UBND xã Liên Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình: Việc làm của bà Minh xuất phát từ cái tâm. Theo như chúng tôi biết thì số tiền bà Minh đầu tư vào xây dựng chùa và bảo tồn hang động đã lên tới hơn chục tỉ. Trước bà Minh là doanh nhân, có cả một hệ thống cây xăng nhưng vì cái tâm của mình nên bà đã dồn hầu hết tiền bạc vào việc xây dựng chùa và động ở Liên Sơn. Nếu không có bà Minh thì di tích đó không thể được như ngày hôm nay. Chính quyền địa phương quan sát thì không hề có hoạt động mê tín dị đoan nào diễn ra ở đây. Việc làm của bà Minh được bà con trong vùng đánh giá rất cao.

Phong Anh
.
.
.