Người mẹ đơn thân nuôi con bằng… chân

Thứ Sáu, 21/08/2020, 08:00
Sinh ra đã không có tay, một chân tật nguyền, chị Trần Thị Cậy (Sóc Sơn, Hà Nội) đã tự tập luyện để sử dụng đôi chân làm mọi việc thành thạo. Và rồi, chị đã quyết định vượt qua mọi khó khăn, định kiến để làm mẹ đơn thân, nuôi con bằng đôi chân tật nguyền.


1.Nhiều năm nay, thôn Lương Đình sống dựa vào nghề thu gom rác, họ bám vào bãi rác Nam Sơn để kiếm tiền. Đời sống của người dân có thay đổi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Ngôi nhà chị Cậy lợp ngói đỏ, chưa được sơn sửa nằm ngay dưới chân đồi. Thấy người lạ, chị Cậy khó nhọc vịn một bên cánh tay cụt vào thành giếng, bước ra phía hiên nhà mời chúng tôi vào nhà.

Chị Cậy không giấu được vẻ ngạc nhiên, bởi cả năm cũng chả có người lạ qua lại ngôi nhà lụp xụp của hai mẹ con. Khi chúng tôi đến chị Cậy đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho hai mẹ con. Nhìn cách mà chị Cậy nấu cơm, chăm con bằng đôi chân khiến chúng tôi không khỏi ái ngại nhưng vô cùng nể phục. Lấy chân múc gáo nước trong thùng, chị đổ vào nồi thức ăn đang sôi trên bếp, rồi kẹp đôi đũa vào ngón chân để đảo qua đảo lại. Bữa cơm đã xong, hai món đơn giản được bày ra, chị Cậy vừa dùng chân xúc cơm cho con vừa nói: "Tôi có mơ cũng chả dám nghĩ mình lại có ngày hôm nay. Dù sao tôi cũng còn may mắn hơn rất nhiều người".

Chị Cậy hạnh phúc bên con trai.

Chị Cậy bảo, cuộc đời chị đã nhiều thiệt thòi lại còn phải chịu sự dè bỉu của người đời. Ngày chị sinh ra, mọi người trong làng, trong xã nhìn chị như một vật thể lạ ở nơi khác đến. Hơn ba mươi năm về trước, người dân thôn Lương Đình tò mò kéo đến nhà đôi vợ chồng để tận mắt trông thấy con gái họ chào đời với thân hình dị tật. Cô bé ấy là chị Cậy, không tay và đôi chân dị tật. Không chỉ làng xóm mà cả người thân cũng khuyên bố mẹ chị bỏ đi vì có nuôi lớn cũng chỉ là gánh nặng cho gia đình.

Thế nhưng, đôi vợ chồng trẻ khi ấy đã bỏ tất cả ngoài tai, quyết giữ con lại và chăm sóc con bằng cả tình yêu thương và sự chở che. "Tôi thiệt thòi nhất trong 4 chị em, các em đều có đầy đủ chân tay, còn tôi thì không. Ngày ấy động lực để tôi sống có lẽ là tình thương yêu của bố mẹ". Chị Cậy tâm sự.

Dù không có tay, chân đi tập tễnh nhưng Cậy luôn tỏ ra là một cô bé giàu nghị lực, thương các em. Do tật nguyền nên Cậy tự nguyện không đến trường mà ở nhà trông các em để bố mẹ đi làm. Mới chỉ 6 tuổi nhưng Cậy đã không muốn mình là gánh nặng cho bố mẹ, những việc cá nhân chị cố gắng tự làm. Cô bé không tay ấy bắt đầu học làm mọi việc bằng chân như cầm thìa cơm, vo gạo, quét nhà… Chị nhớ lại: "Khi học cầm thìa, hạt cơm vung vãi khắp nơi, các ngón chân đau mỏi như chuột rút nhưng tôi không dám bỏ cuộc. Một lần không cầm được, tôi kiên trì làm đi làm lại trăm lần. Dần dần, tôi cũng thành thạo".

Nhìn đứa con nhỏ đang ăn trưa, chị Cậy không cầm được nước mắt: "Nhờ có nỗ lực khi còn trẻ mà bây giờ tôi mới có thể tự nấu bột, bón cho con ăn, thậm chí tắm rửa, thay quần áo. Cháu chính là nguồn sống để tôi có thể làm được những việc tưởng chừng không thể. Trời sinh ra đã thế rồi nên tôi buộc phải nghĩ cách để làm được mà không cần ai dạy. Giờ muốn quét nhà, tôi kẹp chổi vào nách. Ngoài ra, tôi cũng rửa bát, lau bàn, giặt quần áo, nấu nướng... bằng chân, còn cánh tay cụt này dùng để di chuyển đồ vật".

2. Dù cơ thể không lành lặn, nhưng chị Cậy chưa bao giờ thôi khao khát được làm mẹ, được yêu thương, chăm sóc con trẻ. Năm chị 33 tuổi, chị và một người đàn ông cùng làng cảm mến nhau, mối tình chóng vánh ấy đã để lại cho chị một bào thai bé nhỏ trong bụng, nhưng người đàn ông ấy thì bỏ mặc chị khi đứa con còn chưa chào đời.

Con trai chính là động lực để chị Cậy vượt qua mọi khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống.

Bố mẹ vốn thương chị thiệt thòi, nay lại mang thai mà không có chồng đỡ đần nên khuyên con gái đi viện bỏ thai. Thế nhưng, chị Cậy vẫn kiên quyết giữ lại, chấp nhận trở thành mẹ đơn thân. Chị bảo, con cái chính là món quà tuyệt vời nhất mà ông trời ban cho chị, chị không thể nhẫn tâm từ bỏ.

Một người phụ nữ có chồng, cơ thể bình thường đã khó khăn, với chị Cậy thì những tháng ngày mang bầu còn khó khăn, vật vã hơn nhiều. Chị kể, khi đi đẻ phải nhờ tận 4 người thân đi theo cùng, ra đến viện bác sĩ còn sợ phải chuyển chị lên tuyến trên. "Khi ấy, tôi không có tiền nên nhất quyết xin ở lại rồi được chỉ định sinh mổ. Bác sĩ lo lắng bởi tôi không có tay để tiêm, truyền nước hay tiếp máu. Cuối cùng, mọi chuyện cũng qua". Chị Cậy kể lại.

Thế rồi, khoảnh khắc nghe tiếng đứa con mình khóc chào đời, chị đã bật khóc ngỡ mình đang nằm mơ, chị ấp đầu con vào ngực cảm nhận niềm hạnh phúc khi được làm mẹ. Có lẽ, giây phút ấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị.

Tháng đầu sau sinh, chị được bà ngoại và các em gái hỗ trợ. Thời gian sau, hai mẹ con cũng học dần cách tự lo liệu, chăm sóc lẫn nhau. Chị cho hay, chị phải học thêm kỹ năng cho con bú. Nhiều lúc con khóc tìm hơi mẹ, chị phải sử dụng khuỷu tay đỡ con dậy. Sau đó, chị nhích từng chút một đến khi áp được đầu con vào ngực. Thậm chí có lúc con háu đói, chị bất lực nhìn mà tủi thân, thương con.

Dù sinh ra không lành lặn nhưng chị Cậy luôn được cha mẹ yêu thương nhất mực.

Giờ bé Minh Khôi đã tròn 2 tuổi, rất bện mẹ và nghe lời. Con biết cách tự chơi mỗi khi mẹ bận làm, thấy mẹ đi lại khó khăn cũng "xung phong" lấy giúp mẹ những đồ lặt vặt như: bát đũa, quần áo…

Hàng tháng, mẹ con chị Cậy đều sống dựa vào tiền trợ cấp gần 1 triệu đồng của nhà nước. Số tiền ấy, chị chia thành nhiều phần nhỏ, phần mua sữa cho bé Khôi, khoản chi tiêu hàng ngày và cố gắng tiết kiệm vài trăm. "Tôi tự trồng rau ăn, vừa tiết kiệm vừa đảm bảo  sức khỏe. Thi thoảng, tôi mua 1-2 lạng thịt nấu cháo cho thằng bé ăn để có đủ chất". Chị Cậy lạc quan.

Ngoài ra, chị tranh thủ gửi con cho bà ngoại đi chăn bò và làm những việc lặt vặt trong xóm để kiếm thêm thu nhập. Nhắc đến ước muốn trong tương lai, chị Cậy bày tỏ: "Tôi ước năm nào bò cũng đẻ con bê để hai mẹ con có thêm cái ăn cái mặc. Tương lai phía trước còn khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng vì con. Tôi không có đôi bàn tay nhưng trời vẫn thương, cho đôi chân lành lặn để đi lại, làm việc".

Ngôi nhà còn thiếu thốn nhiều thứ, nhất là thiếu người đàn ông, người đàn bà tật nguyền ấy vừa phải làm bố, vừa làm mẹ. Chị bảo, khi thì phải cứng rắn, lúc lại phải mềm mỏng với con. Dù thương con nhưng cũng không thể nuông chiều được. Khôi già dặn hơn so với tuổi và đã có thể tự lo nhiều việc cho mình.

Trái hẳn với những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, khi kể về bố đứa bé, chị Cậy dành những lời trân trọng nhất. Chị tâm sự, anh không bỏ mặc con mà vẫn thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm và hàng năm gửi tiền hỗ trợ, dù không nhiều. Anh hiện đã có gia đình và chị không muốn cuộc sống của người cũ bị ảnh hưởng. Chị không oán giận, đòi hỏi mà chỉ nghĩ vì hoàn cảnh nên hai người không đến được với nhau.

Khép lại cuộc trò chuyện với người mẹ đơn thân "đặc biệt" ấy cũng là lúc cậu bé đang ngon giấc trong vòng chân mẹ! Tôi tin rằng, với đôi chân ấy, chị Cậy có thể đưa cậu con trai bé nhỏ đi khắp thế gian, nuôi dạy lớn khôn và trưởng thành.

Phong Anh
.
.
.