Nguyên mẫu bức tranh "Nàng Mona Lisa" là người đồng tính ?

Thứ Sáu, 17/06/2016, 11:14
Trước nay, người ta vẫn tin rằng, người mẫu cho bức tranh của nàng Mona Lisa là vợ của một lái buôn lụa người Florentina. Tuy nhiên, theo sử gia nghệ thuật của Italia Silvano Vinceti, nguyên mẫu của bức tranh này thực ra là một người đàn ông có quan hệ tình ái với thiên tài Leonardo Da Vinci.


Bí ẩn mối tình đồng tình

Silvano Vinceti hiện là người đứng đầu nhóm nghiên cứu mang tên Uỷ ban quốc gia về di sản văn hóa của Italia. Trong lần tới thăm quan và kiểm tra lại bức tranh "Nàng Mona Lisa" đang được treo trong bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp, ông đã đưa ra giả thuyết rằng, khuôn mặt của nàng Mona Lisa có thể không phải là phu nhân Lisa Gherardini mà mọi người vẫn hay nói đến mà là một người đồng tính có tên gọi là Gian Giacoma Caprotti, hay còn được biết đến với biệt danh Salai. 

Ông Silvano Vinceti khẳng định, việc nghi ngờ Gian Giacoma Caprotti là nguyên mẫu của bức tranh "Nàng Mona Lisa" đã được ông đưa ra từ hồi tháng 11 dựa trên những phân tích mang tính khoa học, tính nghệ sĩ và cả niềm tin triết học của thiên tài Leonardo Da Vinci. 

Silvano Vinceti cùng với các đồng nghiệp đang khai quật ngôi mộ được cho là của "Nàng Mona Lisa". ảnh: Reuters.

Lần này, sau 5 năm tìm kiếm thêm nhiều thông tin và bằng chứng mới, Silvano Vinceti đã thẩm định tranh một lần nữa bằng tia hồng ngoại. Ông cho biết, mũi, trán và nụ cười của Mona Lisa giống một cách kinh ngạc nhiều bức tranh khác của Leonardo Da Vinci. 

Theo mô tả của Giorgio Vasari, một họa sĩ đương đại đồng thời là người ghi chép sử biên niên của các nghệ sĩ Phục hưng, Gian Giacoma Caprotti đến nhà Leonardo Da Vinci vào khoảng năm 1490, khi mới 10 tuổi và làm trợ lý cho danh họa trong 26 năm sau đó, được đặt biệt danh là Salai. 

Gian Giacoma Caprotti là một anh chàng xinh trai, có mái tóc quăn thuộc tuýt mẫu chuẩn của thời đó. Trong nhiều tác phẩm của mình, trong đó có cả các bức tranh nổi tiếng như St. John the Baptist hay Angel Incarnate, Leonardo Da Vinci đã thể hiện xuất sắc hình ảnh của chàng Salai này. 

Dựa trên những nhận xét này của họa sĩ Giorgio Vasari, Silvano Vinceti miêu tả rằng, mối quan hệ giữa danh họa và chàng giúp việc không hề là quan hệ công việc đơn thuật mà thực chất họ là người tình của nhau. Thậm chí, sau này, khi qua đời năm 1519, Leonardo Da Vinci đã di chúc để lại cho Gian Giacoma Caprotti thừa kể bức tranh La Gioconda (hay còn gọi là "Nàng Mona Lisa).

Một thông tin khá thú vị về Leonardo Da Vinci khiến cho Silvano Vinceti ngày càng củng cố thêm quan điểm của mình là việc các nhà sử học cho rằng, danh họa này là một người đồng tính. 

Soeur Wendy Beckett trong cuốn "Lịch sử hội họa" đã đánh giá Leonardo Da Vinci là "Một trí tuệ toàn năng tuyệt đối. Thiên nhiên gần như đã dồn cho ông quá nhiều rộng lượng, trong đó có vẻ đẹp tuyệt vời, tiếng nói hoàn hảo, thân hình tuyệt mỹ, thiên tài toán học, tính táo bạo khoa học. Người đời ngưỡng mộ ông như một họa sĩ vĩ đại và theo đuổi ông như một nhạc sĩ tài ba.... Nhưng người họa sĩ ấy suốt đời sống trong cô độc. Đàn bà ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi đã không cho ông cơ hội tìm thấy tình yêu". 

Soeur Wendy Beckett lý giải rằng, sự thiếu vắng tình yêu phụ nữ trong Leonardo Da Vinci bắt nguồn từ việc ông là một đứa con hoang, ít khi được gặp mẹ và lại sống trong một thế giới chỉ có đàn ông. Năm 16 tuổi, khi được cha đưa đến học vẽ tại xưởng của thầy Andrea Del Verrochio tại Florence, Leonardo Da Vinci lại dính "nghi án" có quan hệ đồng tính luyến ái với thầy. 

Năm 20 tuổi, trong thời gian vẽ theo nguồn cảm hứng riêng, danh họa này đãvẽ rất nhiều về bộ phận sinh dục nam với đủ hình dạng, thậm chí viết luận văn về nó, nhưng chỉ có đúng hai lần ông vẽ về bộ phận sinh dục nữ… Cũng chính vì những tác phẩm quá ư đặc biệt này nên Leonardo Da Vinci đã bị điệu ra tòa vì tội đồng tính luyến ái nam nhưng được thả ra vì không đủ bằng chứng. 

Đến năm 1476, danh họa còn bị buộc tội cùng với 3 người đàn ông khác đã có quan hệ tình dục với một mẫu nam 17 tuổi tên là Jacopo Saltarelli. Sau 2 tháng trong tù, một lần nữa Leonardo Da Vinci được tuyên bố vô tội vì không có người làm chứng… Silvano Vinceti nhấn mạnh: "Salai là một trong những người mẫu ưa thích của Leonardo Da Vinci. Chắc chắn ông đã đưa những đặc điểm của Salai vào trong "Nàng Mona Lisa".

Và giả thuyết về 2 khuôn mặt

Trong khi đó, Martin Kemp, GS danh dự về lịch sử nghệ thuật thuộc trưởng Đại học Trinity, người đang viết cuốn sách "Mona Lisa: The People and the Painting" (tạm dịch là "Nàng Mona Lisa: Con người và bức tranh") thì cho rằng, có 2 khuôn mặt trong bức tranh "Nàng Mona Lisa". Một là bà Lisa Gherandini, người đã kết hôn với nhà buôn giàu có Francesco del Giocondo và khuôn mẫu thứ hai là Gian Giacoma Caprotti. 

Martin Kemp cho rằng, Leonardo Da Vinci đã dành nhiều năm cho "Nàng Mona Lisa" nên bức tranh chịu nhiều ảnh hưởng và nguồn cảm hứng khác nhau. Và vì thế nó cũng phải được hiểu theo nhiều tầng nghĩa khác nhau chứ không chỉ dừng lại ở một chân dung". 

Nhóm nghiên cứu của TS Philippe Walter thì công bố trên tạp chí khoa học Angewandle Chemie phát hiện mới của họ về việc Leonardo Da Vinci đã tạo tới 40 lớp nước men cực mỏng không vượt quá 40 micro mét (tương đương với một nửa kích thước của một sợi tóc) để đạt được hiệu ứng khói mang tên sfumato trên bức tranh "Nàng Mona Lisa". Các men được trộn với chất tạo màu khác nhau rất khéo léo sao cho chúng chỉ tạo ra màu sắc hơi mờ và nét tối ở miệng của Mona Lisa làm cho người xem khi nhìn bức tranh ở tư thế đối diện trực tiếp sẽ hầu như không thấy được nụ cười của nàng Mona Lisa.

Nhà nghiên cứu người Pháp Pascal Cotte đã dành 10 năm để tìm hiểu về "Nàng Mona Lisa). ảnh: news.artnet

Pascal Cotte, một nhà khoa học kiêm đồng sáng lập công ty Lumiere Technology ở Paris (Pháp), người chuyên số hóa các tác phẩm nghệ thuật thông qua ảnh chụp đa phổ thì khẳng định, phía sau nàng Mona Lisa xinh đẹp trong kiệt tác là chân dung một phụ nữ hoàn toàn khác. Đặc biệt, người phụ nữ này không ở trong tư thế nhìn thẳng và mỉm cười như nàng Mona Lisa nổi tiếng mà nhìn về một phía. 

Pascal Cotte đã chứng minh giả thuyết của mình bằng việc sử dụng kỹ thuật mang tên phương pháp khuếch đại lớp (LAM) để phân tích bức tranh "Nàng Mona Lisa". Ông cho biết, suốt 10 năm qua ông đã dùng kỹ thuật này để phân tích bức tranh và rằng kỹ thuật LAM có thể xuyên sâu hơn xuống bên dưới các lớp vẽ. 

Pascal Cotte nói: "Nay chúng tôi có thể phân tích chính xác những gì bên trong các lớp màu và có thể tách từng lớp như bóc vỏ hành vậy. Chúng tôi có thể dựng lại theo trình tự thời gian bức tranh đã được sáng tạo như thế nào. Khi tôi hoàn thành việc tái dựng chân dung Lisa Gherardini, tôi thấy trước mặt mình là một bức chân dung hoàn toàn khác với chân dung Mona Lisa mà chúng ta biết ngày nay. Nó không phải là cùng một phụ nữ". Cũng theo lời của nhà khoa học này thì ông đã thấy thêm hai hình vẽ khác bên dưới chân dung Mona Lisa.

GS Timoti Van ở Đại học Maryland (Mỹ) thì lại cho rằng: nguyên mẫu cho bức tranh này không ai khác chính là Leonardo Da Vinci. Vị giáo sư này đã đưa ra kết luận trên sau khi so sánh những nét tương đồng giữa chân dung của Mona Liza và Leonardo Da Vinci và rằng danh họa này là một người đồng tính. 

Theo phân tích của vị giáo sư này, nếu sử dụng cách đánh giá theo quy chuẩn tướng số phương Đông, khuôn mặt của nàng Mona Lisa không thể là của... phụ nữ. Và ở thời điểm đó, nụ cười giống như nàng Mona Lisa có trong bức ảnh chỉ có thể từ đàn ông. 

Từ cách lý giải của GS Timoti Van, những người trước này từng nghi ngờ về giới tính thực của danh họa Leonardo Da Vinci cũng ủng hộ quan điểm rằng bức chân dung "Nàng Mona Lisa" thực chất là bức ảnh tự họa sau khi danh họa này trang điểm và tự soi gương vẽ mình. Một số ý kiến khác lại cho rằng, sở dĩ có sự giống nhau giữa nàng Mona Lisa và Leonardo Da Vinci là do nguyên mẫu chính là... mẹ của ông.

Chu Nguyễn
.
.
.