Nhật Bản:

Tỷ lệ người chết cao hơn sinh khiến dịch vụ đám tang phát tài

Thứ Năm, 14/01/2016, 10:00
"Tôi muốn phát triển các sản phẩm của chúng tôi vì tại đây có gần 1,2 triệu người chết mỗi năm" - ông Koichi Fujita, đại diện của một công ty bán tấm lót và gối dùng trong quan tài cho biết. Số liệu mà ông Koichi Fujita nắm được cũng đã lỗi thời vì năm ngoái tại Nhật Bản đã phải chào từ biệt với 1,3 triệu công dân và đón 1 triệu trẻ em chào đời. 


WP hồi cuối tháng 12/2015 cho biết, Nhật Bản có dân số già hóa cao nhất thế giới. Hơn 1/4 dân số nước này ở độ tuổi 65 trở lên và Bộ Y tế dự đoán, tỷ lệ này sẽ chạm 40% vào năm 2060. Nhiều nhà khoa học dự đoán, với tỷ lệ sinh như hiện nay, vài thập kỷ tới dân số Nhật biến mất khỏi trái đất. Nhà khoa học Midori Kotani của Viện Nghiên cứu cuộc sống Dai-ichi cho biết: "Chính phủ ước tính năm 2038, Nhật Bản sẽ có 1,68 triệu người tử vong mỗi năm. Vì vậy, không ít người thấy trước những cơ hội kinh doanh ở đây".

Một buổi triển lãm quan tài tại Hội chợ Endex, Tokyo. Mọi người có thể tới thăm và tìm phương án cho mình.

"Tôi muốn phát triển các sản phẩm của chúng tôi vì tại đây có gần 1,2 triệu người chết mỗi năm" - ông Koichi Fujita, đại diện của một công ty bán tấm lót và gối dùng trong quan tài cho biết. Số liệu mà ông Koichi Fujita nắm được cũng đã lỗi thời vì năm ngoái tại Nhật Bản đã phải chào từ biệt với 1,3 triệu công dân và đón 1 triệu trẻ em chào đời.

Trong guồng quay của xã hội công nghiệp với đầy áp lực, người Nhật Bản ngại sinh con, nên ở xứ sở mặt trời mọc có số người tử vong nhiều hơn số trẻ sinh ra mỗi năm. Cũng bởi vậy, các công ty đang tìm cách kiếm tối đa hóa lượng tiền mà người dân chi cho hậu sự của mình, từ việc chuẩn bị di chúc cho tới lựa chọn quan tài để đưa tro xương người quá cố rải vào không gian hay biến thành kim cương.

Công ty của ông Fujita là một trong nhiều doanh nghiệp tham gia chào hàng tại hội chợ Endex. Đây là hội chợ phục vụ hậu sự của con người diễn ra tại một trung tâm triển lãm lớn ở Tokyo. "Cuộc sống của người Nhật rất gần gũi với những tấm thảm tatami và nhiều người nói rằng, họ cũng muốn chết trên tấm thảm đó.

Triển lãm bình đựng tro cốt trong đám tang.

Hiện nhiều người qua đời trong bệnh viện, do vậy ít nhất họ cũng muốn có thảm tatami trong quan tài của mình khi về thế giới bên kia" - ông Fujita đề cập tới những tấm thảm rơm trải sàn trong các gia đình truyền thống Nhật Bản. Tại hội chợ Endex đầu tiên, đã có hơn 200 công ty tham gia thị trường ước tính doanh thu lên tới 41 tỉ USD này.

Dịch vụ quanh các đám tang vô cùng phong phú, từ cà phê phục vụ người dự tang lễ đến lò hỏa táng thú cưng di động phục vụ tại nhà. Với một chú chó nặng khoảng 9kg, người Nhật sẽ mất 300 USD và chờ một giờ để làm lễ hỏa táng nhỏ. Chi phí sẽ rẻ hơn nếu thú cưng là một chú chuột cảnh.

Đối với những người chọn hình thức hỏa táng, công ty Heart in Diamond đã đưa ra dịch vụ biến tóc hoặc tro xương của một người quá cố thành đá quý. Với mức giá từ 3.000 USD tới 20.000 USD, khách hàng có thể chọn cho ra sản phẩm kim cương các màu cam, xanh lục, xanh lá với đủ kích cỡ.

Mặt hàng "trang sức tưởng niệm" rất hấp dẫn với phụ nữ Nhật còn bởi những ai đã lập gia đình sau khi mất sẽ được chôn cất với gia đình bên chồng, do đó đeo trang sức có chứa tro cốt là một cách được gần gũi với gia đình ruột thịt. Một trong số 22.000 khách tham quan triển lãm về tang lễ là bà Mariko Saito, một góa phụ đã 68 tuổi sống ở Tokyo.

Bà nói: "Tôi không muốn được chôn cất ở chỗ chồng mình vì tôi không có quan hệ tốt với gia đình chồng. Tôi tính xem sẽ làm gì với hậu sự của mình". Những người làm kinh doanh ngành này cần chăm sóc những khách hàng như bà Saito, họ phải sáng tạo và nghĩ ra cách kiếm tiền vì như ông Kotani của viện Dai-ichi đã nói: "Nói cho cùng thì ai cũng chỉ chết một lần thôi".

Cao cấp hơn, ông Hirohisha Deguchi của công ty Galaxy Stage cho biết, tro người chết có thể được đưa vào quỹ đạo trên một vệ tinh và gia đình người quá cố sẽ theo dõi được bằng hệ thống định vị GPS trong vòng 240 năm với mức giá 8.000 USD. Dịch vụ xa xỉ hơn nữa là để lại tro trên mặt trăng với chi phí 21.000 USD.

Tuy nhiên, theo ông Kotani, mặc dù số người chết luôn tăng lên nhưng số tiền mà người dân chi cho lễ tang và các chi phí khác tương tự lại đang giảm dần nên những người kinh doanh phải tìm cách thu được tối đa lượng tiền chi cho mỗi đám tang.

Trường Minh - L.K (tổng hợp)
.
.
.