Nhiều nông dân Ấn Độ đòi treo cổ hoặc tự thiêu vào ngày trọng đại

Thứ Năm, 20/08/2015, 14:00
Khoảng 25.000 nông dân ở thị trấn Mathura thuộc bang Uttar Pradesh - Ấn Độ vừa viết thư cho Tổng thống Pranab Mukherjee "xin" tự tử vào những ngày trọng đại. Nếu tính cả nước Ấn Độ thì số nông dân tự tử trong năm 2013 là 11.772 người- theo dữ liệu của chính phủ. Tình trạng nông dân tự tử không phải là hiếm ở Ấn Độ. Hàng ngàn người đã kết liễu đời mình trong vài thập kỷ qua với nhiều lý do khác nhau.

Đấu tranh 17 năm chưa được đền bù

Trong lá thư, những nông dân này nói rằng, nếu chính phủ không có những động thái can thiệp kịp thời, họ sẽ treo cổ hoặc tự thiêu. Nguyên cớ của việc đòi tự tử hàng loạt là vì họ đã đấu tranh suốt 17 năm để đòi bồi thường từ chính phủ cho diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng do việc xây dựng cầu Gokul Barrage nối giữa Mathura và đô thị Gokul qua sông Yamuna. Họ đã chờ dài cổ khoản tiền đền bù khoảng 80 triệu bảng Anh cho 700 ha đất canh tác bị ngập nước vào năm 1998. Nhiều cuộc biểu tình của nông dân bị cảnh sát trấn áp không thương tiếc, thậm chí đã nổ súng hồi năm ngoái.

Những người nông dân này đã gửi thư qua Bharatiya Kisan Sangh, một trong số nhiều chi nhánh của tổ chức phi chính phủ Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS). RSS chính là tổ chức cố vấn tư tưởng của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) cầm quyền.

Những người đàn ông trèo lên cây ngăn ông Gajender Singh tự tử nhưng không thành.

"Hồi tháng 2, khi những người nông dân bắt đầu biểu tình bằng cách ngồi trước cửa cơ quan chính phủ, giới chức hứa hẹn sẽ xử lý vấn đề này trong vòng 1 tháng nhưng đến nay hứa vẫn chỉ là hứa. Không chỉ vậy, một số người biểu tình còn bị buộc tội hôi của oan" - Kunwar Nishad, đại diện của tổ chức RSS, chia sẻ với báo The Times of India.

Trước áp lực mới nhất từ số đông nông dân, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm xoa dịu cơn giận dữ của họ. Đại diện thị trấn Mathura, thẩm phán Rajesh Kumar cho biết: "Chính quyền bang đã sẵn sàng trả thêm tiền bồi thường gấp 4 lần cho nông dân. Số tiền này sẽ được cấp sớm thôi".

Tự tử để thoát nợ

Ông Gajender Singh, một nông dân đến từ bang Rajasthan đã treo cổ tự tử trên cây ngay tại một cuộc biểu tình ở thủ đô New Delhi mới đây. Người ta nhanh chóng đưa ông Singh đến bệnh viện nhưng ông qua đời ngay sau đó. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, ông bố 3 con này kể cuộc sống gia đình mình lâm vào cảnh bế tắc vì mất mùa.

Theo Reuters, ông Singh là một trong số hàng chục nông dân vướng phải cảnh nợ nần nên đã tự tử trong những tuần gần đây. Họ ngày càng cùng quẫn vì một loạt nghịch cảnh, từ mùa màng hư hại, giá nông sản xuống thấp đến chi phí mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu không ngừng tăng cao, buộc nông dân phải vay tiền để duy trì sản xuất.

 Kết cục bi thảm của họ đang gây sức ép lên Thủ tướng Narendra Modi, người bị chỉ trích là không làm gì để giúp đỡ nông dân sau khi mưa trái mùa và mưa đá làm hư hại gần 10 triệu ha đất trồng tại hơn 14 bang của Ấn Độ.

Mới đây, ông Modi đã nâng tiền đền bù cho mùa màng thất bát và giảm bớt rào cản để nông dân dễ nhận tiền đền bù hơn. Tuy nhiên, động thái này chưa đủ xoa dịu sự tức giận của nông dân, nhất là khi chính quyền ông Modi đang tìm cách thúc đẩy một dự luật tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng thu mua đất nông nghiệp.

Vụ tự tử của nông dân Singh diễn ra ngay tại cuộc biểu tình do Đảng chống tham nhũng Aam Aadmi (AAP) đối lập tổ chức. Tại đây, ông Arvind Kejriwal, thủ lĩnh AAP, cáo buộc dự luật nêu trên "có lợi cho nhà giàu" và "chèn ép nông dân". Trước đó, trong cuộc biểu tình khác do Đảng Quốc đại (INC) đối lập tổ chức, Phó Chủ tịch INC Rahul Gandhi cáo buộc các chính sách của ông Modi là "ủng hộ giới công nghiệp và chống lại nông dân".

Thủ tướng Modi đã bác bỏ những cáo buộc này. Mới đây, ông Modi đã hối thúc mọi đảng phái chính trị ở Ấn Độ chung tay cứu nông dân khỏi "dịch" tự tử tồn tại nhiều năm qua do mùa màng thất bát.

Tại bang Maharashtra, đông dân thứ hai của Ấn Độ, nông dân không chỉ đối mặt với bi kịch mùa màng bị hư hại bởi mưa trái mùa vào đầu năm nay, mà còn vấp phải một thực tế phũ phàng khác: việc bông được mùa vào năm ngoái khiến giá sản phẩm này tụt thê thảm trong lúc chi phí thu hoạch lại tăng. Hậu quả là nhiều người mất thu nhập hoặc mắc nợ nhưng vẫn phải vay thêm tiền để tiếp tục trồng trọt.

Vùng Vidarbha ở miền Đông bang Maharashtra nổi tiếng là "trung tâm" của cuộc khủng hoảng tự sát. Theo một con số thống kê, khoảng 2.900 nông dân ở khu vực này đã tự sát kể từ năm 2013. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, con số này là hơn 500 người…

Trường Vân (tổng hợp)
.
.
.