Những chiếc cầu không chỉ dùng để đi

Thứ Tư, 04/12/2019, 10:10
Với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, cùng với những ý tưởng tuyệt vời của các kỹ sư, rất nhiều những cây cầu độc đáo ra đời, chúng không chỉ được sử dụng làm đường đi, mà còn trở thành địa điểm du lịch hút khách. Hãy cùng Chuyên đề CSTC khám phá một vài cây cầu không chỉ dùng để đi này.


Cầu Ponte Vecchio, Ý

Ponte Vecchio được xây dựng từ thời La Mã và là cây cầu lâu đời nhất ở Florence. Điểm đặc biệt của cây cầu này chính là những ngôi nhà được xây dựng trên cầu.

Ban đầu những ngôi nhà này được sử dụng làm khu chợ, nhưng đến năm 1593 do rác của các cửa hàng này quá nhiều gây ô nhiễm nên về sau chỉ có các thợ kim hoàn sử dụng để tránh rác thải. Hiện nay, hầu hết các cửa hàng ở đây đều bán trang sức, từ hiện đại giá cả phải chăng tới những món đồ cổ đắt tiền.

Cầu Covered Bridge, Bulgaria

Cầu Covered.

Cầu Covered Bridge bắc qua sông Osam, nối liền các thị trấn cổ và mới của thị trấn Lovech, được coi là biểu tượng dễ nhận biết nhất của thị trấn. Mặc dù đã bị phá hủy 2 lần vào năm 1872 do lũ lụt và bị hỏa hoạn vào năm 1925, Covered Bridge hiện nay được tái thiết theo thiết kế của kỹ sư Kolyo Ficheto có chiều dài 106m, là một trung tâm mua sắm thu nhỏ, gồm 14 cửa hàng dọc trên cây cầu.

Cầu Magdeburg, Đức

Cầu Magdeburg.

Nằm bên dòng sông Elbe yên bình và thơ mộng, cầu Magdeburg được xây dựng nối hai kênh đào Elbe-Havel và Mittelland, rút ngắn thời gian di chuyển cũng như khoảng cách qua lại giữa 2 kênh này từ 12km xuống còn dưới 1km, giúp tàu thuyền vượt sông Elbe nhanh chóng và thuận tiện hơn. 

Được xây dựng từ 24.000 tấn thép và 68.000 m3 bê tông, với tổng chiều dài 918 m, trong đó phần cầu chính gồm 3 nhịp dài 228 m, rộng 34 m và sâu 4,25 m, Magdeburg được xem là cây cầu nước dài và hiện đại nhất thế giới.

Việc xây dựng cầu nước bắt đầu từ những năm 30 thế kỷ trước, nhưng ảnh hưởng của Thế chiến II và tình trạng chia cắt sau đó ở nước Đức khiến hoạt động xây dựng bị dừng lại. Dự án được tái khởi động vào năm 1997. Tới năm 2003, cây cầu chính thức phục vụ hoạt động giao thông đường thủy. Không chỉ đem đến những lợi ích về vận tải thủy, Magdeburg còn thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch mỗi năm.

Cầu Pontcysyllte, Anh

Cầu Pontcysyllte là cây cầu nước dài và cao nhất ở Anh, nằm trong hệ thống dẫn nước từ kênh Ellesmere đến các mỏ than ở Denbighshire và hệ thống kênh rạch ở Wales, bắc qua thung lũng sông Dee.

Cầu Pontcysyllte.

Được xây dựng năm 1795 và hoàn thành năm 1805, cầu Pontcysyllte cấu tạo gồm một máng chứa nước làm bằng thép dài 307m, rộng 3,4 m và đạt độ sâu 1,6 m, nằm trên 18 trụ đỡ lớn được xây bằng đá cao 38 m. Việc xây dựng kết hợp những vật liệu như thép và đá làm cho chiếc cầu trở nên nhẹ nhàng và mang tính thẩm mỹ cao; đồng thời cũng sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của cầu. Điểm đặc biệt của cây cầu nước này là trên cầu còn có hành lang dành riêng cho người đi bộ.

Ngày nay, hệ thống thủy lộ của cây cầu này không còn được sử dụng vào mục đích vận tải mà chỉ dành phục vụ hành khách. Nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn được UNESCO công nhận là Di sản thế giới của nhân loại vào năm 2009.

Cầu Briare – Pháp

Cầu Briare.

Cầu Briare mang nước từ kênh đào Latéral à la Loire vượt qua sông Loire đến sông Seine. Đây là chiếc cầu được xây dựng trên 14 trụ cầu cao 11,5 m. Những trụ cầu này là những dầm thép đơn hỗ trợ kênh thép chứa hơn 13.000 tấn nước. 

Với chiều rộng cầu là 5,2 m, rộng 6m, độ sâu 2,2m và chiều dài của hệ thống dẫn nước này là 662,7 m, cho phép tàu thuyền cùng lưới rộng 1,8 m có thể đi qua được. 

Từ khi đưa vào hoạt động năm 1896 đến 2003, cầu Briare được xem là hệ thống cầu dẫn nước dài nhất thế giới, nhưng nó đã mất đi vị trí này khi cầu nước Magdeburg tại Đức đưa vào sử dụng vào năm 2003.

Cầu Håverud, Thụy Điển

Cầu Håverud.

Cầu Håverud được xây dựng vào giữa những năm 1860, bắc qua hệ thống kênh đào Dalsland, giúp cho tàu thuyền qua lại giữa hồ Vänern với khu vực trung tâm của Dasland và vùng hồ phía tây nam của quận Värmland.

Công trình này là hệ thống máng nước bằng thép dài 33,5m, được ghép lại với nhau bằng 33.000 chiếc đinh tán. Ngày nay, hệ thống kênh đào Dalsland là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, kết hợp với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt trên cao. 

Du khách có thể ngồi thuyền hoặc đi bộ trên chiếc cầu nước này để ngắm nhìn dòng thác đang chảy ở phía dưới và những phương tiện giao thông đường bộ đang chạy ở phía trên.

Hồng Việt
.
.
.