Những điều chưa được giải mã ở "thánh địa" Mường Thàng

Thứ Hai, 05/05/2014, 15:00

Những khu mộ đá cổ của người Mường luôn là biểu hiện của sự linh thiêng, quyền uy. Giống như khu mộ đá cổ Đống Thếch (Vĩnh Đồng, Kim Bôi), khu mộ cổ Đống Cúi, xã Dũng Phong (Cao Phong, Hòa Bình) đã từng là một khu mộ đá linh thiêng, quyền uy tồn tại cả trăm năm. Giờ đây nó chỉ là hoài niệm còn vương trong ký ức sau những cuộc đào bới, săn tìm cổ vật. Thế nhưng ở đó vẫn còn biết bao câu chuyện kỳ bí như một nét văn hóa chẳng đâu có được ở xứ Mường Thàng này.

Bí ẩn lời nguyền trên mộ đá

Người ta bảo cứ hướng ngọn núi cao nhất mà đi là đến được khu mộ Đống Cúi của người Mường Thàng. Bởi, các quan lang xưa thường chọn địa thế cao nhất, uy nghi nhất để đặt mộ. Những cơn mưa rừng bất chợt khiến cho con đường độc đạo dẫn đến khu mộ trở nên nham nhở, lầy lội và khó nhọc. Khu mộ Đống Cúi trước nay vẫn luôn là biểu tượng của sự quyền uy của quan lang xứ Mường Thàng, thế nhưng chúng tôi có ý hỏi người dân thì chẳng ai dám hé nửa lời. Cụ Bùi Thị Ré nhỏ to: "Muốn biết anh phải hỏi cán bộ. Muốn lên thì phải nhờ cán bộ… Linh thiêng lắm".

Chúng tôi may mắn gặp được anh Bùi Văn Trường, Phó trưởng Công an xã Dũng Phong, người đã từng dẫn nhiều đoàn nghiên cứu đến khu vực mộ đá cổ. Anh Trường kể lại đầy tiếc nuối: "Cả khu rừng mộ rộng hàng chục héc ta trước kia, bây giờ chẳng còn gì. Sau khi bị người lạ nơi khác đến đào bới tìm cổ vật, người dân đã san phẳng để trồng cam, trồng mía rồi. Bây giờ chỉ còn một khu mộ nhỏ là nguyên vẹn, chưa ai đào bới. Ngôi mộ này được coi là linh thiêng, kỳ bí nhất. Nếu như muốn tìm hiểu về khu mộ Đống Cúi tất yếu phải qua ngôi mộ bí ẩn này. Nếu nhà báo sẵn sàng vượt suối, tôi sẽ đưa đi".

Đồng ý đưa chúng tôi đi nhưng anh Trường dặn dò: "Đến đó không nên hỏi gì liên quan đến khu mộ". Bởi theo truyền thuyết của người dân trong vùng, người nào dám cả gan xâm phạm đến sự tôn nghiêm, yên tĩnh của khu thánh địa sẽ bị báo ứng. Có lẽ chính vì sợ lời nguyền báo ứng đó mà cả khu vực quanh ngôi mộ bí ẩn luôn giữ được vẻ thâm u, kỳ bí và tôn kính tuyệt đối.

Rất nhiều bia mộ bằng đá nay được sử dụng làm hàng rào.

Con đường dẫn đến ngôi mộ đá bí ẩn thật chẳng dễ dàng, phải băng qua cánh đồng mía ngút ngàn, lội qua con suối lạnh cứng chân, rồi gồng mình leo lên con dốc dựng ngược. Lọt thỏm giữa núi rừng âm u chỉ còn lại tiếng bước chân nặng nhọc cọ vào cây rừng sột soạt cùng hơi thở dồn dập. Cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được ngôi mộ đá cổ độc nhất được đặt theo hướng đầu gối sơn, chân đạp thủy. Ngôi mộ là một mô thấp với diện tích rộng khoảng 4-5m2. Ở đó vẫn còn cột đá xanh nguyên khối cao chừng 2,5m. Trên bia đá khắc rất nhiều ký tự cổ.

Anh Trường kể: "Đã có nhiều cơ quan ngành khảo cổ về đây nghiên cứu nhưng không ai tìm ra câu trả lời sự khác biệt của mộ đá độc nhất trên núi này". Tuy nằm trong cùng quần thể mộ đá của người Mường Thàng nhưng ngôi mộ đá này ngự cách khu vực đông mộ nhất khoảng 2km, nằm trên đỉnh ngọn núi có thể bao quát cả cánh đồng mộ đá dưới thấp. Nó như thể hiện sự thống trị của dòng dõi quan lang trong vùng Mường Thàng xưa. Đó là dòng họ Đinh Công Tuân - một quan chánh tổng khét tiếng trước đây.

Theo những người làm công tác khảo cổ thì những năm 80, ngành khảo cổ đã có nhiều cuộc nghiên cứu khai quật mộ đá. Tuy nhiên ngôi mộ lớn trên núi thì chưa ai dám động vào. Đã nhiều đoàn khảo cổ có ý định giải mã ngôi mộ cổ trên núi cao này nhưng thấy lạ vì lối đi cách trở suối sâu, rừng rậm núi cao chỉ có nai cọp. Chính vì thế các nhà khảo cổ không ai dám liều lĩnh động vào.

Chôn nhiều của cải, nở rộ nạn đào cổ vật

Sau khi mục sở thị ngôi mộ đá duy nhất trên núi cao, chúng tôi trở lại trung tâm thánh địa Mường Thàng (nay thuộc xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong). Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi cả cánh rừng mộ đá rộng hàng chục héc ta nay đã bị san phẳng. Thay vào đó là những bãi mía, bãi ngô, những ngôi nhà lác đác được xây dựng đan xen vào những dấu tích thánh địa xưa. Theo anh Bùi Văn Toàn, người dân xóm Đồng Mới thì toàn bộ xóm Đồng Mới bây giờ chính là khu mộ đá cổ Đống Cúi. Sau nạn đào bới săn tìm cổ vật, khu mộ đá bị lật tung và dần biến mất.

Anh Toàn chia sẻ: "Những dấu tích còn lại chỉ là những cổ vật lưu lại trong nhà dân và hàng nghìn trụ đá vốn là bia mộ được xếp làm hàng rào ngay sát những con đường". Nạn đào bới mộ, tìm kiếm cổ vật ở khu mộ Đống Cúi diễn ra mạnh vào những năm 80 thế kỷ trước. Họ lật tung những ngôi mộ bất chấp cả sự ngăn cấm của chính quyền địa phương. Thế rồi người dân trong vùng thấy vậy cũng đua nhau đào bới. Hàng nghìn ngôi mộ bị đào đến tận đáy với một lượng lớn cổ vật bằng đồng, gốm sứ. Thời kỳ đó khu mộ Đống Cúi như một công trường tấp nập. Những con buôn đổ về nườm nượp, những kẻ lạ mặt giang hồ tranh giành địa bàn.

Ngôi mộ duy nhất còn nguyên vẹn nằm trong quần thể khu mộ Đống Cúi.

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện vẫn còn rất nhiều gia đình lưu giữ cổ vật đào được dưới các ngôi mộ. Những cổ vật này chủ yếu là bị sứt mẻ hoặc chủ nhân chưa thỏa mãn với mức giá mà con buôn trả. Các cổ vật ở đây đều có những hình thù khá đặc biệt, đầu in hình sóng nước, mây trời, rồng, cá chép hóa rồng, bánh xe luân hồi, xe ngựa và rất nhiều chữ nho… Anh Toàn kể lại: "Tiếc nhất là người dân đào được nhiều trống đồng nhưng vì sợ lộ nên họ đập nhỏ ra bán đồng nát. Có người còn mang chôn giấu đi chờ ngày đào lên. Đặc biệt là trên mặt trống có hình con cóc, ai cũng sẽ lấy những hình đó ra vì thấy bảo nó là vàng và đồng đen".

Sau một thời gian dài nạn đào bới tự phát diễn ra mạnh me,ä các nhà khảo cổ đã mở một đợt khai quật quy mô lớn toàn bộ khu mộ đá. Có rất nhiều ngôi mộ chỉ chôn phiến đá xanh to nhỏ khác nhau, không có di cốt, di vật. Tuy nhiên theo nhiều người, đây là cách người xưa "tung hỏa mù" để người khác khó tìm ra mộ chính. Có nhiều mộ có di cốt nhưng lại không nằm trong quan tài mà nằm trên một phiến than dày cả mét. Đoàn khảo cổ còn bất ngờ khi đào được ngôi mộ chứa 12 bông hoa rất to đúc bằng vàng và 137 đồng tiền của nhiều triều đại, muộn nhất là thời An Pháp nguyên bảo. Chính vì thê,ë các nhà khảo cổ đã đi ra kết luận rằng, đây là khu mộ không chỉ để chứa di cốt mà còn là nơi cất giấu cổ vật quý và của cải             

Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình chia sẻ với báo chí:

Trước đây sau lần đi công tác chúng tôi được nghe người dân kể lại khu mộ cổ Đóng Cúi được là thánh địa, khu vực cấm. Khu mộ có diện tích rộng cả chục ha, đó là một vùng rừng thâm u có nhiều cây cổ thụ xen lẫn cả nghìn cột đá cao. Theo lời kể của dân địa phương, đây là nơi an táng của một vị công chúa nhà Lê được gả về làm dâu ở vùng đất Mường Thàng từ hàng trăm năm trước. Do địa thế đẹp, đây cũng là nơi an táng của những dòng họ quan lang danh giá.

Chẳng biết đó là thực hay hư nhưng điều đó phần nào được minh chứng bằng kết quả khai quật của cơ quan chức năng từ năm 1980. Theo đó, trong 2 đợt khai quật liên tiếp vào tháng 1 và tháng 3-1980, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai quật 6 ngôi mộ. Kết quả đã tìm được nhiều hiện vật quý thể hiện người được chôn cất có vị trí xã hội cao. Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định khu mộ cổ Đống Cúi có niên đại từ thế kỷ XV - XVI.

Ngoài hiện vật tìm thấy là các loại ngói bò, ngói mũi, ngói riềm mái là những phế tích của nhà mồ được làm một cách công phu và tốn kém dành cho người có địa vị cao trong xã hội, các nhà khảo cổ còn tìm được nhiều hiện vật quý như trống đồng, chảo, ấm đồng; hiện vật gốm sứ men trắng vẽ lam như âu, ấm, bát, đĩa, chén, chậu, bình thố, lọ tỳ bà... được trang trí những họa tiết, hoa văn vô cùng sống động. Đặc biệt nhất là các nhà khảo cổ còn tìm thấy 12 bông hoa bằng vàng dát mỏng và các thanh kim loại. Liền với đó là các tấm vải đã mủn nát, 136 tiêu bản tiền đồng của nhiều triều đại, muộn nhất là đồng tiền An Pháp nguyên bảo.

Dù không thể khẳng định được chủ nhân của ngôi mộ là ai nhưng những hiện vật được tìm thấy chính là minh chứng rõ nét nhất về vị trí xã hội cũng như thân thế của chủ nhân những ngôi mộ cũng như giá trị nghiên cứu khoa học của khu mộ cổ.

Anh Bùi Văn Trường, Phó trưởng Công an xã Dũng phong chia sẻ: Mặc dù nạn đào bới mộ tìm cổ vật hiện nay không còn nhiều như trước nhưng chúng tôi vẫn chỉ đạo anh em tăng cường an ninh khu vực mộ đá cổ. Việc mua bán cổ vật ở đây vẫn diễn ra mạnh. Bởi hiện nay vẫn rất nhiều gia đình còn cổ vật. Việc mua bán cũng chỉ là những giao dịch kín đáo. Bởi những cổ vật đó là tài sản quốc gia, nếu phát hiện sẽ bị tịch thu và đưa vào Bảo tàng tỉnh.

Song Anh
.
.
.