Những đứa trẻ sống sót từ... ngọn cây

Thứ Năm, 19/12/2013, 13:00

Những đứa trẻ ấy lẽ ra đã chết khô trong những cái giỏ treo trên cây chỉ vì khi đẻ ra chúng có khiếm khuyết hoặc không mang giới tính như bố mẹ nó mong đợi. Người ta tư duy rằng, để nó chết, nó sẽ được đầu thai vào kiếp khác sung sướng hơn. Hủ tục kinh dị ấy đã từng diễn ra rất phổ biến ở xã Tân Sơn, huyện Xuân Sơn, Phú Thọ. Trong chuyến đi công tác lần này, chúng tôi đã gặp được những đứa trẻ may mắn được cứu sống bởi những người tử tế. Chúng đã không chết như mong muốn của bậc sinh thành. Và, khi thành người, họ lại muốn quay trở lại để yêu thương những người đã từng muốn họ không tồn tại trên cuộc đời này.

Hủ tục tàn độc

Người đầu tiên mà chúng tôi gặp là ông Đặng Văn Hếnh. Ông Hếnh là người dưới Vĩnh Phúc nhưng bị cha mẹ "bán" làm con nuôi lên bản Dao từ nhiều năm trước. Ông làm nghề thầy mo nên chuyện gì cũng biết. Khi được hỏi về hủ tục bỏ con vào giỏ treo lên cây để nó chết khô, ông Hếnh lắc đầu buồn bã: "Chưa ở đâu lại có cái hủ tục ác độc đến như vậy. Những đứa con của họ sinh ra, có khi chỉ bị khèo chân, lệch tay, bị bà mụ đánh dấu, người ta cũng bỏ. Hay có những nhà đẻ nhiều con gái quá, muốn một thằng con trai mà không được, người ta cũng mang đứa trẻ mới đẻ lên cành cây mà treo. Người ta quan niệm, con cái về nhà mình, mình nuôi thì nó đậu thành quả. Chứ lúc mới sinh ra, nó chỉ là hoa thôi. Hoa nở rồi rụng xuống đất, mùa sau lại mọc thành quả. Họ suy nghĩ đơn giản lắm. Đứa trẻ vừa sinh chưa là con nhà mình nên chết cũng không phải ma nhà mình".

Cũng theo lời ông Hếnh thì treo như thế sẽ không mất lợn béo, bạc trắng, gà để mời thầy mời dân bản đến cúng ma. Ông Hếnh kể rành rọt cho chúng tôi nghe danh sách những nhà đã treo con lên ngọn cây. Khi treo đứa trẻ, người ta còn nhét lá tre vào miệng để nó không khóc ngằn ngặt thành tiếng, rủi lỡ có người phát hiện ra thì gia đình sẽ bị dè bỉu.

Ông Hếnh cũng lý giải, sở dĩ người ta hành động ngu muội như vậy cũng là bởi vì cái nghèo, cái đói bủa vây khủng khiếp quá: "Ngày xưa làm gì có biện pháp tránh thai như bây giờ. Cứ hoang dã như cỏ cây trong rừng vậy. "yêu" nhau rồi đẻ con. Lũ lượt những đứa trẻ ra đời, không có gì cho chúng nó ăn, không nuôi được nên người ta nghĩ phải trả chúng về với trời. Biết đâu khi đầu thai kiếp khác, chúng sẽ được vào gia đình khá giả hơn. Họ nghĩ như thế là họ đã giúp đứa trẻ ấy thoát khổ rồi".

Đặng Văn Phúc (ngoài cùng bên phải) 20 năm sau.

Những đứa trẻ được tái sinh

Ông Hếnh dẫn chúng tôi đến nhà cô giáo Tiệp, là người dưới xuôi lên cắm bản, dạy học ở xóm Dù. Cô Tiệp là người đã cứu một cháu bé bị treo lên cây. Kể về cái ngày "định mệnh" ấy, cô Tiệp vẫn không khỏi rùng mình: "Lúc đó tôi đi ra ngoài bìa rừng cõng nước, bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Tôi cố gắng lắng nghe nhưng mãi không phát hiện ra tiếng trẻ phát ra từ đâu. Mãi sau, khi nhìn lên cái cây lớn phía trước mặt, tôi trông thấy một cái giỏ treo lủng lẳng trên đó. Cây cao, tôi không biết trèo nên về gọi chồng. Đến khi chồng tôi đỡ được chiếc giỏ ấy xuống thì cả hai vợ chồng đều giật bắn mình khi trong đó là một đứa trẻ còn đỏ hỏn. Kiến vàng bu khắp người nó. Tôi với chồng phải gạt hết kiến đi mới bế được nó. Khi mang về nhà, tắm rửa cho nó, tôi mới biết chân nó bị khèo. Thế đấy cô chú ạ, người ta đang tâm vứt nó đi chỉ vì chân nó có dị tật thôi".

Đắn đo mất cả buổi, vợ chồng cô Tiệp cứ quẩn quanh ý nghĩ nuôi nó hay không. Nhưng rồi tình người đã mạnh hơn tất cả. Vợ chồng cô Tiệp nghĩ, nghèo đói thì cũng đã nghèo đói rồi nhưng không thể vì thế mà để một đứa trẻ vô tội phải chết. Đứa trẻ được tái sinh. Vợ chồng cô đặt tên nôm na cho nó là Khèo, vì chân nó bị khèo. Nhưng tên trong giấy khai sinh của nó lại là Đặng Văn Phúc, vì đơn giản vợ chồng cô Tiệp nghĩ nuôi nó coi như làm phúc cho đời.

Không chỉ có Phúc là người duy nhất may mắn thoát chết, mà ở Xuân Sơn, người ta vẫn nhắc đến trường hợp của bé Triệu Thị Thương. Hai mươi năm trước, trời rét căm căm, em trai bà Triệu Thị Đoàn ngồi rít thuốc lào có than thở với bà rằng: "Nhà thằng Phương xóm dưới nó đem treo con ở cái cây gần bờ suối. Nghĩ thương nó quá mà chả biết làm gì". Bà Đoàn nghe vậy thì bức xúc lắm. Bà đứng phắt dậy, bảo em trai đi chỉ chỗ đứa trẻ bị treo cho bà. Bà Đoàn bảo: "Mình có nghèo có đói thì cũng phải có tình thương. Làm như thế là thất đức, là không được. Mày đi theo tao cứu nó về nhà mình nuôi. Ăn khoai ăn sắn gì cũng được".

Triệu Thị Thương (ngồi giữa) cùng bà Triệu Thị Đoàn.

Thực tình, nhà bà Đoàn còn nghèo hơn cả cái nhà nhẫn tâm vứt con. Chồng bà mất sớm, đàn con gần chục đứa nheo nhóc. Bà cầm con dao lăm lăm đi theo cái hướng mà người em trai chỉ. Đến đó, tự bà là người trèo lên cây để gỡ cái sọt nan xuống. Trong sọt còn có cả một cái chổi cùn, một nắm lá tre tươi. Nhiều đứa trẻ bị treo trên cây, bố mẹ nó còn dùng đũa đánh lõm đầu cho nó chóng chết, để không ai biết mà phát hiện. Nhưng may mắn hôm đó con bé Thương không bị đánh vết nào nhưng nó đã bị nhét một nắm lá tre vào mồm để không khóc được. Vậy mà bản năng sinh tồn quá mạnh, đứa bé ấy đã tự đùn được nắm lá tre rồi khóc oe óe. Cuống rốn nó còn đang lòng thòng. Khi bà Đoàn với em trai mang được nó về đến nhà thì nó im bặt, người lạnh như băng. Ai cũng nghĩ chắc nó sẽ chết vì nó bị bỏ đó đến nửa ngày rồi.

Bà Đoàn bảo em trai đi đốt lửa để sưởi cho nó, tỉ mẩn nhặt từng con kiến vàng bu trên người nó. Phải lâu lâu nó mới lại thở nặng nhọc một cái. Rồi bà lấy cái thanh nứa cắt rốn cho nó, lấy nước cơm cho nó uống. Bà bảo: "Nếu nó không sống được thành người thì cũng phải để nó chết là con ma no. Nhưng nửa đêm hôm đó nó lại cất tiếng khóc". Cũng trong ngày hôm đó còn một đứa trẻ khác cũng bị bỏ vào sọt nan rồi treo lên cây như cô bé Thương. Chỉ có điều vì được phát hiện muộn quá nên nó đã không có được cái may mắn như Thương.

Đến giờ, bà Đoàn vẫn không sao hiểu nổi cái con bé Thương ấy sao nó lại có sức mạnh kỳ lạ thế. Cứ như thể thần núi, thần sông lẩn trong người nó ý. Lúc mới nuôi, Thương nhiều bệnh tật lắm, nay ốm mai đau, uống bao nhiêu thuốc lá rừng mà không khỏi. "Thế mà có lần thầy mo bảo cho nó uống cái nước lá độc, dùng để ngâm mũi tên cho nó độc. Lấy độc trị độc biết đâu lại được. Tôi liều nghe theo, thế mà nó lại khỏe mới lạ chứ. Bây giờ nó đã lớn rồi. Lấy chồng, có con rồi!".

Bé Đặng Văn Phúc (bên trái) cùng người mẹ nuôi.

Kết thúc có hậu

Nhìn Thương trắng trẻo, khỏe mạnh và xinh gái thế này ít ai có thể tưởng tượng được rằng 20 năm về trước cô bé đã bị cho vào sọt tre rồi treo lên cây chờ "sang kiếp khác". Có lẽ việc Thương không chết mà sống khỏe mạnh, hạnh phúc sẽ khiến đấng sinh thành ra em thấy ân hận hơn nhiều. Hỏi, Thương có giận bố mẹ mình hay không thì em bảo rằng: "Ngày trước em giận nhiều lắm. Em khóc nhiều. Em cứ nghĩ sao bố mẹ không thương em, không để em sống mà nuôi em lại muốn em chết. Em nghĩ bố mẹ mình thật là ác độc. Thế nhưng từ khi em lấy chồng và có con em lại không giận bố mẹ nữa. Em thấy thương bố mẹ. Bố mẹ em đã chuyển sang Sơn La ở rồi. Nhiều lần em đi bộ sang tìm bố mẹ. Bố mẹ em khóc nhiều lắm và xin em tha thứ. Em nói với bố mẹ em là, nếu em không tha thứ, không thương bố mẹ thì đã không tìm để gặp bố mẹ như thế!". Cũng có lần Thương đã hỏi bố mẹ của mình lý do vì sao lại đang tâm vứt em thì mẹ em trả lời rằng, vì nhà nghèo quá, nuôi gần chục anh chị em của Thương còn chưa nổi nên họ mới đem bỏ em trên cây.

Hơn chục năm trở lại đây, người ta đã "tỉnh" ra nhiều rồi nên không còn những đứa trẻ vì lý do này lý do nọ bị cho vào sọt treo trên cây cho chết nữa. Cậu bé Đặng Văn Phúc ngày nào cũng đã được đưa đi bệnh viện dưới Sơn Tây nắn chỉnh lại chân khèo, đã được nuôi ăn học, giờ làm cán bộ địa chính xã và được bà con dân bản yêu thương. Nói về chuyện của Phúc, ai cũng bảo, số nó được làm người chứ nếu không cũng đã chết khô trên cây từ 20 năm trước rồi.

Nói về hủ tục đã từng xảy ra nhiều năm trước ở quê mình, anh Bàn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cũng phải thốt lên rằng: "Ai mà tin được chính tại nơi đây đã từng diễn ra một hủ tục tàn độc đến như thế. Biết bao đứa trẻ vô tội phải chết oan uổng. Nhưng cũng may đến giờ này hủ tục ấy đã không còn nữa".

Phong Anh
.
.
.