Những vụ kết hôn đồng giới đình đám

Thứ Sáu, 03/06/2016, 15:20
Sau khi Colombia chính thức cho phép hôn nhân đồng giới (28-4), nước này đã trở thành quốc gia thứ tư ở châu Mỹ Latin và là thành viên thứ 22 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Điều đáng nói là đã có một số nguyên thủ quốc gia công khai vấn đề nhạy cảm này. Hơn 1 năm trước (15-5-2015), Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettle trở thành nguyên thủ quốc gia nam đầu tiên trên thế giới công khai và cử hành hôn lễ, còn Thủ tướng Ieland Johanna Sigurdardottir là nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên chính thức kết hôn gần 6 năm trước (27-6-2010).

Những cái đầu tiên

Ngày 29-10-2015, Ireland trở thành quốc gia có truyền thống Công giáo đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Frances Fitzgerald cho biết, đám cưới đầu tiên giữa Thượng nghị sĩ Katherine Zappone và cô vợ người Canada Ann Louise Gilligan có thể diễn ra vào giữa tháng 11-2015. 

Trước đó (22-5-2015), giới truyền thông đưa tin, Ireland là quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thông qua trưng cầu dân ý. "Hôm nay Ireland đã làm nên lịch sử", Thủ tướng Enda Kenny tuyên bố trong cuộc họp báo. 

Gần 1 năm trước (26-6-2015), Mỹ trở thành quốc gia thứ 21 trên thế giới thừa nhận hôn nhân đồng giới, và Tổng thống Barack Obama coi đây là "cột mốc trong hệ thống tư pháp Mỹ" và là "thắng lợi cho nước Mỹ". Ông Barack Obama là Tổng thống đầu tiên trên thế giới ủng hộ hôn nhân đồng giới. 

Ông Jeremy Bernard trở thành người đồng tính đầu tiên được bổ nhiệm (25-2-2011) giữ chức Thư ký xã hội cho Tổng thống Barack Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle. Theo tờ Washington Post, trước khi trở thành Thư ký xã hội (thứ ba kể từ khi ông Barack Obama nhậm chức), ông Jeremy Bernard từng là cố vấn trưởng của Đại sứ Mỹ tại Pháp, và từng cùng người tình đồng tính Rufus Gifford ủng hộ Tổng thống Barack Obama ở bang California.

Theo Đài phát thanh RUV của Iceland, sau hơn 1 năm nhậm chức (tháng 2-2009) và gần 20 năm quen biết, ngày 27-6-2010, nữ Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir mới chính thức kết hôn với nữ nhà văn Jonina Leosdottir. Hai người đã sống chung với nhau khá lâu, đăng ký quan hệ dân sự từ năm 2002, và trở thành cặp đồng tính đầu tiên kết hôn đúng ngày luật hôn nhân đồng tính của Iceland có hiệu lực.

 Nữ Tổng thống Johanna Sigurdardottir và người bạn đời đồng tính Jonina Leosdottir.

Với 49/63 phiếu ủng hộ, ngày 12-6-2010, Quốc hội Iceland đã thông qua luật hôn nhân đồng tính, và có hiệu lực từ ngày 27-6-2010. Tuy chỉ là quốc gia châu Âu thứ 7 (sau Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Na Uy, Thuỵ Điển, Bồ Đào Nha), trong việc hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới, nhưng Thủ tướng Iceland Johanna Sigurdardottir lại là nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới công khai chuyện đồng tính và chính thức kết hôn với người tình đồng giới Jonina Leosdottir.

10 ngày trước (11-5), với 372 phiếu thuận, 51 phiếu chống và 99 phiếu trắng, Hạ viện Italia đã thông qua đạo luật cho phép người đồng tính được hưởng những quyền cơ bản mà các cặp hôn nhân truyền thống sở hữu. 

Theo đó, các cặp đồng tính có thể được phép kết hôn tại địa phương, được quyết định mang tên họ của một trong hai người sau khi kết hôn, có thể cùng sở hữu tài sản chung theo thỏa thuận, người còn sống trong cuộc hôn nhân đồng tính có thể thừa kế hoặc nhận một phần lương hưu của người bạn đời quá cố. Đạo luật cũng nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử với người đồng tính.

Hôn lễ của người nổi tiếng

Cựu Thủ tướng Bỉ Elio di Rupo là nhà lãnh đạo đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận mình là người đồng tính, nhưng ông Xavier Bettel là nhà lãnh đạo đầu tiên của EU kết hôn đồng giới. Mặc dù thừa nhận là người đồng tính từ năm 2008, nhưng ông Xavier Bettel (xuất thân luật sư, kiêm Chủ tịch đảng Dân chủ trung hữu) vẫn được bầu làm Thị trưởng Luxembourg trước khi được bầu làm Thủ tướng cuối năm 2013. 

Gần 2 năm trước (tháng 8-2014), Thủ tướng Xavier Bettle từng tuyên bố, sẽ kết hôn với người tình đồng giới Gauthier Destenay, một kiến trúc sư người Bỉ. Theo tờ Independent, mặc dù quen nhau từ năm 2010, nhưng Thủ tướng Xavier Bettle và bạn tình Gauthier Destenay phải đợi tới khi Luxembourg thông qua luật cho phép kết hôn đồng giới (có hiệu lực từ 1-1-2015), mới tổ chức hôn lễ (15-5-2015). Và họ là một trong những người đầu tiên kết hôn theo luật này.

Ngày 3-5, ông Hanscom Smith, Tổng lãnh sự Mỹ tại Thượng Hải, Trung Quốc, đã thông báo về hôn lễ của mình với người bạn đời người Đài Loan Eric Lu, trên tài khoản mạng xã hội Weibo của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải. Hôn lễ của họ được tổ chức tại San Francisco, California, Mỹ. 

Trước đó (30-4), cựu cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ John Kennedy, cựu Thượng nghị sĩ bang Pennsylvania Harris Wofford, 90 tuổi, đã kết hôn với người tình đồng giới kém 50 tuổi (gần 20 năm sau khi vợ ông qua đời). Tân nương là nhà thiết kế nội thất Matthew Charlton.

Còn ông Barney Frank trở thành nghị sĩ đồng tính tổ chức hôn lễ (7-7-2012) đồng tính đầu tiên trong lịch sử quốc hội Mỹ. Khi kết hôn với ông James Ready (thợ mộc, sơn và hàn), nghị sĩ Barney Frank đã 72 tuổi, còn người bạn đời mới 32 tuổi. họ quyết định cưới sau khoảng 7 năm sống chung.

Ông Harris Wofford (trái) và vị hôn phu Matthew Charlton.

Mặc dù đã có 2 con, đã đăng ký quan hệ dân sự từ năm 2005, nhưng biểu tượng nhạc pop của xứ sở sương mù Elton John phải đợi tới khi nước Anh hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới (31-3-2014), mới chính thức kết hôn với người bạn đời David Furnish, nhà sản xuất phim. Phải mất 9 năm đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người đồng giới, quan hệ dân sự được công nhận tại Anh từ năm 2005 mới chính thức được chuyển thành quan hệ hôn nhân. 

Elton John có mối quan hệ tình cảm gần 20 năm với David Furnish và hơn 3 năm trước (16-1-2013), ngôi sao nhạc pop người Anh và người tình đồng giới đã chia sẻ niềm vui làm cha lần thứ hai với tạp chí Hello sau khi bé trai Elijah Joseph Daniel Furnish-John, ra đời hôm 11-1-2013 tại Los Angeles, Mỹ (nhờ một phụ nữ mang thai hộ). Đứa con đầu lòng của họ là Zachary chào đời năm 2010 tại California, Mỹ cũng theo cách mang thai hộ.

Những tranh cãi khó tránh

Ngày 9-5, Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn kiện chống lại bang North Carolina vì vi phạm luật chống người đồng tính và người chuyển giới - yêu cầu người sử dụng nhà vệ sinh công cộng đúng với giới tính đã ghi trong giấy khai sinh của họ. Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch đã tuyên bố như vậy trước những người chuyển giới. 

Ngay sau khi nhận đơn kiện, chính quyền bang North Carolina đã kiện lại Bộ Tư pháp. Hơn 3 năm trước (13-5-2013), Thứ trưởng Nội vụ Gruzia Gela Khvedelidze đã bị bắt vì bị cáo buộc tung lên mạng một đoạn băng quan hệ đồng giới liên quan tới nhà báo nổi tiếng Giorgi Paresashvili. Ông Gela Khvedelidze đã thừa nhận hành vi xâm phạm đời tư bằng cách tung lên mạng đoạn video quay lén cảnh quan hệ đồng giới của 3 người đàn ông, trong đó có nhà báo Giorgi Paresashvili.

Theo tờ Telegraph, Chủ tịch Hạ viện Australia Peter Slipper đã phải từ chức (9-10-2012) sau khi trợ lý cũ của ông là James Ashby, gửi đơn tố giác sếp của mình có hành vi quấy rối tình dục. Theo đơn tố giác của James Ashby, một người đồng tính, ông Peter Slipper thường xuyên gửi tin nhắn có nội dung ve vãn tới mình. 

Ngày 3-12-2011, Công đảng cầm quyền bỏ phiếu ủng hộ người đồng giới kết hôn và dự luật hôn nhân đồng giới sẽ được Nghị viện xem xét thông qua đầu năm 2012. Nhưng khi đó, Thủ tướng là bà Julia Gillard lại phản đối người đồng giới kết hôn. Nữ Bộ trưởng Tài chính Penny Wong, người đang có mối quan hệ đồng giới coi đây là một sự thay đổi quá chậm.

Argentina là quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ Latin hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới (tháng 7-2010). Tiếp đến là Uruguay và Brazil cũng cho phép hôn nhân đồng giới (trong năm 2013). Tối 17-4-2013, New Zealand trở thành quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên (nước thứ 13 trên thế giới) thông qua luật bình đẳng hôn nhân, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. 

Sau đó (18-5-2013), Pháp trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sau khi Tổng thống Francois Hollande ký ban hành luật về vấn đề này. Quyết định của ông Francois Hollande lập tức nhận được sự ủng hộ của các nhóm vận động vì quyền của người đồng giới, nhưng lại vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ những người phản đối.

Hơn 1 năm trước (26-4-2015), khoảng 3.000 người đã tham gia vào một cuộc tuần hành dành cho người đồng tính tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, nhằm kêu gọi chính phủ nước này hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Cuộc diễu hành diễn ra sau khi hôn lễ tượng trưng của một cặp đồng tính nữ được tổ chức ở Shibuya trước sự chứng kiến của 80 người thân và bạn bè, cho dù cuộc hôn nhân này không được pháp luật công nhận.

Trịnh Huyền My
.
.
.