"Nữ tướng" nghĩa trang

Thứ Bảy, 15/11/2014, 14:00

35 năm qua, nơi này, chỉ mình bà gọi là nhà, còn trong mắt người bình thường thì đó là ngôi miếu hoang lạnh nằm lọt dưới tán bồ đề giữa nghĩa trang mênh mông mồ mả. Để có một "lãnh địa" cho ba thế hệ nương náu suốt ngần ấy thời gian, bà đã phải "xù lông, bạch cổ" chiến đấu với đám giang hồ nghĩa địa đầy máu mặt. Hơn nửa cuộc đời "trầy xước" trong thế giới của người chết, bà xem mình là người bạn không thể thiếu của những linh hồn vô thực, thế nên người ta có cho bà đất để ra ngoài ở, bà cũng nhất quyết không đi.

Nghĩa trang có một cô Dung

Chiều xế bóng, bà chạy chiếc xe Wây Tàu nổ phành phạch về miếu Tương tế Thanh Hóa nằm trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM). Thấy bà về, lũ chó, mèo ùa ra vẫy đuôi cuống quýt. Bà mời chúng tôi vào "nhà", trong lòng ngôi miếu khói hương nghi ngút và tiếng tụng kinh não nề. "Nhà" chẳng có lấy giọt nước uống, bà kéo bộ ghế sa lông rách lỗ chỗ, bông, mút lều bều lòi hết ra ngoài, vừa lấy giẻ lau chùi bụi bẩn và phân mèo, bà vừa nói: "Đấy, mấy cái ghế này cũng đi nhặt ở ngoài bãi rác của nhà giàu người ta vứt. Nói chung đồ dùng trong nhà tôi đều đi nhặt hoặc được người khác cho cả". Ở khu nghĩa trang Thanh Hóa này, duy chỉ có gia đình bà ở kiêm luôn cai quản, nói theo ngôn ngữ giang hồ thì đó là lãnh địa bất khả xâm phạm. Cũng theo cách sống giang hồ, đừng hòng một kẻ nào dám ho he bén mảng tới đây giành địa bàn, nếu chưa nghe nói đến cú đấm của bà thì chưa khiếp. Tên thật của bà là Trần Thị Nghĩa, nhưng từ lâu cái tên cúng cơm ấy đã không còn dùng tới, dân sống ở nghĩa trang gọi bà là Dung Ba Tàu.

Năm tuổi Dung đã phải đi ở đợ giữ em bé cho nhà giàu. Sau khi cha mất, mẹ bà đi thêm bước nữa, thì cũng là lúc Dung bỏ nhà đi bụi. Hơn ai hết, Dung hiểu, khi tình thương bị chia xớt cho những đứa em khác cha của một người mẹ suốt ngày bầm dập mưu sinh thì còn đâu thời gian và tâm trí để lo cho đứa con gái lớn. Lang bạt trong thế giới giang hồ, có nhà không dám về, Dung tìm đến miếu Thanh Hóa gửi nhờ giấc ngủ. Âm khí ở nghĩa trang lại khiến tâm hồn Dung bình an sau những "trầy xước" giang hồ, mọi buồn tủi tự nhiên tan biến. Ngủ cùng với thế giới của người chết, Dung cảm giác mình được yêu thương, cho dù đó chỉ là những linh hồn vô thực.

Khu vực Dung ở lâu nay vẫn nổi tiếng là lãnh địa của những giang hồ tứ chiếng, từ xì ke, gái bán hoa đến kẻ đầu đường xó mả. Nếu không bản lĩnh, không gan góc và không có chút máu bụi đời thì khó tồn tại. Dung thừa nhận, những năm tháng sống trong nghĩa trang là những năm tháng giang hồ hiểm ác nhất của bà. Là phận nữ, nhưng thằng nào dám cậy lớn ăn hiếp thì bà cũng cho te tua luôn. Dung từng dùng liềm bổ gãy răng, hộc máu mồm một tên du đãng dám hăm dọa đòi cướp cơm của bà. Bọn chúng kéo băng đảng đến, Dung chống nạnh xông ra thách thức: "Chúng mày ngon thì vào đây mà đánh tao, tao chết thì anh em họ hàng nhà tao cũng không tha chúng mày đâu".

Miếu Thanh Hóa, nơi ba thế hệ nhà bà Dung sinh sống.

Chính cái tính khí bất cần, ngang ngược đó đã giúp Dung trụ lại ở nghĩa trang. 16 tuổi bà gặp người đàn ông đi buôn  hàng từ Campuchia về. Thấy thích thích, mến mến thế là kéo nhau về nghĩa trang sống chung chạ. 19 tuổi, Dung sinh con gái đầu lòng trong khi "chồng" bà mỗi chuyến đi buôn thường kéo dài vài tháng thậm chí hàng năm, mặc bà ở nhà tự kiếm tiền nuôi con. Chồng về, Dung lại có thai đứa thứ hai. Những chuyến đi buôn biền biệt như thế, người ta đồn ông ấy kiếm được nhiều tiền còn bà thì chẳng thấy đồng tiền nó tròn méo ra sao. Hai mặt con bám đu lấy vạt áo, Dung làm hùng hục như trâu ngựa, từ phụ hồ, bốc vác, lượm ve chai, sắt vụn… Ngày đón chồng về là ngày ông ấy chỉ còn bộ xương khô. Ông ta chết sau một tháng thuốc thang đủ kiểu, bác sĩ không tìm ra được bệnh. Nghe đồn chồng bà đã giẫm phải ngải bên Campuchia. Năm ấy, Dung 25 tuổi.

Chồng chết, con thơ, không nhà cửa, không tiền bạc, Dung lột xác trở thành pê đê để cạch mặt đàn ông. Nhiều gã đàn ông nhăm nhe tìm đến ngôi miếu của mẹ góa con côi, Dung ưỡn ngực tuyên bố: "Tôi giờ là người mang hai dòng máu rồi, nhà các anh có em gái thì làm mai cho tôi". Tất cả tá hỏa bỏ chạy, từ đó Dung được yên ổn sống nuôi con. Giới giang hồ truyền tai nhau về người đàn bà tự dưng trở thành pê đê, không ngớt bàn tán, thị phi, mỉa mai quanh tai nhưng Dung mặc kệ, bà đạp lên dư luận để sống. Từ đó, không còn thằng đàn ông nào bén mảng đến nữa, Dung bắt đầu cặp kè với phụ nữ cũng mang thân phận pê đê.

Bà bảo, sống ở nghĩa trang mà không giang hồ thì không tồn tại được.

Có cô mê Dung quá, dọn đến miếu ở cùng được vài ngày không chịu nổi cảnh khổ cực, rùng rợn ở nghĩa trang đành cuốn gói ra đi. Cũng có mối, đến với bà vì tình yêu đích thực, nhưng sau "cơn say", thì cô ấy nhận ra thế giới ở đây không dành cho người bình thường. Thế là, lại xách dép ra đi. Triết lý sống và yêu của Dung là, hợp thì đến còn không thì thôi. Bà không ràng buộc cũng không níu kéo một cuộc tình nào. Hỏi bà có yêu người ta thật lòng không, ngập ngừng một lát bà trả lời: "Cũng có tình cảm chứ, chúng tôi yêu nhau nhưng không quan hệ nên rất trong sáng". Lại hỏi, vậy bà là pê đê thật? Lần này thì bà không trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Bạn của người chết

Dường như là cái dớp từ đời mẹ nên con cái của bà cũng vào đời rất sớm. Con gái lấy chồng từ tuổi 16, đẻ liền tù tì 3 đứa con rồi tan vỡ hạnh phúc. Cũng chẳng cưới xin, chẳng hôn thú gì nên chia tay "nhẹ tựa lông hồng". Người đàn ông bỏ lại ba đứa con, con gái bà không nuôi nổi túm cả ba đứa về nghĩa trang giao trách nhiệm cho bà ngoại.

Tiền công làm cỏ và chăm sóc mồ mả chỉ đủ nuôi lũ cháu ăn chứ không thể cho chúng học. Hôm rồi có tổ chức từ thiện biết được gia cảnh của bà đã có ý muốn giúp đỡ 8 miệng ăn trong ngôi thánh đường này ra ngoài thuê một căn nhà trọ và lo công ăn việc làm ổn định. Nhưng bà từ chối ngay, bà chỉ mong mỏi người ta giúp bà lo cho bốn đứa cháu được đi học, vì hiện tại một đứa đang học lớp 8 vừa phải nghỉ vì không có tiền đóng học phí. Hai đứa nhỏ hơn được trường May Mắn của cô Tim nhận nên mới được học tiếp.

Sau khi chia tay mối duyên đầu, con gái bà lang bạt đây đó, cũng chẳng rõ cô ta làm nghề gì nhưng nhanh chóng dẫn một người đàn ông khác về ra mắt bà. Bẵng đi vài tháng, cô ta ôm bụng chửa về nằm cữ ngay trong căn chòi dưới tán bồ đề ở nghĩa trang. Nay thì thằng con trai đã 7 tuổi, nhưng chưa được đi học. Bà đang chờ sang năm làm thủ tục gửi nó vào trường May Mắn, cho nó biết cái chữ, bà rất sợ chúng giống mình, đều mù chữ hết thì khổ lắm. Thằng con trai út của bà cũng gần 30 tuổi đang làm công nhân ở ngoài, bà cho tự túc chuyện ăn ở. Làm được bao nhiêu tiền nó tự giữ lấy để sau này cưới vợ. 

Những căn buồng ngủ như chuồng gà trong nghĩa trang.

Bà cho biết, sống ở đây bao nhiêu năm rồi không đến nỗi phải chết đói. Nhiều người thương lắm, họ hay cho gạo, cho đồ ăn. Ngay cái tivi cũ cũng được cho. Cái gì không được cho thì đi nhặt về. Ví như toàn bộ gạch lát nền của miếu thờ thì viên vỡ, viên lành đủ màu sắc là do bà đi nhặt ngoài đống rác người ta vứt bỏ mang về chắp vá cho "bộ mặt" ngôi miếu khang trang hơn. Tối đến, lũ con cháu của bà chia đều ra ba gian buồng như cái chuồng gà được chắp vá bằng những viên gạch vỡ, những miếng tôn thừa. Trời nắng thì nóng như lửa thiêu, trời mưa dột chẳng khác ngoài trời. Còn chỗ bà ngủ nằm dưới gầm kê bát hương thờ thần thánh giữa chánh điện ngôi miếu, không khác nào chuồng cọp. Chỉ ra ngoài mấy ngôi mộ, bà thở dài thườn thượt: "Tối qua uống thuốc cảm ngủ say quá, bọn xì ke vào rinh hết chồng ghế nhựa để dành tết bán cà phê rồi. Thế là mất tong mấy trăm ngàn mua gạo ăn".

52 tuổi, khớp xương đã rã rời, bà không đi phụ hồ bốc vác được nữa. Mỗi ngày bà ra vỉa hè phụ người em bán cà phê, cũng kiếm được vài đồng mua đồ ăn cho cháu. Chờ đến tháng 10 là mùa làm cỏ mả, cả gia đình bà sẽ tập trung dọn dẹp khu mồ mả xung quanh nghĩa trang của Hội Tương tế Thanh Hóa. Thật ra công cán người ta trả cho bà không đáng là bao, bà làm bởi cái nghĩa với người nằm dưới mộ. Người nhà nào tốt thì cho một hai trăm hương khói, còn không thì bà cũng vui. "Mấy chục năm rồi sống cùng họ, họ phù hộ cho khỏe mạnh thì mình phải đền đáp công ơn. Còn những ngôi mộ vô danh thì mình làm phước coi như thay mặt người thân sưởi ấm linh hồn của họ" - bà chia sẻ.

35 năm qua, bà sống ở đây như hình bóng, như người thân không thể xa rời với những người chết. Bà thề rằng chỉ khi nào nghĩa trang giải tỏa, những ngôi mộ cũng được di dời đi hết thì bà mới rời khỏi nơi này.

Không biết ai giới thiệu mà những cô gái nạo phá thai thường mang xác hài nhi đến nhờ bà chôn cất giùm. Nhìn những sinh linh chưa kịp làm người đã phải về với đất, bà không kìm lòng được. Những việc này bà phải làm lén lút vì người ta cấm. Bà giải thích: "Thân thể những hài nhi xấu số ấy mong manh lắm, chỉ vài tháng là tiêu tan hết thôi. Nếu tôi không làm việc này thì họ cũng sẽ vứt chúng ở đâu đó, có khi còn quẳng vào thùng rác hay bãi cỏ ngoài đường, như thế chẳng phải mang tội hay sao".

Ngọc Thiện
.
.
.