Ông già "hoang đảo" ở biển Tây Nam

Thứ Năm, 21/07/2016, 15:33
Ở vùng biển cực Nam của Tổ quốc, có những đảo sầm uất, dân cư xôm tụ, người người chen chúc, nhưng không ít những hòn, Ụ cuộc sống còn hoang sơ đến chạnh lòng. Chúng tôi đã gặp gỡ, tặng quà những con người trên các hòn đảo xa xôi ấy, nơi nếu không đến để thấy, người ta ngỡ họ chưa từng tồn tại trên đất nước này.


1.Những chiến sĩ Đồn biên phòng đảo Hòn Tre (xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang) mỗi khi sang thăm vẫn thường gọi Ba Nhàn bằng cụm "ông già hoang đảo". Bởi lão là người đầu tiên “dám” chế ngự hòn Ụ, biến hòn đảo hoang sơ thành hòn đất trù phú tốt tươi. Một mình lão bám đất, sinh con đẻ cái ở nơi chỉ có trời biển và muông thú.

Hòn Ụ là tên gọi nguyên thủy cư dân đặt cho hòn đảo tách biệt ở mạn Đông Bắc quần đảo Hải Tặc (nay là đảo Hòn Tre). Đứng ở Hòn Tre phóng tầm mắt ra biển, nhìn hòn Ụ như một con cá khổng lồ. Hòn Ụ mướt mát bao quanh bởi vùng biển trong khiết, đầy tiềm năng du lịch, do "chúa đảo" Ba Nhàn cai quản.

Anh Tư Năng (31 tuổi) cư dân hòn Giang chuyên nghề chạy đò tình nguyện đưa chúng tôi từ hòn Tre sang hòn Ụ.

Vừa chạy đò anh kiêm luôn phần "thuyết trình" như một hướng dẫn viên am hiểu cặn kẽ về chúa đảo Ba Nhàn: "Ông cụ già rồi nhưng còn minh mẫn và quý người lắm, nếu là khách phương xa đến thăm, nhất định níu chân không cho về à nghen".

“Chúa đảo” Ba Nhàn viên mãn những ngày cuối đời trên hòn Ụ.

Nghe lời giới thiệu của cư dân bản địa, lữ khách như chúng tôi càng thêm ấm lòng giữa chốn biển khơi mênh mông nước. Từ ngày hòn Ụ có Ba Nhàn, những hoang đảo ở xã Tiên Hải cũng bớt đi hiu quạnh. Từ đó, một số hòn như: Hòn Giang, hòn Đước đã có dấu chân con người đến khai hoang lập địa. Họ không ai khác chính là con cháu của Ba Nhàn, hay những dân chài vì ngưỡng mộ, khâm phục ý chí của lão mà dấn thân khai khẩn.

Chúng tôi đặt chân lên đảo, một đám trẻ lít nhít ồ ra, giới thiệu là cháu của Ba Nhàn, rồi lăng xăng dẫn đường đến nhà lão. Lão ở một mình trong căn nhà nhỏ tận mũi phía Nam của hòn. Khoảng 10 phút lội bộ theo con lạch rợp bóng cây xanh là thấy căn lều Ba Nhàn hiên ngang giữa đám dừa rợp bóng, bao quanh đầy cây hoang dại, chỉ chừa một lối vào. Không gian tĩnh lặng đến nỗi nghe được tiếng thì thầm của côn trùng ngúc khoáy dưới lòng đất.

Ba Nhàn mình trần bóng nhẫy đang đong đưa cánh võng đọc sách, cuốn sách cũ kỹ, có vẻ như chủ nhân nghiền ngẫm nhiều lần. Nghe tiếng bước chân, lão nhoài người, nheo mắt rồi đứng phắt dậy nắm tay từng người. Lão đãi chúng tôi bằng những chén rượu ngâm rễ cây đỏ au thơm lừng. Mỗi tiếng cười, mỗi lời hỏi thăm lão lại "cụng" một cái, lão uống rượu như người ta uống nước.

Cao hứng, lão chồm dậy lấy chiếc đàn trên liếp phên, vừa gảy vừa "xử" luôn bài Dạ cổ Hoài lang. Ba Nhàn bảo rằng, câu chuyện khai đảo của lão nếu kể một hai ngày thì chỉ phản ánh được một góc nhìn rất nhỏ trong quãng thời gian hơn nửa thế kỷ bám trụ hòn đảo "mồ côi". Khi cuộc sống đã bớt khốn khó, con cháu đề huề, thì lão vẫn một mình "ngự" ở đảo và coi đó là khoảng trời riêng của mình.

Ba Nhàn tên thật là Ngô Văn Tỵ (SN 1932), quê gốc ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Nhà có truyền thống cách mạng, cha đi chống Pháp, chống Mỹ. Ông sinh được 4 người con, một người mất tích từ hồi tập kết ra Bắc, người hi sinh, người nữa lạc bên Campuchia đến nay vẫn biền biệt, cuối cùng còn mỗi Ba Nhàn. Ngày Mỹ - ngụy tràn về làng, Ba Nhàn tham gia du kích xã, vác súng tham gia đánh mấy trận với bọn địch. Sau này con cái đông, sợ không bảo vệ được, lão phải dắt vợ và đàn con bỏ xứ, chạy dạt lên Hà Tiên rồi theo ghe thuyền đánh lưới ra quần đảo Hải Tặc.

Thiên nhiên hoang dã ở đảo Hòn Tre.

2.Đó là vào đầu năm 1963, lúc ấy tình hình chiến sự miền Nam gay go quyết liệt, dân tình loạn lạc khắp nơi. Do ở đảo hoang nên gia đình lão không bị lính dòm tới, được yên ổn sống. Hòn Ụ ngày đó chỉ có cây rừng và đất hoang, còn đầy rắn, rết và những loài chim biển to như đại bàng trú ngụ.

Đêm đến, chúng hú gọi nhau nghe rùng rợn, ai yếu vía sẽ chẳng tài nào ngủ được. Ba Nhàn dựng tạm căn lều bằng lá cây, vách cũng bằng cây chẻ dập ra. Đất ở hòn Ụ không màu mỡ, nhưng đủ để trồng các loài cây ăn trái, lại nhiều bãi rất thuận tiện cho con người định cư. Vấn đề khó khăn và nan giải nhất là nước ngọt, đào bới khắp đảo không nơi nào có nước ngọt, muốn có phải bơi vào đất liền.

Vợ con Ba Nhàn khóc lóc đòi vào đất liền nhưng lão quyết tâm ở lại, bởi đã dứt áo ra đi thì quay vào cũng trở thành ăn mày dĩ vãng thôi. Vật vã sống trong cảnh quý nước hơn vàng, tưởng như không thể cầm cự thêm được nữa thì một ngày, đàn lợn đã cứu sống cả gia đình đang cùng quẫn vì thiếu nước. Lão kể: "Năm đó mùa hạn kéo dài, trời xanh ngăn ngắt không một gợn mây, cỏ cây trên đảo khô héo, đàn heo tìm nơi đất ẩm để đằm mình. Khi đi đuổi heo về, tôi tình cờ phát hiện nơi đàn heo nằm có vạt đất ẩm ướt, tôi đưa chân dụi thì đất rỉ nước. Tôi mừng rỡ chạy về mang cuốc ra xắn mấy nhát xem sao, không ngờ có nước thật. Không những có nước mà còn rất nhiều, vợ con tôi ai nấy vỡ òa hạnh phúc".

Vậy là cái giếng đầu tiên ở phía Nam hòn Ụ được đào, dân chúng các hòn lân cận chèo thuyền sang lấy nước tấp nập như đi hội. Đảo hoang giữa biển có một mạch nước ngọt trong vắt, ngọt lử, không bao giờ cạn, như báu vật thần biển ban tặng con người. Ba Nhàn trở thành người có công khai phá "nguồn sống" trên đảo hoang. Từ ngày có nước, Ba Nhàn và vợ con làm việc không ngơi nghỉ, số lượng heo không ngừng tăng lên, đất hoang xanh mướt màu rau quả, mồ hôi rỏ xuống cây trái đâm chồi.

Cuộc sống thay da đổi thịt, con người phấn chấn không phải lo nghĩ đến chuyện thiếu thốn nữa. Vợ chồng Ba Nhàn đẻ “xả phanh”, đẻ đến đứa thứ 14 thì dừng. Cũng không phải "kế hoạch" gì mà là vợ lão hết khả năng. Đàn con của vợ chồng lão ăn cá biển, rau vườn, uống nước trời nên hồn nhiên lớn lên, đứa nào cũng khỏe mạnh, vạm vỡ sóng gió. Chúng thiệt thòi hơn trẻ em đất liền khoản chữ nghĩa, học hành; còn lại sức khỏe thì vô biên.

Để con không mù chữ, Ba Nhàn vận dụng kiến thức từ thời Việt Minh lão được đi học, làm thầy bất đắc dĩ của đàn con. Đàn con của lão tập hợp lại cũng đủ một lớp, ngày làm việc, đêm về chong đèn dạy chữ, lão dạy đến lúc biết đọc, biết viết, tính toán thì cho "ra trường".

Hàng dừa xanh rì bao quanh hòn Ụ.

Con trai ngoài hai mươi là vào đất liền tìm vợ, con gái qua 18 là có trai đảo bên cạnh sang tán. Đến nay, vợ chồng lão đã có gần một trăm đứa cháu nội ngoại, có đến cháu đời thứ 4 rồi. Ở hòn Ụ bây giờ con nít đông như nhà trẻ, thanh niên xồn xồn cũng đếm mỏi mắt, tất cả đều là con cháu lão.

Lão lắc lắc chai rượu, vuốt chòm râu cười sảng khoái đúng chất ông già Nam bộ: "Ở đây tui kiếm được mấy loại thảo dược ngâm rượu uống tối ngày. Sức khỏe khỏi chê, không bao giờ phải đi bệnh viện. Mà cỡ tôi lúc nào "đi" là "đi" chứ không có chuyện nằm thở ôxy đâu".

Ngoài tự chữa bệnh cho cả gia đình, lão còn mách nhiều bài thuốc lá rất hay cho dân đi biển mang theo phòng thân. Nhiều người từ đất liền vào hòn Ụ xin bài thuốc của lão về chữa bệnh, lão đều nhiệt tình tư vấn, cho mang về chứ không bao giờ lấy một xu. Lão tâm sự: "Hòn nhỏ vậy hen, nhưng nhiều cây thuốc quý lắm. Nếu sốt rét thì uống cây thù lù, cảm sốt có cỏ xước, nếu ho đàm có cây cam thảo đất, cỏ chầu , lá chanh… chúng tôi ăn nằm giữa vườn thuốc Nam ấy chứ".

Thế hệ thứ hai, thứ ba trong gia tộc nhà lão đã có vài người thành đạt trong đất liền. Chúng muốn đón lão ra sống để hưởng tuổi già nơi phố xá văn minh, để có chết thì cũng biết đến xã hội bên ngoài nó như thế nào. Nhưng lão không chịu, lão nhất quyết từ chối.

Lão bảo: "Tao sống ở đây sướng như một ông vua, ăn đồ sạch, uống nước sạch, hưởng khí trời trong lành. Đất ở đây ngấm vào từng mạch máu của tao rồi, tao bỏ đi sao đành". 

Lão đã từng vào Hà Tiên nhưng chỉ được một ngày là hết chịu nổi bởi tiếng xe chạy, người đông. Lão trốn con cháu phi lên tàu về lại đảo. Quả thật, có nghe lão nói chuyện mới cảm được tình yêu lão dành cho hòn đảo này, nó "dính" vào người lão như tay với chân, hễ đi là nhớ.

Hơn 80 tuổi, nhưng lão còn nhanh thoăn thoắt, cơ bắp cuồn cuộn, lão vẫn vác dao ra vườn chặt cây, vẫn khuân bê những sọt trái cây nặng trĩu. Cứ mỗi chiều, lão ra bãi cát trước nhà, hứng những luồng gió mát lùa vào từ biển, rồi lao mình xuống nước vẫy vùng thoả thê. Với lão, biển cho cá tôm, đảo che chở gia đình nên tình yêu dành cho nơi này không thể đong đếm được.

Ngọc Thiện - Kỳ Phương
.
.
.